Cảm tình viên của KGB trở thành Tổng Thư ký khối NATO

Thứ Hai, 21/04/2014, 15:00

Ngày 28/3, Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan lãnh đạo tối cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bổ nhiệm ông Jens Stoltenberg (55 tuổi), cựu Thủ tướng Vương quốc Na Uy làm tân Tổng Thư ký khối NATO, thay thế người tiền nhiệm Anders Fogh Rasmussen sẽ mãn hạn vào đầu tháng 10 tới đây.

Chào đời ngày 16/3/1959 tại thủ đô Oslo trong một gia đình danh gia vọng tộc. Cha ông Thorvald Stoltenberg là chính trị gia kỳ cựu của đảng Lao động Na Uy (A/Ap), từng đảm nhiệm các chức vụ đầy trọng trách như Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao của Vương quốc Na Uy, Đại sứ Na Uy tại LHQ và Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Nam Tư cũ và đồng Chủ tịch Ban chỉ đạo Hội nghị Quốc tế về Nam Tư cũ. Còn người mẹ Karin Stoltenberg (1931-2012) là một nhà di truyền học nổi tiếng, từng làm việc tại Bộ Y tế Na Uy.

Sau khi tốt nghiệp trung học, như nhiều thanh niên cùng trang lứa khác, Jens phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, rồi theo học Khoa Kinh tế của Trường đại học Tổng hợp Oslo sau khi giải ngũ.

Ngay từ tuổi thiếu niên, cậu bé Jens đã tham gia hoạt động chính trị, dưới ảnh hưởng của người chị ruột Camilla Stoltenberg là một thành viên tích cực của tổ chức cánh tả Thanh niên Đỏ (RU). Jens luôn sát cánh với các đoàn viên RU tham gia biểu tình phản đối cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam, tấn công Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Oslo và từng bị cảnh sát bắt giam nhiều lần.

Cho đến đầu thập niên 90 thế kỷ trước, J. Stoltenberg vẫn thường xuyên liên lạc với một nhân viên ngoại giao Liên Xô, cũng là đặc vụ ngầm của Ủy ban An ninh Nhà nước Xôviết (KGB), trở thành cảm tình viên của KGB với bí danh là "Steklov". Sự việc bị Cơ quan An ninh Quốc gia Na Uy (NSM) phát giác, nên J. Stoltenberg phải chấm dứt mối quan hệ từ đó nếu không muốn dính vào vòng lao lý.

Khi còn là sinh viên, J. Stoltenberg đã gia nhập hàng ngũ A/Ap theo xu hướng trung tả. Từ năm 1985-1989, ông trở thành nhà lãnh đạo tổ chức Đoàn Thanh niên của A/Ap. Tới đầu năm 1989, J. Stoltenberg được nhận vào làm việc ở Tổng cục Thống kê Na Uy (SSB). 

Đà thăng tiến trên bước đường công danh của J. Stoltenberg cũng lên "như diều gặp gió". Chỉ sau hơn một năm trở thành công chức, J. Stoltenberg đã được cất nhắc lên chức vụ Thư ký Nhà nước tại Bộ Môi trường Na Uy. Đầu tháng 10/1993, Thủ tướng Gro Harlem Brundtland bổ nhiệm J. Stoltenberg làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, thay thế Finn Kristensen và đảm nhiệm chức vụ trọng yếu này trong 3 năm liền. Đồng thời trong năm 1993, J. Stoltenberg đã trúng cử vào Quốc hội Na Uy.

Đến cuối tháng 10/1996 trong thành phần nội các mới của Thủ tướng Thorbjorn Jagland, cựu Bộ trưởng Công nghiệp J. Stoltenberg được đề cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, vị trí đứng hàng thứ 3 trong cơ cấu các thành viên chính phủ. Sau khi Quốc hội Na Uy bỏ phiếu bất tín nhiệm nội các của Thủ tướng Kjell Magne Bondevik vào tháng 2/2000, thủ lĩnh J. Stoltenberg của đảng A/Ap chiếm đa số trong Nghị viện được giao trọng trách đứng ra thành lập chính phủ mới.

Ngày 3/3/2000, tân Thủ tướng J. Stoltenberg chính thức tuyên thệ nhậm chức.

Thủ tướng J. Stoltenberg cùng Tổng thống Nga D. Medvedev chứng kiến lễ ký Hiệp định phân định lãnh hải tại Oslo, tháng 4/2010.

Sau thất bại của A/Ap tại cuộc tổng tuyển cử vào năm 2001, dẫn đến việc Chính phủ đương nhiệm phải từ chức. Trong cuộc bầu cử năm 2005, A/Ap đã lấy lại vị thế đứng đầu, mở đường để J. Stoltenberg trở thành Thủ tướng nhiệm kỳ 2. Sau cuộc bầu cử năm 2009, A/Ap vẫn giữ thế áp đảo nên J. Stoltenberg tiếp tục là người đứng đầu Chính phủ Na Uy 4 năm nữa.

Từ cuối năm 2013, J. Stoltenberg trở thành Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon về biến đổi khí hậu, đứng đầu nhóm tư vấn quốc tế cao cấp nghiên cứu thực trạng khí hậu đang thay đổi trên hành tinh.

Giới quan sát chính trị am hiểu nhận định, với bản tính ôn hòa mềm mỏng, tân Tổng thư ký NATO J. Stoltenberg có thể giải quyết vấn đề nổi cộm hiện nay là mối quan hệ của tổ chức này với Liên bang Nga, nhất là sau các sự kiện gây căng thẳng ở Ukraina và vùng bán đảo Crimea trong thời gian qua. Còn theo đánh giá từ phía Moskva, thì J. Stoltenberg là một chính khách hiểu biết và thức thời. Khi còn trên cương vị là Thủ tướng Na Uy, J. Stoltenberg đã góp phần giải quyết thành công vấn đề nan giải suốt bao đời nay là sự tranh chấp lãnh hải ở vùng biển Barents với Liên bang Nga.

Đích thân Thủ tướng J. Stoltenberg vào cuối tháng 4/2010 đã mời Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đến Oslo tiến hành hội đàm song phương, dẫn tới việc ký kết Hiệp định phân định lãnh hải giữa 2 quốc gia láng giềng.

Phu nhân của Stoltenberg là bà Ingrid Schulerud 55 tuổi, một nhà ngoại giao Na Uy nổi tiếng và là Phó tổng giám đốc Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), một tổ chức hợp tác kinh tế quy tụ 3 quốc gia thuộc Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA) là Iceland, Liechtenstein và Na Uy, với 28 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU)

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.