Chấn động vụ rò rỉ “Hồ sơ Paradise”

Thứ Sáu, 10/11/2017, 07:39
Mới hơn một năm sau vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”, thế giới lại chấn động với một vụ rò rỉ tương tự với quy mô lớn: “Hồ sơ Paradise”. Số tài liệu trong hồ sơ này nhắc tới nhiều tên tuổi lớn, những người đang đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào các thiên đường thuế ở nước ngoài.


Toàn cảnh

Trong vụ rò rỉ được đặt tên là Paradise Papers (Hồ sơ Paradise, Hồ sơ Thiên đường), tổng cộng 13,4 triệu tài liệu của công ty luật nước ngoài Appleby đã bị tung ra. Các tập tài liệu nằm trong tay tờ Suddeutsche Zeitung, chính tờ báo Đức nắm giữ Hồ sơ Panama hồi tháng 4-2016. Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cùng khoảng 100 tờ báo khác nhau trên toàn thế giới đã được chia sẻ và cùng tìm kiếm các thông tin cụ thể trong Hồ sơ Paradise, sau đó đồng loạt đăng các bài điều tra liên quan ngày 5-11.

“Hồ sơ Paradise” tiết lộ những thông tin mật về giới nhà giàu.

Các tài liệu từ năm 1950 tới 2016 trong Hồ sơ Paradise nhắc tới nhiều tập đoàn toàn cầu, lãnh đạo chính phủ và các nhân vật nổi tiếng, trong đó có những người sử dụng tài khoản ở nước ngoài để tránh thuế hoặc giấu quyền sở hữu tài sản. Ngoài ra, ICIJ cũng nhấn mạnh rằng có những người sử dụng hợp pháp quỹ tín thác và công ty nước ngoài. Trong một tuyên bố đăng trên mạng, ICIJ nói: “ICIJ không định ám chỉ rằng bất kỳ người nào, công ty hay thực thể nào đã vi phạm luật hoặc hành động không phù hợp”.

Trong loạt điều tra đầu tiên, các báo cũng hứa hẹn sắp tới sẽ tung ra nhiều thông tin hơn. Vào ngày 5-11, ngày đầu tiên công bố Hồ sơ Paradise, trong số 120 chính trị gia có tên, có những cái tên nổi tiếng.

Theo tờ The New York Times, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross có cổ phần hàng triệu USD trong một công ty đóng tàu tên là Navigator, công ty mà trong số các khách hàng có cả Công ty năng lượng Nga Sibur cũng như Tập đoàn dầu PDVSA của Venezuela. Ông Ross có cổ phần trong Navigator thông qua một chuỗi công ty ở Quần đảo Cayman.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết ông Ross không liên quan tới việc Navigator quyết định làm ăn với Công ty Sibur. Trong một tuyên bố, Bộ này nói: “Bộ trưởng Ross chưa từng gặp những cổ đông Sibur được đề cập tới trong tin tức và cho tới tận bây giờ không biết về mối quan hệ của họ”.

Nữ hoàng Anh cũng có tên trong Hồ sơ Paradise. Khu điền trang Duchy of Lancaster của Nữ hoàng Elizabeth II đã đầu tư hàng triệu bảng Anh vào một quỹ đầu tư trên Quần đảo Cayman. Tuy nhiên, một người phát ngôn của Duchy of Lancaster khẳng định tất cả các khoản đầu tư này đều được kiểm toán đầy đủ và hợp pháp.

Theo tờ Telegraph, Nữ hoàng không quản lý các khoản đầu tư của Duchy of Lancaster mà do một hội đồng quyết định và đóng thuế tự nguyện với bất kỳ khoản thu nhập nào. Mặc dù không có dấu hiệu sai trái nào nhưng đây là lần đầu tiên các khoản đầu tư ở nước ngoài của Nữ hoàng được tiết lộ.

Trong số những cái tên còn có Bono, ca sĩ chính của nhóm nhạc U2. Bono bị nhắc tới với tư cách là một nhà đầu tư trong công ty Nude Estates của Malta. Công ty này đã mua lại khu mua sắm Ausra với giá 5,1 triệu bảng không lâu sau khi khu này khai trương năm 2007. Malta là một nơi nổi tiếng với thuế thấp, nơi mà các công ty chỉ đóng thuế 5%.

