Cái chết kỳ lạ của “Bố già ngân hàng” Roberto Calvi

Thứ Sáu, 06/04/2018, 10:07
Chỉ 5 ngày sau khi gửi lá thư khó hiểu cho Giáo hoàng John Paul II, Roberto Calvi bỗng nhiên “bốc hơi” trong căn hộ của ông ta ở Rome và bay đến London với hộ chiếu giả, sau đó ông ta thuê một căn hộ ở quận Chelsea...


Bê bối tài chính lớn nhất trong lịch sử Ý

Roberto Calvi là một chủ ngân hàng Ý rất nổi tiếng, là chủ tịch của Banco Ambrosiano, ngân hàng lớn thứ 2 ở Ý vào thời kỳ đó. Calvi còn được biết đến dưới cái tên do truyền thông đặt “Bố già ngân hàng” do những mối liên hệ chặt chẽ cùng các giao dịch tài chính của doanh nhân này với Vatican, và trong suốt nhiều năm ông ta là nhân vật luôn được kính trọng.

Nhưng đến năm 1978, tình hình đột nhiên tồi tệ và sự nghiệp của Calvi nhanh chóng sụp đổ, tay chủ ngân hàng bỗng phát hiện ra mình đang chui vào một cái mạng nhện của các bê bối và âm mưu.

Cũng trong năm đó, Ngân hàng Ý tổ chức điều tra Banco Ambrosiano và tìm thấy bằng chứng rằng hàng tỷ Lire (tiền Ý) và khoảng 27 triệu USD đã được chuyển phi pháp ra khỏi nước Ý, và họ đã đệ trình một báo cáo về vụ này khiến nó trở thành một trong những bê bối tài chính lớn nhất trong lịch sử Ý. Cuộc điều tra hình sự đã diễn ra ngay sau có báo cáo của Ngân hàng Ý, dẫn đến cáo buộc Roberto Calvi chính là chủ mưu trong vụ bê bối vào năm 1981.

Calvi bị tuyên phạt 4 năm án treo và phạt số tiền 19,8 triệu USD. Calvi từng có vài lần tự sát trong thời gian tù và được cứu sống, nhưng vẫn không ngăn cản ông ta tìm tới cái chết. Ngồi tù một thời gian ngắn thì Calvi được phóng thích và tiếp tục giữ vị trí là chủ tịch ngân hàng Banco Ambrosiano, trong khi đó phần đông bạn bè và gia đình vẫn khăng khăng cho rằng Calvi vô tội, rằng chủ ngân hàng này đã bị thao túng và ép buộc vào các giao dịch hắc ám bởi những kẻ đứng sau hậu trường.

Tháng 6 năm 1982, Roberto Calvi đột nhiên gửi một bức thông điệp bí ẩn đến cho đức Giáo hoàng John Paul II, hứa chắc nịch về “một thảm họa không từng biết tới, bản thân Giáo hội sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất”.

Chết do bị mafia “thủ tiêu”?

Chỉ 5 ngày sau khi gửi lá thư khó hiểu cho Giáo hoàng John Paul II, Roberto Calvi bỗng nhiên “bốc hơi” trong căn hộ của ông ta ở Rome và bay đến London với hộ chiếu giả, sau đó ông ta thuê một căn hộ ở quận Chelsea.

Và cũng khi đặt chân đến London, Calvi bất ngờ bỏ hết chức vụ ở ngân hàng Banco Ambrosiano, còn thư ký riêng của Calvi là Graziella Corrocher tự tử khi nhảy qua cửa sổ xuống đất.

Vào ngày 19 tháng 6 năm 1982, xác chết của chủ ngân hàng Roberto Calvi được tìm thấy treo lủng lẳng ngay trên cây cầu Blackfriars nằm dọc theo sông Thames, túi áo và túi quần của Calvi nhét đầy gạch cùng khoảng 15.000 USD tiền mặt. Cái chết của Calvi được truyền thông đăng tải rầm rộ, đặt ra nhiều giả thuyết về kẻ nào đã sát hại nạn nhân.

Ban đầu giới chức cho rằng vụ tự tử không có động cơ. Nhưng gia đình của Calvi đã bỏ tiền thuê các nhà điều tra tư nhân để tìm kiếm manh mối thực hư, trong đó có một người đàn ông tên là Jeff Katz. Qua các đợt xét nghiệm pháp y bổ sung cho thấy rằng mặc dù các túi trên y phục của Calvi lèn đầy gạch, nhưng 2 tay của nạn nhân không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy là đã đụng vào gạch, nghĩa là có ai đó đã bỏ gạch vào túi.

Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy nạn nhân bị chết do siết cổ, không tìm thấy có dấu gỉ hay sơn rơi vãi trên giàn giáo của cây cầu tại nơi nạn nhân bị chết. Nghe có vẻ kỳ quặc khi nạn nhân tự leo lên cầu vào lúc xe cộ đông đúc, rồi để gạch vào túi, rồi tự mình treo cổ mà lại không có ai phát hiện ra. Có giả thuyết cho rằng Calvi đã bị giết ở đâu đó rồi xác được treo trên cầu để làm ra cảnh như ông ta tự vẫn. Jeff Katz đã đưa bằng chứng mới này gửi cho Cảnh sát London, nhưng cảnh sát không thay đổi kết luận  Calvi quyên sinh.

Khi một nhà pháp y độc lập người Đức vào cuộc ông phát hiện ra rằng Jeff Katz nói đúng. Với những công bố này cho thấy rõ ràng đây là vụ giết người, và cảnh sát London tái mở cuộc điều tra vào năm 2003. Lấy ví dụ như, họ khám phá ra rằng mafia đã dùng địa chỉ ngân hàng Banco Ambrosiano làm chỗ “rửa tiền” và rằng chí ít Calvi phải biết phong phanh sự thật này.

Từ đây một giả thuyết đã nổi lên, rằng khi Banco Ambrosiano bị sụp đổ thì phải có ai đó chịu trách nhiệm cho sự mất mát tiền bạc của mafia, và người chịu số phận không ai khác chính là Roberto Calvi.

Rất có thể mafia đã cử người đóng vai hỗ trợ chuyến bay của Calvi đến London, có thể là Sergio Vaccari, và ra tay “thủ tiêu” Calvi. Nhưng ngay cả Vaccari cũng bị phát hiện chết vì bị đâm chỉ 3 tháng sau khi Calvi chết, các túi quần áo trên người tên này cũng nhét đầy gạch.

Chết bới Hội Tam Điểm?

Cũng còn có thông tin nói rằng Calvi là một thành viên của tổ chức Tam Điểm cánh hữu có tên là “Hội Tuyên truyền” (P2), tổ chức này thỉnh thoảng còn được biết đến dưới cái tên “Thầy dòng đen”, và là khách hàng của ngân hàng Banco Ambrosiano. Thật vậy, tên Sergio Vaccari từng có mặt trong danh sách thành viên của P2.

Năm 1991, một tên vô lại sống ở London có tên là Francesco Marino Mannoia đã tuyên bố rằng Roberto Calvi thực sự chết do đánh mất rất nhiều tiền của tổ chức, tên này cũng huỵch toẹt rằng tên trùm ma túy kiêm sát thủ có tên là Francesco Di Carlo chính là kẻ đã “thanh toán” Calvi. Về phần mình, Di Carlo thề sống chết rằng hắn ta không có liên quan gì đến việc ám sát Calvi mặc dù tuyên bố rằng P2 rất muốn đẩy Calvi đi.

Francesco Di Carlo bị cảnh sát bắt và yêu cầu khai. Hắn cố gắng tự sát bằng cách cắt đứt cổ tay mình. Di Carlo không ngớt phân trần: “Tôi không treo cổ Calvi. Một ngày nào đó tôi sẽ viết đầy đủ câu chuyện, nhưng những hung thủ thật sự đang được bảo vệ. Họ có quyền lực mạnh mẽ. Hồ sơ về Calvi cứ mở ra, đóng lại, khó kết án”.

Trong quá trình cảnh sát điều tra, rõ ràng có ai đó giấu mặt nhưng theo dõi mọi động tĩnh của họ. Năm 2003, thám tử điều tra Luca Tescaroli đã nhận được một lá thư có chứa một loại bột màu đen lạ cùng với dòng tin nhắn hăm dọa: “Đây là một tối hậu thư. Dừng ngay!”.

Cuối cùng, cái chết của Calvi được tái đánh giá là bị mưu sát, còn Di Carlo là nghi can chính. Năm 2005, 5 người bị kết tội mưu sát Calvi: Francesco Di Carlo, bạn gái cũ của hắn ta là Manuela Kleinszig, doanh nhân Ernesto Diotallevi, “bố già” mafia Giuseppe Calo và vệ sĩ của Calvi là Silvano Vittor.

Nguyễn Thanh Hải
.
.