Các công ty công nghệ thiệt hại tiền tỉ vì NSA

Thứ Tư, 16/04/2014, 14:35

Vụ việc Edward Snowden tiết lộ công khai những thông tin, tài liệu về chương trình nghe lén các nước của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) không chỉ làm cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama mất ăn mất ngủ vì lo ngăn chặn những tổn hại về mặt chính trị, ngoại giao, mà còn gây ra những thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế cho các công ty công nghệ cao từng bắt tay hợp tác với NSA.

Khách hàng bắt đầu tìm các “nhà mạng lưới”

Vấn đề thiệt hại kinh tế do vụ đổ bể nghe lén của NSA đã được lãnh đạo các công ty công nghệ cao nêu lên tại cuộc gặp gỡ với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng hôm 21/3 vừa qua.

Mark Zuckerberg - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc trang xã hội Facebook, cho rằng, những thiệt hại trước mắt khó có thể tính toán bằng con số cụ thể vì đa số các công ty đều đang ràng buộc trong các hợp đồng nhiều năm, nhưng một khi các doanh nghiệp khách hàng đặt dấu hỏi về độ tin cậy của các sản phẩm công nghệ Mỹ thì sự thiệt hại bắt đầu hiện rõ hơn.

Khi thông tin về việc NSA thu thập dữ liệu từ các máy chủ của các công ty công nghệ Mỹ như Google, Yahoo, Microsoft, Facebook, các công ty đã cố gắng đưa ra lời biện hộ rằng, họ chỉ cung cấp thông tin khách hàng cho NSA khi buộc phải làm thế trong khuôn khổ luật định; rằng họ không hề hay biết việc NSA đã "lấy cắp" thông tin bằng một chương trình "cửa sau" (backdoor). Tuy nhiên, dù có biện bạch thế nào cũng không thể xóa tan được ý nghĩ của khách hàng về việc các công ty đã hợp tác với NSA.

Daniel Castro, một chuyên gia phân tích trong ngành công nghệ thông tin cho rằng, ảnh hưởng của vụ bê bối NSA đã tác động đến nền tảng kinh doanh của các công ty. Dariel Castro đưa ra con số ước tính ngành điện toán đám mây của Mỹ có thể thiệt hại khoảng 35 tỉ USD vào năm 2016.

Forrester Research, một công ty chuyên nghiên cứu về công nghệ, đưa ra con số thiệt hại còn có thể cao hơn nhiều, đến 180 tỉ USD, tức khoảng 25% doanh thu của toàn ngành.

Tác động của vụ bê bối NSA đối với lĩnh vực kinh doanh đang là vấn đề được bàn tán hàng ngày tại các công ty công nghệ. Một giám đốc công ty công nghệ cho rằng, khái niệm "do thám" vốn ít khi được nhắc tới trước đây hiện nay đã trở thành đề tài mở đầu câu chuyện trong các cuộc trò chuyện hàng ngày.

John E. Frank, cố vấn của Microsoft cho biết, ông bắt đầu nghe ngày càng nhiều khách hàng bày tỏ sự quan tâm, lo ngại về việc dữ liệu của họ được lưu trữ ở đâu, có an toàn hay không, và nó được sử dụng như thế nào? Microsoft đã thông báo công khai việc cho phép khách hàng lưu trữ dữ liệu ở các trung tâm của Microsoft ở các nước.

Buổi gặp mặt giữa Tổng thống Barack Obama với lãnh đạo các công ty công nghệ.

Mức độ thiệt hại về kinh doanh của các công ty công nghệ Mỹ đã được thể hiện một cách gián tiếp qua hiện tượng gia tăng doanh thu của các công ty trong ngành công nghệ cao ở những nơi khác như châu Mỹ Latinh, châu Á, châu Âu - nơi chưa từng có cơ hội làm ăn ngang hàng với các  tập đoàn, công ty Mỹ. Nhiều công ty nói rằng, họ đã ghi nhận sự gia tăng số lượng khách hàng đột biến kể từ khi nổ ra vụ việc nghe lén của NSA, mà trong đó các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông Internet ở Mỹ cũng có một phần trách nhiệm. Vụ việc đó đã khiến cho khách hàng doanh nghiệp đánh giá lại mức độ tin cậy của các nhà cung cấp dịch vụ Mỹ.

