Cảnh sát Thụy Điển thu thập bất hợp pháp dữ liệu về người Digan

Thứ Tư, 05/02/2014, 16:30

Cảnh sát ở tỉnh Skane của Thụy Điển sở hữu cơ sở dữ liệu khổng lồ chứa các chi tiết về 4.000 người Digan, trong đó bao gồm 1.000 trẻ em. Tiết lộ được công bố trong một báo cáo trên nhật báo Dagens Nyheter cuối tháng 9/2013. Cơ sở dữ liệu - được tổ chức giống như sơ đồ phả hệ - nêu rõ đầy đủ tên họ, năm sinh, số căn cước, địa chỉ cư trú và cả các mối quan hệ. Các cá nhân được đưa vào cơ sở dữ liệu chỉ dựa theo nền tảng chủng tộc, và tuyệt đại đa số không có tiền án phạm tội.

Ban đầu, cảnh sát phủ nhận sự tồn tại của cơ sở dữ liệu được đặt tên là "Những người du cư". Nhưng, một cuộc điều tra sau đó được tiến hành và cảnh sát trưởng buộc phải tuyên bố "giận dữ". Tuy nhiên, giới chức cảnh sát vẫn tiếp tục từ chối mô tả hành động thu thập thông tin liên quan đến chủng tộc mà tuyên bố điều đó chỉ nhằm phục vụ công tác điều tra tội phạm.

Peter Springar, sĩ quan chỉ huy đơn vị điều tra tội phạm nghiêm trọng tỉnh Orebro, đã phản ứng giận dữ trước thông tin lực lượng cảnh sát vi phạm luật pháp. Springar quả quyết rằng dữ liệu về người Digan chỉ đơn thuần là "công việc tình báo được thực hiện trong cuộc chiến chống tội phạm". Theo một đánh giá của Liên Hiệp Quốc cho rằng có từ 15.000 đến 20.000 người Digan đang sinh sống ở Thụy Điển, cơ sở dữ liệu của cảnh sát chứa hơn 20% tổng số người Digan.

Các báo cáo sau đó cho biết, Cơ quan Nhập cư Thụy Điển cũng thu thập thông tin về người Digan. Trên thực tế, người Digan đã nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền Thụy Điển trong suốt nhiều thập niên. Ví dụ, vụ bê bối mới nhất là chính quyền thành phố Stockholm duy trì một "danh sách người Digan" từ trước năm 1996 và cảnh sát thường xuyên giám sát cuộc sống cũng như hành vi của những người du cư này.

Từ năm 1914 đến 1954, người Digan chính thức bị cấm du cư đến Thụy Điển và thậm chí trong suốt giai đoạn đó những người đang sống ở nước này cũng bị bắt buộc triệt sản. Trong Thế chiến II, chính quyền Thụy Điển cho thành lập cả một kho hồ sơ về dân số Digan ở nước này với đầy đủ các chi tiết. Kho hồ sơ này được thành lập song song với hồ sơ về người Do Thái được tin là để trao cho Đức Quốc xã. Sau khi Thế chiến II kết thúc, mãi đến năm 1959 người Digan mới được trao quyền học hành và cư trú. Đến năm 1999, người Digan mới chính thức được công nhận là cộng đồng thiểu số ở Thụy Điển.

Biểu tình chống ngược đãi người Digan ở thành phố Malmo, Thụy Điển.

Đầu năm 2013, Cảnh sát Stockholm tăng cường kiểm soát công nhân người nước ngoài không có giấy tờ để trục xuất khỏi Thụy Điển. "Dự án REVA" này của cảnh sát đã gây nên làn sóng phẫn nộ lan rộng với những cuộc biểu tình thu hút hàng ngàn người tham gia ở Stockholm và Malmo vào tháng 3/2013. Chưa đầy 2 tháng sau đó, nhiều cuộc bạo động đã nổ ra ở các vùng ngoại ô Stockholm dẫn đến phản ứng mạnh của cảnh sát đối với các cộng đồng người nhập cư và kiểm soát cả những trẻ em chỉ mới 13 tuổi.

Ngay lập tức Liên đoàn Lao động Thụy Điển kêu gọi chính quyền tăng cường hạn chế lực lượng lao động người nước ngoài. Liên minh 4 đảng cánh hữu do Thủ tướng Frederick Reinfeldt lãnh đạo cũng thắt chặt các quy định về nhập cư trong những năm gần đây. Năm 2010, chính quyền Thụy Điển đưa ra các quy định mới cho phép các gia đình người nhập cư được đoàn tụ tại Thụy Điển với điều kiện các thành viên ở nước này phải có việc làm ổn định và nơi cư trú đàng hoàng.

Nhưng, theo Gunnar Axen - thành viên đảng Ôn hòa của Thủ tướng Reinfeld và là Chủ tịch Ủy ban Nghị viện về bảo hiểm xã hội, có quá nhiều gia đình người nhập cư có thể đáp ứng quy định mới này của chính quyền.

Nhật báo Dagens Nyheter công bố hoạt động thu thập dữ liệu về người Digan của cảnh sát Thụy Điển.

Tháng 2/2013, Bộ trưởng Nhập cư Tobias Billstrom cho biết, mức độ người nhập cư vào Thụy Điển là "không thể chịu đựng được". Đảng Ôn hòa cũng giao cho Billstrom nhiệm vụ tìm cách giảm bớt lượng người nhập cư vào Thụy Điển. Đảng Dân chủ cực hữu Thụy Điển tuyên bố hoan nghênh "sự nhận thức" của Billstrom về vấn đề người nhập cư.

Liên minh cầm quyền không chiếm đại đa số trong nghị viện và đã dựa vào các lá phiếu của đảng Dân chủ cực hữu để thông qua các đạo luật từ cuộc bầu cử năm 2010. Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, tình trạng bất bình đẳng trong xã hội Thụy Điển tăng nhanh nhất trong thập niên qua so với mọi quốc gia thành viên trong tổ chức.

Chính quyền Thụy Điển mở những cuộc tấn công dữ dội vào hệ thống phúc lợi xã hội từ năm 2006. Các khoản tiền trợ cấp thất nghiệp bị cắt và các điều kiện hưởng phúc lợi xã hội cũng bị hạn chế. Hàng ngàn quyết định sa thải nhân viên diễn ra ở khắp các khu vực kinh tế sau cuộc suy thoái năm 2008-2009, khi tỉ lệ thất nghiệp lên trên 8% và con số này càng cao hơn tại các vùng ngoại ô thành phố lớn.

Riêng tại thành phố Stockholm, tỉ lệ thất  nghiệp tới mức 23% sau khi bùng nổ những cuộc bạo động vào tháng 5/2013. Để chống lại mối nguy hiểm bất ổn xã hội, chính quyền Thụy Điển sử dụng toàn bộ lực lượng cảnh sát và các cơ quan tình báo để thu thập thông tin về phe đối lập chính trị.

Tình báo Thụy Điển cũng bị tố cáo là đã hợp tác với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và đề ra nhiều biện pháp phản dân chủ để gián điệp người dân trong nước. Năm 2008, chính quyền Thụy Điển đã thông qua luật nghe lén gây tranh cãi, qua đó cho phép tình báo nội địa quyền chặn bắt mọi cuộc giao tiếp điện tử đi qua biên giới nước này

Thục Miên (tổng hợp)
.
.