Brazil: Xây dựng cáp internet xuyên đại dương chống tình báo Mỹ

Thứ Hai, 24/11/2014, 17:20

Tuyến cáp ngầm dài 5.632km xuyên Đại Tây Dương từ thành phố cảng Fortaleza, đông bắc Brazil đến thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha nằm dưới sự giám sát của Công ty Viễn thông Telecomunicacoes Brasileiras SA - gọi tắt là Telebras - do Nhà nước Brazil quản lý với mục đích chống bị Mỹ theo dõi. Mặc dù, các nhà cung cấp của Telebras bao gồm cả các công ty Mỹ như là Cisco Systems Inc., song Chủ tịch Telebras - Francisco Ziober Filho - tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng dự án cáp được xây dựng mà không có sự tham gia của bất kỳ công ty Mỹ nào.

Ziober phát biểu: "Vấn đề bảo đảm sự toàn vẹn của dữ liệu và điểm yếu dễ bị tấn công luôn là mối lo ngại hàng đầu của bất cứ công ty viễn thông nào". Những tiết lộ từ Edward Snowden đã thúc giục Telebras tăng cường một số biện pháp kiểm tra an ninh đối với thiết bị do nước ngoài chế tạo đồng thời nhanh chóng hướng đến sự phát triển công nghệ trong nước.

Nigel Glennie, người phát ngôn của Công ty Cisco có trụ sở tại San Jose bang California (Mỹ), từ chối bình luận về dự án cáp xuyên Đại Tây Dương của Telebras. Tháng 11/2013, Giám đốc điều hành Cisco John Chambers khẳng định hoạt động gián điệp của NSA đã khiến cho nhiều khách hàng quốc tế "do dự" khi mua công nghệ Mỹ.

Với các dự án mới trong lĩnh vực viễn thông trên thế giới được xây dựng nhằm chống lại tình báo Mỹ, đây là cơ hội kiếm tiền cho các nhà cung cấp không phải của Mỹ - như là Alcatel-Lucent của Pháp và TE Connectivity Ltd. của Thụy Sĩ.

Trụ sở Telebras ở Brasilia, thủ đô Brazil.

Theo đánh giá từ Tổ chức nghiên cứu chính sách Information Technology & Innovation Foundation trụ sở tại Washington, các công ty công nghệ Mỹ có thể mất đến 35 tỉ USD thu nhập vào năm 2016 do sự nghi ngờ của khách hàng quốc tế về tính an ninh đối với các sản phẩm của họ. Tuyến cáp ngầm mới của Brazil được coi là "dự án hoàn hảo để không phụ thuộc vào Mỹ" - theo nhận xét từ nhà phân tích Bill Choi của Công ty môi giới dịch vụ tài chính Janney Montgomery Scott. Trong khi Microsoft Corp. và Verizon Communications Inc. đánh mất một số hợp đồng ở Brazil và Đức, thì Cisco báo cáo số đơn đặt hàng của công ty từ những thị trường mới nổi đã giảm sút rõ rệt.

Lee Doyle, chuyên gia phân tích của Công ty tư vấn Doyle Research, nhận định, nguy cơ lớn nhất mà các công ty Mỹ sẽ phải đối mặt là họ bị loại bỏ khỏi các dự án viễn thông mới trên thế giới. Theo  Lee Doyle, "tâm lý chống Mỹ là rất cao và hiện thực" tại một số quốc gia trên thế giới như: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Dự án cáp xuyên Đại Tây Dương của Brazil.

Brazil là "nỗi đau thua cuộc" lớn nhất của các công ty công nghệ thông tin Mỹ do nền kinh tế lớn hàng thứ 7 trên thế giới này từ lâu luôn ưu tiên mua sản phẩm của họ. Sau những tiết lộ gây choáng váng từ Edward Snowden năm 2013, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff bắt đầu kết thúc các hợp đồng của nước này với dịch vụ email Outlook của Microsoft, nhằm mục đích "đề phòng hoạt động gián điệp có thể xảy ra".

Brazil hiện đang chuyển sang hệ thống email gọi là Expresso được phát triển bởi Công ty Servico Federal de Processamento de Dados, gọi tắt là Serpro. Dịch vụ email Expresso của Serpro hiện đang được sử dụng tại 13 trong số 39 cơ quan cấp bộ của Brazil. Marcos Melo, điều phối viên của Serpro, khẳng định: "Expresso nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi 100%".

Năm 2013, Tổng thống Rousseff ký một sắc lệnh yêu cầu các bộ và cơ quan chính quyền chỉ sử dụng các dịch vụ công nghệ được cung cấp bởi các công ty nhà nước hay do nhà nước sở hữu một phần. Thời kỳ chuyển tiếp "vì sự bảo đảm an ninh quốc gia" phải nằm dưới sự giám sát của các bộ quốc phòng, thông tin, kế hoạch và tài chính. Dự án cáp ngầm từ Fortaleza đến Bồ Đào Nha sẽ thúc đẩy các công ty Brazil phát triển. 

Tổng thống Rousseff phát biểu trong cuộc họp báo ngày 20/10 rằng những tuyến cáp ngầm quốc tế luôn là mục tiêu cho hoạt động gián điệp. Bà Rousseff cũng cho biết, sau dự án cáp xuyên Đại Tây Dương, Brazil sẽ nghiên cứu xây dựng các mạng kết nối trực tiếp đến châu Phi và châu Á bởi vì "đó là chiến lược rất quan trọng cho đất nước".

Telebras cũng thông báo sắp tới công ty chỉ là đối tác với các công ty châu Âu, châu Á và trong nước. Tháng 1/2014, Francisco Ziober đã tuyên bố rằng, Telebras sẽ hợp tác với Công ty Islalink Submarine Cables SL có trụ sở tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Dự án cáp ngầm xuyên Đại Tây Dương dự kiến sẽ khởi động xây dựng vào nửa đầu năm 2015 và được đưa vào hoạt động 18 tháng sau đó.

Ziober cho biết, cuộc cạnh tranh cho dự án cáp xuyên Đại Tây Dương có thể cũng bao gồm cả các nhà cung cấp châu Á và châu Âu như Huawei Technologies Co. (Trung Quốc), Alcatel-Lucent (Pháp) và Ericsson AB (Thụy Điển)

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.