CIA kỳ thị sắc tộc

Thứ Ba, 25/01/2011, 17:50
Một cựu sĩ quan CIA tham gia vào các hoạt động gián điệp chống Iran vừa bị bắt giam hôm 6/1 vừa qua với cáo buộc "tiết lộ thông tin bí mật quốc gia".

Vụ án được báo chí Mỹ cho là một trong những nỗ lực của chính quyền Barack Obama nhằm chấn chỉnh lại vấn đề rò rỉ thông tin mật sau vụ WikiLeaks tiết lộ hàng trăm ngàn hồ sơ quân sự và ngoại giao. Tuy nhiên, thực chất của vụ việc lại là những rắc rối xung quanh vấn đề kỳ thị chủng tộc của CIA.

Cựu sĩ quan CIA bị bắt giam hôm 6/1 vừa qua là Jeffrey A. Sterling, 43 tuổi, người thành phố O'Fallon, bang Missouri, bị tạm giam chờ ngày ra tòa đối chất. Sterling bị Tòa án Đông Virginia buộc 10 tội liên quan đến phản quốc do đã cung cấp những thông tin được xếp loại bí mật quốc gia cho báo chí sau khi đã bị CIA sa thải, đồng thời cơ quan này đã từ chối xử lý một vụ kiện kỳ thị chủng tộc của Sterling.

Với các tội danh nêu trên, nếu bị xét xử và tuyên có tội, Sterling có thể sẽ phải ngồi tù ít nhất 20 năm tù và số tiền phạt lên đến 250.000USD. Sau khi bị CIA sa thải, Sterling đã sống một cuộc sống vô cùng khó khăn và từng nộp đơn xin phá sản với khoản nợ 150.000USD. Vì vậy, nếu bị tuyên nộp phạt với số tiền nêu trên, chắc chắn ông sẽ chọn phương án "thà ở tù còn hơn không có tiền trả nợ".

Theo cáo trạng của CIA, Sterling đã tiết lộ thông tin "bí mật quốc gia" cho phóng viên James Risen của tờ New York Times dưới dạng thư điện tử và qua các cuộc điện thoại bắt đầu từ năm 2002. Các quan chức CIA còn cho biết, CIA từ lâu đã nghi ngờ Sterling cung cấp rất nhiều thông tin bí mật cho báo chí về các nỗ lực của CIA nhằm phá hoại chương trình hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, Edward B. MacMahon, luật sư đại diện cho Sterling thì cho rằng những cáo buộc của CIA là "thiếu căn cứ" và rằng Sterling vô tội. Có vẻ như những cáo buộc mà CIA đưa ra chỉ là màn "trả đũa" của cơ quan này vì Sterling đã nhiều lần đâm đơn kiện CIA đòi bồi thường danh dự và thiệt hại do cách đối xử phân biệt chủng tộc đối với ông.

Thực ra, câu chuyện đằng sau các cáo buộc của CIA đối với Sterling không hề đơn giản. Đó là một chuỗi những sự kiện có liên quan với nhau, là cả một cuộc đấu tay đôi không cân sức giữa một bên là một công dân yếu thế với bên kia là một cơ quan đầy quyền lực, với nhiệm vụ quan trọng hàng đầu quốc gia và được luật pháp Mỹ bao che bằng mọi giá.

Theo cáo buộc của CIA thì Sterling đã cung cấp cho nhà báo Risen những thông tin được cho là "bí mật quốc gia" liên quan một chiến dịch bí mật chống Iran mang mật danh Merlin. Đây là chiến dịch phá hoại chương trình hạt nhân Iran bằng cách cho người cung cấp cho Iran các nguyên liệu "dỏm" và bản thiết kế hạt nhân "dỏm" có chứa sai sót kỹ thuật nhằm khiến cho Iran làm sai kỹ thuật dẫn đến hỏng chương trình hạt nhân. Theo cáo trạng, Sterling đã cung cấp chi tiết về chương trình gián điệp này cho nhà báo Risen vì bản thân ông cho rằng, kế hoạch đã mắc sai sót lớn.