Ngoài tiết lộ về các chính trị gia và người nổi tiếng, Hồ sơ Paradise còn tiết lộ chi tiết về cuộc sống tài chính của người giàu và nổi tiếng cũng như những người ít được biết tới. Trong số đó có kể tới tàu ngầm và du thuyền của Paul Allen, nhà đồng sáng lập tập đoàn Microsoft, xe cộ ở Quần đảo Caymen của Piere Omidyar, nhà sáng lập eBay, cổ phiếu trong một công ty cung cấp y tế của ca sĩ Madonna…

Appleby là ai?

Trọng tâm của vụ Hồ sơ Paradise là Công ty luật Appleby. Bất kỳ ai muốn thành lập một công ty ở nước ngoài vì bất kỳ lý do nào đều phải tìm hiểu luật và quy định ở nước đó. Vì lý do đó, họ sẽ cần luật sư. Đó là lúc Appleby xuất hiện. Đây là một trong vô số công ty quốc tế lớn cung cấp dịch vụ pháp lý ở nước ngoài.

Công việc của công ty là giúp đỡ khách hàng, ví dụ như những tập đoàn tài chính, tập đoàn toàn cầu hay các cá nhân lắm tiền, thành lập và đăng ký công ty, quỹ tín thác ở những nước có mức thuế bằng 0 hoặc thấp và có mức độ tin cậy tài chính cao. Công việc của họ không tránh khỏi việc có thể dẫn tới các mối liên hệ có lai lịch “sóng gió”, danh tiếng gây tranh cãi hoặc động cơ mờ ám. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mục đích của các khách hàng này đều có vấn đề.  

Ông Milner (phải) và Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Facebook.

Appleby cũng như các công ty luật trong lĩnh vực này sử dụng một thuật ngữ cho các khách hàng như vậy: Đó là người có ảnh hưởng chính trị (PEP). Một PEP là người có lý lịch nổi tiếng trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự hay tư pháp và với vị trí, ảnh hưởng lớn, họ dễ có khả năng liên quan tới hối lộ hoặc tham nhũng. Thành viên gia đình gần gũi với các PEP cũng là PEP. Ít nhất 150 chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp khắp thế giới là khách hàng của Appleby.

Trang web của Appleby nhấn mạnh các giải thưởng mà công ty này giành được và được xếp hạng “Loại 1” trong các danh bạ pháp lý, là một trong những công ty luật nước ngoài hàng đầu. Appleby được vinh danh là công ty nước ngoài của năm 2015.

Hoạt động đầu tiên của Appleby là ở Bermuda vào những năm 1890. 120 năm sau, Appleby đã trở thành một trong những công ty luật lớn nhất, nổi tiếng nhất trong lĩnh vực. Appleby có khoảng 470 nhân viên, với 60 đối tác và 10 văn phòng khắp thế giới.

Công ty này có quy định nghiêm khắc. Trong Hồ sơ Paradise, các phóng viên tìm thấy một tài liệu dài của Appleby, nói rõ quy trình tuân thủ mà nhân viên phải theo khi xử lý các công việc liên quan tới PEP. Tuy nhiên, cũng theo một tài liệu trong Hồ sơ Paradise, công ty này đã lo lắng về tiêu chuẩn của mình. Một bài thuyết trình trước nhân viên ở Bermuda năm 2012 thừa nhận rằng công ty có thể đã dấn thân vào làm ăn mạo hiểm khi  xuất hiện tình trạng không tuân thủ, ví dụ như chính sách chống rửa tiền.

Bài thuyết trình có nhắc đến vụ Appleby thành lập một quỹ tín thác cho một khách hàng để mua bất động sản ở London và công ty đã nhận tiền thay mặt khách hàng này mà không hỏi gì thêm. Appleby về sau biết rằng quỹ tín thác thuộc về một cựu quan chức Pakistan bị cáo buộc tội biển thủ công quỹ.

