Cái chết bí ẩn của cựu Thủ tướng - Bộ trưởng Dầu mỏ Libya

Thứ Ba, 15/05/2012, 14:00

Cái chết đột ngột chứa đựng nhiều uẩn khúc của cựu Thủ tướng và cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Libya Shokri Ghanem đang khiến cho dư luận quan tâm đặt nhiều câu hỏi. Có người nghi ngờ ông bị giết, có người bảo ông chết do bệnh và chết ngạt. Nhưng xung quanh nhân vật này cũng có khá nhiều chuyện để người ta bàn tán…

Theo thông tin báo chí, sáng sớm ngày Chủ nhật 29/4/2012, ông Shokri Ghanem, cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Dầu mỏ Libya đã được tìm thấy chết trôi trên sông Danube đoạn chảy qua thành phố Vienna, Áo. Mặc dù Cảnh sát Áo đã chính thức xác nhận cái chết của Ghanem là do ngã xuống sông Danube, có lẽ do bị lên cơn đau tim đột ngột, nhưng những nghi vấn vẫn được đặt ra.

Tờ Krone của Áo đưa ra 3 khả năng về nguyên nhân cái chết của ông Ghanem: tự sát, bị ám sát và chết do tai nạn. Cả 3 khả năng này hiện nay đều được đánh giá ngang nhau.

Ghanem có tiền sử bệnh. Một số bạn bè, người thân, có cả cô con gái 26 tuổi của ông xác nhận rằng chiều tối hôm trước, Ghanem "than mệt và cảm thấy không được khỏe". Sáng sớm hôm sau, ông ra khỏi nhà để đi bộ buổi sáng dọc con sông Danube thơ mộng nhưng sau đó không thấy quay về. Một số người quen biết khác thì nghi ngờ ông không phải chết một cách tự nhiên như thông báo của cảnh sát, mà cho rằng nó ít nhiều có liên quan đến quá khứ "theo bên này rồi lại sang bên kia" của ông.

Nhiều bạn bè thân thuộc của Ghanem đều khẳng định rằng, họ đã nhiều lần cảnh báo Ghanem về vấn đề an ninh cho bản thân ông, khuyên ông nên sống một cách âm thầm, lặng lẽ, tránh xuất đầu lộ diện nhiều vì kẻ thù của ông không phải là ít và sẵn sàng hành động bất cứ lúc nào. Mà cả hai phía trong cuộc chiến Libya đều không thích ông.

Một người bạn thân tên là Chalabi phân tích: Khi từ chức Bộ trưởng Dầu mỏ và đào tẩu theo phe đối lập vào tháng 5/2011, Ghanem đã gây thù oán với những người trung thành với chế độ ông Gaddafi. Nhưng các lãnh đạo Libya hiện nay, bao gồm thành phần đối lập lật đổ ông Gaddafi, cũng không ưa Ghanem do ông có một thời gian dài nắm trọng trách trong chính quyền Gaddafi, có dính líu vào một số vấn đề tội ác của nhà Gaddafi.

Liệu cái chết của ông Ghanem có liên quan gì đến các cuộc điều tra những hợp đồng dầu mỏ và giao kèo bí mật giữa chính quyền Libya thời ông Gaddafi với các chính quyền phương Tây, cụ thể là Anh, Pháp và Italia? Cho đến nay, hơn nửa năm sau khi chế độ của ông Gaddafi sụp đổ và bản thân nhà lãnh đạo Libya đã bị giết chết, những vấn đề khúc mắc liên quan đến các hợp đồng khai thác dầu mỏ của Anh, Pháp và Mỹ ở Libya vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Với vai trò Bộ trưởng Dầu mỏ, Ghanem là người duy nhất nắm tất cả những vấn đề liên quan các mối quan hệ dầu mỏ giữa chính quyền Gaddafi với các nước phương Tây. Một người mà biết quá nhiều chuyện "nhạy cảm" như vậy tất phải đối mặt với những nguy cơ thường trực về an ninh đến từ nhiều phía. Thế nhưng, theo một số bạn bè, bản thân Ghanem không hề cảnh giác mà chỉ muốn sống cuộc sống của một "dân thường". Điều này khiến ông rất dễ dàng tiếp cận.

