CIA tiết lộ nội tình lực lượng đặc biệt quân đội Mỹ

Chủ Nhật, 26/02/2006, 08:01

Hiện nay, nếu không tính quân số đội cảnh vệ bờ biển thì tổng binh lực quân đội Mỹ tại ngũ khoảng 1,45 triệu người, trong đó Lực lượng đặc biệt (LLĐB) khoảng 3 vạn, chiếm hơn 2% tổng quân số.

Theo niên giám năm 2005 của Phòng Nghiên cứu hòa bình quốc tế, cơ quan quyền uy nghiên cứu quân sự toàn cầu cho biết, năm 2005, chi tiêu quân sự của  Mỹ tới 470 tỉ USD, chiếm 47% tổng kinh phí quân sự toàn cầu, vượt trên tổng kinh phí quân sự của 25 nước. Từ sau sự kiện 11/9, dự toán kinh phí/năm cho LLĐB quân đội Mỹ không dưới 45 tỉ USD, cũng có nghĩa là với trên 2% quân số LLĐB luôn được hưởng 12% kinh phí toàn quân.

Theo báo chí Mỹ đưa tin, hàng năm cùng với phân phối kinh phí quân sự cho các quân chủng và các ngành chuyên môn quân đội Mỹ, ngoài ngân sách bình thường, LLĐB còn được ăn theo một chế độ riêng, được cấp thêm ngân sách đặc biệt ngoại ngạch. Năm 2003, Lầu Năm Góc đã cấp thêm cho Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt khoản ngân sách ngoại ngạch 7 tỉ USD để mua trang bị quân sự (cả máy bay) và chiêu mộ thêm 4.000 quân nhân.

Năm 2004, Lầu Năm Góc đã thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua điều luật có liên quan tạo điều kiện cho Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt có thể tự đặt mua các trang bị và vũ khí theo yêu cầu mà không cần thông qua quân chủng Hải - Lục - Không quân. Ví như thời kỳ chiến tranh Afghanistan, Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt đã “tiền trảm hậu tấu” cấp tốc mua đội tàu vận chuyển để đưa LLĐB đến tiền tuyến, sau đó Quốc hội Mỹ vẫn phê chuẩn.

LLĐB là tầng lớp đặc quyền của quân đội Mỹ

Cũng theo báo chí Mỹ, LLĐB quân đội Mỹ có được đặc quyền không tách rời vai trò của Rumsfeld, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông Rumsfeld cho rằng, 3 yếu tố then chốt trong chiến tranh tương lai là tấn công trên không, bộ binh trang bị nhẹ và LLĐB. Trong đó vai trò của LLĐB rất quan trọng, cho nên LLĐB có thêm một số đặc quyền.

Tháng 6/2003, Rumsfeld đã thuyết phục Quốc hội, lệnh cho Schomake, Tư lệnh LLĐB đã nghỉ hưu đảm nhiệm chức Tổng Tham mưu trưởng Lục quân. Schomake lên ngôi khiến ông ta trở thành người phát ngôn của Rumsfeld, đồng thời kéo theo nhiều quan chức vốn xuất thân từ LLĐB được đưa lên vũ đài.

Quyết định của Rumsfeld khiến nhiều quan chức giới quân sự Mỹ ngạc nhiên. Vì theo thông lệ, Tổng Tham mưu trưởng Lục quân phải xuất thân từ Lục quân, nhưng Tổng Tham mưu trưởng mới lại được chỉ định từ LLĐB. Cho nên, một quan chức cao cấp Mỹ đã nói: Trong lịch sử quân sự Mỹ, hành động của Rumsfeld đã sáng tạo ra “kỷ lục”: “Tướng không phải là người của Lục quân đảm nhiệm chức Tổng Tham mưu trưởng Lục quân và bộ óc của quân chủng phi chính thống đảm nhiệm bộ óc quân chủng chính thống”.

Trước đây, đa số tin tức tình báo của LLĐB đều đến từ Lầu Năm Góc, nhưng nguồn tin tình báo Lầu Năm Góc lại dựa vào điệp viên CIA và các thủ đoạn kỹ thuật trinh sát tiên tiến. Nhưng, Rumsfeld lại cho rằng, trình tự rối rắm phức tạp này đã ảnh hưởng đến quyết sách của Lầu Năm Góc và hành động của LLĐB, vì vậy ông ta đã quyết định cho Bộ Tư lệnh LLĐB có đặc quyền tình báo độc lập.

