Cái chết bí ẩn của một nhà nghiên cứu Mỹ có liên quan đến Tập đoàn Hoa Vi?

Thứ Năm, 14/03/2013, 18:00

Thi thể của kỹ sư điện tử trẻ tuổi Shane Todd, 31 tuổi, được phát hiện treo cổ chết trong căn hộ của anh ở khu người Hoa (Chinatown) của đảo quốc Singapore. Cảnh sát kết luận cái chết do tự sát, nhưng gia đình của Todd tin rằng anh bị sát hại. Lý do là mọi người nghi ngờ một dự án mà Todd đang nghiên cứu có những ứng dụng quân sự liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ.

Người ta cũng nghi ngờ đây là vụ án gián điệp và có sự dính líu của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei Technologies (Tập đoàn Hoa Vi). Cha mẹ của Todd muốn biết sự thật có phải dự án này đã dẫn đến cái chết không rõ nguyên nhân của anh.

Sự lo lắng bất thường trước khi chết

Shane Todd lớn lên trong một gia đình trung lưu Mỹ, sống ở California và Florida trước khi định cư tại Montana. Cha của Todd phục vụ trong lực lượng hải quân Mỹ ở San Diego và rời khỏi quân ngũ khi anh được 3 tuổi. Shane Todd học Đại học Florida, được bạn bè mô tả là người thông minh và có ý chí tranh đua cao.

Năm 2002, Todd bắt đầu có những dấu hiệu rối loạn giấc ngủ. Bác sĩ tâm thần chẩn đoán Todd làm việc quá căng thẳng và chỉ định sử dụng thuốc chống trầm uất trong suốt 3 tháng liền.

Năm 2005, Todd tốt nghiệp Đại học Florida rồi học tiếp Đại học California để lấy bằng tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2010, Shane Todd làm vài việc trước khi lên đường sang Singapore. Todd nói với cha mẹ rằng anh chọn đến Singapore để thử sức mình.

Nhiều tháng trước khi chết, Shane Todd từng nói với gia đình rằng, anh ngày càng thấy lo lắng cho công việc đang làm và lo sợ dự án đang thực hiện với Trung Quốc có nguy cơ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Mỹ. Todd cũng cho biết, anh luôn cảm thấy bị đe dọa tính mạng.

Đầu tháng 4/2012, Shane Todd gặp Nelson Lee, bác sĩ tâm thần Singapore. Todd nói với bác sĩ Lee rằng, anh bị trầm uất kéo dài nhiều năm và lần này cảm thấy lo lắng nhiều hơn, ăn không ngon miệng, đầu óc không tập trung được và mất ngủ triền miên. Nhưng, bác sĩ Lee nhận định Shane Todd "không chán chường cuộc sống và cũng không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ý muốn tự sát".

Vài ngày trước khi chết, Shane Todd còn được Nuvotronics - Công ty nghiên cứu Mỹ hợp tác với Bộ Quốc phòng và Cơ quan Không gian NASA - mời làm việc cho họ. David Sherre, Chủ tịch công ty, nhận định Shane Todd là người nổi bật nhất trong số hàng chục ứng viên và được đề nghị mức lương 105.000 USD/năm nếu về đầu quân cho Nuvotronics.

Những ứng dụng dân sự và quân đội

Sau khi hoàn thành một phần việc quan trọng trong dự án nghiên cứu kéo dài 18 tháng cho Viện Vi điện tử (IME) - trực thuộc Cơ quan Khoa học, Công nghệ và nghiên cứu quốc gia Singapore (A*Star) - Shane Todd được phát hiện treo cổ chết vào ngày 24/6/2012 (tức hai ngày sau khi từ chức và rời khỏi IME) trong căn  hộ đang ở khi chỉ một tuần nữa là anh trở về Mỹ.

IME là cơ quan nghiên cứu về các thiết bị vi điện tử - bao gồm các thiết bị y tế siêu nhỏ, các thiết bị cảm biến và bảng mạch điện - giúp phát triển công nghệ ở Singapore. Kỹ sư Shane Todd làm việc cho IME với vị trí lãnh đạo một nhóm gồm 5 chuyên gia về chất liệu bán dẫn thế hệ kế tiếp từ giữa tháng 12/2010 đến tháng 5/2012 thì quyết định từ chức để trở về Mỹ.

