Brazil giở lại trang sử đen sau 50 năm

Thứ Năm, 17/04/2014, 08:30

Ngày 31/3 vừa qua, Brazil kỷ niệm 50 năm cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền thiên tả. Một cuộc tranh luận nổ ra trên toàn quốc về những tội ác của chế độ độc tài quân phiệt, về công lý cho nạn nhân chế độ đó, và về tình trạng bạo lực của cảnh sát đối với dân thường. Đồng thời, vai trò của Mỹ cũng được nhắc lại để củng cố thêm bằng chứng về một thời can thiệp của Washington trong khu vực “sân sau”.

Kẻ thù của thành phần cực hữu

Thời kỳ độc tài quân phiệt của Brazil bắt đầu từ sau cuộc đảo chính ngày 31/3/1964, do quân đội Brazil thực hiện nhằm lật đổ Tổng thống Joao "Jango" Goulart.

Theo các tài liệu cũ, mầm mống đảo chính đã bắt nguồn từ khi ông Joao "Jango" Goulart được bầu làm Phó tổng thống dưới thời Tổng thống Jânio Quadros vào năm 1961. Ngay sau khi vừa nhậm chức, Tổng thống Quadros đã phải từ chức do một động thái chính trị vụng về.

Theo Hiến pháp thì Goulart sẽ đương nhiên là người kế vị ông Quadros. Tuy nhiên, do Goulart có tư tưởng dân tộc cởi mở, có cảm tình với các quốc gia thuộc khối xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ, nên các thế lực dân tộc chủ nghĩa cực đoan, chủ yếu là quân đội, cáo buộc ông là "cộng sản", vì thế không chấp nhận Goulart.

Một khuyến nghị đã được tư lệnh 3 quân chủng của quân đội Brazil trình lên Quốc hội để ngăn chặn Goulart kế vị, nhưng đã bị Quốc hội phủ quyết. Cuối cùng đôi bên đưa ra một thỏa hiệp: Brazil sẽ theo chế độ nghị trường, thay vì chế độ tổng thống như trước đây, còn Goulart sẽ được làm Tổng thống, và sẽ được gọi là Người đứng đầu Nhà nước (nguyên thủ quốc gia) và quyền hạn đối với chính phủ cũng hạn chế hơn. Tuy nhiên, đến năm 1963, Goulart đã tái lập thành công chế độ tổng thống bằng một cuộc trưng cầu dân ý.

Mặt khác, bối cảnh chính trị quốc tế lúc đó (Chiến tranh lạnh) cũng góp thêm "gió" cho “cơn bão” đảo chính sắp diễn ra. Goulart ngày càng tỏ ra thiên tả, công khai ủng hộ phe xã hội chủ nghĩa, chỉ trích Mỹ xâm lược Cuba trong sự kiện Vịnh Con Lợn… khiến ông trở thành "cái gai" trong mắt diều hâu Washington.

Khoảng thời gian từ khi lên nắm quyền đến đầu năm 1964 được đánh dấu là "bản lề" quan trọng dẫn đến cuộc đảo chính. Tổng thống Goulart phát động một chương trình cải cách xã hội rộng rãi trong các lĩnh vực như giáo dục, thuế, đất đai, bầu cử...

Trong bài phát biểu ngày 13/3/1964, Goulart tiến thêm một bước, hứa hẹn đưa ra những cải cách quyết liệt hơn nữa, như quốc hữu hóa các nhà máy lọc dầu, cũng như những "thay đổi căn bản" trong xã hội. Với những động thái ông đã thực hiện trong vài năm trước đó, lời tuyên bố của Goulart ngay lập tức khơi dậy nỗi sợ hãi trong hàng ngũ thành phần dân tộc cực đoan, đồng thời gây chú ý mạnh ở Washington.

Ngày 19/3/1964, hàng trăm ngàn người ở Sao Paulo đã tham gia phong trào biểu tình tuần hành Gia đình đồng hành với Chúa vì Tự do (MFDL) chống chương trình cải cách xã hội của Tổng thống, do một nhóm cực hữu tên là Faca da Sé tổ chức. Cuộc biểu tình khiến quân đội tin rằng họ có thể lật đổ Tổng thống Goulart mà không gây nên nội chiến. Và cuộc đảo chính đã được quân đội tiến hành vào ngày 31/3 với cái cớ là Tổng thống Goulart trấn áp một cuộc nổi dậy "bất tuân lệnh" của khoảng 2.000 thủy thủ hải quân.

Ngày 1/4, Tổng thống Goulart phản công bằng lực lượng ủng hộ mình nhưng không đủ sức lật ngược thế cờ, đành chọn giải pháp lưu vong sang Uruguay, rồi sau đó qua Argentina và qua đời tại đây vào năm 1976.

Tổng thống Joao Goulart thời đương chức.

Tuy không xảy ra nội chiến gay gắt, nhưng cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài quân phiệt, khôi phục chế độ dân chủ của lực lượng cánh tả đã dẫn đến nhiều vụ đàn áp dã man của cảnh sát, đặc vụ. Trong giai đoạn đen tối chung của khu vực Mỹ Latinh, hàng loạt quốc gia chìm trong chế độ cai trị bằng bàn tay sắt của quân đội, Brazil được xem là "nhẹ nhàng" nhất.

Trong 21 năm dưới chế độ độc tài quân phiệt, số người được xem là bị giết chết chỉ khoảng 400 người, bên cạnh hàng trăm ngàn người khác bị bắt giam và tra tấn trong các nhà tù được dựng lên khắp Brazil.

