Căng thẳng ngoại giao giữa Pháp và Morocco

Thứ Tư, 26/03/2014, 12:30

Mối quan hệ của Pháp và Morocco trở nên căng thẳng sau những đơn kiện về sự đối xử vô nhân đạo của cơ quan cảnh sát và an ninh Morocco được trình lên tòa án Pháp và quốc tế.

Vùng tây Sahara, khu vực hoang sơ mà Chính phủ Morocco và những người Sahrawi đòi độc lập tranh giành nhau từ khi người di dân Tây Ban Nha rút đi vào năm 1976, hiện được đưa ra trước tòa án Pháp và quốc tế. Ngày 20/2, luật sư Joseph Breham đã đệ đơn kiện lên chánh thẩm Sylvia Zimmerman ở Paris thay mặt cho ông Naama Asfari cùng bà vợ người Pháp Claude Mangin và Hội Hành động của người Thiên Chúa giáo nhằm xóa bỏ nạn tra tấn (Acat).

Trong đơn kiện luật sư cho biết, thân chủ của ông đã bị tra tấn và bị đối xử tàn nhẫn của cảnh sát Morocco vào tháng 11/2010. Song song đó, luật sư và Hội Acat cũng đệ đơn kiện Chính phủ Morocco lên Ủy ban Chống tra tấn của LHQ tại Geneva.

Vào tháng 10/2010, khoảng 20.000 người Sahrawi dựng một ngôi làng lều truyền thống mà họ gọi là "trại của niềm tự hào và phẩm giá" cách thủ đô Laayoune 12km để khẳng định quyền tự quyết. Ngày 7/11, Naama Asfari có mặt tại Laayoune để tiếp đón những người Pháp, trong đó có nghị sĩ Jean-Paul Lecoq ở địa phận Seine-Maritime. Naama phải đưa phái đoàn đi thăm khu trại.

Nhưng ông chưa kịp làm việc đó thì tối hôm ấy ông bị cảnh sát bắt. Ông bị còng tay, bịt mắt và chịu ngón đòn falaqa (đánh vào lòng bàn chân). Sau đó ông bị chuyển đến Đồn cảnh sát Laayoune, tại đấy ông không được ăn uống trong 5 ngày mà phải ngồi, 2 tay bị còng sau lưng. Ngày 8/11, cảnh sát và hiến binh tấn công vào trại của người Sahrawi để đuổi bắt những kẻ biểu tình. Có 11 nhân viên công lực bị mất mạng trong vụ đụng độ đó.

Asfari cho biết, ông không bao giờ ký bản cung khai, "nhưng người ta đe dọa sẽ tra tấn để buộc ông phải ký vào một văn bản mà ông không được đọc. Sau đó cảnh sát tư pháp đã trình lên ngài dự thẩm quân sự một biên bản được cho là bản tự khai có chữ ký của ông" - luật sư Breham cho biết.

Tổng thống Francois Hollande và vua Mohammed VI, năm 2013.

Vào tháng 2/2013, Tòa án quân sự Rabat kết án Naama Asfari 30 năm tù giam với tội danh "lập ra một nhóm tội phạm đồng lõa bạo lực có dự mưu dẫn đến cái chết của các nhân viên công lực đang thi hành nhiệm vụ". Bên cạnh ông, 24 người Sahrawi khác cũng nhận những bản án nặng nề trong phiên tòa bị Tổ chức Ân xá quốc tế cho là "không hợp thức từ cơ bản".

"Qua trường hợp của Naama Asfari, chúng tôi kêu gọi Ủy ban Chống tra tấn của LHQ lên án hiện tượng tra tấn mà không bị trừng phạt ở Morocco. Một sự lên án sẽ khuyến khích các nạn nhân Morocco và Sahrawi khác khiếu nại lên LHQ cho đến khi chính quyền Morocco quyết định ra tay phán xét" - bà Hélène Legeay, chuyên gia về Bắc Phi và Trung Đông của Acat cho biết.

Morocco là đồng minh của Pháp nhưng đang tức giận vì các đơn kiện. Đặc biệt chính phủ nước này bất bình vì vụ việc 7 cảnh sát đã đến tư gia của Đại sứ Morocco ở Paris để thông báo cho Giám đốc tình báo Morocco Abdellatif Hammouchi cũng có mặt tại đây về lệnh triệu tập của một dự thẩm Pháp. Morocco cho rằng, trong trường hợp này, Chính phủ Pháp không lưu ý đến những đường lối ngoại giao và cư xử “như kẻ bề trên”.

Trong một bản thông báo, Bộ Ngoại giao Pháp đã cố xoa dịu sự căng thẳng, nói đến "một sự cố đáng tiếc" và hứa rằng sẽ làm sáng tỏ vụ việc. Nhưng Morocco cho rằng động thái này chưa đủ khi đơn phương hoãn lại chuyến công du của đặc phái viên Nicolas Hulot của Tổng thống Pháp dự trù diễn ra vào ngày 24 và 25/2 vừa qua.

Đối mặt với sự căng thẳng đó, tối 24/2 Tổng thống Francois Hollande đã có cuộc điện đàm với Vua Mohammed VI, đang công du châu Phi. "Với những sự sáng tỏ, 2 nguyên thủ quốc gia đã đồng ý tiếp tục các cuộc liên lạc trong những ngày tới ở cấp độ chính phủ và hành động trong tinh thần quan hệ và hiểu biết nhằm kết nối Pháp và Morocco" - Văn phòng Chính phủ Pháp cho biết.

Vào sáng 25/2, Tổng thống Pháp đã tiếp đón Đại sứ Morocco Chakib Benmoussa để "tiếp tục đối thoại trong tinh thần hữu nghị và tin tưởng". Bình thường mối quan hệ giữa Pháp và Morocco rất chặt chẽ: Pháp là đối tác thương mại hàng đầu của Morocco và trong năm 2012 lượng trao đổi đạt đến 8 tỉ euro. Mối liên hệ nhân văn và văn hóa cũng rất phong phú giống như những chuyến công du của các quan chức 2 nước.

Thế nhưng ngày 26/2, Bộ Tư pháp Morocco đột ngột công bố sẽ "ngưng thực thi mọi thỏa ước hợp tác tư pháp với nước Pháp để xem xét lại". Thông báo cũng cho biết sẽ "triệu hồi vị thẩm phán về nước trong khi chờ đợi các giải pháp đảm bảo sự cùng tôn trọng các thỏa ước song phương".

Để biện minh cho động thái đó, Bộ Tư pháp Morocco nói đến "những sự trục trặc và lỗ hổng trong các hiệp ước giữa Paris và Rabat"

Mê Linh (tổng hợp)
.
.