CIA chuẩn bị giảm bớt sự hiện diện ở Iraq

Thứ Sáu, 22/06/2012, 11:30

Theo tiết lộ của một số quan chức, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đang chuẩn bị giảm bớt sự hiện diện tại Iraq, với số nhân viên còn lại chưa đến một nửa so với thời chiến tranh. Đây được coi là phản ứng của CIA trước làn sóng chống đối sự hiện diện của người Mỹ đang gia tăng tại Iraq.

Theo kế hoạch, CIA sẽ giảm 40% nhân lực so với thời chiến tranh, khi mà Baghdad được coi là tiền đồn CIA lớn nhất thế giới với hơn 700 điệp viên, phần lớn làm việc trong Vùng Xanh của Baghdad.

CIA đã có kế hoạch giảm bớt số điệp viên ở Iraq ngay giữa đỉnh điểm cuộc chiến tranh ở nước này, song vào 6 tháng sau khi quân đội Mỹ bắt đầu rút quân dần thì số nhân viên CIA rời khỏi Iraq ngày càng nhiều. Theo tiết lộ của một số quan chức Mỹ, CIA muốn sử dụng điệp viên một cách hiệu quả hơn ở các khu vực khác, bao gồm những điểm nóng về khủng bố như Yemen, hang ổ của Al-Qaeda, và Mali, một quốc gia Tây Phi đang trong tình trạng bất ổn gây lo ngại cho Washington. Ngoài ra, CIA cũng giảm bớt sự hiện diện của tình báo Mỹ ở Syria, quốc gia đang trên bờ vực của cuộc nội chiến.

Ngoài việc giảm bớt nhân viên CIA ở Iraq, Washington còn hạn chế những sứ mạng ngoại giao và huấn luyện ở nước này.

Theo chiến lược an ninh mới của chính quyền Tổng thống Barack Obama, Mỹ sẽ rút dần khỏi những cuộc chiến trên mặt đất và hướng đến những chiến dịch nhỏ hơn kết hợp các khả năng tình báo và chiến dịch đặc biệt.

Trong khi đó, chính quyền Iraq - kể cả cơ quan tình báo nước này - cũng đang cố gắng giảm bớt sự hợp tác chống khủng bố với Mỹ nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia của mình. Những người ủng hộ kế hoạch cắt giảm nhân viên của CIA cũng cho rằng Al-Qaeda ở Iraq không đặt ra mối đe dọa trực tiếp đến nước Mỹ. Mặc dù vậy, Tổng thống Obama và Thủ tướng Nouri al-Maliki của Iraq cũng cam kết tiếp tục duy trì sự hợp tác về an ninh ở một giới hạn nào đó.

Cuối năm 2011, CIA và Lầu Năm Góc có kế hoạch triển khai các lực lượng đặc nhiệm hoạt động bí mật ở Iraq dưới sự kiểm soát của CIA, tương tự như sự sắp đặt trong cuộc đột kích tiêu diệt Osama bin Laden ở Pakistan. Nhưng sau khi quân đội Mỹ rút hết quân khỏi Iraq, chính quyền Baghdad không muốn Mỹ mở rộng các chiến dịch đặc biệt như thế trên lãnh thổ nước này. Điều đó có nghĩa là trong tương lai Mỹ sẽ khó có được nhiều thông tin về hoạt động (và đặc biệt là chiến thuật) của Al-Qaeda ở Iraq.

Thậm chí, Hassan Kokaz - Phó giám đốc Cơ quan Tình báo của Bộ Nội vụ Iraq - yêu cầu người Mỹ không được phép mặc quân phục cũng như phải qua kiểm tra an ninh trước khi bước vào trụ sở các cơ quan chính quyền của Iraq. Một yêu cầu khác nữa là, quan chức CIA phải có cuộc hẹn gặp trước với các quan chức Iraq, một điều chưa từng có trước đây.

Tướng Sarhad Qadir của lực lượng cảnh sát Iraq cho biết hiện nay ở thành phố Kirkuk miền Bắc nước này, cảnh sát đang mở chiến dịch truy lùng những chiến binh Al -Qaeda mà không cần đến sự hỗ trợ của biệt kích Mỹ hay điệp viên CIA nữa. Tuy nhiên, một sĩ quan an ninh cao cấp khác của Iraq cũng phải thừa nhận rằng, nước này còn thiếu một số khả năng kỹ thuật và do thám cần thiết.