Sau khi phát hiện thi thể của Shane Todd, Cảnh sát Singapore đã thu giữ laptop cũng như điện thoại di động của anh. Về sau, một ổ đĩa cứng gắn ngoài được cha mẹ của Todd tiếp tục phát hiện trong căn hộ của anh ở Singapore, trong đó chứa đựng thông tin dự án hợp tác giữa IME và Huawei - kéo dài từ năm 2012 đến cuối năm 2014 - nhằm "cùng phát triển" một thiết bị khuếch đại hoạt động dựa trên gallium nitride (GaN), chất liệu bán dẫn thế hệ kế tiếp có khả năng chịu được nhiệt độ cực cao và bền bỉ hơn silicon.

Bức ảnh Shane Todd đi chơi thuyền ở Singapore năm 2011 được anh đưa lên Facebook.

Thiết bị GaN có thể sử dụng vào mục đích dân sự như trong chiếu sáng và bóng bán dẫn cho các trạm phát sóng điện thoại di động. Ngoài ra, thiết bị GaN cũng có những ứng dụng rất lớn trong quân sự cho nên các công ty quốc phòng Mỹ - bao gồm Northrup-Grumman và Raytheon - đã từng nỗ lực nghiên cứu để sử dụng phát triển radar cực mạnh cũng như hệ thống liên lạc vệ tinh, và gây nhiễu các tín hiệu trong chiến tranh điện tử, thậm chí tạo ra một số vũ khí hiệu quả khác.

Robert York, giáo sư Khoa Điện tử và công nghệ máy tính Đại học California ở Santa Barbara (Mỹ) - trung tâm hàng đầu thế giới về nghiên cứu GaN và cũng là nơi mà Shane Todd tốt nghiệp học vị tiến sĩ về các thiết bị silicon - nhận xét không có gì đáng ngạc nhiên khi Huawei cố gắng chiếm vị trí hàng đầu về công  nghệ GaN. Nhưng, đại diện Huawei tuyên bố: "Có lần, IME đề nghị Huawei hợp tác trong lĩnh vực GaN, nhưng chúng tôi từ chối và cuối cùng không có bất cứ sự hợp tác nào với IME liên quan đến GaN".

Đồng thời, Huawei cũng cho biết, việc phát triển công nghệ GaN hiện nay được xem là chuyện bình thường trong lĩnh vực công nghệ viễn thông trên thế giới. Tiến sĩ Raj Thampuran, Giám đốc điều hành A*Star, khẳng định Cơ quan Nghiên cứu quốc gia Singapore không tiến hành bất cứ nghiên cứ nào liên quan đến quân sự.

Nói về Huawei Technologies - một trong những tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới - sự dính líu nếu có của công ty này trong chương trình nghiên cứu của IME là vấn đề đáng lo ngại bởi vì nó từng được cho là gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của nhiều nước phương Tây.

Năm 2012, sau 11 tháng điều tra, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ nghi ngờ những thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất có thể được sử dụng vào mục đích gián điệp. Báo cáo của Ủy ban bày tỏ mối lo ngại Huawei là công cụ của chính quyền Trung Quốc cũng như lực lượng Quân đội giải phóng (PLA) của nước này, bất chấp sự phủ nhận của Huawei.

Báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cũng cho biết: Huawei không có thiện chí hợp tác trong cuộc điều tra cũng như không muốn giải thích rõ ràng về mối quan hệ của công ty với chính quyền Trung Quốc và PLA.

Căn nhà ở Singapore, nơi Shane Tood sống ở tầng 1.

Ngoài Mỹ, Australia cũng có lệnh cấm Huawei tham gia đấu thầu các dự án băng thông rộng cao tốc của nước này vì lý do an ninh. Anh cũng hoàn toàn không muốn Huawei hiện diện trong cơ sở hạ tầng quốc gia của nước này.

Khuất tất trong điều tra và báo cáo pháp y đáng ngờ

Theo điều tra của tạp chí Anh Financial Times, ngoài việc muốn biết rõ về thực chất công việc nghiên cứu của Shane Todd ở IME, cha mẹ của anh - Mary và Rick Todd - còn cố gắng tìm hiểu về cuộc điều tra không mấy rõ ràng của Cảnh sát Singapore về cái chết của con trai họ.

Hai ông bà cho biết, họ không nhìn thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy đã có một cuộc điều tra được tiến hành một cách nghiêm túc và thận trọng ngay tại căn hộ của Shane Todd, ví dụ như là cửa trước căn hộ không khóa, không có dải băng phong tỏa hiện trường vụ án hay những dấu hiệu cho thấy cảnh sát tìm kiếm dấu vân tay.