Vai trò của Washington

Các tài liệu giải mật vào năm 2004 cho thấy, Washington có cái nhìn không thiện cảm đối với Tổng thống Goulart bởi vì ông giữ lập trường chính trị độc lập, có thái độ thiện cảm, có quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa, thậm chí bênh vực Cuba, chỉ trích Mỹ trong sự kiện Vịnh Con Lợn và chính sách cấm vận Cuba.

Goulart còn bị Washington cáo buộc là theo đường lối "cộng sản" khi bổ nhiệm nhiều cán bộ cấp cao là người của đảng Cộng sản Brazil, đồng thời tung ra các cải cách kinh tế - xã hội sâu rộng, quốc hữu hóa một số ngành, hạn chế các công ty nước ngoài chuyển tài chính về nước.

Người trực tiếp đóng vai trò can thiệp vào cuộc đảo chính lật đổ ông Goulart chính là Đại sứ Mỹ tại Brazil Abraham Lincoln Gordon (1961-1966). Cho rằng Tổng thống Goulart ngày càng chuyên quyền và hợp tác với đảng Cộng sản Brazil, Đại sứ Lincoln Gordon đánh một bức điện tuyệt mật đề ngày 27/3/1964 gửi về Washington thúc giục chính quyền của Tổng thống Lyndon Johnson nhanh chóng hỗ trợ phe đối lập làm đảo chính.

Thế là một kế hoạch tuyệt mật đã được vạch ra nhằm ngăn chặn một chính phủ đi theo đường lối thiên tả, được Đại sứ Lincoln Gordon mô tả là sẽ tạo nên một "Trung Quốc thứ hai" ở khu vực Mỹ Latinh. Theo kế hoạch, CIA được giao bí mật tổ chức biểu tình trên đường phố, hỗ trợ các lãnh đạo đối lập, các nhóm cực hữu, nhà thờ biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Goulart.

Quân đội Brazil chuyển quân về thủ đô trong cuộc đảo chính 31/3/1964.

Song song đó, Tổng thống Johnson, Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara cũng đã ra lệnh chuẩn bị một hải đội gồm 1 tàu sân bay (USS Forrestal), 6 tàu khu trục (2 tàu có tên lửa dẫn đường), tàu vận tải chở vũ khí (khoảng 110 tấn vũ khí, đạn dược các loại), tàu chở khí CS,… tất cả sẵn sàng lên đường vào ngày 10/4, dự định xâm nhập Brazil dưới vỏ bọc là "tập trận". Rốt cuộc, số vũ khí đó có đến Brazil hay không, các tài liệu không nhắc tới.

Nhưng vào năm 1976, ông Lincoln Gordon có kể lại rằng "chính quyền Johnson đã chuẩn bị sẵn sàng can thiệp quân sự để ngăn chặn cánh tả nắm lấy chính quyền", nhưng ông cũng không nói rõ là chính quyền Johnson thực tế "đã can thiệp hay chưa".

Đi tìm công lý cho các nạn nhân

Ngày kỷ niệm 50 năm cuộc đảo chính 31/3/2014 không có nghi thức chính thức nào để tưởng nhớ các nạn nhân chế độ độc tài, chủ yếu chỉ là sự hồi tưởng của những người còn sống và tưởng nhớ những người đã chết.

Trong buổi họp báo nhân ngày kỷ niệm 31/3, Tổng thống Dilma Rousseff đã phát biểu trước báo chí trong và ngoài nước, nhưng bà chỉ nhấn mạnh về việc tưởng nhớ những người đã chết và mất tích, những người bị tra tấn và hành quyết, đồng thời lên tiếng nói về những việc đã xảy ra. Bộ trưởng Tư pháp Jose Eduardo Cardozo đã đưa ra một lời xin lỗi chính thức với các nạn nhân chế độ độc tài quân phiệt. Tuy nhiên, việc Chính phủ Brazil có quyết liệt đưa những kẻ gây tội ác ra trước pháp luật, mang lại công lý cho những nạn nhân hay không cũng đang là đề tài tranh luận trong cả nước Brazil.

Bản thân bà Tổng thống Rousseff cũng từng tham gia một nhóm du kích cánh tả, rồi bị bắt và bị tra tấn bởi các cảnh sát mật vụ của chính quyền quân phiệt, nhưng cho đến nay bà vẫn tiếp tục im lặng về sự việc của bản thân mình. Nhiều người chỉ biết kêu rằng họ từng bị tra tấn, rằng Brazil đã chìm trong một "đêm dài đen tối" của chế độ độc tài quân phiệt, nhưng không một ai đứng ra tố cáo tội ác. Các quan chức thời chính quyền quân sự liên tục biện hộ cho hành động của mình, trong khi Ủy ban Sự thật Quốc gia của Brazil thì dường như bất lực.

Trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Sự thật vào tháng 2/2014, cựu đại tá Paulo Malhaes đã công khai thừa nhận đã từng tra tấn, giết hại và phanh thây các du kích quân cánh tả và "khoe" rằng làm như thế mới dẹp được sự chống đối, phản kháng của du kích quân.

Vì sao những kẻ gây tội ác như cựu đại tá Malhaes lại ung dung khoe khoang về "thành tích" giết người như thế? Câu trả lời là vào năm 1979, chính quyền quân phiệt "lo xa" nên đã ban hành một đạo luật ân xá, theo đó miễn truy tố tất cả các cá nhân tham gia đàn áp, bắt bớ, tra tấn và giết hại các du kích kháng chiến cánh tả.

Vì thế, dư luận đang đòi hỏi Chính phủ Brazil hiện tại phải có hành động để chấm dứt hiệu lực của đạo luật sai trái này, để công lý được trả về cho những nạn nhân

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.