Chẳng hạn như Công ty Runbox của Na Uy chuyên cung cấp dịch vụ email đã ghi nhận mức tăng 34% lượng khách hàng. Với cách mà Chính phủ Mỹ ứng xử với thế giới sau vụ đổ bể các chương trình nghe lén của NSA, Chính phủ Brazil và EU, vốn sử dụng các tuyến cáp quang biển của Mỹ để truyền dữ liệu, tháng 2/2014 đã quyết định xây dựng các tuyến cáp riêng nối Brazil sang Bồ Đào Nha, và các  hợp đồng thi công, cung cấp thiết bị công nghệ đã được trao cho các công ty của Brazil và Tây Ban Nha, thay vì các công ty Mỹ như "thông lệ" trước đây.

Tệ hơn, Brazil còn thông báo kế hoạch từ bỏ chương trình Microsoft Outlook để sử dụng hệ thống riêng, lưu trữ dữ liệu ở các trung tâm dữ liệu trong nước, thay vì thuê của các công ty Mỹ.

Không chỉ thiệt hại do thất thu, các công ty công nghệ của Mỹ còn phải tốn thêm một khoản tiền không nhỏ cho các chi phí phát sinh, cụ thể là chi phí để trang bị thêm các trang thiết bị, phương tiện, công nghệ, cơ sở vật chất đảm bảo độ an toàn cho dữ liệu của khách hàng, để trấn an họ nhằm dần dần xây dựng lại lòng tin của khách hàng. Hàng tỉ USD đã được các công ty công nghệ cao của Mỹ như Google, Yahoo, Microsoft, IBM chi ra để trang bị các chương trình mã hóa hiện đại nhất trong cuộc "đấu" công nghệ với NSA nhằm phục vụ khách hàng một cách an toàn nhất.

Tháng 1/2014, IBM đã thông báo kế hoạch chi 1,2 tỉ USD xây dựng thêm 15 trung tâm tích hợp dữ liệu mới ở các nước, bao gồm Hongkong (Trung Quốc), London (Anh), Sydney (Australia),… nhằm thu hút khách hàng quay trở lại. Công ty bán hàng trực tuyến Salesforce.com cũng thông báo kế hoạch tương tự.

Tổng giám đốc Facebook Mark Zuckerberg (phải) đến Nhà Trắng dự cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama hôm 21/3.

Tuy nhiên, việc xây dựng các trung tâm tích hợp dữ liệu mới nhằm mục đích mở rộng thị trường sẽ gặp những trở ngại lớn tại các quốc gia là nạn nhân nghe lén nghiêm trọng nhất của NSA, như Brazil và Đức chẳng hạn, nơi ngay cả giới chức lãnh đạo quốc gia cũng bị nghe lén điện thoại. Quốc hội hai nước này hiện đang xem xét dự thảo luật tạo rào cản pháp lý, kỹ thuật nhằm hạn chế các công ty công nghệ của Mỹ hoạt động trên lãnh thổ mình.

Và đây chính là cái giá lớn nhất của các công ty công nghệ của Mỹ phải trả cho hoạt động nghe lén của NSA.

“Cửa sau” của NSA gián điệp công ty viễn thông Huawei

Giới chức Washington từ lâu đã coi Huawei là mối đe dọa an ninh đáng sợ, ra sức ngăn chặn tập đoàn viễn thông Trung Quốc hợp tác kinh doanh trên đất Mỹ do lo sợ tổ chức này có thể tạo ra "cửa sau" trong các thiết bị của mình cho phép các hacker xâm nhập đánh cắp các bí mật thương mại và chính quyền Mỹ. Nhưng các tài liệu mật rò rỉ mới đây tiết lộ: NSA cũng âm thầm lập ra các "cửa sau" của mình để trực tiếp xâm nhập các hệ thống mạng của Huawei.

Với lực lượng nhân viên lên đến 150.000 người, Huawei trở thành nhà cung cấp thiết bị mạng lớn hàng thứ 2 trên thế giới nên dễ hiểu tại sao tập đoàn khổng lồ này của Trung Quốc được NSA coi là mục tiêu gián điệp ưu tiên. Từ đầu năm 2009, NSA bắt đầu một chiến dịch có tên mã là "Shotgiant" nhằm chống lại Huawei, đối thủ cạnh tranh đáng nể của Tập đoàn Cisco của Mỹ. Huawei sản xuất smartphone, máy tính bảng cũng như các thiết bị kỹ thuật số phức tạp và thiết bị định tuyến WLAN - loại công nghệ mấu chốt trong cuộc chiến giành ngôi bá chủ kiểm soát dữ liệu của NSA.

Mục đích của NSA là thu thập thông tin về hoạt động của các thiết bị định tuyến và thiết bị kỹ thuật số kết nối 1/3 dân số thế giới của Huawei cũng như giám sát những cuộc giao tiếp của giới lãnh đạo công ty viễn thông. Theo một tài liệu năm 2010 bị rò rỉ, một đơn vị đặc biệt của NSA có nhiệm vụ xâm nhập hệ thống mạng của Huawei để sao chép danh sách 1.400 khách hàng cũng như các tài liệu huấn luyện dành cho các kỹ sư về các sản phẩm của Huawei.

