CIA sử dụng cả trẻ em làm gián điệp

Thứ Hai, 30/09/2013, 11:35

Ở mục "Sự kiện quốc tế" trong số ra ngày 14/9 vừa qua của tờ The Atlantic, tuần báo lâu đời nhất nước Mỹ với bề dày lịch sử hơn 1,5 thế kỷ đã đăng nguồn tin gây chấn động thế giới, chứng tỏ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) không từ một thủ đoạn nào, kể cả lợi dụng sự ngây thơ của con trẻ cho mục đích chiến lược bài trừ khủng bố.

Cụ thể sau vụ Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Sanaa của Cộng hòa Yemen bị đánh bom vào buổi sáng ngày 17/9/2008, khiến hàng chục người thiệt mạng trong đó có 5 nhân viên ngoại giao Mỹ.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh Yemen kết hợp với CIA đã xác định được kẻ chủ mưu là Adnan al-Qadhi, thủ lĩnh chi nhánh Yemen của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, đồng thời cũng là một sĩ quan thuộc lữ đoàn thiết giáp số 33 đồn trú ở phía bắc Sanaa. Tuy vẫn còn trong biên chế của quân đội Yemen và nhận lương tháng đều đặn, nhưng hơn một năm qua A. Al-Qadhi đã không đến đơn vị, kể từ khi sĩ quan chỉ huy trực tiếp cũng là cha ruột của Al-Qadhi bị đình chỉ công tác vì liên quan đến đường dây buôn lậu động cơ diesel, vàng và rượu mạnh.

Chính A. Al-Qadhi đã đứng ra tổ chức vụ đánh bom, cung cấp biển kiểm soát quân sự ưu tiên cho 2 chiếc xe hiệu Suzuki chở 7 chiến binh cảm tử, dễ dàng "qua mặt" các trạm kiểm soát dày đặc bao gồm nhiều vòng ở thủ đô Sanaa. Rồi A. Al-Qadhi bị tống giam để phục vụ công tác mở rộng điều tra, nhưng chỉ vài tháng sau vào đầu năm 2009 đã được thả nhờ mối quan hệ họ hàng với cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, cũng là bạn đồng ngũ gần gũi với cha đẻ của A. Al-Qadhi. Do vậy CIA lên kế hoạch trừ khử A. Al-Qadhi, một trong những thủ lĩnh Al-Qaeda hàng đầu ở vùng bán đảo Arập, rồi được đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama chấp bút ký quyết định tiêu diệt nhân vật khủng bố khét tiếng này.

Theo điều tra độc lập của tạp chí The Atlantic, thì vào buổi tối ngày 25/10/2012 đúng dịp lễ Eid al-Adha (Lễ Hy tế), một trong những ngày lễ linh thiêng nhất của người Hồi giáo, Cơ quan An ninh Yemen đã bố trí một cuộc gặp bí mật gồm các đại diện của CIA, lực lượng Vệ binh Cộng hòa cùng 2 cha con trung sĩ Vệ binh Cộng hòa Hafizallah al-Kulaybi.

Trước đấy khoảng 6 tháng, như nhiều gia đình đông con khác tại Yemen, chật vật với đồng lương khiêm nhường trước cuộc sống đắt đỏ ở Sanaa, vợ chồng hạ sĩ quan H. Al-Kulaybi liền gửi cậu con trai Barq 8 tuổi nhờ người thân dưới quê nuôi giúp. Nhưng bản thân những người bà con đang sống tại ngôi làng Beit al-Ahmar này còn chưa kham nổi gia đình họ, nên cậu bé Barq phải lang thang kiếm sống ngoài đường bằng cách nhặt ve chai...

Tù trưởng (Sheikh) của làng Beit al-Ahmar là A. Al-Qadhi thương tình cho hoàn cảnh của Barq đã đưa cậu về nuôi, cũng như cho cậu tới trường cùng với 5 người con của mình. Tại cuộc họp nói trên, chỉ huy lực lượng Vệ binh Cộng hòa đã hứa thưởng cho Al-Kulaybi một căn nhà và một chiếc xe hơi mới, còn riêng bé trai 8 tuổi sẽ được thưởng số tiền là 50.000 rial Yemen (YER), tương đương 230 USD. Đồng thời vị đại diện CIA đã đưa cho Barq 2 con chip điện tử tự động phát sóng định vị, bày cách cho cậu bé vốn nhút nhát khéo léo cài vào người cha nuôi là Sheikh A. Al-Qadhi và kích hoạt chúng.

