Các Cty dược phương Tây sử dụng người Ấn Độ làm vật thí nghiệm

Thứ Tư, 04/04/2012, 10:45

Người ta ước tính có khoảng 120.000 cuộc thử nghiệm dược phẩm diễn ra tại 178 quốc gia trên thế giới, và Ấn Độ chỉ là một trong nhiều quốc gia đang phát triển được các công ty dược lớn của phương Tây chọn để tiến hành những cuộc nghiên cứu trị giá đến 40 tỉ bảng Anh.

Giữa các năm 2007 - 2010, có ít nhất 1.730 người chết ở Ấn Độ trong khi (hay sau khi) tham gia những cuộc thử nghiệm thuốc mới ở nước này. Và những cái chết do biến chứng này thường thiếu cơ sở để tiến hành điều tra. Sự thiếu giám sát của chính quyền đối với những cuộc thử nghiệm như thế đã dẫn đến hậu quả hàng loạt là nhiều người nghèo hoặc thất học được chọn từ các khu ổ chuột hay các cộng đồng bộ tộc vô tình tham gia vào một quá trình đầy bất trắc mà họ thậm chí không hề hay biết.

Ấn Độ đặc biệt thu hút đối với các nhà nghiên cứu dược phẩm không đơn giản chỉ vì hệ thống quản lý lỏng lẻo của nước này, mà thật ra do nơi đây có số dân đông đúc với sự đa dạng về di truyền và chủng tộc. Vào đầu năm 2011, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Ghulam Nabi Azad đã báo cáo trước Quốc hội nước này rằng, tổng cộng 10 công ty dược nước ngoài đã chi trả cho người thân của 22 cá nhân bị chết trong hay sau những cuộc thử nghiệm thuốc được tiến hành trong năm 2010. Số tiền bồi thường trung bình là 238 rupee (khoảng 3.000 bảng Anh) cho mỗi nạn nhân. Và các công ty liên quan là Pfizer, PPD, Bristol-Myers Squibb, Amgen, Bayer, Eli Lilly, Quintiles KgaA, Sanofi-Aventis và Wyeth (hiện là một phần của Pfizer).

Các báo cáo mật mà tờ báo Anh The Independent có được tiết lộ một số công ty dược phương Tây đã vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức quốc tế khi kín đáo tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm thuốc đối với số nạn nhân sống sót ở thành phố Bhopal. Hậu quả là có 14 bệnh nhân đã chết trong 3 cuộc thử nghiệm và người thân của họ không nhận được khoản tiền bồi thường nào cũng như không có cuộc điều tra độc lập nào được tiến hành.

Ngoài ra, có ít nhất 8 cuộc thử nghiệm xảy ra cho hàng trăm nạn nhân thảm họa rò rỉ khí độc ở Bhopal. Tờ báo này có bằng chứng về việc tất cả số nạn nhân này - bị lợi dụng như "vật thí nghiệm" - đều hoàn toàn không được cảnh báo về những cuộc thử nghiệm. Được biết đa số các nạn nhân sống sót đều là người mù chữ!

Những nạn nhân sống sót sau thảm họa Bhopal.

Các báo cáo về 3 cuộc thử nghiệm bí mật tại Trung tâm Nghiên cứu và Bệnh viện tưởng niệm Bhopal (BMHRC) - do 3 công ty dược Theravance, Sanofi và Wyeth tài trợ - đã lôi ra ánh sáng nhiều hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng mà các chuyên gia gọi là trận đại dịch ở Ấn Độ. BMHRC là bệnh viện duy nhất tại Ấn Độ chữa trị cho khoảng 500.000 người sống sót sau thảm họa rò rỉ khí độc giết chết 25.000 người hồi tháng 12/1984.

Một cuộc nghiên cứu có tên "Attain", do Theravance tài trợ, so sánh hai loại thuốc kháng sinh để điều trị bệnh viêm phổi mắc phải trong bệnh viện. Hậu quả là 3 bệnh nhân chết khi đang thử thuốc và thêm 2 người nữa qua đời không lâu sau đó. Một lần nữa người ta không thể xác định những người chết có phải là nạn nhân của cuộc thử nghiệm thuốc hay không.

Trong cuộc thử nghiệm khác gọi là "Tiger", do Pfizer tài trợ, 32 trong số 34 bệnh nhân tham gia là nạn nhân của thảm họa Bhopal và đã có 3 cái chết xảy ra. Trong những vụ này, cả hai công ty đều không nhận trách nhiệm. Pfizer cho rằng, công ty chỉ tiến hành hai cuộc thử nghiệm tại BMHRC "với sự chấp thuận của các bệnh nhân và được giám sát bởi ủy ban đạo đức của bệnh viện. Các tiêu chuẩn cũng không khác với những cuộc thử nghiệm tiến hành ở Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hay các nơi khác trên thế giới".

Trong khi giới truyền thông Ấn Độ thường chỉ tập trung đưa tin về những cái chết do thử nghiệm thuốc mới gây ra, thì các nhà hoạt động nhân quyền khẳng định có lẽ vấn đề đáng quan tâm nhất là việc lợi dụng những người nghèo và thất học của các công ty dược phương Tây nhằm kiếm thật nhiều lợi nhuận trong việc giảm thiểu chi phí cho nghiên cứu. Nhiều bệnh nhân cho rằng họ chỉ biết nghe lời bác sĩ điều trị mà không hề biết mình đang tham gia vào những cuộc thử nghiệm thuốc hết sức nguy hiểm đến tính mạng

Duy Ân (tổng hợp)
.
.