Căn hộ chứa 1.500 bức tranh trị giá 1 tỉ euro của các họa sĩ bậc thầy

Thứ Ba, 19/11/2013, 08:05

Thay vì tìm thấy các tài khoản bất hợp pháp thì lẫn lộn trong hàng đống thực phẩm đóng hộp, rượu vang, chất đầy trên sàn nhà, trần nhà - tất cả đã quá hạn sử dụng từ những năm 80 của thế kỷ trước, là 1.500 bức tranh của các danh họa bậc thầy như Picasso, Renoir, Matisse, Paul Klee, Emil Nolde, Franz Marc, Otto Dix, Oskar Kokoschka, Ernst Ludwig Kirchner và Max Liebermann, những bức tranh đã biến mất vào thời điểm cuối cùng của Chiến tranh thế giới lần thứ 2 khi máy bay của quân đồng minh ném bom xuống thành phố Dresden, Đức năm 1945.

Nhân vật bất minh

Câu chuyện bắt đầu vào một buổi tối tháng 9 trên chuyến tàu tốc hành từ Zurich, Thụy Sĩ đến Munich, Đức. Do ngày càng có nhiều người giàu ở  Đức gửi tiền bất hợp pháp sang Thụy Sĩ để trốn thuế thu nhập nên hải quan Đức đã yêu cầu một người đàn ông tóc bạc trắng, ăn mặc rất sang trọng, xuất trình giấy tờ.

Khá lúng túng, ông ta đưa ra một hộ chiếu mang tên Rolf Nikolaus Cornelius Gurlitt, sinh ngày 28/12/1933 tại Hamburg và hiện đang sống ở Salzburg, Đức. Theo lời Gurlitt thì ông ta đến Kornfeld Galerie, thành phố Bern, Thụy Sĩ, vừa để du lịch, vừa kinh doanh và nay trở lại Đức.

Tiếp tục kiểm tra, Hải quan Đức phát hiện trong chiếc cặp của Gurlitt có một phong bì đựng 9.000 euro tiền mặt. Theo quy định, công dân EU nếu mang trên 1.000 euro khi qua lại giữa các nước thuộc khối EU thì phải khai báo.

Sau khi ký vào biên bản vi phạm thủ tục xuất nhập cảnh, Gurlitt được trả tự do. Tuy nhiên, Hải quan Đức vẫn nghi ngờ nên họ tiến hành xác minh. Họ phát hiện Gurlitt không sống ở Salzburg như đã ghi trong hộ chiếu mà là ở Schwabing nhưng ông ta không đăng ký hộ khẩu với cảnh sát, cũng như không đăng ký với cơ quan thuế và các dịch vụ an sinh xã hội.

Một quan chức thuộc hải quan Đức nói với tờ tạp chí Focus: "Không hề có chứng cứ khả dĩ chứng minh Gurlitt làm việc tại bất kỳ một công ty, nhà máy, xí nghiệp hay một cơ quan nào của chính phủ. Ông ta không có nguồn gốc thu nhập, không có lương hưu,  không có bảo hiểm y tế. Có vẻ như đó là một người không tồn tại".

Nghi ngờ Gurlitt là xã hội đen, để làm rõ nhân thân của ông ta, Hải quan Đức phối hợp với cảnh sát kiểm tra căn hộ ở Schwabing mà Gurlitt thuê với giá 600 bảng Anh/tháng. Kết quả thật bất ngờ, thay vì tìm thấy các tài khoản bất hợp pháp thì lẫn lộn trong hàng đống thực phẩm đóng hộp, rượu vang, chất đầy trên sàn nhà, trần nhà - tất cả  đã quá hạn sử dụng từ những năm 80 của thế kỷ trước, là 1.500 bức tranh của các danh họa bậc thầy như Picasso, Renoir, Matisse, Paul Klee, Emil Nolde, Franz Marc, Otto Dix, Oskar Kokoschka, Ernst Ludwig Kirchner và Max Liebermann, những bức tranh đã biến mất vào thời điểm cuối cùng của Chiến tranh thế giới lần thứ 2 khi máy bay của quân đồng minh ném bom xuống thành phố Dresden, Đức năm 1945.

