CIA suy giảm mạnh khả năng hoạt động ở Iraq

Thứ Sáu, 11/07/2014, 16:25

Các sĩ quan Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) luôn "cố thủ" bên trong Đại sứ quán Mỹ - khu phức hợp kiên cố ở thủ đô Baghdad của Iraq - sau khi quân đội Mỹ rút khỏi nước này năm 2011 khiến cho mạng lưới thu thập thông tin tình báo từng một thời hoạt động rầm rộ đã tan rã dần. Đó là lý do chính khiến Mỹ hết sức bất ngờ trước cuộc tấn công của các tay súng ISIS đang làm chủ phần lớn lãnh thổ Iraq.

John Maguire, người từng điều hành các chiến dịch CIA ở Iraq năm 2004, nhận xét điều này dẫn đến sự mất dần các nguồn tình báo cũng như làm suy yếu khả năng hoạt động của điệp viên tại địa phương.

John Maguire là sĩ quan CIA hoạt động tại thủ đô Beirut của Liban trong suốt cuộc nội chiến đẫm máu ở nước này hồi cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Maguire sống qua vài tuần trong những căn nhà an toàn nằm cách xa Đại sứ quán Mỹ, cố gắng tránh né những chiến binh muốn bắt cóc và giết chết người Mỹ.

Trạm CIA ở Iraq vẫn còn là một trong những trạm lớn nhất thế giới nhưng cơ quan tình báo này không dám mạo hiểm phái người Mỹ ra ngoài đường phố thường xuyên để tuyển mộ và gặp gỡ những người cung cấp thông tin. Điều đó cho thấy CIA gặp rất nhiều khó khăn khi phải hoạt động trong các môi trường nguy hiểm nếu thiếu sự bảo vệ của quân đội Mỹ.

Theo Maguire và các quan chức tình báo khác, những "điểm mù" tình báo khiến cho Mỹ không theo kịp các sự kiện đang biến đổi nhanh chóng ở Iraq cũng như trên thế giới. Riêng ở Iraq, từ tháng 9/2001 đã có khoảng 40 sĩ quan CIA bị giết chết khi đang làm nhiệm vụ - theo người phát ngôn CIA Dean Boyd. Sự thật là sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq năm 2011, các sĩ quan CIA luôn giấu mình bên trong Vùng Xanh an toàn, “tác nghiệp” trên những chiếc bàn giấy.

Theo Boyd, cộng đồng tình báo cùng cấp nhiều lần cảnh báo đến chính quyền Tổng thống Barack Obama về việc phiến quân Tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Vùng Cận Đông (ISIS) di chuyển vào các thành phố của Iraq. Boyd giải thích: "Bất cứ ai đã từng nhìn qua hay đọc được toàn bộ các báo cáo tình báo của CIA về ISIS và nhà cầm quyền Iraq cũng không thấy ngạc nhiên trước tình hình hiện nay".

Nghị sĩ Mike Rogers, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cũng nhấn mạnh: "Đây không là sự thất bại tình báo - đây là sự thất bại về chính sách".

Tuy giới chức tình báo Mỹ  đã dự đoán được rằng ISIS sẽ xâm chiếm lãnh thổ Iraq trong năm 2014 song họ không biết trước được cuộc tấn công chiếm đóng thành phố Mosul của ISIS vào ngày 10/6, tạo nên một sức bật mạnh mẽ dẫn đến nhiều chiến thắng khác. Giới chức Mỹ cũng tỏ ra hết sức ngạc nhiên trước sự sụp đổ quá nhanh chóng của quân đội Iraq!

Một nữ quan chức cao cấp CIA giấu tên thừa nhận: "Lượng thông tin tình báo mà chúng tôi nhận được đã giảm đáng kể sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq năm 2011 và chúng tôi gần như không biết những chuyện gì đang xảy ra".

Bà này cũng tiết lộ hiện nay tình báo Mỹ cũng không biết ai thực sự đang kiểm soát nhà máy lọc dầu lớn nhất Iraq! Bà nói rằng một trong những nguồn thông tin tình báo lớn nhất dành cho các chuyên gia phân tích Mỹ là các thông điệp đưa lên Facebook và Twitter.

Đại sứ quán Mỹ thời kỳ đang xây dựng ở Baghdad, tháng 5/2007.

Năm 2013, Mỹ đã tiêu tốn gần 72 tỉ USD cho hoạt động thu thập thông tin tình báo. Trước đây, nhân viên CIA sống yên ổn bên trong những căn cứ được bảo vệ nghiêm ngặt trên khắp Iraq trong suốt thời gian Mỹ chiếm đóng và thường xuyên gặp gỡ người Iraq. Thường thì điệp viên CIA chỉ gặp các nguồn thông tin khi biết họ được binh sĩ Mỹ sẵn sàng bảo vệ. Sự lo sợ không phải không có cơ sở.

Năm 1984, trưởng trạm CIA ở Beirut - William Buckley - bị Hezbollah bắt cóc tại căn hộ của mình và bị tra tấn đến chết. Năm 2012, ở thành phố Benghazi của Libya đã có  2 nhân viên hợp đồng của CIA nằm trong số 4 người Mỹ bị giết chết.

Trong khi đó, theo Ronen Bergman, các cơ quan tình báo khác chấp nhận nhiều nguy cơ hơn để thu thập thông tin có giá trị. Ví dụ như điệp viên MOSSAD của Israel sẵn sàng giả làm dân thường để hoạt động bên ngoài các đại sứ quán. Ronen Bergman phụ trách các vấn đề tình báo cho nhật báo Yedioth Ahronoth của Israel và đang biên soạn cuốn sách lịch sử về MOSSAD.

Bergman cho biết, tại các quốc gia mà Israel không có đại sứ quán như Iran, MOSSAD phái nhân viên hoạt động ngầm để thu thập thông tin dù biết rõ sẽ phải chịu hành hình nếu bị phát hiện. Tuy nhiên, Israel tuyển mộ được khá đông đảo người nói tiếng Arập để giúp nhân viên MOSSAD hoạt động.

Trong khi đó, theo tiết lộ của người tố giác Edward Snowden, sau 11 năm chiến tranh ở Afghanistan các cơ quan tình báo dân sự Mỹ chỉ có 88 người biết nói tiếng Pashto - ngôn ngữ của Taliban và đồng minh!

Diên San (tổng hợp)
.
.