"Con phải hoàn thành nhiệm vụ này bằng mọi cách để được lĩnh thưởng của nhà nước", Al-Kulaybi dặn dò con trai trước khi cuộc họp kết thúc...

Cha con Al-Kulaybi thú nhận đã làm nội gián cho CIA.

Đến cuối tháng 4/2013, chi nhánh tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda ở Yemen phát hành một cuốn băng video dài 12 phút trên mạng Internet có phụ đề Anh ngữ, nhân kỷ niệm nửa năm thủ lĩnh A. Al-Qadhi thiệt mạng. Trong đó quay cảnh cha con nhà Al-Kulaibi thú nhận đã làm nội gián cho CIA. "Với hành vi của con trai tôi, tôi đã giúp người Mỹ xác định vị trí của Sheikh A. Al-Qadhi và hạ sát ông ta bằng máy bay không người lái của CIA vào xế trưa ngày 7/11/2012", Al-Kulaybi nói trong băng.

Còn cậu con Barq ngồi kế bên cho biết theo yêu cầu của cha ruột, khi cha nuôi vào nhà tắm, đã cài chip điện tử dưới lần vải lót áo khoác để bên ngoài phòng tắm. Riêng con chip còn lại giấu sẵn trên nóc tủ đứng ở phòng khách Barq liền hủy đi vì sợ lộ... Nội dung bao trùm của cuốn băng nhằm tố cáo dã tâm của CIA dùng cả trẻ em làm gián điệp cho mục đích giết người của mình, khiến Sheikh A. Al-Qadhi cùng vệ sĩ Abu Radwan bị máy bay không người lái hạ sát.

Tranh vẽ trên tuần báo The Atlantic minh họa cảnh gián điệp nhí Barq cài chíp điện tử vào áo khoác của cha nuôi.

Phần cuối cuốn băng cho biết, cha con kẻ phản bội H. Al-Kulaybi đã bị các chiến binh Hồi giáo bắt giữ chỉ một ngày sau khi thủ lĩnh Al-Qadhi thiệt mạng. Đồng thời đe dọa sẽ trả thù cho sự việc tồi tệ này, ám chỉ những người liên quan sẽ bị hành quyết.

Báo giới Mỹ lúc ấy đều phản ứng tiêu cực về đoạn băng video, tỏ ý phẫn nộ trước phương cách tuyển mộ trẻ em làm điệp viên... của CIA. Nhưng người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney và Giám đốc CIA John Brennan đã tức thời lên tiếng phủ nhận vụ việc trên. Nhằm thẩm định tính xác thực của nguồn tin đăng tải trên Internet, ông James Bennet Tổng Biên tập Tạp chí The Atlantic đã cử các phóng viên của mình bí mật đến Yemen. Sau hơn 4 tháng thâm nhập thực địa, nhóm ký giả đã tiếp xúc với các nhân chứng, phát hiện bức ảnh chụp H. Al-Kulaybi bị hành quyết, cũng như tìm về tận ngôi làng Beit al-Ahmar quê hương của A. Al-Qadhi, cách thủ đô Sanaa khoảng 16km.

H. Al-Kulaybi bị tra tấn đến chết để trả thù cho thủ lĩnh A. Al-Qadhi.

Giới chức địa phương cho biết, sau khi Sheikh A. Al-Qadhi bị hạ sát thì cậu con nuôi Barq cũng biệt tích. Còn những người thông thạo tin nội bộ bên trong tổ chức Al-Qaeda, đã khẳng định sở dĩ chú nhóc Barq không bị hành quyết cùng với cha, do được đích thân ông trùm Ayman al-Zawahiri, kẻ thay thế Bin Laden từ đầu tháng 5/2011 can thiệp, rằng H. Al-Kulaybi mới là kẻ có tội chính vì đã ép buộc con mình hành động, lợi dụng sự ngây thơ trong trắng của Barq.

Trong khi một viên chức giấu tên ở Bộ Nội vụ Yemen cho phóng viên của tờ The Atlantic biết, rằng cậu bé Barq đã được đưa vào chương trình bảo vệ nhân chứng đặc biệt, do lo ngại người thân của A. Al-Qadhi trả thù.

"CIA đã đề nghị nên đưa Barq sang Mỹ, dù sao vẫn an toàn hơn là ở lại Yemen. Còn thông tin về chỗ ở đích thực của điệp viên nhí được liệt vào hàng bí mật quốc gia", vị quan chức nói trên khẳng định

Kim Dung (tổng hợp)
.
.