Theo nhận định của những nhà sưu tập, 1.500 bức tranh này có giá khoảng 1 tỉ euro (tương đương 1,25 tỉ USD), và đó là những báu vật thật sự.

Nguồn gốc của những bức tranh

Cornelius Gurlitt là con trai của Hildebrandt Gurlitt (từ đây xin gọi tắt là Gurlitt cha), nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật uy tín nhất ở Đức vào thời Hitler lên nắm quyền năm 1933. Do có bà nội là người Do Thái, gia đình Gurlitt cha nằm trong tầm ngắm của Cơ quan thanh lọc chủng tộc Đức Quốc xã.

Tuy nhiên, vì biết Gurlitt cha là người duy nhất ở Đức có thể thẩm định các tác phẩm nghệ thuật - nhất là hội họa, cũng như có đường dây liên hệ với các nhà sưu tập ở nước ngoài nên Goebbels, Bộ tưởng Bộ Tuyên truyền Đức Quốc xã  đã ra lệnh cho Cơ quan thanh lọc chủng tộc không được đụng đến ông ta, đồng thời giao nhiệm vụ cho ông ta bằng mọi cách, quy tập càng nhiều càng tốt những tác phẩm hội họa của những họa sĩ bậc thầy - chủ yếu là các họa sĩ ở những quốc gia không phải là đồng minh với Đức..

Bức "người đàn bà trẻ" của danh họa Matisse.

Thật ra, lệnh này phát xuất từ Hitler, người vốn đề cao thuyết chủng tộc thượng đẳng. Trong điêu khắc, nhà độc tài này đặc biệt yêu thích những bức tượng tạc từ thời Hy Lạp - La Mã cổ đại. Riêng với hội họa, những nhân vật thần thoại như Hercules, Odyssey, Samson luôn là thần tượng của Hitler. Vì thế, ông ta ra lệnh cho Goebbels "phải tìm mọi cách thu hồi những tác phẩm của bọn cặn bã và thiêu hủy chúng đi".

Kết quả là đã có khoảng 20.000  bức vẽ của Matisse, Picasso, Dali, Van Gogh cùng nhiều họa sĩ lừng danh khác, lần lượt được đưa về Viện Bảo tàng Berlin và bộ sưu tập của Gurlitt cha trong suốt thời gian Đức Quốc xã tiến hành chiến dịch tiêu diệt người Do Thái.

Tháng 7/1937, Bảo tàng Berlin mở cuộc triển lãm tại Munich với tên gọi "Sự thoái hóa của nghệ thuật". Trong lễ khai mạc, do rất ghét lối vẽ siêu thực, trừu tượng được thể hiện trong tranh của Picasso, Matisse, Dali, Van Gogh…, Hitler đã tuyên bố, rằng cuộc triển lãm này là dịp để người dân Đức hiểu thêm về một nền "văn hóa tan rã" và sau cuộc triển lãm, tất cả sẽ phải đốt bỏ. Hàng trăm nghìn người Đức đã xếp hàng để được tận mắt nhìn ngắm những kiệt tác hội họa có một không hai bằng sơn dầu, chì than hoặc màu nước mà chủ nhân chính thức của nó là dân Do Thái, đã phải bán với giá rẻ như bèo cho Gurlitt cha, hoặc tự nguyện hiến tặng cho Cơ quan an ninh Gestapo để được phép an toàn rời khỏi nước Đức.

Tuy nhiên, dưới cái ô của Goebbels, Gurlitt cha đã không phải đốt một tác phẩm nào. Sau cuộc triển lãm, khoảng 2.000 bức tranh được Gurlitt cha cất vào bộ sưu tập riêng của mình. Số còn lại thuộc về Goebbels và một số tướng lĩnh, quan chức chóp bu khác.

