CIFA - cơ quan phản gián bí mật của Lầu Năm Góc

Thứ Tư, 26/07/2006, 13:59

Gần đây, báo chí Mỹ đã tập trung nhiều sự chú ý vào hoạt động của một bộ phận phản gián bí mật tại Lầu  Năm Góc có tên gọi là CIFA (Counter Intelligence Field Activity). Dư luận Mỹ cho rằng, cơ quan này của Bộ Quốc phòng đã vượt quá thẩm quyền quy định khi tổ chức theo dõi chặt chẽ nhiều dân thường ngay tại nước Mỹ. Vậy CIFA thực chất là một tổ chức như thế nào và vai trò cụ thể của nó ra sao?

Một ngày tháng 6/2004, một nhóm biểu tình chỉ gồm có khoảng chục người đã tụ tập ngay trước trụ sở của Công ty Halliburton, một nhà thầu quân sự lớn, có thời gian được chính Phó tổng thống Dick Cheney điều hành. Theo người tổ chức ra hành động này là Scott Parkin, ý định của anh ta chỉ là “một trò đùa chính trị” nhằm lôi kéo sự chú ý của công luận đối với các hợp đồng cung cấp lương thực của Halliburton cho quân đội Mỹ tại Iraq.

Nhưng Lầu Năm Góc lại nhìn nhận hành động này ở một khía cạnh khác. Các nhân viên của CIFA đã xếp vụ biểu tình trên vào danh sách những mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia. CIFA đã điều tra ngay về các nhân vật tham gia và lưu trữ tất cả hồ sơ về họ. Thực tế này khi được tiết lộ đã làm nảy sinh một vấn đề: Liệu CIFA có vượt quá quyền hạn của mình khi theo dõi nhiều tổ chức và thường dân vô tội?

Theo lời tạp chí Newsweek, chính cựu Thứ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowitz đã từng thừa nhận, trong một số báo cáo của CIFA có một số thông tin không được phép thu thập về các công dân và tổ chức tại Mỹ. Còn một quan chức cao cấp giấu tên từ Lầu Năm Góc cũng cho biết, số báo cáo của CIFA về các công dân Mỹ có thể lên tới hàng ngàn bộ.  

Cơ quan phản gián CIFA của Lầu Năm Góc được thành lập ngày 19/2/2002 với nhiệm vụ chính là “bảo vệ các cơ cấu quyền lực của Mỹ” – cụ thể là theo dõi những mối đe dọa tiềm tàng về an ninh, mô tả kịch bản về các vụ khủng bố có thể xảy ra đối với các đối tượng quân sự và dân sự trong nước.

Cựu chuyên gia phân tích tình báo William Arkin cho biết, CIFA có thể tiếp cận được tất cả những báo cáo của các cơ quan hành pháp, cũng như mọi thông tin tình báo. Đó là chưa kể tới xu hướng mở rộng hoạt động do thám trên Internet của tổ chức này.

Tháng 11/2005, tờ Washington Post lại thông báo, Nhà Trắng dự định sẽ mở rộng quyền hạn của CIFA. Trong tương lai theo như đề xuất của Bộ Quốc phòng, lĩnh vực hoạt động của Cơ quan phản gián Lầu Năm Góc còn được bổ sung cả việc điều tra các hoạt động gián điệp quân sự và kinh tế, những vụ phản bội tổ quốc, hoạt động phá hoại từ cơ quan tình báo nước ngoài hay các tổ chức khủng bố.

Để “rộng đường” cho bước thay đổi này, Quốc hội Mỹ đã được Lầu Năm Góc đệ trình lên một bản dự thảo sửa đổi “Luật bảo vệ thông tin riêng tư” (Privacy Act). Đạo luật này từ trước vẫn ngăn cấm các cơ quan nhà nước tiết lộ thông tin liên quan đến các cá nhân, đồng thời cho phép cá nhân có quyền tiếp cận, sao chép cũng như chỉnh sửa hồ sơ riêng của họ.

Theo dự luật sửa đổi, các cơ quan mật vụ như CIA hay FBI có thể trao cho CIFA tất cả các thông tin về những công dân Mỹ có dính dáng đến tình báo nước ngoài. Những người soạn thảo ra dự luật khẳng định, đây là điều kiện cần thiết cho cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế và nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Kế hoạch mở rộng đặc quyền của CIFA đã gây ra một làn sóng chống đối quyết liệt từ những người hoạt động nhân quyền. Các tổ chức xã hội đã dựa trên đạo luật thông qua từ năm 1878 (theo đó quân đội chỉ có thể hoạt động bên ngoài lãnh thổ Mỹ) để buộc tội Lầu Năm Góc vi phạm luật pháp. Phía các luật sư thuộc phe quân đội lại biện hộ rằng, việc thay đổi đạo luật cũ này là rất cần thiết để giúp quân đội có thể tham gia vào việc giải quyết hậu quả từ thảm họa thiên nhiên, cũng như ngăn chặn các vụ bạo động và khủng bố quy mô lớn trong nước. Mọi việc trở nên nghiêm trọng hơn, khi các nghị sĩ phe Dân chủ trong Ủy ban tình báo Thượng viện đã quyết định mở một cuộc điều tra về hoạt động của CIFA vào tháng 1/2006.

Cùng với nỗ lực mở rộng CIFA, Lầu Năm Góc cũng tăng cường hơn nữa các khả năng tình báo trong nước của mình bằng cách thành lập Northcom (Bộ Tư lệnh phía Bắc) tại Colorado Springs, theo họ là để giúp quân đội có thể phản ứng hữu hiệu hơn trước những mối đe dọa khủng bố tại Mỹ.

Hiện nay, các trung tâm tình báo của Northcom tại Colorado và Texas có một đội ngũ gần 300 chuyên viên phân tích tình báo, chuyên tổng hợp các báo cáo đến từ CIFA, FBI và nhiều cơ quan mật vụ khác của Mỹ

Thái Quân (Tổng hợp)
.
.