CSCC - Trung tâm chống khủng bố đối phó với IS

Thứ Ba, 07/10/2014, 17:30

Chiến trường kỹ thuật số hiện đang trở thành “đấu trường sống còn” trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, và đối với chính quyền Mỹ, tuyến đầu là đội chuyên gia công nghệ thông tin của Bộ Ngoại giao có tên gọi “Trung tâm Thông tin liên lạc chiến lược chống khủng bố” (CSCC), bắt đầu hoạt động từ năm 2011 theo lệnh của Tổng thống Barack Obama.

Với ngân sách chỉ vào khoảng 6 triệu USD và 20 chuyên gia, CSCC được coi là mũi nhọn dẫn đầu cuộc chiến chống lại cỗ máy tuyên truyền tinh vi của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang vận hành hết công suất trên các trang mạng xã hội và diễn đàn chuyên đề trên Internet. Sử dụng tiếng Arập, Urdu, Somali và nay là tiếng Anh, Đội chuyên gia kỹ thuật số (DOT) của CSCC lùng sục trên Internet để tìm kiếm tài liệu nội dung cực đoan; xâm nhập vào mọi thứ từ Twitter cho đến các diễn đàn bộ tộc Yemen để đối đầu với những tuyên bố của các phần tử thánh chiến.

Đoạn video quả là khủng khiếp với những tù nhân bị hành hình khắp nơi. Bọn người mang mặt nạ tra tấn nạn nhân và hành quyết tù nhân. Đoạn video - với tựa đề "Chào mừng đến với vùng đất của IS" - được công bố trên YouTube vào tháng 7/2014 thật ra là "sản phẩm" của CSCC trong nỗ lực vô hiệu hóa chiến dịch tuyển mộ chiến binh thông qua mạng xã hội của IS.

Chiến dịch của CSCC bao gồm: một kênh YouTube cung cấp những video tố cáo sự đạo đức giả của IS và tội ác chiến tranh chống lại nhân loại. Kế đến là một tài khoản Twitter - "Think Again Turn Away" - với các đường liên kết đến những câu chuyện về phụ nữ và trẻ em bị IS hành hạ. Và cuối cùng là một trang Facebook với nhiều hình ảnh khủng khiếp về dân thường bị IS sát hại.

Ông Alberto Fernandez, cựu Đại sứ Mỹ ở Guinea Xích đạo và hiện là điều phối viên cho CSCC, cho biết, đội DOT - với 50 thành viên bao gồm người Mỹ và người nước ngoài - luôn tìm kiếm cơ hội để vạch trần thói đạo đức giả của những kẻ thánh chiến cực đoan như IS. Đôi khi hành động của CSCC dẫn đến sự đối đầu trực tiếp với chúng song đó không là mục đích của đội. Alberto Fernandez giải thích: "Đối tượng mục tiêu của chúng tôi không là bọn cực đoan mà chính là những dân thường mà chúng muốn trò chuyện, cố gắng tác động đến. Đó là những dân thường chưa trở thành phần tử khủng bố".

CSCC phản ánh nhận thức bên trong bộ máy chính quyền Mỹ rằng, tuyên truyền trực tuyến không chỉ là cách hiệu quả để quảng bá chủ nghĩa khủng bố, mà còn là công cụ để ngăn chặn nó. Như Fernadez quả quyết: "Có mối liên kết giữa những gì xảy ra trong không gian ảo và trong đời thực. Chúng ta không thể tách biệt 2 mặt đó được".

Theo các chuyên gia, chiến binh thánh chiến lợi dụng sức mạnh công nghệ từ rất sớm để tuyên truyền cho "sự nghiệp" của chúng. Trùm khủng bố Osama bin Laden từng khôn khéo sử dụng kênh truyền hình Al-Jazeera để lôi kéo người ủng hộ. Năm 2005, Ayman al-Zawahiri - phó tướng của Bin Laden - viết cho Abu Musab al-Zarqawi (lúc đó lãnh đạo Al-Qaeda ở Iraq - AQI) như sau: "Hơn một nửa cuộc chiến diễn ra trên phương tiện truyền thông". 

Trang Facebook của CSCC.

Clint Watts, chuyên gia chống khủng bố của Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại (FPRI) nhận định, AQI là "nhóm đầu tiên sử dụng sức mạnh Internet một cách hiệu quả nhất". Thay vì đưa ra những lời khuyên rỗng tuếch về đức hạnh, bọn chúng sử dụng những đoạn video chiến trường - những vụ nổ bên đường hay những vụ đấu súng với binh sĩ Mỹ - để tán dương thánh chiến. IS cũng biết bắt chước chiến thuật ma quỷ nhất của AQI.

Một thập niên trước khi 2 nhà báo Mỹ - James Foley và Steven Sotloff - bị IS chặt đầu, AQI đã chặt đầu doanh nhân người Mỹ tên là Nicholas Berg trong một video. IS tổ chức một bộ máy tuyên truyền trên Internet cực kỳ tinh vi "hơn cả bất cứ nhóm cực đoan nào khác" - theo Matthew Olson, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Chống khủng bố (NCC).

Hoạt động thánh chiến kỹ thuật số chuyển biến từ các diễn đàn được bảo vệ bằng mật khẩu đến các diễn đàn xã hội mở. IS có một ứng dụng smartphone gọi là "Dawn of Glad Tidings" và một guồng máy tuyên truyền có tổ chức gọi là Trung tâm Truyền thông Al-Hayat chuyên phân phối các video ca ngợi thánh chiến.

Đoạn video có tựa đề “Chào mừng đến với vùng đất của IS” của CSCC.

Chiến dịch truyền thông của IS là sự pha trộn giữa hình ảnh chiến trường và những cảnh chụp nhanh đời thường - chiến binh reo hò trong những tòa nhà sang trọng, lang thang trong nhà hàng hay tuần tra đường phố. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng thừa nhận với Hãng tin CNN rằng, chiến binh thánh chiến rất tinh tế trong sử dụng công nghệ hiện đại. Nhiều hoạt động của IS diễn ra trên Twitter.

"2013 là năm  Twitter của Al-Qaeda và IS", ông Alberto Fernandez cho biết. Từ tháng 5/2014, hơn 60.000 tài khoản Twitter được lập để chào đón IS, trong đó có 27.000 tài khoản xuất hiện sau vụ sát hại nhà báo Mỹ James Foley - theo một báo cáo của Công ty phân tích web Recorded Future.

Theo Alberto Fernandez, tài liệu cực đoan xuất hiện tràn lan trên Internet và công việc của CSCC là ngăn chặn không cho chúng có cơ hội lôi kéo dân thường trở thành những phần tử cực đoan. Đội DOT của CSCC có 15 người nói thạo tiếng Arập, 4 người thạo tiếng Urdu, 2 người thạo tiếng Somali và chỉ có 2 người sử dụng tiếng Anh.

Năm 2012, cỗ máy tuyên truyền Al-Qaeda mang tên "Mặt trận truyền thông Hồi giáo toàn cầu" cảnh báo những người tham gia các diễn đàn thánh chiến nên "thận trọng cảnh giác" với DOT của CSCC. Trước phản ứng mạnh mẽ của bọn cực đoan, ông Alberto Fernandez nói rằng: "Chúng ta đang gây khó chịu cho bọn chúng, và đang  xâm nhập vào đầu óc của chúng"

Diên San (tổng hợp)
.
.