Trong khi đó, theo lời của ông Rick Todd, Cảnh sát Singapore nói rằng Shane Todd đã khoan một lỗ trên tường nhà tắm, siết bulông vào một ròng rọc để luồn một sợi dây màu đen qua đó rồi quấn nó vài vòng cho chặt. Todd tự sát bằng cách buộc sợi dây quanh cổ rồi đá ngã cái ghế đang đứng. Thế nhưng, tại căn hộ của Shane Tood, hai ông bà đã không tìm thấy cái lỗ khoan nào trên các bức tường nhà tắm, cũng không có bulông hay đinh ốc nào theo tường trình của cảnh sát sở tại!

Tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei bị nghi ngờ có dính líu đến cái chết của nhà nghiên cứu Mỹ Shane Todd.

Những người láng giềng cho biết, Shane Todd sống rất khép kín và cảnh sát cũng không hỏi han điều gì liên quan đến người đàn ông Mỹ này. Nhưng, Cảnh sát Singapore khẳng định tiến trình điều tra các vụ án, đặt biệt là những vụ án mạng, đều tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt.

Người phát ngôn của cảnh sát giải thích: "Mọi hiện trường tội ác có khả năng cung cấp bằng chứng đều được xử lý cẩn thận và được bảo vệ trước mọi sự xâm phạm để giữ gìn bất cứ dấu vết chứng cứ nào tồn tại". Tất cả những gì tìm thấy tại hiện trường đều được lập biên bản đến từng chi tiết, cũng như được bảo quản cẩn thận rồi sau đó chuyển đến phòng thí nghiệm để phân tích".

Người phát ngôn còn nhấn mạnh: Gia đình của nạn nhân thậm chí còn có quyền chất vấn các nhân chứng và yêu cầu xem các báo cáo liên quan đến vụ án trong suốt cuộc điều tra.

Theo Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ở Washington thì cơ quan này hiện chưa thể giúp được gì cho cuộc điều tra về cái chết của Shane Todd cho đến khi Cảnh sát Singapore chính thức chấp nhận sự hỗ trợ, song FBI nhấn mạnh vẫn đang theo dõi sát sao vụ án.

Gia đình Todd đã yêu cầu nhà xác chụp hình thi thể của Shane Todd và sau đó họ gửi những bức ảnh này đến một chuyên gia bệnh học có tiếng tăm để phân tích. Tiến sĩ Edward H. Adelstein, Trưởng khoa Bệnh học Bệnh viện cựu binh Harry S. Truman ở bang Missouri, sau khi nghiên cứu những bức ảnh báo cáo mổ tử thi, ông viết một bản đánh giá càng làm tăng thêm sự nghi ngờ về nguyên nhân chết cái của Shane Todd.

Adelstein cho biết: Vết thương nơi cổ Shane Todd gây ra cái chết rất nhanh và lại không giống vết thương do tự sát. Thậm chí Adelstein còn đưa ra một kịch bản hoàn toàn khác biệt với kết luận của Cảnh sát Singapore - đó là, Shane Todd vật lộn dữ dội với kẻ tấn công và sau đó chết do bị siết cổ!

Gia đình Todd đã gửi báo cáo đánh giá của Adelstein đến Cảnh sát Singapore nhưng họ đã gửi trả lại cùng với bức thư bác bỏ kết luận của tiến sĩ Edward Adelstein, nhấn mạnh: Chuyên gia bệnh học Mỹ chưa tận mắt nhìn thấy xác chết nên không thể có đánh giá chính xác. Vì thế, gia đình Todd không hài lòng với phản ứng của chính quyền Singapore.

Ông bà Mary và Rick Todd khẳng định ổ đĩa cứng gắn ngoài là bằng chứng quan trọng tiết lộ sự thật về cái chết của con trai họ cũng như những lỗ hổng an ninh công nghệ. Nhưng, gia đình Todd từ chối trao ổ đĩa cứng cho Cảnh sát Singapore mà chỉ chấp thuận gửi bản sao toàn bộ các file trong đó, đồng thời yêu cầu chính quyền Singapore gửi cho họ bản sao các nội dung tài liệu chứa trong laptop của Shane Todd mà cảnh sát nước này đang giữ.

Một lần nữa, gia đình Todd cũng đề nghị chính quyền Singapore chính thức mời FBI giúp đỡ điều tra để nhanh chóng làm sáng tỏ cái chết bí ẩn của Shane Todd

Thục Miên (tổng hợp)
.
.