Căn cứ Lejeune và những “di sản” chết người

Thứ Tư, 13/08/2014, 16:35

Trên khắp nước Mỹ có đến hàng trăm cơ sở quân sự hoặc có hoạt động liên quan đến quân đội hiện đang nằm trong diện ô nhiễm rất cao bởi các hóa chất, chất tẩy rửa, chất thải dùng trong kỹ thuật quân sự được đổ trực tiếp ra môi trường xung quanh. Những loại chất độc hại đó lâu ngày tích tụ trong đất làm ô nhiễm mạch nước ngầm, sau đó là ô nhiễm các dòng sông, gây ra nhiều tai họa cho những quân nhân từng phục vụ tại các căn cứ quân sự đó, kể cả người dân sống xung quanh các căn cứ. Camp Lejeune là một trong những căn cứ quân sự ô nhiễm nhất nước Mỹ, đến nỗi người ta gọi nó là cái “ổ ô nhiễm”.

Túi ô nhiễm hóa chất khổng lồ

Căn cứ thủy quân lục chiến Camp Lejeune được xây dựng từ năm 1941, khi Chiến tranh thế giới lần II đang ở giai đoạn cao trào, với việc Mỹ buộc phải nhảy vào cuộc chiến sau sự kiện Trân Châu cảng (Pearl Harbour). Căn cứ được xây dựng trên diện tích ban đầu khoảng 45km2, tọa lạc ở Jacksonville, bang Bắc Carolina, là căn cứ quân sự lớn thứ nhì trên đất Mỹ, sau căn cứ Camp Pendleton ở San Diego, bang Carlifornia.

Căn cứ được lấy theo tên của vị chỉ huy thủy quân lục chiến John A Lejeune. Vị trí của căn cứ nằm ở ven cửa sông New River, vì vậy được xem là nơi lý tưởng cho việc tổ chức các bài huấn luyện lính thủy đánh bộ.

Ngoài căn cứ chính, Camp Lejeune còn được bổ sung các căn cứ vệ tinh như Trạm Không vận Thủy quân lục chiến New River, Camp Geiger, Stone Bay, Courthouse Bay, Camp Johnson, và mới nhất là Khu Huấn luyện Đồi cát lớn. Tổng cộng diện tích toàn bộ căn cứ đến hôm nay là gần 400km2. Vào thời cao điểm, Camp Lejeune chứa đến 100.000 quân nhân và những người phục vụ, bởi đây là nơi tập trung huấn luyện thủy quân lục chiến lớn nhất nước Mỹ, là "lò" cung cấp chủ yếu lính cho quân đội Mỹ tham chiến tại các cuộc chiến tranh trên khắp thế giới.

Từ Camp Lejeune, hàng trăm ngàn lính thủy quân lục chiến đã xuất chinh tham gia Chiến tranh thế giới lần II, Chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam.

Camp Lejeune đầy rẫy những cỗ máy phục vụ chiến tranh. Xe tăng, máy bay và các loại xe đặc dụng chiến trường được bố trí như đang sẵn sàng lâm trận, mặc dù các cuộc chiến thường diễn ra ở một nơi xa xôi cách nước Mỹ hàng nghìn kilômét. Một phần trong các phương tiện chiến tranh đó luôn cần được làm vệ sinh, bảo trì, lau chùi bảo quản. Và công tác này đòi hỏi phải sử dụng các hóa chất có độ tẩy rửa mạnh để chống gỉ sét.

Lữ đoàn Bermuda huấn luyện tại Camp Lejeune năm 1994.

Hai loại hóa chất thông dụng nhất trong hoạt động tẩy rửa máy móc (và cả hấp tẩy quần áo cho quân nhân) là trichloroethylene (TCE) và tetrachloroethylene hay perchloroethylene (PCE). TCE và PCE dễ dàng ngấm qua lớp đất cát của Camp Lejeune và thấm vào tầng nước ngầm bên dưới, từ đó căn cứ khoan giếng lấy nước để sử dụng lại. Bên cạnh TCE và PCE còn có hóa chất benzene từ Tổng kho nhiên liệu Hadnot Point cũng xâm nhập tầng nước ngầm của Camp Lejeune. Hóa chất có mùi thơm chết người benzene được xác định là một trong những chất gây ung thư.

Theo báo cáo của Hãng tin Associated Press công bố vào năm 1988, các bồn nhiên liệu dưới đất của Tổng kho nhiên liệu Hadnot Point rò rỉ khoảng 1.500 gallon mỗi tháng, tính đến thời điểm báo cáo là khoảng 1,1 triệu gallon, ngấm xuống một lớp đất dày gần 10 mét và xâm nhập vào các mạch nước ngầm, là nguồn cung cấp nước uống cho Camp Lejeune.

