Canada: Luật chống khủng bố mới đe dọa các nhóm hoạt động môi trường

Thứ Tư, 15/04/2015, 21:30
Tại Canada, hoạt động theo dõi và can thiệp của cảnh sát từ lâu là một thực tế không thể phủ nhận đối với các nhóm bảo vệ môi trường cố gắng ngăn chặn những dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch, như là xây dựng đường ống dẫn dầu, hay khai thác dầu đá phiến bằng thủy lực.

Dự luật chống khủng bố mới C-51 sẽ giúp Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) và Lực lượng Cảnh sát Kị mã Hoàng gia RCMP mở rộng quyền lực gián điệp các nhóm hoạt động bảo vệ môi trường.

Geraldine Thomas-Flurer, nữ điều phối viên của Liên minh Yinka Dene và người vận động bảo vệ môi trường cho các cộng đồng thổ dân Canada (First Nations), không lấy làm ngạc nhiên khi vào năm 2012 bà phát hiện mình bị Lực lượng Cảnh sát Kị mã Hoàng gia Canada (RCMP) theo dõi.

Nhân viên RCMP bắt giữ một nhà hoạt động trong cuộc biểu tình chống dự án đường ống dẫn dầu ở British Columbia, ngày 20/11/2014.

Liên minh Yinka Dene là tập hợp 6 cộng đồng thổ dân ở phía bắc tỉnh British Columbia, miền Tây Canada được tổ chức để ngăn chặn hệ thống đường ống dẫn dầu Northern Gateway - vận tải hơn 500.000 thùng dầu thô mỗi ngày - của Công ty dầu mỏ Enbridge xây dựng xuyên qua các vùng lãnh thổ của họ. Cùng năm, tờ Toronto Star của Canada có được các tài liệu mật tiết lộ cảnh sát liên bang giám sát những cuộc họp tư nhân được tổ chức giữa liên minh của bà và các nhóm hoạt động bảo vệ môi trường địa phương. Hiện nay, Thomas-Flurer cho biết dự luật chống khủng bố mới - gọi là C-51 - của chính quyền Canada đang mở ra "giai đoạn mới cho các cộng đồng thổ dân lên tiếng".

Dự luật được đề xuất sau cuộc tấn công ngày 22/10/2014 của Michael Zehaf Bibeau, 32 tuổi, giết chết một binh sĩ gác Đài tưởng niệm Chiến tranh ở Ottawa và xông vào tòa nhà Quốc hội Canada gần đó trước khi bị cảnh sát bắn chết. Một ngày sau vụ tấn công, Thủ tướng Stephen Harper tuyên bố: "Tôi từng nói luật pháp và quyền lực của cảnh sát cần được tăng cường trong lĩnh vực giám sát, bắt giữ và giam cầm". Năm tháng sau đó, dự luật C-51 của đảng Bảo thủ cầm quyền được trình lên Quốc hội Canada, hy vọng dự luật trên được phê chuẩn vào mùa hè năm nay.

Dự luật C-51 có thể bỏ tù 5 năm một cá nhân được cho là tuyên truyền tấn công khủng bố. Mặt khác, dự luật cũng cho phép cảnh sát tiến hành những vụ bắt giữ "phòng ngừa" nếu có cơ sở hợp lý nhằm ngăn chặn âm mưu khủng bố. Dự luật cũng cho phép kéo dài thời gian giam giữ nghi can mà không buộc tội từ 3 ngày lên 5 ngày và có thể đưa đối tượng vào danh sách cấm bay.

Jeff Monaghan - nhà xã hội học Đại học Queen's ở Toronto chuyên nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến chống khủng bố - đã bỏ nhiều công sức để thu thập tài liệu về những nỗ lực gián điệp các nhà hoạt động bảo vệ môi trường của chính quyền Canada từ sau ngày 11/9/2001.

Người dân Canada biểu tình chống dự luật C-51.

Các tài liệu đánh giá mối đe dọa của chính quyền Canada mà Mobaghan thu thập được thông qua Luật Tiếp cận Thông tin (ATI) cho thấy từ năm 2005 cảnh sát nước này đã tăng cường tập trung gián điệp các nhóm được cho là "có quan điểm cực đoan" bao gồm các nhóm đấu tranh bảo vệ môi trường và quyền của thổ dân. Một báo cáo đánh giá năm 2008 tuyên bố những cuộc tấn công do các nhà hoạt động "cực đoan" trong nước tiến hành "nhiều hơn những cuộc tấn công khủng bố đến 7 lần". Theo Monaghan, dự luật C-51 ra đời cũng nhằm tăng cường quyền lực cho tình báo và cảnh sát gián điệp các nhóm hoạt động này.

Mặc dù gọi là Luật chống khủng bố, song C-51 lại mở rộng quyền lực gián điệp ra khỏi phạm vi khủng bố. Theo dự luật mới, CSIS có thể "sử dụng nhiều biện pháp, ở trong hoặc ngoài biên giới Canada" để giảm thiểu "mối đe dọa cho an ninh Canada". Ngoài ra, "Luật chia sẻ thông tin về an ninh Canada" - một phần trong dự luật C-51 - cho phép các cơ quan chính quyền trao đổi thông tin thu thập được về "mọi hoạt động gây nguy hại cho an ninh Canada", bao gồm những hành vi đe dọa "tính toàn vẹn lãnh thổ" hay phá hoại "cơ sở hạ tầng trọng yếu" của đất nước. Do đó, có thể hiểu rằng những khu vực hoạt động của Liên minh Yinka Dene rõ ràng nằm trong ranh giới cho phép gián điệp của C-51.

Đây không phải lần đầu tiên CSIS hướng mục tiêu đến các nhóm hoạt động bảo vệ môi trường trong nước. Báo cáo "Đánh giá Tình báo về cơ sở hạ tầng trọng yếu" của RCMP mà tờ La Press của Canada có được hồi tháng 2/2015 tiết lộ các cơ quan tình báo và hành pháp nước này coi các nhà hoạt động chống khai thác nhiên liệu hóa thạch thật sự là mối đe dọa "nghiêm trọng". Tổ chức Hòa bình Xanh Canada đã nhiều lần bị đưa vào báo cáo với tiêu đề "Các mối đe dọa tội phạm cho Công nghiệp dầu mỏ Canada". Để phản đối dự luật C-51, những cuộc biểu tình đã diễn ra khắp đất nước Canada.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.