Và thông tin của Sterling đã được nhà báo Risen sử dụng làm tư liệu viết một chương khá dài trong cuốn sách nhan đề "State of War" xuất bản năm 2006, trong đó mô tả chi tiết kế hoạch Merlin và chỉ ra cả sai sót của nó.

Theo cuốn sách của Risen, sai sót của kế hoạch Merlin đã trở thành nguy cơ cung cấp cho Iran một bản thiết kế hạt nhân thứ thiệt. Bởi cái gọi là "lỗi chết người" mà CIA cố tình cài vào trong bản thiết kế chẳng qua chỉ là một lỗi rất thô thiển, rất dễ phát hiện và chỉnh sửa không mấy khó khăn. Như vậy, vô hình trung CIA đã giúp Iran tạo ra bước nhảy vọt về mặt kỹ thuật vốn là trở ngại lớn nhất trong chương trình hạt nhân của nước này. CIA đã nhiều lần tìm cách ép buộc nhà báo Risen ra làm chứng để buộc tội Sterling nhưng ông Risen đã cương quyết từ chối.

Nhà báo James Risen và bìa quyển sách “State of War”.

Còn câu chuyện được kể từ phía báo The New York Times thì lại hé lộ một khía cạnh khác: Sterling đã kể cho phóng viên Risen những "bí mật" mà CIA cần phải ém nhẹm trước dư luận vì cách đối xử kỳ thị chủng tộc của mình với một sĩ quan da màu như ông Sterling.

Trước đó, Risen đã sử dụng thông tin do Sterling cung cấp để viết một bài phóng sự dài đăng trên tờ báo The New York Times tháng 3/2002. Nội dung bài báo viết về câu chuyện kỳ thị chủng tộc của CIA với Sterling là nhân vật chính, được Risen đề cập dưới danh nghĩa là "một sĩ quan da đen độc nhất được phân công tham gia đơn vị Đặc nhiệm chống Iran từ tháng 1/1995". Nhiệm vụ của "sĩ quan da đen" đó là xử lý các nguồn thông tin từ Iran, và được đưa đi đào tạo tiếng Farsi (ngôn ngữ chính của Iran) và được cử đến trạm CIA ở Đức để làm nhiệm vụ tuyển mộ các điệp viên người Iran cài cắm vào nội địa Iran để phá hoại.

Trong bài báo của The New York Times, Sterling khẳng định mình thường bị "chọc phá" từ sau lưng và thường bị các sếp cấp trên phớt lờ vì ác cảm với màu da của ông. Sterling kể rằng, một giám sát cấp trên đã từng nói với ông rằng "anh chả làm một điệp viên được đâu vì anh cứ như một gã da đen lù lù ra đó".

Mối rạn nứt giữa CIA với Sterling bắt đầu bùng phát mạnh sau khi CIA chính thức sa thải Sterling và ông này cũng chính thức nộp đơn khiếu nại lên Văn phòng chống phân biệt chủng tộc của CIA và ít nhất 3 lần bị cơ quan này bác đơn. Sau khi phải nộp đơn xin phá sản vì nợ nần, Sterling quyết định viết một cuốn hồi ký kể về cuộc đời một sĩ quan CIA của mình.

Thế nhưng, khi Sterling nộp bản thảo quyển sách để CIA kiểm duyệt theo quy định, cơ quan này đã một lần nữa gây khó khăn cho Sterling vì cho rằng nội dung quyển sách có đụng chạm đến kế hoạch Merlin, vì thế không được phép xuất bản. Và như một cú đấm dồn Sterling vào bước đường cùng, CIA đã đâm đơn kiện ngược lại Sterling dẫn đến cuộc điều tra của Bộ Tư pháp và lệnh bắt giam ngày 6/1 vừa qua

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.