Ngoài các hóa chất tẩy rửa, bảo trì máy móc và benzene nêu trên, Camp Lejeune còn có kho chứa chất diệt cỏ DDT khổng lồ, rò rỉ chất độc ra môi trường không thua kém Tổng kho nhiên liệu Hadnot Point. Các hóa chất này đã được giới khoa học môi trường ở Mỹ xác định là nguồn gốc gây ra các chứng bệnh nguy hiểm gây tử vong cao, nhất là ung thư.

Thần chết mang tên "methyl-ethyl"

Jerry Ensminger, lính thủy quân lục chiến từng tham chiến ở miền Nam Việt Nam cùng với người anh trai. Sau khi rời miền Nam Việt Nam, Ensminger đóng quân tại khu phức hợp quân sự trên đảo Okinawa của Nhật Bản một thời gian rồi trở về Mỹ, được điều động đến trú đóng tại Camp Lejeune, bang Bắc Carolina, vào năm 1973. Ensminger và vợ sống trong một khu nhà ở dành cho quân nhân ở mạn bắc của căn cứ.

Ba năm sau, Janey, con gái thứ hai của họ chào đời vào năm 1976. Đó là một bé gái kháu khỉnh, đáng yêu. Cả nhà vui vẻ hạnh phúc khi Janey chập chững tập đi. Năm lên 6 tuổi, Janey bắt đầu có biểu hiện bất thường về sức khỏe, và được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu (bệnh máu trắng). Thế rồi các biện pháp điều trị đã khiến cơ thể Janey tích tụ đầy những mỡ là mỡ. Ngày 24/9/1985, Janey qua đời khi em mới 9 tuổi.

Các cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ biểu tình phản đối tình trạng ô nhiễm hóa chất độc hại tại Camp Lejeune.

Ở Camp Lejeune có rất nhiều trường hợp trẻ em chết do mắc các chứng bệnh không bình thường như Janey. Có rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành về tình trạng ô nhiễm hóa chất độc hại tại căn cứ này và những hậu quả tàn khốc của nó.

Chẳng hạn, trong quyển sách mới xuất bản “Lòng tin bị phản bội” (A Trust Betrayed), nhà nghiên cứu Mike Magner đã đưa ra các số liệu hãi hùng về những cái chết của trẻ sơ sinh. Ông đã hé lộ một bức tranh đen tối về tình trạng sẩy thai, thai chết lưu và những cái chết không thể giải thích được của trẻ sơ sinh, nhất là vào thập niên 60-70 thế kỷ XX. Có cháu bé mới sinh ra được 3 tháng rưỡi đã mắc hàng loạt căn bệnh, có cháu vừa sinh ra đã chết ngay hoặc sống được một tháng, hoặc chết từ trong bụng mẹ. Hầu hết các cháu bé này đều có các triệu chứng rất lạ.

Số trẻ sơ sinh tại Camp Lejeune chết nhiều đến nỗi người ta phải lập ra một nghĩa trang dành riêng cho trẻ con, đặt tên là Công viên Tưởng niệm Onslow, nhưng các bậc cha mẹ bất hạnh thích gọi nó bằng cái tên "Thiên đường trẻ thơ" (Baby Heaven) hơn.

Không thể tìm ra nguyên nhân cái chết của con mình, nhiều cặp vợ chồng quân nhân đã tự giày vò bản thân. Họ được các quan chức ở căn cứ khuyên sinh con khác để an ủi, và họ đã làm theo. Thế nhưng đứa con kế tiếp vừa sinh ra cũng đã chết oan uổng như đứa trước.

Nhưng cũng có những cặp vợ chồng không chấp nhận thực tế này nên đã cất công tìm hiểu nguyên nhân và họ đã phát hiện sự thật kinh hoàng rằng từ năm 1981, các quan chức ở Camp Lejeune đã biết được hàng triệu lít nước uống mà các quân nhân và những người có liên quan cư ngụ bên trong Camp Lejeune tiêu thụ mỗi ngày đã bị nhiễm các hóa chất độc hại mà giới nghiên cứu gọi bằng cái tên "thần chết methyl-ethyl", bao gồm một loạt chất độc hại gây bệnh ung thư.

Năm 1989, Camp Lejeune chính thức được liệt vào danh sách ô nhiễm nghiêm trọng, buộc áp dụng Luật Superfund (Luật phản ứng, bồi thường và trách nhiệm về môi trường, CERCLA, ban hành năm 1980), trong đó có điều khoản quy định việc áp dụng các biện pháp tẩy sạch chất độc hại hoặc có biện pháp cải thiện môi trường, nhưng cho đến nay không ai có thể biết chính xác Camp Lejeune bị nhiễm các hóa chất độc hại đến mức độ nào.

