CIA và MI-6 từng hợp tác tình báo chặt chẽ với Libya

Thứ Hai, 19/09/2011, 20:35

Theo tờ The New York Times, các tài liệu vừa được phát hiện tại trụ sở Cơ quan Tình báo Libya ở Tripoli đã cho thấy, tình báo Mỹ đã ít nhất có 8 lần gửi những kẻ tình nghi khủng bố tới "nhờ" thẩm vấn tại Libya.

Ngoài ra, những phát hiện mới còn làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Cơ quan Tình báo Libya với cả mật vụ Anh, hay nhiều chi tiết hậu trường chưa được tiết lộ dẫn tới nguyên nhân sụp đổ nhanh chóng của chế độ Gaddafi…

Một kho tàng gồm hàng trăm ngàn tài liệu bí mật được các tổ chức báo chí phương Tây phát hiện ở thủ đô Tripoli của Libya vào ngày 2/9 vừa qua tiết lộ mối quan hệ chặt chẽ - thậm chí thân thiết - mà CIA và MI-6 duy trì với các đối tác Libya được thiết lập từ năm 2002 trước khi CIA tổ chức một phái đoàn "thường trực" ở Libya (mà theo một số tài liệu cho biết, bắt đầu từ năm 2004).

Phát hiện gây chấn động này, theo The New York Times, là nhờ có sự giúp đỡ của các chuyên gia nhân quyền tại Tổ chức Humans Rights Watch (HRW). Các tài liệu được phát hiện đã cho thấy mối liên hệ khá chặt chẽ giữa Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) với Cơ quan Tình báo Libya. Điều này cho thấy những nỗ lực của phương Tây trong quá khứ nhằm biến Gaddafi từ một "kẻ chống đối" trở thành đồng minh của họ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Số tài liệu này - trong đó nhiều tài liệu đánh dấu "An ninh đối ngoại" - được khám phá trong văn phòng của cựu chỉ huy Cơ quan Tình báo Libya Moussa Koussa ở Tripoli. Những bìa hồ sơ chứa đầy giấy tờ, thư từ gửi từ Mỹ và MI-6 đến cơ quan tình báo Libya. Số tài liệu mật này cho biết các Cơ quan Tình báo phương Tây hợp tác chặt chẽ với người Libya về chương trình dẫn độ những nghi can khủng bố đến Libya để thẩm vấn vào giữa những năm 2002 và 2004.

Thể hiện rõ nhất về sự hợp tác này chính là việc CIA đã gửi những kẻ tình nghi khủng bố tới thẩm vấn tại Libya, bất chấp việc họ đã có thông tin cho thấy chế độ Tripoli thường xuyên sử dụng đòn tra tấn khi hỏi cung các tù nhân.

Nói cách khác, Libya cũng từng nằm trong danh sách "những quốc gia thứ ba" mà tình báo Mỹ hợp tác nhờ giam giữ và thẩm vấn các tù nhân tình nghi là khủng bố. Bằng chứng của sự hợp tác trên còn thể hiện ở những danh sách các câu hỏi mà CIA cần làm rõ đối với các đối tượng tình nghi được gửi đến cho tình báo Libya.

Có điều lý thú là trong danh sách các đối tượng trao đổi giữa CIA và tình báo Libya còn có cái tên Abdel-Hakim Belhaj, hiện là một trong những gương mặt cốt cán của Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya, cũng là kẻ bị cáo buộc có dính líu tới mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.

Belhaj là cựu thủ lĩnh của Libyan Islamic Fighting Group (LIFG), một tổ chức Hồi giáo cực đoan có liên quan đến Al-Qaeda, trong quá khứ từng âm mưu ám sát Gaddafi. Nhân vật này về sau đã tiết lộ rằng, ông ta bị các điệp viên CIA tra tấn tại một nhà tù bí mật ở Thái Lan, sau đó đưa về Libya tống vào nhà tù nổi tiếng Abu Salim.

Cho tới giờ, Belhaj vẫn khăng khăng mình chưa bao giờ là một nhân vật khủng bố, đồng thời tin việc mình bị bắt giữ chỉ là hành động phản ứng quá mức về vụ 11/9 của người Mỹ. Hai tài liệu mới tìm được cho thấy, ngay từ tháng 3/2004, các quan chức tình báo Mỹ và Libya đã thống nhất cùng lên kế hoạch bắt giữ Belhaj.

