Các nhà tù nổi giam giữ nghi can khủng bố

Thứ Hai, 04/08/2014, 16:15

Theo nghiên cứu do Tổ chức Nhân quyền Anh Reprieve tiến hành, Mỹ sử dụng khoảng 17 chiếc tàu làm các “nhà tù nổi” giam giữ những nghi can khủng bố từ sau ngày 11/9/2001. Tù nhân bị thẩm vấn ngay trên tàu và sau đó được bí mật chuyển đến những địa điểm khác trên đất liền. Những chiếc tàu được cho là “nhà tù nổi” của Mỹ bao gồm USS Bataan, USS Peleliu và USS San Antonio v.v…

Nhiều “nhà tù nổi” bị nghi ngờ hoạt động quanh vùng lãnh thổ Anh Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, nơi được Anh và Mỹ sử dụng làm căn cứ quân sự. Nhưng người phát ngôn cho Hải quân Mỹ - Trung tá Jeffrey Gordon - từ chối bình luận về thông tin cho rằng những chiếc tàu ở gần Diego Garcia được dùng làm “nhà tù nổi”.

Vào tháng 6 vừa qua, một nghi can khủng bố đang bị giam giữ trên tàu Hải quân Mỹ USS New York có mặt ở đâu đó giữa Địa Trung Hải và Washington DC. Ahmed Abu Khattalah, người được cho là đã chỉ huy cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2012 nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở thành phố Benghazi của Libya giết chết Đại sứ Chris Stevens cùng 3 nhân viên khác - bị cầm tù trên chiếc tàu USS New York trong xà lim thường được dùng để giam quân nhân bị kỷ luật.

Trên đường đến Mỹ trong thời gian hơn 1 tuần, các nhà thẩm vấn quân sự và dân sự tranh thủ khai thác một số thông tin từ Ahmed Khattalah trước khi giao nộp người này cho Tòa án địa phương Liên bang ở Washington để chính thức xét xử. Đây không phải lần đầu tiên Hải quân Mỹ đóng vai trò quan trọng và bí mật trong những nỗ lực chống khủng bố của chính quyền nước này.

Ahmed Abu Khattalah và chiếc tàu USS New York.

Năm 2011, Ahmed Abdulkahir Warsame - thủ lĩnh quân sự nhóm khủng bố Al-Shabab của Somali - bị Hải quân Mỹ bắt trên con tàu đánh cá ở Vịnh Aden và giam giữ suốt 2 tháng trong "nhà tù nổi" giữa biển khơi. Năm 2013, Abu Anas al-Libi - người được cho là kẻ chủ mưu các vụ tấn công khủng bố nhằm vào hai đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania - bị giam trên chiếc tàu USS San Antonio.

Cả hai nghi can khủng bố này bị thẩm vấn trong "nhà tù nổi" trước khi giao nộp cho chính quyền Mỹ trên đất liền để xét xử. Cuối cùng, Warsame bị tuyên án với 9 tội danh, bao gồm hỗ trợ vật chất cho Al-Qaeda ở Bán đảo Arập (AQAP) và huấn luyện các phần tử khủng bố sử dụng chất nổ. Al-Libi bị buộc tội đối với các hành vi liên quan đến khủng bố và vụ xét xử người này đang được tiến hành.

Theo các tổ chức nhân quyền, không có gì lạ trong chuyện chính quyền Mỹ biến tàu hải quân thành những "nhà tù nổi" để giam giữ và thẩm vấn những phần tử khủng bố nguy hiểm. Trong hải trình dài đến đất liền để chuyển giao tù nhân, các nhà thẩm vấn có đủ thời gian cũng như không gian để moi móc thông tin tình báo quan trọng từ các nguồn Al-Qaeda có giá trị cao.

Chính quyền Mỹ quan tâm đến các "nhà tù nổi" bởi vì có rất ít địa điểm thích hợp để giam giữ và thẩm vấn những phần tử khủng bố như Abu Khattalah sau khi bắt giữ. Mặc dù chính quyền Tổng thống Barack Obama quyết định đóng cửa nhà tù Guantanamo song nơi đây vẫn còn giam khoảng 150 tù nhân.

Trong khi đó, việc giam giữ những nghi can khủng bố tại các nhà tù ở hải ngoại có lẽ không còn là một lựa chọn phù hợp với tình hình hiện nay khi phải đối mặt với một số vấn đề luật pháp và nhân quyền. Các nhà tù nổi do Hải quân Mỹ quản lý để tạm giam các phần tử khủng bố đang là vấn đề tranh cãi về tính pháp lý cũng như nhân quyền trong giới luật sư.

Chiếc tàu USS San Antonio được cho là "nhà tù nổi".

Theo các nhà hoạt động nhân quyền, có khoảng chục tù nhân giống như Warsame, Al-Libi và Abu Khattalah bị giam trên nhà tù nổi của Hải quân Mỹ trước khi bị xét xử trên đất liền. Trên tàu Mỹ, tù nhân bị giam trong một khoang riêng biệt được bố trí chừng chục chiếc giường đôi. Cũng giống như cai tù ở Guantanamo, các sĩ quan phụ trách kỷ luật trên tàu không đeo bảng tên để tránh bị tù nhân nhận diện gây rắc rối về sau.

Tuy nhiên, dường như tù nhân trên tàu cũng được quyền thư giãn trên boong tàu, hút thuốc lá và ăn kẹo do thủy thủ cung cấp. Theo nghiên cứu của Tổ chức Nhân quyền Anh Reprieve, tù nhân bị giam trên tàu bị đánh đập còn dã man hơn ở nhà tù Guantanamo.

Clive Stafford Smith - phụ trách pháp lý của Reprieve - cho biết chính quyền Mỹ chọn những chiếc tàu hải quân làm nơi giam giữ nghi can khủng bố nhằm để các hành vi vi phạm nhân quyền không bị giới truyền thông và luật sư phát hiện. Bọn cướp biển Somali cũng bị giam trong các nhà tù nổi khi không quốc gia nào sẵn sàng truy tố chúng. Trong những tình huống nan giải như thế, cuối cùng Hải quân Mỹ buộc phải đưa chúng lên những chiếc thuyền nhỏ để vào gần bờ và trả tự do cho chúng!

Thông tin về những nhà tù nổi của Hải quân Mỹ được tiết lộ thông qua nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các tài liệu của quân đội Mỹ, Hội đồng châu Âu và các tổ chức của Nghị viện Mỹ cũng như từ lời khai của các tù nhân

Diên San (tổng hợp)
.
.