CIA và vụ đánh cắp báo cáo của Tổng bí thư Khrusev năm 1956

Thứ Tư, 11/01/2006, 13:40

Nhờ có sự giúp đỡ của Mossad, CIA đã lấy được "báo cáo mật" với những chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng của Liên Xô mà Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô Khrusev trình Đại hội đại biểu lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Năm 1956, tại Đại hội đại biểu lần thứ 12 của Đảng Cộng sản (ĐCS) Liên Xô, Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô Khrusev đại diện cho Bộ Chính trị Trung ương ĐCS Liên Xô đã soạn thảo "báo cáo mật" trình Đại hội. Bản báo cáo này đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại của Liên Xô, ảnh hưởng đến cục diện thế giới thời Chiến tranh lạnh và gây chấn động toàn cầu. Chính vì vậy, các điệp viên của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã tìm mọi thủ đoạn để có được bảo báo cáo mật này.

Do bản báo cáo của Khrusev có tính chất đặc biệt quan trọng và chỉ được sử dụng trong thời gian diễn ra Đại hội lần thứ 12 của ĐCS Liên Xô, nên thuộc phạm vi tuyệt mật, các bản sao không được phát tán rộng rãi. Khi đó chỉ có KGB được phép sao lại một số bản để tranh thủ ý kiến ngay trong nội bộ ĐCS Liên Xô và ý kiến của các nước cộng sản Đông Âu. Vì vậy, các cơ quan an ninh Liên Xô đã tiến hành tất cả các biện pháp bảo mật rất chặt chẽ.

Tổng thống Mỹ Eisenhower đã trực tiếp ra lệnh cho Cục trưởng CIA khi đó là Allen Dulles chỉ thị cho điệp viên CIA bằng mọi cách phải có được trong tay nội dung bản báo cáo tuyệt mật của Khrusev. Vì theo Eisenhower, từ bản báo cáo này có thể thấy được sự thay đổi đến mức người Mỹ không thể tưởng tượng về đất nước Liên Xô.

Sau khi nhận lệnh, Dulles và một số lãnh đạo cao cấp CIA xác định chỉ có Rober Aymerli và Wilsner là có khả năng thực hiện điệp vụ này. Mặc dù còn khá trẻ, nhưng khả năng và năng khiếu gián điệp của hai điệp viên này ít người sánh được. Chính vì vậy, Dulles thực sự bối rối vì không biết chọn ai trong hai người.

Bản báo cáo của TBT Khrusev đã bị CIA "nẫng" mất.

Trong khi đang đắn đo suy nghĩ thì một thân tín của Dulles giới thiệu rằng Aymerli và các thuộc hạ của anh ta có mạng lưới quan hệ rất tốt ở Nam Tư. Lập tức Dulles gặp và giao nhiệm vụ cho Aymerli.

Aymerli báo cáo rằng anh ta có thể thông qua kênh Bộ Ngoại giao Nam Tư để có được bản báo cáo tuyệt mật này trong thời gian sớm nhất. Dulles đồng ý với phương án, vì vậy hành động bí mật của Aymerli được triển khai ngay sau đó. Cùng thời gian này, Dulles cũng gặp Wilsner và cũng để Wilsner thông qua con đường khác nhằm thu thập được bản báo cáo mật của Khrusev.

Aymerli thăm dò Ngoại trưởng Nam Tư

Mang theo sứ mệnh đặc biệt, vào một ngày của tháng 3/1956, Aymerli bay từ Washington đến Sứ quán Mỹ tại thủ đô Belgrade của Nam Tư với thân phận công khai là đặc sứ Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tại đây, Aymerli bắt tay ngay vào việc thu thập tin tình báo và tiếp xúc với Đại sứ Mỹ tại Nam Tư. Để giữ bí mật ý định, Aymerli chỉ nói qua loa với viên đại sứ Mỹ về nhiệm vụ bí mật mà anh ta phải thực hiện. Sau đó, dưới sự sắp xếp của Sứ quán Mỹ tại Nam Tư, trên danh nghĩa là quan chức ngoại giao, Aymerli đã trực tiếp gặp Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Ngoại trưởng Nam Tư khi đó là Edward Cardell.

Trong buổi gặp gỡ gần 2 tiếng đồng hồ, ban đầu Aymerli không hề đề cập gì những chuyện liên quan đến Liên Xô, mà chủ yếu nói về những thành tựu mà Nam Tư giành được trên lĩnh vực xây dựng kinh tế.

Trong lúc đang say sưa nói chuyện, bất ngờ Aymerli hỏi Cardell: “Theo một nguồn tin cậy thì trong Đại hội 12 của ĐCS  Liên Xô sắp tới, Khrusev có làm một bản báo cáo mật, trong đó có đề cập đến chính sách ngoại giao đối với các nước phương Tây. Đối với bản báo cáo này, đoàn đại biểu của các ngài chắc cũng có bản sao, đúng không?”. Aymerli đã hỏi rất tinh quái, cố tình che giấu mục đích thực sự của mình và Cardell đã khẳng định nguồn tin mà Aymerli trao đổi là có thực.

