CIA chuẩn bị tấn công Nga

Thứ Bảy, 29/10/2016, 19:45
Theo NBC News, CIA đang nghiên cứu chuẩn bị một cuộc tổng tấn công hệ thống mạng Internet ở Nga, kể cả hệ thống thư điện tử Điện Kremlin, để trả đũa cho một loạt vụ việc hacker Nga tấn công hệ thống thư điện tử đảng Dân chủ và việc Nga bị cáo buộc can thiệp, thao túng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

NBC News dẫn nguồn thông tin các quan chức tình báo cho biết, Nhà Trắng đã đưa ra lời yêu cầu CIA chuẩn bị sẵn một số phương án lựa chọn để xem xét. Chưa có thông tin rõ ràng những chiêu thức gì sẽ được sử dụng trong chiến dịch tấn công dự kiến, nhưng đã có một số thông tin ban đầu cho rằng chiến dịch tấn công sẽ được triển khai theo hướng làm cho ban lãnh đạo Điện Kremlin "bối rối".

Phó Tổng thống Joe Biden đã phát biểu trên chương trình truyền hình "Meet the Press" hôm 14-10 rằng việc Nhà Trắng yêu cầu CIA chuẩn bị tấn công mạng nhắm vào Nga là "gửi đi một thông điệp cho ông Putin" về việc "chúng tôi đang lựa chọn mục tiêu và trong những tình huống nhất định có thể gây ra tác động lớn".

Đô đốc về hưu James Stavridis chủ trương tấn công mạng để trả đũa Nga.

Đô đốc James Stavridis nói với NBC News rằng Mỹ nên tấn công vào khả năng kiểm duyệt Internet nội địa, kiểm soát các dòng giao tiếp Internet nội bộ của nước Nga để thu thập, nắm được những nội dung trao đổi giữa Tổng thống Putin với những phụ tá, người thân cận của ông, qua đó nắm được những nội dung thông tin bí mật và tung lên mạng truyền thông. Stavridis cho rằng, giữa Tổng thống Putin và một số tỉ phú giàu có ở Nga có sự giao dịch bí mật, dựa vào việc Hồ sơ Panama tiết lộ tài khoản của các tỉ phú Nga ở các thiên đường thuế nước ngoài.

Các quan chức Mỹ hiện đang quả quyết rằng những vụ hacker tấn công mạng máy tính Chính phủ Mỹ, đột nhập hộp thư điện tử của đảng Dân chủ và hộp thư cá nhân của bà Hillary Clinton thời bà làm Bộ trưởng Ngoại giao, và gần đây nhất là hộp thư cá nhân của Tổng thống Obama đều có bàn tay của tình báo Nga.

Đặc biệt, vụ việc một nghi can được xác định là người Nga tình nghi là hacker bị bắt tại Cộng hòa Séc hôm 18-10 vừa qua càng góp phần củng cố cơ sở cho các cáo buộc của chính quyền Mỹ rằng Nga đích thực có nhúng tay can thiệp, thao túng cuộc bầu cử ở Mỹ thông qua hoạt động của các hacker.

Tình báo CIA đang chuẩn bị một cuộc chiến "tay đôi" với Nga trên mạng Internet.

Chính vì thế, giới chức tình báo và chính quyền Mỹ càng tin rằng Mỹ nên có hành động tương tự nhằm cảnh báo cho nước Nga biết rằng hoạt động được xem là "tình báo mạng" có thể sẽ phải được đáp trả bằng hành động "tình báo mạng". Và đó là một cuộc chiến mới trên mặt trận mới.

Hiện CIA đã bắt đầu "mở cửa" chiến địa không gian ảo và lựa chọn mục tiêu đồng thời thực hiện các công tác chuẩn bị cho cuộc tấn công. Việc chuẩn bị kế hoạch tấn công Nga do một đội kỹ thuật viên tại Trung tâm Tình báo mạng của CIA thực hiện. Theo các quan chức tình báo, đội kỹ thuật viên này có lực lượng rất đông, lên đến hàng trăm người và được cấp ngân sách hàng trăm triệu USD. Kế hoạch được thiết kế nhằm bảo vệ hệ thống bầu cử của Mỹ và bảo đảm rằng các hacker Nga không thể can thiệp vào ngày bầu cử 8-11 tới. Một mục tiêu khác là cảnh báo người Nga rằng họ "đã vượt lằn ranh".

Giới chức tình báo Mỹ cho rằng việc Nhà Trắng yêu cầu CIA chuẩn bị các phương án tùy chọn cho một cuộc tấn công mạng nhắm vào nước Nga không phải là điều gì bất thường, càng không phải là chuyện mới mẻ gì. Việc này đã có từ lâu và được đưa ra với tần suất nhiều hay ít tùy thuộc vào "nhiệt độ" và độ căng trong quan hệ giữa hai nước. Trước đây, thường thì sau khi đưa ra yêu cầu và nghiên cứu các phương án khả thi mà CIA trình lên, Nhà Trắng đã thay đổi ý định vào phút chót và từ bỏ ý tưởng tấn công. Nguyên nhân được cho là do các phương án đều không mang tính khả thi cao hoặc không chứng minh được hiệu quả như mong muốn.

Tuy nhiên, Michael Morell, cựu Phó Giám đốc CIA bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch tấn công nước Nga của CIA. Ông Morell phân tích, việc tấn công vật lý vào các hệ thống mạng là điều Mỹ không thể làm vì không muốn tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho nhiều nước khác làm theo sau này, trong đó Mỹ cũng có thể trở thành nạn nhân. Ông Morell cho rằng Mỹ không nên hành động bí mật mà phải công khai, minh bạch để cho mọi người thấy tính "quang minh chính đại" của mình.

Một cuộc tranh luận cũng đang diễn ra giữa các quan chức chính quyền Mỹ về việc có nên phản công Nga qua mạng máy tính hay dùng các biện pháp truyền thống như cấm vận chẳng hạn. Nếu dùng phương án tấn công mạng để trả đũa, CIA sẽ phải chứng minh mình có đủ năng lực công nghệ để tham gia cuộc chiến với một đối thủ không hề đơn giản và có trình độ công nghệ thuộc hàng cao thủ nhất nhì thế giới.

Trong khi đó, mảng tình báo kỹ thuật số thường là lãnh địa của NSA, CIA chỉ chuyên về hoạt động bí mật. Trước đây, khi Mỹ tiến hành các hành động kỹ thuật số chống lại một số quốc gia như Nam Tư năm 1999, hay Iraq năm 2003, CIA cũng từng tham gia góp sức. Nhưng tình hình hiện nay cho thấy, NSA đang là lực lượng đi đầu trong cuộc chiến tình báo trên mạng Internet, còn CIA đang bị xem là tụt hậu so với các đồng nghiệp của mình. Do vậy trong chiến dịch này, CIA sẽ cần phải huy động cả sự hỗ trợ kỹ thuật của NSA, thậm chí cả Bộ Quốc phòng.

Một số cựu quan chức tình báo còn phân tích thêm rằng khi Mỹ "chơi tay đôi" với Nga trong cuộc chiến tình báo mạng, bình diện chung thì Mỹ có thể ưu thế hơn về phương tiện kỹ thuật và nguồn lực dồi dào, nhưng khi lâm trận thì không biết "mèo nào cắn mỉu nào".

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.