Một bức thư trong Hồ sơ Paradise cho thấy Cơ quan Tiền tệ Bermuda đã lo ngại về vấn đề kiểm tra và tuân thủ quy định liên quan tới chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố của Appleby. Tháng 8-2014, Appleby bị Ủy ban Dịch vụ tài chính Quần đảo Virgin của Anh cảnh báo vì đã vi phạm quy định về kiểm tra khách hàng.

Ít nhất 31.000 khách hàng cá nhân và công ty có trong hồ sơ của Appleby là công dân Mỹ hoặc có địa chỉ Mỹ. Appleby cũng có khách hàng từ Anh, Trung Quốc và Canada.

Có gần 7 triệu hồ sơ của Appleby và công ty liên kết trong giai đoạn từ 1950 tới 2016 gồm thư điện tử, thỏa thuận vay vốn và sao kê ngân hàng, liên quan tới ít nhất 25.000 thực thể ở 180 quốc gia.

Vạch trần bí mật các công ty

Khi Appleby không phục vụ lợi ích của những người giàu có nhất thế giới, công ty này cung cấp hỗ trợ pháp lý cần thiết cho các tập đoàn tìm cách giảm tiền đóng thuế ở những nước họ làm ăn. Appleby không phải là nhà tư vấn thuế nhưng công ty này đóng vai trò trong chương trình thuế mà các công ty khắp thế giới áp dụng.

Hồ sơ Paradise tiết lộ rằng công ty Apple của Mỹ đã tìm kiếm một thiên đường thuế mới khắp châu Âu và Caribe sau khi một cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ cho thấy Apple đã trốn hàng chục tỷ USD tiền thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các chi nhánh Ireland.

Trong một cuộc trao đổi qua thư điện tử, các luật sư của Apple đã đề nghị Appleby tìm hiểu về các lợi ích mà Apple được hưởng nếu chuyển tới một trong sáu thiên đường thuế ở nước ngoài.  Các thiên đường thuế mà Apple nhắm tới gồm Quần đảo Virgin của Anh, Bermuda, Quần đảo Cayman, Mauritius, the Isle of Man, Jersey và Guernsey. Tài liệu cũng cho thấy Apple muốn tìm kiếm thông tin về việc liệu có thể được đảm bảo miễn thuế chính thức hay một công ty Ireland có thể thực hiện hoạt động quản lý mà không bị đánh thuế ở Bermuda.

Các thư điện tử bị rò rỉ cho thấy chắc chắn rằng Apple muốn giữ bí mật động thái tái tổ chức trên. Một thư điện tử trao đổi giữa các đối tác cấp cao tại Appleby nói: “Với những người chưa ý thức được vấn đề trong số các ông, quan chức Apple cực kỳ nhạy cảm về vấn đề công khai. Họ cũng hy vọng công việc đang được tiến hành cho họ chỉ được thảo luận với những người cần phải biết. Apple đã chọn Jersey, một lãnh thổ độc lập của Anh có luật thuế riêng và có thuế doanh nghiệp với các công ty nước ngoài là 0%.

Hai chi nhánh chính của Apple ở Ireland gồm Apple Operations International (AOI - được cho là nắm giữ phần lớn khoản tiền khổng lồ 252 tỷ USD của Apple ở nước ngoài) và Apple Sales International (ASI) được văn phòng của Appleby quản lý ở Jersey từ đầu năm 2015 tới đầu năm 2016.

Điều này cho phép Apple tiếp tục trốn hàng tỷ USD tiền thuế khắp thế giới. Sổ sách năm 2017 của Apple cho thấy công ty này kiếm được 44,7 tỷ USD ngoài Mỹ và chỉ đóng 1,65 tỷ USD tiền thuế cho các chính phủ nước ngoài, một tỷ lệ tương đương 3,7%, tức chưa bằng 1/6 mức thuế doanh nghiệp trung bình trên thế giới.

Apple từ chối bình luận về chi tiết hoạt động tái tổ chức của mình nhưng nhấn mạnh rằng đã giải thích về quá trình sắp xếp mới với cơ quan chức năng và khẳng định sự thay đổi này không giảm tiền thuế mà Apple phải đóng.

