Căn cứ bí mật của phát xít Đức tại Nam Cực

Thứ Bảy, 21/04/2007, 13:00
Từ nhiều năm qua, các nhà sử học đã đưa ra một số giả thuyết khá hấp dẫn, liên quan đến sự tồn tại của Đế chế thứ 3 sau chiến tranh. Cụ thể là phát xít Đức đã xây dựng một loạt pháo đài ngầm dưới các lớp băng sâu ở Nam Cực để đón tiếp Hitler chạy khỏi Đức.

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, tại đây còn bí mật bố trí một loạt bệ phóng tên lửa trực chiến, bảo vệ cho các dự án thử nghiệm các thiết bị bay bí ẩn... Một số nghiên cứu chi tiết gần đây đã cho thấy, phần lớn những câu chuyện kể trên đều là hư cấu.

Theo những người ủng hộ cho giả thuyết trên, các tàu chiến Đức từ năm 1938 đã thường xuyên qua lại khu vực bờ biển Nam Cực. Giới lãnh đạo phát xít được giải thích là tin tưởng tại Nam Cực có rất nhiều lối vào bí ẩn dẫn tới những hang động khổng lồ nằm sâu dưới lòng đất.

Năm 1940, theo chỉ thị của đích thân Quốc trưởng, quân phát xít bắt tay vào xây dựng hai hầm trú ẩn lớn tại phía đông biển Waddell, một khu vực rộng lớn nằm bên bờ Nam Cực tiếp giáp Đại Tây Dương, giữa tọa độ 20 kinh độ tây và 44038' kinh độ đông.

Cho đến trước Chiến tranh thế giới thứ II, một đơn vị đặc biệt đã xây dựng hoàn chỉnh hai cứ điểm gọi là “New Swabia” và “New Berhtesgaden” với một số lượng lớn lương thực dự trữ cùng với hệ thống đảm bảo các điều kiện sống độc lập.

Khu cảng bên cạnh hai cứ điểm này luôn túc trực 3 chiếc tàu ngầm đời mới nhất, còn trên các sân bay ngầm dưới đất là những chiếc máy bay phản lực. Hệ thống này còn được bảo vệ bởi những bệ phóng tên lửa luôn trong trạng thái trực chiến.

Theo các chuyên gia, chính địa điểm này sau chiến tranh là nơi lẩn trốn của những tên trùm phát xít như Martin Borman, hay thậm chí cả Eva Braun và Hitler (nếu chúng không thực sự đã tự sát).

Phải nói là những truyền thuyết về một pháo đài quy mô của bọn phát xít tại Nam Cực đã xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1947 trong một cuốn sách có tên "Hitler esta vivoh" của tác giả Ladiszlav Szabo. Về sau, những thông tin ban đầu này đã được thêm thắt rất nhiều để trở thành vô số nội dung đặc biệt hấp dẫn đối với bạn đọc.

Những đồn đại tương tự kiểu trên có thể tìm kiếm được không ít trên Internet hay một số sách báo khác. Tuy nhiên, một chuyên gia nghiên cứu vùng cực là Colin Summerhayes mới đây đã bắt tay vào đọc và kiểm tra rất kỹ cuốn sách “Căn cứ của Hitler tại Nam Cực”.

Các kết quả phân tích và đối chiếu cụ thể sau đó đã được tác giả này đăng tải trên trang 21 số tháng giêng của tạp chí chuyên ngành uy tín Polar Record.

“Các tàu ngầm Đức U-530 và U-977 có mặt tại Nam Cực hay không?”; “Bom nguyên tử đã từng nổ tại đó?”; “Tại Nam Cực có bố trí 5 quả tên lửa đạn đạo của Đức?”; “Căn cứ New Berhtesgaden tại Nam Cực hồi năm 1958 có phải đã hứng chịu 3 quả bom nguyên tử của Mỹ?” – tất cả những câu hỏi từng gây tò mò cho dư luận trong nhiều năm qua đã được Summerhayes và một đồng tác giả người Canada là Peter Beeching trả lời rõ ràng.

“Chúng tôi đã nghiên cứu đề tài này với một tâm trạng đặc biệt thú vị – Summerhayes đã trả lời như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tờ Spiegel Online – Chúng tôi đã nghĩ là nếu mọi chuyện được khẳng định gần như thật thì tại sao lại không cố nhìn nhận chúng theo một cách khác”. Cũng theo Summerhayes, nếu vào trang Google để tìm kiếm với hai từ khóa “phát xít” và “Nam Cực”, bạn sẽ có được hơn 800 ngàn trang web có kể về những chuyện này.