NSA không chỉ kiểm soát thành công kho lưu trữ e-mail của Huawei mà còn đánh cắp được mã nguồn phần mềm bí mật về các sản phẩm của công ty. Mã nguồn phần mềm được coi là yếu tố sống còn của các công ty máy tính.

Từ tháng 1/2009, NSA đã nắm giữ được dữ liệu của một lượng lớn e-mail của nhân viên Huawei, trong đó bao gồm các thông điệp của Giám đốc điều hành Công ty Ren Zhengfei và Chủ tịch Sun Yafang.

Huawei đích thực là một gã khổng lổ trên toàn cầu trong lĩnh vực chế tạo và sản xuất trang thiết bị chủ lực của Internet, bố trí những mạng cáp ngầm dưới biển từ châu Á đến châu Phi và trở thành nhà sản xuất smartphone lớn hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Samsung và Apple. Người đứng sau chiến lược của Huawei là Ren Zhengfei, người thành lập Huawei và cũng là cựu kỹ sư của PLA trong thập niên 70 thế kỷ trước.

Đối với người Trung Quốc, Ren Zhengfei được so sánh với Steve Jobs - người lập nên đế chế kỹ thuật số chỉ với hơn 3.000 USD trong tay vào giữa thập niên 80 - của Mỹ. Kế hoạch của NSA là kiểm soát cho bằng được công nghệ của Huawei để có thể giám sát công ty một cách hiệu quả thông qua các thiết bị số của họ bán cho các quốc gia khác - bao gồm các đồng minh cũng như các quốc gia cố tránh mua sản phẩm của Mỹ vì lo sợ bị gián điệp.

Thông qua sự giám sát này, NSA sẵn sàng tiến hành cuộc tấn công mạng quy mô chống lại Huawei nếu được tổng thống ra lệnh. Luôn đề phòng cao độ, NSA đang theo dõi dấu vết của hơn 20 nhóm hacker Trung Quốc - hơn một nửa trong số đó thuộc về đơn vị bí mật có tên Unit 61398 PLA ở Thượng Hải và Hải quân Trung Quốc - khi họ tấn công các hệ thống mạng của chính quyền Mỹ, các công ty như Google và các nhà thầu chế tạo phụ tùng cho vũ khí hạt nhân và máy bay không người lái  của Mỹ.

Nhiều lần giới chức chính quyền Mỹ nhấn mạnh rằng, NSA xâm nhập gián điệp các hệ thống mạng nước ngoài chỉ nhằm phục vụ các mục đích an ninh quốc gia hợp pháp. Bà Caitlin M. Hayden, phát ngôn viên Nhà Trắng, tuyên bố: "Chúng tôi không chia sẻ thông tin tình báo thu thập được với các công ty Mỹ nhằm giúp họ tăng cường khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế hay tận dụng triệt để thế mạnh của họ".

Nhưng điều đó không có nghĩa là chính quyền Mỹ không tiến hành chiến dịch gián điệp kinh tế riêng biệt để phục vụ cho một số mục tiêu khác. Huawei đã đầu tư mạnh cho sự phát triển công nghệ mới và bố trí những hệ thống cáp quang ngầm dưới biển kết nối đế chế trị giá 40 tỉ USD/năm. Các khách hàng chủ chốt của Huawei - bao gồm Iran, Afghanistan, Pakistan, Kenya và Cuba - cũng là các mục tiêu ưu tiên của NSA.

Một chuyên gia phân tích viết trong tài liệu mật năm 2010: "Nếu nắm rõ được các kế hoạch và ý định của Huawei, tất nhiên chúng ta cũng sẽ biết trước được các kế hoạch và ý định của chính quyền Trung Quốc".

Hai năm sau khi chiến dịch "Shotgiant" trở thành chương trình trọng tâm của NSA, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố báo cáo giải mật về Huawei và ZTE, một công ty viễn thông khác của Trung Quốc, trong đó bày tỏ sự không tin tưởng vào hai công ty này.

Mối lo ngại của Washington về Huawei đã xuất hiện từ gần một thập niên trước đây khi tổ chức nghiên cứu RAND Corporation đánh giá mối đe dọa tiềm ẩn của Trung Quốc đối với quân đội Mỹ: "Các công ty tư nhân Trung Quốc như Huawei là một phần trong "tam giác kỹ thuật số mới" bao gồm các công ty, viện nghiên cứu và các cơ quan chính quyền hợp tác làm việc với nhau trong bí mật

Duy Ân - Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.