CIA tạo “thiên đường an toàn” cho tội phạm Đức Quốc xã

Thứ Năm, 02/12/2010, 09:45
Hồ sơ mật dày 600 trang, được Bộ Tư pháp Mỹ cố gắng giữ bí mật trong suốt 4 năm qua, cung cấp bằng chứng mới về việc hơn 20 trường hợp tội phạm Đức Quốc xã nổi tiếng chạy trốn trong 3 thập niên qua được CIA tạo "thiên đường an toàn" ngay tại Mỹ.

Hồ sơ mật cũng ghi chép những thành công và thất bại của nhóm các luật sư, nhà sử học và các nhà điều tra trong Ủy ban Điều tra đặc biệt (OSI) của Bộ Tư pháp Mỹ thành lập hồi năm 1979 để trục xuất tội phạm Đức Quốc xã. Nhưng có lẽ phần quan trọng nhất trong hồ sơ của Bộ Tư pháp là những đánh giá về sự liên quan của CIA với những tên tội phạm Đức Quốc xã sau chiến tranh.

Hồ sơ của Bộ Tư pháp (mô tả "sự hợp tác của chính quyền với các công tố viên") nói OSI biết một số thành viên đảng Quốc xã được CIA cố tình cho phép vào đất Mỹ, mặc dù chính quyền đã được cảnh báo về quá khứ tội ác của chúng.

Bộ Tư pháp Mỹ chống lại việc công bố hồ sơ mật từ năm 2006. Nhưng dưới sức ép của luật pháp, cuối cùng hồ sơ cũng được giao bản sao cho Tổ chức Nghiên cứu tư nhân National Security Archive (NSA) trong tháng 10/2010, mặc dù nhiều chi tiết nhạy cảm về ngoại giao và pháp lý bị khuyết.

Bộ Tư pháp cũng cho biết hồ sơ có một số sai lầm và thiếu sót nhưng không nói rõ đó là những gì. Hơn 300 tội phạm Đức Quốc xã đã bị trục xuất, tước quyền công dân hoặc bị ngăn không cho vào Mỹ kể từ khi OSI được thành lập.

Năm 1954, CIA đã có sự giúp đỡ đặc biệt đối với phụ tá của Adolph Eichmann là Otto Von Bolschwing, người giúp vạch ra những kế hoạch ban đầu để tiêu diệt người Do Thái và sau này hợp tác với CIA. Các quan chức trong CIA còn bàn luận với nhau về những gì phải làm nếu như Von Bolschwing phải đối mặt với quá khứ tội ác của ông ta - hoặc phủ nhận tư cách thành viên đảng Quốc xã hoặc cố gắng làm giảm nhẹ tội cho ông ta.

Bộ Tư pháp Mỹ, sau khi biết được thân phận Quốc xã của Von Bolschwing, đã tìm cách trục xuất người này năm 1981. Von Bolschwing chết lúc 72 tuổi mà không hề bị công lý phán xét!

Hồ sơ cũng đề cập đến trường hợp của Arthur L. Rudolph, nhà khoa học Đức Quốc xã điều hành nhà máy đạn Mittelwerk. Vốn là chuyên gia chế tạo tên lửa nên Arthur L. Rudolph được đưa đến Mỹ theo “Chiến dịch Paperclip” - chương trình thu dụng những nhà khoa học Đức Quốc xã có tài năng của Mỹ. Sau đó, Rudolph được NASA hết sức trọng dụng và ông ta là cha đẻ của tên lửa Saturn V, giúp Mỹ đặt chân lên mặt trăng đầu tiên.

Về sau bộ phận điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ tìm thấy bằng chứng cho thấy Rudolph liên quan đến sự khai thác công nhân nô lệ trong nhà máy đạn Mittelwerk nhiều hơn những gì mà tình báo Mỹ biết được. Một số quan chức CIA đã có thái độ chống đối khi Bộ Tư pháp tìm cách trục xuất Rudolph năm 1983.

Ngay đến Bộ Tư pháp đôi khi cũng che đậy những gì mà chính quyền Mỹ biết về bọn tội phạm Quốc xã tại nước này, theo hồ sơ mật. Năm 1980, các công tố viên khẳng định việc kiểm tra các báo cáo của CIA và FBI không tiết lộ thông tin gì về quá khứ của tên Quốc xã Tscherim Soobzokov, cựu binh sĩ Waffen SS. Nhưng trên thực tế, Bộ Tư pháp biết Soobzokov "đã khai báo cho CIA biết thân phận lính SS của ông ta sau khi đến Mỹ".

Sau khi cuộc điều tra Soobzokov được bỏ qua, các nhóm Do Thái cực đoan đã có phản ứng bạo lực chống Soobzokov và ông ta bị giết chết năm 1985 khi căn nhà riêng ở Paterson, bang New York, bị đánh bom.

Hồ sơ mật của Bộ Tư pháp có thể đặt ra khó khăn về chính trị cho Tổng thống Obama vì đã cam đoan ông cai quản một chính quyền trong sạch nhất trong lịch sử nước Mỹ!

Hồ sơ điều tra về tội phạm Đức Quốc xã là thành quả làm việc cật lực của Mark Richard, luật sư cao cấp trong Bộ Tư pháp Mỹ. Năm 1999, Richard đã thuyết phục Bộ trưởng Tư pháp Janet Reno để bắt đầu cuộc điều tra chi tiết về loại tội phạm này và ông chỉ định công tố viên Judith Feigin thực hiện công việc. Sau khi hoàn thành hồ sơ năm 2006, Richard đã khẩn thiết đề nghị chính quyền cho công bố nhưng đã bị các quan chức chính phủ cự tuyệt.

Khi mắc bệnh ung thư, Richard đã có lời nói với bạn bè và gia đình rằng, việc công bố hồ sơ điều tra tội phạm Quốc xã là 1 trong 3 ước nguyện trước khi chết của ông. Richard mất tháng 6/2009. 

Sau khi Richard qua đời, một luật sư ở Washington là David Sobel và Tổ chức National Security Archive đưa vụ việc ra tòa án và yêu cầu cho tiết lộ hồ sơ của Richard căn cứ theo Luật Tự do thông tin. Ban đầu Bộ Tư pháp tìm cách chống đỡ nhưng cuối cùng đã chấp nhận chỉ trao bản sao một phần hồ sơ của Richard cho Luật sư Sobel.

Laura Sweeney, nữ phát ngôn của Bộ Tư pháp Mỹ nói, bộ cam kết trong sạch và sự biên soạn lại được thực hiện bởi những luật sư có nhiều kinh nghiệm.

Nhưng, theo Sobel, Bộ Tư pháp đã cho xóa bỏ khỏi hồ sơ khá nhiều chi tiết, như là vụ Thụy Sĩ có mua vàng từ bọn tội phạm Đức Quốc xã vốn do bọn chúng đánh cướp của người Do Thái trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Phần bị xóa thứ hai là về những cuộc họp năm 2000 trong đó Mỹ gây sức ép đến các quan chức Latvia để truy kích tội phạm Đức Quốc xã nhưng đã thất bại. Một phần ít được biết đến nữa là việc Giám đốc OSI đã giữ lại miếng da đầu được cho là của tên đồ tể Josef Mengele, nổi tiếng với biệt hiệu "Thiên thần báo tử", trong một ngăn kéo của Bộ Tư pháp. Ngoài ra, còn nhiều chi tiết quan trọng khác trong hồ sơ điều tra đầy đủ của Richard đã bị Bộ Tư pháp Mỹ xóa mất

Di An (tổng hợp)
.
.