CIA giảm bớt sự hiện diện ở Afghanistan

Thứ Ba, 20/08/2013, 16:30

Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) bắt đầu cho đóng cửa các căn cứ mật ở Afghanistan đánh dấu sự khởi đầu của kế hoạch rút lui khỏi khu vực đã biến đổi cơ quan tình báo thời Chiến tranh lạnh thành một tổ chức chống khủng bố với sự triển khai các nhà tù bí mật, các đội bán quân sự và những chiếc máy bay vũ trang không người lái (drone) Predator. Sự rút lui của CIA khỏi Afghanistan cũng thể hiện bước ngoặt mới của cơ quan này nhằm chuyển mọi nguồn lực sang các khu vực bất ổn khác trên thế giới. Theo kế hoạch, số lượng các trạm CIA ở Afghanistan sẽ giảm bớt từ khoảng 10 xuống chỉ còn 6 cơ sở trong vòng 2 năm tới.

Theo giới chức cao cấp trong chính quyền và tình báo Mỹ, CIA đang đối mặt với một loạt những thách thức mới ngoài mối đe dọa của Al-Qaeda - như là những biến động lớn trong khu vực Trung Đông và việc chuyển giao vũ khí cho phe nổi dậy ở Syria. Hơn nữa, John O. Brennan, tân Giám đốc CIA, cũng muốn cơ quan tình báo dày dạn này quay trở lại với vai trò gián điệp truyền thống của mình.

Tuy nhiên, giới quan chức chính quyền Mỹ cũng cảm thấy bất an khi CIA vẫn còn muốn giữ lại "dấu vết" sau khi rút lui khỏi Afghanistan với bằng chứng là sự duy trì một trạm của cơ quan ở thủ đô Kabul nước này (được coi là lớn nhất thế giới) cũng như phi đội drone tiếp tục tuần tra vành đai bộ tộc của Pakistan. Hiện nay, thời hạn cũng như quy mô rút lui của CIA vẫn chưa có quyết định cuối cùng và còn tùy thuộc vào việc Tổng thống Barack Obama cho phép bao nhiêu binh sĩ Mỹ tiếp tục ở lại Afghanistan sau năm 2014.

Nguyên do là CIA dựa vào các căn cứ quân sự Mỹ và đồng minh trên khắp Afghanistan để làm cơ sở cho các hoạt động tình báo cũng như tạo lớp vỏ bọc cho các chiến dịch gián điệp của mình. Mặc dù có kế hoạch rút lui, song CIA cũng muốn tiếp tục củng cố mối quan hệ với Cơ quan Tình báo Afghanistan qua những gói tiền tài trợ cũng như sự huấn luyện.

Cách đây vài năm, CIA đã cho triển khai ở Afghanistan đội quân đông nhất của mình lên đến 1.000 sĩ quan, chuyên gia phân tích tình báo và nhân viên kỹ thuật nhằm hỗ trợ chiến tranh và săn lùng các thủ lĩnh Al-Qaeda bao gồm trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden. Kế hoạch rút lui của CIA cũng trùng hợp với những thay đổi nhân sự liên quan đến Afghanistan.

Những đứa trẻ nạn nhân của drone Mỹ.

Mới đây, CIA chỉ định một trưởng trạm mới ở Kabul và quyết định gây bất ngờ cho một số người bởi vì người này chủ yếu làm việc ở khu vực Mỹ Latinh mà trước đây chưa từng phục vụ ở Afghanistan. Vị trí quân sự cấp cao tại tổng hành dinh của CIA ở Langley, bang Virginia, cũng có sự thay đổi. Thiếu tướng quân đội Mỹ Tony Thomas từng phụ trách Lực lượng Chiến dịch đặc biệt ở Afghanistan được chỉ định làm Trợ lý Giám đốc CIA vào tháng 9 tới, thay thế cho tướng không quân chuyên môn về drone.

Ngoài trạm chính ở Kabul, CIA còn duy trì một nhóm các trạm địa phương khác - gọi là "big five" - ở Bagram, Kandahar, Mazar-e Sharif, Jalalabad và Herat. CIA cũng tin tưởng các "trạm cơ động" bao gồm một số ít điệp viên hoạt động tại các khu vực hẻo lánh ở Afghanistan. Các cơ sở được đóng cửa của CIA bao gồm cụm trạm nằm dọc theo biên giới Pakistan và các trạm ở Zabul, Paktika và Khost - những trạm phụ thuộc rất mạnh vào căn cứ quân sự Mỹ như là Forward Operating Base Chapman ở Khost, nơi 7 điệp viên CIA bị kẻ đánh bom liều chết sát hại năm 2009. Quyết định về hoạt động drone của CIA cũng tùy thuộc vào sự cắt giảm quân số Mỹ ở Afghanistan.

Trong những năm đầu tiên của chiến dịch drone, máy bay cất cánh từ căn cứ không quân Shamsi ở Pakistan nhưng về sau CIA cho di chuyển phi đội đến thành phố Jalalabad miền Đông Afghanistan do sự phản đối ngày càng gay gắt của người dân Pakistan cũng như mối quan hệ giữa Mỹ với nước này bị sụp đổ. Chiến dịch drone của CIA sau này đã giảm bớt rất nhiều với chỉ 17 cuộc tấn công vào tháng 1/2013 ở Pakistan so với đỉnh điểm vào năm 2010 với 117 cuộc - theo số liệu điều tra về những cuộc tấn công drone của trang web Long War Journal.

Trong một thập niên qua, chiến dịch drone của CIA đã giết chết 3.000 chiến binh Hồi giáo và hàng chục, thậm chí hàng trăm dân thường vô tội, theo các đánh giá độc lập. Theo các giới chức ở Washington, lực lượng Mỹ ở Jalalabad có thể sẽ được duy trì nhằm giúp CIA tiếp tục chiến dịch drone. Nhưng, giới chức Mỹ cho biết phi đội drone có thể được chuyển đến các đường băng ở Bagram hay Kandahar, nơi từng là căn cứ tiến hành những chuyến bay do thám bí mật nhằm vào Iran.

Năm 2013, Tổng thống Barack Obama đã phê chuẩn đường lối mới yêu cầu quân đội Mỹ nắm giữ vai trò lớn hơn trong các chiến dịch ám sát có mục tiêu nhằm làm giảm bớt sự dính líu quá sâu của CIA. Mặc dù vậy, đường lối mới của Tổng thống Barack Obama cũng dành quyền hoạt động rộng rãi cho CIA để tiếp tục những chuyến bay drone Predator vũ trang băng qua biên giới Pakistan và không cấm những cuộc tấn công bằng tên lửa vốn gây tranh cãi nhắm vào các mục tiêu mà chỉ dựa trên cơ sở nghi ngờ và cũng không biết danh tính của những mục tiêu bị tiêu diệt.

Chính quyền Obama đang bàn thảo với Kabul và Islamabad về vấn đề cắt giảm binh sĩ, trong đó cũng đề cập đến những chuyến bay drone bên trong lãnh thổ Pakistan. Giới chức Mỹ tin rằng Islamabad "không thể không đồng ý" về sự tiếp tục chiến dịch drone của CIA ở Pakistan. Thực tế, Islamabad chưa bao giờ chính thức thừa nhận hợp tác với chương trình drone của CIA mà chỉ cho phép nó tiến hành trong bí mật. Bất chấp sự rút lui phần lớn quân số của quân đội Mỹ và CIA, người ta tin rằng chiến dịch drone ở Pakistan cũng như những nơi khác vẫn tiếp tục trong nhiều năm nữa

Diên San (tổng hợp)
.
.