Ngay sau đó, được thể Aymerli chẳng ngần ngại khi nói rằng do xác định Liên Xô là nước lớn - đối thủ số 1 của Mỹ, nên tổng thống Mỹ rất quan tâm và muốn xem qua bản báo cáo mật này, phía Mỹ bảo đảm sẽ tuyệt đối giữ bí mật cho Nam Tư về việc này. Cardell tìm cách từ chối khéo với lý do việc này cần phải đợi sự phê chuẩn của nguyên thủ nhà nước. Aymerli thừa hiểu viên ngoại trưởng này đang tìm cách rút lui, nhưng đành phải đồng ý với Cardell. Tuy vậy, Aymerli cũng nói bóng gió với Ngoại trưởng Nam Tư rằng việc này nếu không khéo sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Nam Tư.--PageBreak--

Ngay ngày thứ hai, khi đến trụ sở Bộ Ngoại giao Nam Tư, khi gặp Cardell, Aymerli đã hỏi ngay ý kiến của nguyên thủ nhà nước Nam Tư như thế nào? Ngoại trưởng Nam Tư đành nói rằng nguyên thủ nhà nước Nam Tư đã nói Nam Tư cần tôn trọng đồng minh Liên Xô. Tuy đã lường trước việc khi Nam Tư không tin Liên Xô thì họ càng không muốn câu kết với người Mỹ có thể xảy ra, nhưng Aymerli không ngờ phía Nam Tư lại từ chối dứt khoát như vậy.

Mosadd đã làm gì để giúp CIA có được bản báo cáo?

Cùng thời gian này, Wilsner cũng tìm mọi cách hoàn thành nhiệm vụ mà Dulles giao. Ngày 12/3/1956, khi Wilsner nhận được tin Bí thư thứ nhất của Công đảng Đoàn kết Ba Lan là Beruter bị chết tại Moskva do bệnh tật. Quả nhiên đúng như tính toán của Wilsner, sau khi thông tin trên được loan tải về Ba Lan, tình hình nội bộ Chính phủ Ba Lan bất ổn, Wilsner nắm ngay cơ hội này nhanh chóng cùng với các trợ thủ của mình nghiên cứu phương án hành động.

Wilsner đã ra lệnh cho tất cả điệp viên CIA hoạt động tại Ba Lan cần tranh thủ cơ hội để cố gắng có được bản báo cáo mật của Khrusev mà Liên Xô gửi cho đoàn đại biểu Ba Lan tham khảo.

Vào thời điểm này, Chính phủ Ba Lan do quá tập trung vào việc giải quyết vấn đề nội bộ, đã không chú ý đến việc bảo vệ bí mật các tài liệu quốc gia. Còn các điệp viên CIA cũng triệt để tận dụng cơ hội để hành động. Wilsner và các điệp viên CIA thông qua một số kênh, đã tiếp xúc với một số nhân vật liên quan trong Chính phủ Ba Lan và dùng tiền mua chuộc những người này hợp tác với CIA.

Cuối cùng, Wilsner cũng đã có trong tay bản sao báo cáo mật của Khrusev mà phía Liên Xô gửi đoàn đại biểu Ba Lan. Tuy nhiên, Wilsner thất vọng vì trong bản sao báo cáo mật này có 35 chỗ bị cắt xén và các nội dung bị cắt xén đều liên quan đến chính sách ngoại giao của Liên Xô. Thực tế, những bản sao mà phía Liên Xô gửi các nước cộng sản Đông Âu đều là những bản báo cáo đã được lược bỏ một số nội dung nhạy cảm.

Không chịu đầu hàng, ngay lập tức Wilsner triệu tập cuộc họp các điệp viên tham gia điệp vụ này để biểu dương thành công vừa qua của họ, đồng thời yêu cầu họ tiếp tục cố gắng để có được toàn bộ nội dung bản báo cáo mật. Trong buổi họp này, một điệp viên của CIA đã tham mưu với Wilsner là phải tận dụng sự giúp đỡ của Cơ quan Tình báo Mossad của Israel thì mới có được đầy đủ nội dung bản báo cáo mật đó.

Wilsner đồng ý với phương án này và lập tức bay sang Moskva để trao đổi việc này với trùm Mossad đang hoạt động tại Liên Xô. Tình báo Israel đồng ý ngay, nhưng yêu cầu phía CIA phải trả thù lao rất cao, Wilsner đành phải đồng ý. Hai tuần sau với số tiền hàng trăm nghìn USD, CIA đã có được toàn văn bản báo cáo mật của Khrusev từ Mossad cung cấp

Thanh Trung (theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.