Cần nhớ, quan hệ hợp tác Libya-Mỹ bắt đầu được nối lại vào năm 2004, khi Muammar Gaddafi quyết định từ bỏ tham vọng chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ngay như bài phát biểu của ông Gaddafi về quyết định từ bỏ tham vọng chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng do phía Mỹ giúp "chắp bút". Nhiều khả năng, quan hệ hợp tác tình báo giữa hai nước cũng được xúc tiến từ thời điểm này.

Trong một văn bản, CIA đã đề nghị được có bộ phận hiện diện thường xuyên tại Libya. Trong một tài liệu khác, phía Libya cảnh báo Mỹ về một số âm mưu khủng bố chống lại họ ở nước ngoài. Còn trong một lá thư đề ngày 6/4/2004, CIA đã yêu cầu tình báo Libya cho phép nhân viên của họ phỏng vấn một vài nhà khoa học Iraq đang sống tại Libya, nhằm tìm hiểu thông tin về chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Saddam Hussein.

CIA và MI-6 có vẻ như tin tưởng đối tác Libya của họ đủ để cung cấp thông tin chi tiết về người Arập bên ngoài Libya theo yêu cầu của chính quyền nước này - ngay cả khi tình báo Mỹ và Anh không thấy những cá nhân này thật sự là mối đe dọa.

Trong một tài liệu đề ngày 23/2/2004, chính quyền Libya có yêu cầu thông tin về một người Kuwait, dù CIA không cảm thấy cá nhân này nguy hiểm. CIA cũng thường xuyên trao cho đối tác Libya thông tin tình báo về những người Libya mà chính quyền nước này quan tâm đặc biệt cũng  như tạo điều kiện cho việc bắt giữ số người này. CIA cũng chia sẻ thông tin tình báo khác với chế độ Gaddafi, như là chi tiết về cuộc họp giữa Cơ quan Tình báo Thụy Điển với một người Libya có tên mã là "Joseph". 

Số tài liệu bằng tiếng Arập chứa toàn bộ thư từ giữa chính quyền Libya với các quốc gia nói tiếng Arập khác và những phe phái mà nước này có đặt quan hệ, trong đó bao gồm các nhóm vũ trang được Libya tài trợ để đổi lấy việc cung cấp lính đánh thuê bên trong Libya.

Một bức thư bằng tiếng Arập không đề ngày tháng của Cơ quan An ninh nội địa Libya gửi đến nhóm Salvation Front của Somalia cho biết nhóm này "được thành lập theo lệnh của Gaddafi". Bức thư cũng nhấn mạnh chính quyền Libya muốn tiếp nhận ít nhất 10.000 chiến binh Hồi giáo, cùng với nhiều chuyên gia về tên lửa và súng chống máy bay.

Một tài liệu của CIA đề ngày 15/4/2004, yêu cầu phía Libya giúp bắt giữ nghi can khủng bố "Shaykh Musa".

Các hồ sơ về chương trình dẫn độ phơi bày sự hợp tác chặt chẽ giữa CIA, MI-6 và tình báo Libya cùng với nhiều chính quyền nước ngoài, bao gồm các quốc gia châu Âu, Malaysia, Nam Phi, Thái Lan và Pakistan để dẫn độ những nghi can khủng bố đến Libya. Những chuyến bay dẫn độ bí mật của CIA đôi khi quá cảnh đảo quốc Seychelles và Diego Garcia, nơi quân đội Mỹ đặt một căn cứ quân sự.

Bức thư đề ngày 6/3/2004 đề cập đến kế hoạch nghe lén lãnh đạo LIFG Abdullah al-Sadiq khi người này di chuyển từ Kuala Lumpur đến London. CIA lưu ý Al-Sadiq cùng với vợ (được cho là đang mang thai 4 tháng) sẽ bị nghe lén ở Bangkok và thông tin sau đó được chuyển về Tripoli. Có một lượng lớn tài liệu ghi chép về cuộc dẫn độ Al-Sadiq. Cuộc dẫn độ này được CIA chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thậm chí trao cho chính quyền Libya bảng câu hỏi thẩm vấn đối tượng.

Theo tổ chức giám sát nhân quyền HRW, Abdullah al-Sadiq là bí danh của lãnh đạo quân nổi dậy Abdel Hakim Belhaj, người được ra tù năm 2010 và gia nhập quân nổi loạn chỉ mới đây.