Shokri Ghanem sinh năm 1942 tại Tripoli, Libya. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại Trường đại học Tổng hợp Benghazi, Ghanem sang Mỹ du học tại Trường đại học Stufts ở thành phố Boston, bang Massachusetts, lấy bằng tiến sĩ khoa học chuyên ngành kinh tế và luật quốc tế. Trở về nước, Ghanem gia nhập Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia (NOC) rồi sau đó làm việc trong Ban thư ký Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trú đóng tại Vienna, Áo, leo dần lên chức Trưởng bộ phận nghiên cứu của OPEC.

Giai đoạn làm việc tại OPEC có ảnh hưởng quyết định đến cuộc đời của Ghanem sau này và vai trò của ông trong đời sống chính trị Libya. Đó là khoảng thời gian con trai thứ của ông Gaddafi là Saif al-Islam Gaddafi đến Vienna để theo học khóa thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) vào thập niên 90 thế kỷ trước. Al-Islam tìm gặp Ghanem và hai người kết thành đôi bạn. Ghanem giúp đỡ al-Islam trong quá trình học tập, đồng thời "tiêm" vào đầu óc cậu công tử nhà Gaddafi tư tưởng tự do, phóng khoáng. Trở về Tripoli, al-Islam bắt đầu thúc đẩy cải cách. Anh ta gợi ý với cha (ông Gaddafi) đưa Ghanem về Libya phục vụ trong chính quyền.

Năm 2001, Ghanem trở về Libya và nhận nhiệm vụ mới, ban đầu là Bộ trưởng Kinh tế, sau 2 năm (2003), thông qua cầu nối quan hệ với al-Islam, Ghanem dần dần thăng tiến lên địa vị cao, trở thành Bí thư Tổng ủy nhân dân - tương đương chức thủ tướng.

Ông Shokri Ghanem trả lời báo chí tại Italia vào năm 2011.

Từ khi Libya được Mỹ và các nước phương Tây dỡ bỏ cấm vận, Ghanem kết hợp với al-Islam thành cặp bài trùng thúc đẩy cải cách kinh tế, xóa bỏ chế độ bao cấp và hệ thống kinh tế kế hoạch tập trung, bắt đầu chương trình tư hữu hóa. Ông trở thành nhân vật trung tâm của quyền lực, gây chú ý mạnh mẽ, và đương nhiên cũng gây thù chuốc oán do những chính sách cải cách mạnh tay quá trớn gây thiệt hại cho một số người cũng quyền lực không kém.

Vì thế, vào một buổi chiều năm 2006, ông Gaddafi mời Ghanem vào khu lán trại Bedouin - nơi ông thường tổ chức họp mặt với các quan chức cấp cao của Chính phủ. Và sau cuộc nói chuyện đó, Ghanem chấp nhận thuyên chuyển sang làm Bộ trưởng Dầu mỏ kiêm Chủ tịch Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia (NOC).

Trong vai trò Bộ trưởng Dầu mỏ và Chủ tịch NOC, Ghanem càng trở nên quan trọng không chỉ đối với chính quyền Gaddafi mà còn cả với những công ty dầu mỏ của các quốc gia phương Tây từng tẩy chay Libya trước đây, nay muốn quay trở lại làm ăn. Ghanem lại trở thành tâm điểm của quyền lực, và lần này ông còn nắm trong tay nhiều chuyện bí mật hậu trường dầu mỏ, đồng thời giữ hầu bao cho Chính phủ Libya và gia đình Gaddafi. Nhưng đó  cũng là lý do để Ghanem phải thường xuyên đối phó với những âm mưu và chiêu trò chống phá từ các kình địch ngay bên trong Chính phủ Libya, nhất là khi không có al-Islam bên cạnh hỗ trợ ông.

Cuộc lương duyên giữa Ghanem với nhà Gaddafi chỉ kết thúc vào cuối tháng 5/2011, khi chiến sự Libya diễn ra ngày càng khốc liệt. Ông lại chạy sang Vienna, Áo để lưu vong, trở về căn hộ của ông thời làm việc cho OPEC.

Nhiều tháng trước khi chết, Ghanem bị chính quyền mới tại Tripoli cật vấn về những điều ông biết liên quan các hợp đồng dầu mỏ thời ông Gaddafi. Không phải ngẫu nhiên mà các lãnh đạo trong Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) Libya quá quan tâm đến những thông tin bí mật mà Ghanem còn nắm giữ. Ông Ghanem đã nhiều lần bị tra hỏi về những khuất tất trong ngành dầu hỏa Libya thời ông quản lý. Sự cật vấn quá nhiều là lý do để người ta đưa ra giả thuyết Ghanem "tự sát" vì không chịu nổi áp lực

An Tôn - Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.