Cái chết bí ẩn của tướng tình báo Algérie Smain Lamari

Thứ Hai, 22/06/2009, 08:20
Chiều ngày 28/8/2007, Trung tướng Smain Lamari, 66 tuổi, chỉ huy Cơ quan Phản gián và An ninh nội địa Algérie (DCEIS) được phát hiện nằm chết trên sàn phòng làm việc của ông tại dinh thự của gia đình ở Hydra, khu ngoại ô sang trọng bậc nhất thủ đô Alger chỉ dành cho những nhân vật giàu có hay quan chức có quyền lực trong bộ máy chính quyền của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika.

Ở vùng cổ của nạn nhân có một lằn mờ giống như ai đó đã sử dụng loại dây mềm, dai để xiết cổ gây chết người một cách chuyên nghiệp.  Những người thân của tướng Lamari, nhất là người con gái tên Amal Lamari, Chủ tịch tập đoàn dược phẩm Pharmalliance lớn nhất Algérie, cho rằng tướng Lamari đã bị giết chết bởi một sát thủ chuyên nghiệp.

Cùng với các tướng Khaleed Nezzar (Bộ trưởng Quốc phòng Algérie từ năm 1990 đến 1997), Larbi Belkheir (chỉ huy tình báo quân đội) và Toufik Médiène (chỉ huy tình báo hải ngoại), tướng Lamari là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đối với an ninh, chính trị quốc gia Algérie.

Vào tháng 1/1991, lấy lý do Tổng thống Chadli Bendjedid nhượng bộ quá nhiều các yêu sách của Mặt trận Hồi giáo (FIS), một tổ chức Hồi giáo có tư tưởng cực đoan từng đứng sau nhiều vụ khủng bố, bạo loạn tại Algérie, tướng Lamari đã phối hợp với các tướng Nezzar và Toufik làm đảo chính lật đổ Tổng thống Bendjedid và sau đó tiến hành trấn áp đẫm máu mọi phản kháng của FIS.

Sau khi lật đổ Tổng thống Bendjedid, nhóm tướng lĩnh làm đảo chính đã mời Mohammed Boudiaf, một nhà cách mạng lão thành, người sáng lập ra Mặt trận Giải phóng quốc gia (FLN) đấu tranh giành độc lập cho Algérie vào năm 1955, đang sống lưu vong tại Morocco, về làm Chủ tịch Hội đồng tối cao quốc gia. Đến tháng 2/1992, Quốc hội Algérie đã bầu ông Boudiaf làm tổng thống.

Tổng thống Mohammed Boudiaf.

Việc làm đầu tiên của Tổng thống Boudiaf là kêu gọi mọi tầng lớp xã hội, mọi phe phái chính trị đoàn kết để xây dựng quốc gia. Ông cũng kêu gọi cải cách kinh tế và chính trị bằng cách chấm dứt sự thống trị của giới quân sự đối với nền chính trị quốc gia. Thời gian ngắn sau, Tổng thống Boudiaf còn cố gắng tách hẳn tầm ảnh hưởng của các tướng lĩnh làm đảo chính vào tháng 1/1992 để đưa ông lên nắm quyền.

Tuy nhiên, các tướng lĩnh lại cho rằng động thái này là một hành động phản bội và Tổng thống Boudiaf phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình.

Vào ngày 29/6/1992, khi đang tham dự lễ khánh thành một trung tâm văn hóa tại thành phố Amaba, Tổng thống Boudiaf đã bị một nhân viên bảo vệ bắn chết. Thủ phạm là Trung úy Lembarek Boummaraafi, một nhân viên DCEIS, khai báo là hành động một mình để trả thù Tổng thống Boudiaf từng ra lệnh trấn áp các phong trào Hồi giáo quá khích.

Lembarek bị tuyên án tử hình vào năm 1993, nhưng không biết vì lý do gì, bản án lại không được thi hành và đến năm 1996 được Tổng thống Liamine Zéroual bí mật ân xá. Nhiều nguồn tin cho rằng, chính tướng Lamari đã lên kế hoạch và tuyển chọn Lembarek, một nhân viên thuộc quyền, thi hành bản án tử đối với Tổng thống Boudiaf.

Không chỉ khống chế chính trường bằng quyền lực ngầm của ngành tình báo và phản gián mà từ năm 1999, tướng Lamari còn chống cả tướng Toufik khi ông này được Tổng thống mới đắc cử Abdelaziz Bouteflika bổ nhiệm vào chức vụ chỉ huy Cơ quan Tình báo quốc gia (DRN) và bày tỏ ý định sáp nhập Cơ quan Phản gián và An ninh nội địa (DCEIS) của Lamari vào DRN. Lập tức tướng Lamari liền ra tay hành động.

Tướng Touyik MéDiène.

Vào ngày 21/6/2000, viên tài xế của tướng Toufik phát hiện một quả bom hẹn giờ chứa đến 2kg chất nổ C4 cực mạnh được cài dưới gầm chiếc xe Peugeot 607 đang chuẩn bị  rời trụ sở DRN chở tướng Toufik đến gặp Tổng thống Bouteflika ngay tại thủ đô Alger.

Tướng Toufik liền báo cáo vụ việc cho Tổng thống Bouteflika và sau đó cho mở một cuộc điều tra nhưng không tìm ra được thủ phạm. Nghi vấn đây là một hành động muốn loại bỏ mình của tướng Lamari nên tướng Toufik quyết định đáp trả.

Đến ngày 4/8/2000, chiếc Mercedes Limousine trên có chở tướng Lamari từ tư dinh đến trụ sở DCEIS trên đường Dely-Brahim ở thủ đô Alger đã bị một chiếc xe thùng vượt qua. Từ trong xe thùng, nhiều kẻ lạ mặt đã dùng súng tiểu liên bắn nhiều loạt đạn vào xe chở tướng Lamari khiến cho viên tài xế và viên cận vệ bị thiệt mạng nhưng tướng Lamari chỉ bị thương nhẹ.

Sau sự việc này, căng thẳng ngày càng tăng cao trong giới tướng lĩnh gây mất đoàn kết nghiêm trọng trong ngành tình báo và kéo dài đến khi xảy ra cái chết bất ngờ của tướng Lamari vào ngày 28/8/2007 với nhiều giả thuyết được đặt ra.

Giả thuyết thứ nhất cho rằng tướng Lamari đã bị sát hại bởi những thành viên trung kiên của FLN để trả thù cho sự việc Tổng thống Boudiaf, người sáng lập ra FLN, bị tướng Lamari ra lệnh giết hại vào ngày 29/6/1992.

Giả thuyết thứ hai cho rằng, Tổ chức vũ trang Hồi giáo (GIA), một tổ chức vũ trang cực đoan và là nhánh vũ trang của Mặt trận Hồi giáo (FIS) là thủ phạm đã giết hại tướng Lamari do ông này đã tiến hành hàng loạt các vụ trấn áp đẫm máu nhắm vào các thành viên FIS và GIA từ năm 1991 đến năm 1999.

Giả thuyết thứ ba cho rằng, thủ phạm không ai khác hơn là tướng Toufik, từng là đồng nghiệp nhưng lại trở thành kẻ thù không đội trời chung do tranh giành quyền lực. Tướng Toufik muốn loại bỏ tướng Lamari không chỉ vì tư thù cá nhân mà còn muốn thâu tóm toàn bộ hoạt động tình báo của Algérie vào tay mình

H.P. (theo Jeune Afrique)
.
.