Theo các quan chức Mỹ, dù CIA có giảm bớt số lượng điệp viên ở Iraq, song Baghdad trong tương lai vẫn còn là tiền đồn quan trọng của CIA bởi vì lực lượng Al-Qaeda ở Iraq luôn là mối đe dọa lớn trong khu vực. Theo Seth Jones, chuyên gia chống khủng bố của Rand Corp., Mỹ vẫn thấy lo ngại Al-Qaeda có thể sử dụng mạng lưới của chúng ở Iraq để gây mất ổn định cho các quốc gia khác trong khu vực đồng thời hà hơi tiếp sức cho các chiến binh người nước ngoài.

http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/phuonglien/22_nhan1170-450.jpg
Nhân viên công ty an ninh tư nhân Blackwater cùng sát cánh với CIA ở Iraq.

Mạng lưới Al-Qaeda ở Iraq cũng đang tổ chức những chiến dịch chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria khiến Washington trở nên lúng túng khi muốn giúp đỡ phe nổi dậy ở nước này. Theo đánh giá mới đây của Trung tâm Chống khủng bố quốc gia (NCTC) - Cơ quan thu thập và phân tích thông tin chống khủng bố cho cộng đồng tình báo Mỹ - những cuộc tấn công của Al- Qaeda ở Iraq có chiều hướng gia tăng mạnh sau khi Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch rút quân vào tháng 12/2011.

Các báo cáo tình báo Mỹ cũng cho thấy những cuộc tấn công của Al-Qaeda trong năm 2012 tăng 25 vụ mỗi tháng, so với trung bình 19 vụ mỗi tháng trong năm 2011. Nhưng, James Jeffrey, người sắp rời khỏi chức vụ đại sứ Mỹ ở Iraq, tuyên bố con số thống kê đó không đúng bởi vì thực tế cho thấy nội bộ Al-Qaeda ở Iraq đang trong tình trạng rối ren. 

Người ta cho rằng, CIA giảm bớt nhân lực ở Iraq trong thời gian tới do cơ quan này đang phải đối mặt với sự cắt giảm ngân sách lần đầu tiên từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Ngân sách hàng năm của CIA được cho là vào khoảng 5,5 tỉ USD.

Một số cựu quan chức CIA tin rằng, cơ quan phải cắt giảm nhân lực của mình đến một nửa do nhiều cơ sở quân sự Mỹ đóng cửa sau khi binh sĩ nước này rút khỏi Iraq. Tuy nhiên, CIA đang xem xét sẽ tiếp tục các chương trình bí mật ở Iraq như thế nào sau khi quân đội Mỹ rút quân, trong đó nhiều chương trình được triển khai vào hai năm 2007 và 2008 khi Giám đốc CIA David Petraeus còn chỉ huy lực lượng liên quân ở Iraq.

Hiện nay vấn đề lớn của quân đội Mỹ và CIA là làm thế nào để duy trì một số chương trình ISR (tình báo, giám sát và do thám) từ các căn cứ bên trong Iraq một cách hiệu quả sau khi binh sĩ và một số lớn điệp viên rời khỏi nước này.

Các khu vực ở Iraq được CIA đặc biệt quan tâm hiện nay bao gồm Anbar (vùng sa mạc miền Tây Iraq, cái nôi của Al-Qaeda ở Iraq), Basra (thành phố lớn thứ hai của Iraq được coi là hang ổ của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và chiến binh Shiite) và thánh địa Hồi giáo Najaf.

Lực lượng Mỹ và CIA cũng sử dụng lãnh thổ Iraq để tiến hành nhiều chương trình tình báo chống lại Iran và Syria. Do đó, Marissa Cochrane cho rằng, việc rút một lượng lớn điệp viên ra khỏi Iraq sẽ ảnh hưởng đến các chương trình chống khủng bố và tình báo của Mỹ trong khu vực.

Bà Marissa Cochrane là Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW), một cơ quan tư vấn có mối quan hệ chặt chẽ với David Petraeus và thế hệ mới của đội ngũ chuyên gia chống khủng bố

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.