Theo tờ Wasington Post, sau chiến tranh Afghanistan, Rumsfeld đã bí mật thành lập Cục Trợ giúp chiến lược, cơ quan tình báo bí mật này đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông ta và do Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Mỹ phụ trách mà không chịu bất kỳ sự cai quản nào của ngành chuyên môn khác, có thể trực tiếp phái nhóm hành động đặc biệt đến hải ngoại thu thập tin tức.

Một quan chức cao cấp quân sự Mỹ cho biết, mục đích sâu xa của Lầu Năm Góc là tiến thêm một bước mở rộng công năng tập trung tình báo của LLĐB quân đội, khiến nó có thể thực hiện tấn công tổ chức khủng bố trên phạm vi toàn cầu, đáp ứng yêu cầu chiến lược của Mỹ trong thời kỳ mới.

Đầu năm 2005, Bộ Quốc Phòng Mỹ đã nung nấu “Kế hoạch chống khủng bố toàn cầu”, cho phép lực lượng tác chiến đặc biệt có thể bỏ qua Sứ quán Mỹ đóng ở các nước, trực tiếp triển khai bí mật hành động quân sự ở các nước khác. Nếu theo cách làm truyền thống, Sứ quán Mỹ ở nước ngoài là đại diện của tổng thống, có quyền điều phối và giám sát mọi hành động của Mỹ ở nước sở tại. Nhưng, Lầu Năm Góc lại cho rằng, để tiêu diệt bọn khủng bố cần tấn công quyết đoán, việc trao đổi, thảo luận và liên hợp hành động với quá nhiều cơ quan khác là dễ xảy ra trục trặc và mất thời cơ.

Hành động “điệp viên hóa” LLĐB đã đốt cháy CIA

Do được sự quan tâm chiếu cố của Lầu Năm Góc, cùng với việc không ngừng mở rộng chống khủng bố toàn cầu, LLĐB quân đội Mỹ từng bước được giao trọng trách tấn công Al-Qaeda và tổ chức khủng bố khác trên thế giới, quyền của LLĐB được mở rộng mạnh mẽ hơn, đồng thời ngày càng biểu hiện “biệt lập, độc hành”; điều này dẫn đến sự bất mãn mạnh mẽ của các quân chủng khác và các ngành tình báo có liên quan.

Theo Tin tức quốc phòng Mỹ ngày 2/11/2005, Lầu Năm Góc đã quyết định: Thủy quân lục chiến (TQLC) Mỹ sẽ tổ chức một đơn vị LLĐB, đồng thời cùng với đội biệt kích Báo biển, LLĐB Lục quân và LLĐB Không quân, tất cả chịu sự cai quản thống nhất của Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt.

Cuộc thương thảo đã đưa đến quyết định của Rumsfeld với Braun, Tư lệnh LLĐB quân Mỹ, Hagi Tư lệnh TQLC: trong 6 tháng đầu năm 2006 sẽ thành lập LLĐB trong TQLC, với quân số khoảng 3.000 người do một chuẩn tướng chỉ huy.

Nhiều tướng lĩnh TQLC Mỹ tỏ ra bất mãn với quyết định thành lập LLĐB TQLC của Lầu Năm Góc. Họ cho rằng, từ lâu nay nhiệm vụ của TQLC vốn bao gồm rất nhiều hành động đặc biệt, xét về tổng thể thì TQLC luôn ưu tú hơn các quân chủng khác, không cần thiết thành lập LLĐB giống như Hải - Lục - Không quân!

Quyền hành đặc biệt được mở rộng của LLĐB Mỹ, không chỉ khiến các quân chủng khác của quân đội Mỹ bất mãn, mà còn gây phản cảm của các bộ ngành, chính phủ. Ví dụ: CIA đang rất đau đầu đối với hành vi “điệp viên hóa” LLĐB, họ cho rằng, hành động của LLĐB chẳng khác gì “cướp miếng ăn" từ CIA. Vì “rõ ràng là việc chỉ huy liên quan đến bên ngoài và quyền thu thập tình báo trên ý nghĩa truyền thống của họ bị giới quân sự bài xích”.

Vừa qua Phó Cục trưởng CIA “tiết lộ điều cơ mật” về tình hình dự toán ngân sách và nội tình của LLĐB quân đội Mỹ là hành động không phải ngẫu nhiên

Nguyễn Mau (Tổng hợp theo báo nước ngoài)
.
.