Các cựu điệp viên kiện Cục Tình báo Đài Loan

Thứ Sáu, 25/05/2007, 10:30
Sau nhiều năm sống im lặng trong nghèo khổ với nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, cuối cùng Khương Kiến Quốc cùng những người có chung cảnh ngộ như Trần Cảnh Thánh, Giản Trí Quân, Khám Trung Can... đã đệ đơn kiện Cục Tình báo Đài Loan đã gây ra những hệ lụy cho họ.

Sau khi Tưởng Kinh Quốc lên cầm quyền ở Đài Loan  (ĐL), một trong những ưu tiên hàng đầu của giới lãnh đạo ĐL là tiến hành cuộc chiến tranh gián điệp hay còn gọi là “cuộc chiến trong bóng tối” để chống lại đại lục.

Họ ra sức tổ chức, chiêu mộ, huấn luyện và tung các điệp viên vào  đại lục để thực hiện các cuộc mưu sát, thu thập thông tin quân sự, tuyên truyền kích động, tìm hiểu cách bố phòng của các tuyến phòng vệ, nhất là tuyến phòng vệ dọc theo các tỉnh duyên hải, v.v... nhằm làm mất ổn định ở đại lục.

Cục Tình báo ĐL đã chọn  Hồng Công làm trung tâm tình báo và là đầu cầu quan trọng bậc nhất để tiến hành âm mưu trên. Trong việc tuyển mộ điệp viên, Cục Tình báo ĐL nhắm đến các ông chủ nhỏ hoặc các nhà buôn thất cơ lỡ vận mang quốc tịch Hồng Công vì đây là những đối tượng dễ khống chế nhất.

Khương Kiến Quốc sinh năm 1936 trong một gia đình có bố là một nhà tư bản lớn tại Thượng Hải. Năm 1949, bố ông bỏ lại gia đình ở Thượng Hải chạy ra ĐL và sau đó trở thành một nhà buôn lớn ở Hồng Công.

Sau khi mẹ chết, được sự chăm sóc của gia đình, Khương đã tốt nghiệp Học viện Y khoa Thượng Hải. Năm 1981, Khương nhận được bức thư của vị luật sư riêng của bố gửi từ Hồng Công xác nhận ông thừa kế duy nhất gia tài mà ông bố mất đi để lại. Ngay lập tức Khương mang theo vợ con tới Hồng Công, nhập quốc tịch Hồng Công và nghiễm nhiên trở thành một thương gia giàu có thuộc loại “có máu mặt” ở đây.

Tháng 5/1985, Khương đã dùng hầu như toàn bộ vốn liếng để thực thi “một thương vụ lớn”: mua một khối lượng rất lớn tơ tằm từ đại lục, vận chuyển tới ĐL để tiêu thụ. Nhưng không hiểu vì lý do gì toàn bộ lượng hàng của Khương đã bị Hải quan ĐL bắt giữ khiến Khương lâm vào tình thế có thể bị khuynh gia bại sản.

Để cứu vãn tình thế, Khương tức tốc từ Hồng Công sang ĐL và tìm gặp người bạn thân ở đây để nhờ giúp đỡ. Người bạn này đã giới thiệu Khương với một người đàn ông tên Thẩm và ông này hứa sẽ giúp Khương lấy lại toàn bộ lô hàng đang bị Hải quan ĐL thu giữ với điều kiện mà bên hải quan đưa ra là “nếu Khương là người ĐL”, ngược lại toàn bộ lô hàng của Khương sẽ bị sung công.

Ngay sau đó, Thẩm tiên sinh đề nghị Khương làm việc cho tình báo ĐL và Khương đành nhắm mắt chấp nhận. Khương được Thẩm tiên sinh bố trí cho học một khóa 7 ngày về nghiệp vụ gián điệp do đích thân ông ta giảng dạy. Sau khóa học, Khương được phong làm Trung tá Cục Tình báo ĐL và đương nhiên số hàng tơ tằm của Khương được giải phóng.

Khương Kiến Quốc và Trần Cảnh Thánh.

