Bùng nổ thị trường công nghệ gián điệp

Thứ Ba, 10/01/2012, 06:40

Một thập niên sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, thế giới bắt đầu bùng nổ thị trường công nghệ gián điệp. Mọi nhu cầu gián điệp đều có thể được thỏa mãn: từ những công cụ giúp các chính quyền xâm nhập máy tính và điện thoại di động của cá nhân đến kỹ thuật thu thập thông tin về mọi giao tiếp trên internet.

Theo đánh giá của Jerry Lucas, Chủ tịch TeleStrategies Inc., trong những năm gần đây thị trường bán lẻ những công cụ gián điệp đã nhảy vọt từ "gần số 0" đến khoảng 5 tỉ USD một năm! Andrew McLaughlin, người vừa mới rời khỏi chức vụ Phó trưởng Ban công nghệ của Nhà Trắng, cho biết Trung Đông và các quốc gia châu Phi là khách hàng chủ yếu của thị trường công nghệ gián điệp.

Theo tiết lộ của báo chí phương Tây, trong năm 2011, một trung tâm giám sát Internet ở Libya sử dụng công nghệ theo dõi của một công ty Pháp, và phần mềm của Công ty Gamma International UK Ltd (Anh). cũng được sử dụng ở Ai Cập để nghe lén các cuộc nói chuyện giữa những người chống đối chính quyền trên dịch vụ điện thoại trực tuyến Skype.

Còn trong tháng 10/2011, một công ty Mỹ cung cấp thiết bị giám sát Internet cho Syria. Các công ty cho biết họ chỉ sản xuất và bán công nghệ gián điệp cho các chính quyền nhằm mục đích phòng chống tội phạm, và họ luôn tuân thủ luật pháp nhưng không chịu trách nhiệm về việc công cụ của họ được chính quyền các nước sử dụng như thế nào.

TeleStrategies là đơn vị đứng ra tổ chức những hội nghị về công nghệ gián điệp ISS World trên toàn thế giới - trong đó một hội nghị được tổ chức gần Washington D.C., chủ yếu phục vụ cho Mỹ, Canada, vùng Caribbea và Mỹ Latinh. Còn Hội nghị ISS World diễn ra hàng năm tại Dubai từ lâu là cơ hội cho những quốc gia Trung Đông tiếp xúc với các công ty phương Tây để đặt mua những kỹ thuật gián điệp.

Nhiều công nghệ tiên tiến được giới thiệu trong hội nghị đều có khả năng giám sát trên diện rộng, tức có thể bí mật thu thập lượng dữ liệu khổng lồ. Ví dụ, Công ty Telesoft Technologies Ltd (Anh). giới thiệu sản phẩm của họ giúp nghe lén được cùng lúc nhiều cuộc trò chuyện từ các mạng cố định hay di động.

Dịch vụ Skype thường bị nghe lén.

Công nghệ được giới thiệu trong Hội nghị ISS World gây tranh cãi nhiều nhất là những công cụ giúp chính quyền xâm nhập máy tính và điện thoại di động cá nhân để bí mật thu thập dữ liệu. Theo Orin Kerr, Giáo sư Khoa luật Đại học George Washington và cựu quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, mặc dù những kỹ thuật xâm nhập máy tính người khác nói chung là bất hợp pháp ở Mỹ, song cơ quan thực thi pháp luật có thể sử dụng chúng nếu có giấy phép.

Trên thế giới hiện nay có ít nhất 3 công ty công nghệ cao - Vupen Security SA của Pháp, HackingTeam SRL của Italia và Gamma International của Anh - chào bán những kỹ thuật vốn được sử dụng trong "malware" - phần mềm độc hại thường được bọn tội phạm sử dụng để đánh cắp thông tin tài chính hay bí mật đời tư của người khác. Nhưng Marco Valleri, Giám đốc an ninh ở HackingTeam của Italia, tuyên bố sản phẩm của công ty tuân thủ luật pháp của quốc gia khách hàng và yêu cầu chính quyền nước này cam kết bằng văn bản không cung cấp sản phẩm cho những quốc gia bị cấm.

Gamma International giới thiệu sản phẩm mạnh mẽ "FinFisher" của họ cho phép theo dõi mọi cuộc giao tiếp bao gồm văn bản, email và BlackBerry Messenger. Tại Hội nghị ISS World, tài liệu quảng cáo FinFisher - được trình bày bằng tiếng Anh, Arập và các ngôn ngữ khác - cho phép gián điệp việc sử dụng các thiết bị và phần mềm của Apple, Microsoft và Google Inc. v.v…

Hình ảnh kỹ thuật số giới thiệu cách hoạt động của FinFisher.

Người phát ngôn của Google không bình luận về FinFisher song tuyên bố không dung thứ mọi sự lạm dụng các dịch vụ của họ. Còn Apple giới thiệu hệ thống update an ninh có khả năng ngăn chặn cuộc tấn công theo kiểu FinFisher.

Các tài liệu tình báo được phát hiện ở Ai Cập vào đầu năm 2011 cho thấy chính quyền nước này mua được FinFisher của Gamma International với giá khoảng 560.000 USD. Nhưng hồi tháng 4/2011, luật sư của Công ty Gamma tuyên bố không hề bán các sản phẩm của công ty cho chính quyền Ai Cập. Cũng như phần đông những công ty khác, Gamma International từ chối tiết lộ danh sách khách hàng viện dẫn sự ràng buộc của các cam kết bí mật. Trong khi đó, những nhóm bảo vệ tính riêng tư kêu gọi những nhà sản xuất công nghệ cao cần minh bạch hơn trong các hoạt động của họ.

Eric King thuộc tổ chức phi lợi nhuận Privacy International của Anh cho biết, mạng lưới phức tạp những kênh cung cấp và công ty con liên quan đến thị trường kinh doanh sản phẩm công nghệ gián điệp cho phép từng công ty một liên tục đổ trách nhiệm sang phía khác.

Trong những cuộc phỏng vấn ở Dubai, CEO của các công ty trả lời họ luôn được cảnh báo sản phẩm của họ có thể bị các “khách hàng” lợi dụng để giám sát dân thường nhưng họ không thể kiểm soát sản phẩm được sử dụng như thế nào sau khi bán ra

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.