Lính thủy quân lục chiến Mỹ trú đóng tại Camp Lejeune năm 2008.

Ngay cả Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cũng không biết chắc chắn con số người bị nhiễm độc từ nguồn nước của Camp Lejeune. Có tài liệu cho rằng, con số đó có thể lên đến 1 triệu người. Và không chỉ có trẻ con, ngay cả người lớn, những người trực tiếp tham gia các công việc tại các căn cứ và các kho chứa hóa chất cũng bị nhiễm độc và phát triển các chứng bệnh chết người.

Năm 2004, Joseph Paliotti, một cựu sĩ quan thủy quân lục chiến từng làm việc ở Camp Lejeune suốt 16 năm, mắc chứng bệnh ung thư quái ác, sức khỏe suy kiệt do bệnh. Paliotti nói với báo chí rằng, ông nghi ngờ các chất độc ô nhiễm trong Camp Lejeune, như DDT, các hóa chất tẩy rửa, hóa chất dùng trong bình ắcquy, máy biến áp, xe cộ… chính là thủ phạm đẩy ông đến căn bệnh nan y.

Một trong những căn bệnh hiếm hoi nhất trên thế giới nhưng rất phổ biến ở Camp Lejeune là bệnh ung thư vú ở nam giới. Theo báo cáo của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), cứ 1.000 quân nhân ở Camp Lejeune thì có đến 7 người mắc căn bệnh oái oăm này.

Thần công lý đã bị mù

Những thân nhân của nạn nhân chết vì bị nhiễm chất độc tại Camp Lejeune và nhiều căn cứ quân sự trên khắp nước Mỹ đã nhiều lần đâm đơn kiện Bộ Quốc phòng Mỹ ra tòa đòi bồi thường cho những mất mát, tổn thương mà họ phải gánh chịu do bị điều vào hoạt động trong các căn cứ đầy chất độc hại này. Theo thống kê, từ khi Luật Superfund ra đời vào năm 1980 và sau đó là các luật sửa đổi, bổ sung nó được ban hành, đã có ít nhất 3.500 người vác đơn đi kiện Lầu Năm Góc.

Đặc biệt, có trường hợp Cục Tình báo trung ương (CIA) cũng dính líu vào hoạt động tại các căn cứ, kho chứa hóa chất nhiễm độc và cũng bị kiện. Tuy nhiên, việc kiện tụng chưa bao giờ thành công. Tòa án Tối cao Mỹ đã nhiều lần bác đơn kiện của các nạn nhân và thân nhân các nạn nhân. Nguyên do chủ yếu là để bảo vệ hoạt động của các căn cứ quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ và CIA.

Ngoài Camp Lejeune, trên toàn nước Mỹ còn có khoảng 140 căn cứ quân sự khác ô nhiễm hóa chất chiến tranh nghiêm trọng, trong đó có những căn cứ lớn như Camp Pandleton ở San Diego (California); Căn cứ Không quân Kelly ở bang Texas; Căn cứ Không quân McClellan gần Sacramento, bang California; Tổng kho Hóa chất Umatilla ở Bắc Oregon, nơi chứa khí mù tạt và khí độc thần kinh VX; Kho vũ khí hóa học Núi Đá (Rocky Mountain), từng là kho chứa khí độc sarin ở Bắc Denver,…

Năm 1980, Luật Superfund ra đời, nhưng đến năm 1986 mới được áp dụng cho các tổ chức, cơ quan liên bang, như Camp Lejeune. Dưới thời Tổng thống George H.W. Bush, EPA hoạt động tốt, việc áp dụng Luật Superfund tỏ ra hiệu quả hơn. Sang thời Tổng thống Bill Clinton, Luật Superfund được cải tổ một lần nữa, đồng thời việc áp dụng luật càng được tăng cường hơn trước. Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách của ông Bill Clinton đã không được Quốc hội chấp nhận.

Superfund tiếp tục được áp dụng theo nguyên tắc cũ: trích tiền thu thuế xăng dầu và công nghiệp hóa chất để làm nguồn quỹ tạo kinh phí cho công tác cải thiện ô nhiễm môi trường do hóa chất. Sự kiện khủng bố 11/9/2001 dường như đã đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực của EPA trong cuộc chiến chống lại hoạt động gây ô nhiễm hóa chất độc hại của các căn cứ quân sự Mỹ. Tổng thống George W. Bush và Bộ trưởng Quốc phòng dồn mọi sự quan tâm vào cuộc chiến chống khủng bố, đẩy nước Mỹ vào nỗi ám ảnh khủng bố còn lớn hơn cả những tai họa mà họ phải đối mặt hàng ngày do ô nhiễm hóa chất quân sự

An Tôn - Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.