Từ ĐL trở về Hồng Công không lâu, Khương nhận được mật lệnh từ Cục Tình báo ĐL: Mang một số lượng lớn “truyền đơn chống Cộng” từ Hồng Công về phát tán ở đại lục! Mật lệnh khiến Khương choáng váng nhưng vì đã đâm lao nên ông ta phải giấu gia đình, giả làm một khách du lịch từ Hồng Công để vào đại lục.

Sau khi tới Thâm Quyến trót lọt, ngay buổi tối hôm đó, Khương tới Quảng Châu với chiếc vali to tướng bên trong giấu đầy truyền đơn.

Năm 1986, Khương lại bị Cục Tình báo trao trách nhiệm phải trở về quê cũ là Thượng Hải để tìm cách đoạt cho được tấm bản đồ về sự bố phòng bến cảng Thượng Hải. Lần thứ 3 Khương lại được giao nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, nhiệm vụ chưa hoàn thành thì Khương đã bị cơ quan phản gián của đại lục bắt quả tang về hành vi hoạt động gián điệp.

Năm 1988, Khương bị tòa án đại lục tuyên 15 năm tù, đồng thời bị tước bỏ mọi quyền lợi chính trị 5 năm sau đó.

Tháng 8/2001 sau 13 năm 4 tháng bị giam tại nhà tù Lam Kiều (Thượng Hải), Khương được trả tự do. Lập tức Khương vội vã trở về Hồng Công nhưng không gặp được gia đình. Mãi sau này Khương mới được biết, sau khi Khương bỏ vợ bỏ con để lấy vợ mới tại Thượng Hải, rồi sau đó  bị công an đại lục bắt do tội làm gián điệp cho ĐL, vợ con Khương đã không tha cho Khương tội đó. Họ đã bán nhà và đi đâu thì không ai rõ.

Ông ta lần đến Cục Tình báo ĐL, nhưng thay vì được đón tiếp như một người hùng, thì Khương đã bị họ lờ đi.

Quay lại Hồng Công Khương sống lắt lay với đủ mọi công việc kể cả việc đi nhặt giấy vụn. Còn nguồn sống chính thì vẫn nhờ vào sự cứu tế cho những người vô gia cư của chính quyền Hồng Công.

Cuối năm 2006 trong một lần đi nhận đồ cứu tế, Khương gặp "đồng nghiệp" cùng cảnh ngộ Trần Cảnh Thánh. Không thể cứ kéo dài cuộc sống trong bóng tối, hai người quyết định phải cho mọi người biết thân phận của mình, tố cáo những kẻ đã khiến họ chịu cảnh “thân bại danh liệt”. Thế là, họ đi tìm những người chung số phận và lập ra Hội những người gặp nạn trong mối quan hệ giữa hai bờ eo biển ĐL, gọi tắt là Lưỡng nan hội.

Tiếng nói của "Lưỡng nan hội" lập tức được rất nhiều các tổ chức và những nhân sĩ, những nhà hoạt động xã hội ở ĐL và Hồng Công ủng hộ. Không những thế, các tờ báo lớn của ĐL như Liên Hiệp báo, rồi Đài Truyền hình Phượng Hoàng Vệ ở Hồng Công, thậm chí cả tờ Bưu điện Washington cũng đã đưa tin rất rầm rộ về sự việc này. Pháp viện tối cao ĐL cũng đã có những sự chuẩn bị cần thiết để xét đơn kiện của Lưỡng nan hội.

Tất cả những điều đó khiến Cục Tình báo và nhà đương cục ĐL không thể lảng tránh. Vì vậy vào trung tuần tháng 4/2007, Cục Tình báo ĐL đã có một cuộc họp khẩn cấp để bàn về vấn đề “đối xử như thế nào” cho những nhân viên cũ của mình.

Tiếp xúc với giới báo chí, Khương Kiến Quốc cho biết: “Chúng tôi tin rằng Tối cao pháp viện ĐL sẽ có phán quyết công minh, giúp chúng tôi thoát khỏi tình cảnh “sống mà như chết" hiện nay”.

Giờ đây, người ta mới được biết nhiều điều về thân phận của những điệp viên trong "cuộc chiến thầm lặng" giữa hai bờ eo biển Đài Loan, vấn đề mà xưa nay vẫn nằm trong vòng "tuyệt mật".  

Nguyễn Tiến Cử (theo báo chí nước ngoài)
.
.