Ngoài Apple, hai cái tên Facebook và Twitter cũng bị nhắc tới trong Hồ sơ Paradise. Mùa thu năm 2010, nhà đầu tư tỷ phú Nga Yuri Milner đảm nhiệm phần hỏi đáp tại một hội nghị công nghệ ở San Francisco. Ông này có cổ phần lớn tại Facebook và Twitter. Khi được hỏi ai đã đầu tư để ông có thể nhanh chóng phất lên ở Thung lũng Silicon, ông đã không trả lời. Giờ đây, sau khi Hồ sơ Paradise rò rỉ, tờ New York Times cho biết: Đằng sau các khoản đầu tư vào Facebook và Twitter của ông Milner là hàng trăm triệu USD từ Chính phủ Nga.

Được che chắn bởi một mê cung các công ty bình phong ở nước ngoài, khoản đầu tư vào Twitter được hậu thuẫn từ VTB, một ngân hàng Nga. Một nhà đầu tư lớn vào thỏa thuận với Facebook của ông Milner nhận tài trợ từ Gazprom. Tổng cộng, các công ty của ông Milner sở hữu hơn 8% Facebook và 5% Twitter, giúp ông có tên trong danh sách những doanh nhân quyền lực nhất thế giới.

Không ai ám chỉ ông Milner hay các công ty của ông có liên hệ với hoạt động tuyên truyền. Về phần mình, ông Milner cho biết tiền của Chính phủ Nga không có gì khác so với các khoản mà ông đã nhận từ nhiều nhà đầu tư khắp thế giới.

Hồ sơ Paradise bị rò rỉ trong bối cảnh Facebook và Twitter cũng như các mạng xã hội khác đã trở thành mục tiêu chính của các cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Cũng trong Hồ sơ Paradise, người ta biết được cách thức các tập đoàn lớn giảm tiền thuế bằng cách thành lập công ty bình phong ở nước ngoài để giữ các tài sản vô hình như thiết kế logo của Hãng Nike và quyền sáng tạo với miếng cấy ngực silicon.

Một trong những khách hàng công ty hàng đầu của Appleby là Glencore PLC, công ty buôn bán hàng hóa lớn nhất thế giới. Hồ sơ Paradise cho thấy rất nhiều thỏa thuận, thư điện tử và các khoản vay triệu USD cũng như khoản đầu tư trong hàng thập kỷ của công ty ở Nga, Mỹ Latinh, châu Phi và Australia. Glencore là khách hàng quan trọng tới mức từng có lúc công ty này có phòng riêng trong các văn phòng của Appleby ở Bermuda.

Hồ sơ Paradise đã rọi ánh sáng vào cách thức mà Glencore dưới sự hỗ trợ của Appleby đã dùng các thiên đường tài chính để che giấu các thỏa thuận béo bở như thế nào. Tài liệu của Appleby cho thấy Công ty Glencore đã chuyển hàng triệu USD qua Bermuda cũng như các thiên đường thuế khác và dẹp yên được các vụ kiện cũng như hóa đơn thuế ở châu Âu và Caribe.

Tuy nhiên, chính tại CHDC Congo, quốc gia nghèo nhất thế giới, Glencore đã giành được lợi ích trong các mỏ đồng lớn. Theo Hồ sơ Paradise, biên bản cuộc họp ban giám đốc công ty cho thấy các đại diện Glencore đã dựa vào doanh nhân Israel Daniel Gertler – người có nhiều bạn bè cấp cao ở CHDC Congo - để giúp đạt được thỏa thuận về một mỏ đồng giá trị tên là Katanga.

Hồ sơ Paradise cho thấy những bằng chứng chi tiết nhất về các hoạt động vận động hành lang hậu trường và dòng tiền giúp mỏ đồng Katanga xin được giấy phép khai thác. Lúc đó, Glencore chỉ là một cổ đông của Katanga. Glencore cũng đã cho một công ty được coi là thuộc sở hữu của ông Gertler vay hàng triệu USD. Công ty này bị Bộ Tư pháp Mỹ coi là liên quan tới hối lộ.

Nhật Minh
.
.