Peter Bouckaert từ HRW, người đã trực tiếp giúp tìm ra số tài liệu trên, đã gọi mối quan hệ hợp tác bí mật giữa Washington và chế độ Gaddafi là "Một chương rất đen tối trong lịch sử tình báo Mỹ". "Đây sẽ mãi là một vết nhơ trong hồ sơ của tình báo Mỹ về việc họ đã hợp tác với những cơ quan tình báo đặc biệt tàn bạo trong hoạt động" - ông Bouckaert phát biểu.

CIA hiện không có bình luận chính thức về phát hiện trên. Phát ngôn viên Jennifer Youngblood của cơ quan này chỉ tuyên bố: Mỹ vẫn coi Libya như một đồng minh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. "Chúng ta không thể tỏ ra ngạc nhiên về việc, CIA hợp tác với các chính phủ nước ngoài để giúp bảo vệ đất nước chúng ta khỏi chủ nghĩa khủng bố và những mối đe dọa nguy hiểm khác" - Youngblood giải thích.

Những tài liệu được phát hiện cũng chứng minh sự hợp tác của tình báo Libya với Cơ quan Mật vụ MI-6 của Anh. Chẳng hạn như tình báo Anh đã nhờ phía Libya giúp nghe trộm điện thoại một số công dân Libya mà họ đang nghi ngờ. Trong một lá thư đề ngày 24/12/2003, các quan chức Anh đã cảm ơn trước sự hợp tác của chỉ huy Cơ quan Tình báo Libya là Moussa Koussa - kẻ sau này trở thành Ngoại trưởng và đã đào thoát ngay trong những ngày đầu tiên của làn sóng nổi dậy.

CIA và MI-6 đều đặn trao đổi thư từ với đối tác Libya. Hàng tuần tình báo Mỹ và Anh đều gửi fax để bảo đảm đường dây giao tiếp hoạt động tốt. Có thời điểm fax được đánh đi hàng ngày.

Trong một bức thư gửi đến Moussa Koussa, CIA và MI-6 bày tỏ tình bạn bè thân thiết trong đó các điệp viên xưng hô với nhau bằng tên thân mật, như bức thư gửi đến Moussa Koussa tháng 12/2003, một điệp viên MI-6 viết là "ông bạn Mark thân mến". Một bức thư khác của MI-6 chúc mừng "Happy Christmas" đến đối tác Libya. Thậm chí hành trình và địa chỉ khách sạn lưu trú của điệp viên CIA và MI-6 khi đến Tripoli cũng được nêu rõ trong thư từ - điều đó cho thấy họ tin tưởng nhau thế nào!

Ngoài ra, một phần các tài liệu tìm thấy đã giúp hé lộ nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ Gaddafi, ngay cả khi tiềm lực quân sự của ông ta vẫn được đánh giá là khá hùng hậu - đó là tâm trạng thất vọng và lúng túng ngày càng tăng của nhiều quan chức chính quyền trước sự lớn mạnh của phe nổi dậy.

Chẳng hạn một số báo cáo đánh giá quân đội và cảnh sát Libya không có khả năng chiến đấu cao khi chiến tranh thực sự xảy ra. Trong một văn bản khác đề ngày 26/4, một viên tướng quân đội phàn nàn về việc họ phải chiến đấu trong điều kiện gần như không có thông tin tình báo.

"Tôi chưa bao giờ nhận được thông tin - viên tướng này viết - Tôi nghĩ rằng, không có một cơ quan nào có được thông tin chính xác dù là nhỏ nhất về lực lượng bạo loạn". 

Các tài liệu còn cho thấy, quân đội và tình báo Libya đã đánh giá quá thấp sức mạnh của phe nổi dậy. Chẳng hạn trong một báo cáo hồi tháng 2, một chỉ huy chiến trường thông báo cho giới lãnh đạo của mình tại Tripoli rằng, lực lượng tham gia phản kháng tại thành phố Al Marj chỉ là "những tên nghiện rượu gây phiền toái cho những người xung quanh".

Còn một báo cáo khác từ ngoại ô Tripoli ví những người tham gia biểu tình phản đối là "những con chó hoang". Nhưng rốt cuộc, giới lãnh đạo tình báo Libya trong những ngày cuối cùng đã phải đau đầu tìm mọi khả năng nghe trộm điện thoại của lực lượng nổi dậy nhằm tìm kiếm chút thông tin hy vọng có thể giúp đối phó hiệu quả những cuộc tấn công

Thái Quân – Trang Thuần (tổng hợp)
.
.