CIA tạm ngưng hoạt động gián điệp ngầm ở châu Âu

Thứ Hai, 13/10/2014, 22:50

Theo báo chí Mỹ, Tổng hành dinh Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã ra lệnh cho tất cả các điệp viên của cơ quan này ở châu Âu tạm dừng các hoạt động gián điệp ngầm nhằm vào các chính phủ châu lục này. Đây là phản ứng tích cực đầu tiên của CIA sau khi xảy ra một loạt sự việc gây phẫn nộ trong các đồng minh của Mỹ ở châu Âu về hoạt động gián điệp của các cơ quan tình báo Mỹ, đặc biệt là NSA và CIA.

Lệnh tạm ngưng hoạt động được chuyển bằng điện ­ bí mật cho tất cả các trưởng trạm ở châu Âu, đã có hiệu lực từ 2 tháng nay. Mục đích tạm dừng được cho là để các điệp viên ngầm của CIA có thời gian suy ngẫm, cân nhắc lại các hoạt động của mình, xem xét lại mức độ thận trọng của mình khi tiến hành các hoạt động gián điệp và đánh giá lại liệu kết quả việc do thám các đồng minh có tương xứng với những rủi ro khi bị phát giác hay không.

Theo lệnh trên thì chỉ có các hoạt động gián điệp của điệp viên và điệp viên 2 mang, người của nước sở tại được tuyển mộ làm "tài sản" của CIA tại châu Âu là tạm ngưng, còn các hoạt động tình báo thông thường khác thì vẫn hoạt động bình thường.

Trong thời gian tạm ngưng hoạt động, các điệp viên hiện trường ở châu Âu bị cấm thực hiện các hoạt động đơn phương như tiếp xúc, gặp gỡ với các nguồn tin tình báo mà họ đã tuyển mộ được bên trong chính phủ các đồng minh. Các cuộc gặp bí mật này là nền tảng của hoạt động gián điệp, nhưng chúng phải được bảo đảm an toàn và sẽ không cần thiết tiến hành các cuộc gặp như thế trong thời gian tạm ngưng.

Ngoài các hoạt động ngầm bị cấm, các sĩ quan tình báo CIA vẫn được phép tiếp xúc và làm việc bình thường với các đồng nghiệp trong cơ quan tình báo của nước sở tại, tiến hành các hoạt động phối hợp, hợp tác với cơ quan tình báo nước sở tại và các hoạt động khác khi được sự cho phép của nước sở tại. Gần đây, các hoạt động đơn phương nhằm vào công dân các nước thứ ba (như người Nga ở Pháp chẳng hạn) vẫn được tiến hành. Nhưng hầu hết các cuộc tiếp xúc với các nguồn tin là công dân nước sở tại thì vẫn bị cấm, tương tự là các "tài sản" mới tuyển mộ được.

Đại sứ quán Mỹ tại Berlin đã yêu cầu tất cả nhân viên tình báo nước ngoài hoạt động tại Đức, kể cả CIA, phải trình báo thân phận hoạt động của mình.

Thường thì việc tạm ngưng hoạt động được triển khai sau khi một chiến dịch hoạt động bị đổ bể, nhưng chưa bao giờ việc tạm dừng lại được ấn định kéo dài và sâu rộng như lần này.

Theo các nguồn tin tình báo Mỹ, nguyên nhân khiến CIA buộc phải tạm dừng gián điệp lâu như hiện nay xuất phát từ vụ việc gián điệp đổ bể tại Đức hồi đầu tháng 7 vừa qua. Ngày 2/7, một nhân viên của Cơ quan Tình báo Đức bị bắt vì nghi làm gián điệp cho Nga. Thế nhưng khi trả lời thẩm vấn tại cơ quan điều tra, người này lại khai rằng, đã chuyển 218 trang tài liệu tình báo của Đức cho CIA.

Tiếp đến, cơ quan chức năng tiếp tục lục soát nhà ở và văn phòng của một quan chức Bộ Quốc phòng Đức vì nghi làm gián điệp cho Mỹ, nhưng người này không bị truy tố. Vài ngày sau, chính quyền Đức đã yêu cầu Trưởng trạm CIA tại Berlin rời khỏi nước Đức, gây nên một sự kiện tình báo chưa từng có.

Động thái này được xem là nghiêm trọng, phản ánh thái độ giận dữ của chính quyền Đức đối với các hoạt động gián điệp của đồng minh Mỹ, đặc biệt là sau khi Edward Snowden tiết lộ các hoạt động nghe lén điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel.

Vụ việc khiến bà Merkel tức giận, yêu cầu Mỹ phải có giải thích thỏa đáng. Người Đức cũng bắt đầu đặt dấu hỏi nghi ngờ mức độ tin cậy khi hợp tác với tình báo Mỹ. Các quản lý điệp viên của CIA ở châu Âu lo ngại không chỉ người Đức mà nhiều quốc gia châu Âu khác cũng sẽ theo dõi, kiểm tra chặt chẽ các hoạt động của điệp viên CIA.

Thực tế, nhiều điệp viên CIA nằm vùng trong các đại sứ quán ở châu Âu đã phải thực hiện động thái “trình báo thân phận hoạt động tình báo” với chính quyền nước sở tại để được cấp phép hoạt động.

James Clapper, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ (DNI) nhận xét, việc tạm ngưng hoạt động sẽ tạo ra lỗ hổng, làm tăng rủi ro cho nước Mỹ do việc theo dõi một số mục tiêu bị gián đoạn. Hiện nay đang là thời điểm nhạy cảm và Mỹ đang rất cần theo dõi các mục tiêu thánh chiến cực đoan ở khắp châu Âu đang tìm đường đến Syria tham gia vào các nhóm Hồi giáo cực đoan nguy hiểm như Nhà nước Hồi giáo tự xưng, Khorasan, Jabhat al-Nusra.

Giới chức Mỹ cũng lo lắng việc gián đoạn tình báo sẽ khiến họ không nắm chắc được các động thái của Nga trong tình hình Ukraina, đồng thời việc các chính phủ châu Âu đang có những đối sách gay gắt với các công ty công nghệ cao của Mỹ do liên quan đến các chương trình nghe lén của NSA đã bị Edward Snowden phanh phui.

Mặc dù người Mỹ cũng đang hợp tác, chia sẻ thông tin chặt chẽ với châu Âu trong cuộc chiến chống khủng bố, song họ cũng muốn biết trước các bạn đồng minh của mình đang suy nghĩ gì, đang vạch định kế hoạch ra sao. Mỹ không xem việc do thám các đồng minh Tây Âu là một ưu tiên tình báo, nhưng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thuộc khối NATO, thì người Mỹ lại đặt làm mục tiêu ưu tiên hàng đầu, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia theo đạo Hồi có giao thiệp với một số quốc gia đối nghịch với Mỹ như Iran, Syria và Iraq. Người ta vẫn chưa biết liệu các hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ có bị gián đoạn trong đợt tạm dừng này hay không.

Châu Âu thường được xem là địa bàn an toàn cho sĩ quan tình báo CIA tại châu lục này tổ chức những cuộc tiếp xúc bí mật với các điệp viên "tài sản" tại khu vực Trung Đông. Lệnh cấm đã khiến cho những cuộc tiếp xúc ấy phải chuyển sang địa bàn khác, từ đó làm gia tăng mức độ rủi ro cho các điệp viên của CIA

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.