Để khẳng định cho nghiên cứu của mình, Summerhayes và Beeching đã đưa ra lời giải thích cụ thể về 5 câu chuyện chính:

1- Hai chiếc tàu ngầm U-530 và U-977 của Đức trên thực tế đã có mặt tại cảng Mar de la Plata của Argentina hồi tháng 7 và tháng 8/1945. Thủy thủ đoàn của hai chiếc tàu này đã tìm cách lẩn trốn tại Nam Mỹ để khỏi bị bắt làm tù binh.

Còn về khả năng hai con tàu trên tới Nam Cực thì ngoài việc không thể có đủ nhiên liệu, những tảng băng dày cả mét tại khu vực này cũng không cho phép tàu có thể nổi lên đúng vị trí đã định.

2- Chiến dịch của Bộ tư lệnh quân Anh với mật danh “Tabarin” có sự tham gia của các binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm SAS chỉ là chuyện hoàn toàn bịa đặt.

Các nguồn tin nói về chiến dịch này hoàn toàn không đáng tin cậy. Ngược lại, trong các hồ sơ lưu trữ của Anh, Summerhayes và Beeching chỉ phát hiện một thông tin, trong đó nói Hải quân Anh không còn phải đảm trách việc thám hiểm Nam Cực trong khuôn khổ dự án “Tabarin”, do việc trên đã được giao cho các cơ quan dân sự.

Cuối cùng là đơn vị đặc nhiệm SAS đã được giải thể hồi tháng 10/1945, và mãi đến năm 1948 mới được khôi phục lại.

3- Một yếu tố chủ chốt khác liên quan đến một thất bại nào đó của người Anh trước những tên lính Đức bảo vệ “các pháo đài băng” tại Nam Cực. Một số tài liệu trước đó còn nêu ra một chiến dịch quân sự nào đó của Mỹ có tên “HighJump” trong giai đoạn mùa đông 1946-1947 nhằm tiêu diệt những tên phát xít còn lại trong các pháo đài băng.

Chiến dịch “tưởng tượng” này có sự tham gia của 4.700 lính, 33 máy bay và 13 tàu chiến - về quy mô có thể coi là chiến dịch quân sự lớn nhất của Mỹ ở phía nam. “Nhưng các tài liệu lưu trữ của Mỹ cho thấy, họ không có chút quan tâm nào tới khu vực này” - Summerhayes và Beeching cho biết. 

4- Còn có chuyện viên tư lệnh của chiến dịch “HighJump” là Richard Bird đã bóng gió nói về những chiếc đĩa bay được bọn phát xít chế tạo tại Nam Cực. Tuy nhiên trên thực tế, lời nói của Bird (được trích từ tờ El Mercurio của Chile) đã không được dịch đúng.

Bird không hề nói về những đĩa bay của phát xít mà về “sự xâm nhập của một số máy bay đối phương từ phía vùng Cực” - ý muốn nhắc tới Không quân Xôviết.

5- Câu chuyện được coi là gây chấn động nhất và cũng bịa đặt “thô nhất” chính là khẳng định về việc Mỹ đã dùng bom hạt nhân để tấn công căn cứ New Berhtesgaden ở Nam Cực. Thực ra, 3 quả bom nguyên tử của Mỹ đã nổ tung vào năm 1958 tại phía nam Capetown, trên lớp khí quyển ở độ cao từ 160 cho tới 750 km phía trên Nam Cực.

Những dữ liệu trên (một thời gian dài được xếp vào loại bí mật) đã được các nhà nghiên cứu phát hiện trong các kho hồ sơ lưu trữ của quân đội Mỹ.

Theo Summerhayes và Beeching, các nước chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ II dù vô tình hay cố ý đã thúc đẩy cho công chúng tin vào sự tồn tại của những câu chuyện trên. “Bầu không khí bí mật luôn là cơ sở để nảy sinh các huyền thoại” - hai chuyên gia đã giải thích như vậy về nguyên nhân hình thành các câu chuyện đã tồn tại hàng chục năm qua

Linh Nga (tổng hợp)
.
.