Vào thời điểm cuối của cuộc chiến tranh, Gurlitt cha tuyên bố rằng những trận ném bom của quân đồng minh ném xuống thành phố Dresden trong tháng 2/1945 đã phá hủy tất cả những bức tranh được cất giữ tại nhà riêng của ông ta ở Kaitzer Strasse. Sau khi đập tan chủ nghĩa phát xít, chính quyền mới coi Gurlitt cha là một kẻ vô hại vì trong suốt thời gian Hitler nắm quyền, ông ta không hề tham gia vào những vụ đàn áp người Do Thái nên họ cũng chẳng buồn tìm hiểu về các việc làm của ông.

Chung cư nơi có căn hộ của Gurlitt.

Năm 1956, Gurlitt cha chết trong một tai nạn xe hơi. Trước khi chết, Gurlitt cha đã trăng trối lại cho con trai là Cornelius Gurlitt biết về nơi cất giữ "kho báu". Theo lời khai của Cornelius Gurlitt, sau khi tìm được nơi cất giấu, suốt một thời gian dài ông ta đã lặng lẽ vận chuyển chúng về căn hộ chung cư ở Schwabing rồi để lẫn lộn với hàng đống rượu vang và đồ hộp nhằm tránh bị phát hiện. Thỉnh thoảng ông ta lại bán đi một vài bức để lấy tiền tiêu xài.

Vài ngày trước khi bị bắt, thông qua một nhà đấu giá, Gurlitt đã bán bức "The Lion Tamer - Người nuôi sư tử" của họa sĩ người Đức Max Beckmann với giá 750.000 bảng Anh.

Dựa vào lời khai của Cornelius Gurlitt, các nhà điều tra đã tìm thấy những  cuốn sổ tiết kiệm mà cộng lại là hàng triệu euro do ông ta đứng tên. Tất cả số tiền này đều phát xuất từ việc bán khoảng 500 bức tranh. Hiện tại, 1.500 bức tranh còn lại thu được trong căn hộ của Cornelius Gurlitt đang được bảo quản rất cẩn thận tại trụ sở của hải quan Bavarian gần Munich.

Một  phát ngôn viên hải quan Đức, cho biết có một số tranh đã hư hỏng, cần phải được phục hồi. Bên cạnh đó, một nhóm chuyên gia đang cố gắng truy tìm lai lịch của các chủ sở hữu hợp pháp để trả lại cho con cháu họ. Trớ trêu thay, phần lớn những bức tranh đã được Gurlitt cha mua bằng tiền - nghĩa là có sự thuận mua vừa bán - dù rằng nó được mua bằng một giá rất thấp nhưng nếu không tìm ra những người thừa kế, có thể nó sẽ lại thuộc về Cornelius Gurlitt.

Vẫn theo lời phát ngôn viên hải quan Đức, Cornelius Gurlitt chỉ phải đối mặt với án tù vì tội trốn thuế và rửa tiền vì việc tìm ra chứng cứ, chứng minh Gurlitt cha đã cưỡng đoạt hoặc chiếm giữ bất hợp pháp số tranh trên, là chuyện không tưởng.

Một trong những kiệt tác tìm được tại căn hộ của Cornelius Gurlitt là bức "Người đàn bà trẻ" của danh họa Matisse, do một "đại gia" người Do Thái là Paul Rosenberg, sưu tập. Năm 1940, khi Đức Quốc xã chiếm đóng nước Pháp, Rosenberg đã phải rời Paris, bỏ của chạy lấy người. Sau này, cháu gái của ông là bà Anne Sinclair, vợ của cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss Kahn, đã tiến hành nhiều chiến dịch nhằm đòi lại tài sản của ông nội bà nhưng bà lại không hay biết gì về bức họa nói trên. Khi được tìm thấy tại nhà Cornelius Gurlitt, các tay môi giới đấu giá đã thẩm định nó có thể bán được 30 triệu euro

Hòa Cao (theo Focus)
.
.