Chân dung ông trùm mafia cuối cùng tại Mỹ

Thứ Năm, 16/02/2006, 14:46

Ngày 23/6/2005, trùm Massino đã bị xử chung thân. Được xem là ông trùm cuối cùng của mafia Mỹ, Massino dường như đã "rửa tay gác kiếm" nhiều năm qua nhưng trong thực tế vẫn điều khiển mạng tội phạm với những tội ác đẫm máu, cho đến khi bị bắt...

Massino chính là kẻ hồi sức cho gia đình Bonanno sau vụ nhân viên FBI Joseph D. Pistone trà trộn vào gia đình với tên giả Donnie Brasco trong suốt 5 năm, khiến 500 gương mặt anh chị thuộc tổ chức này bị bắt giam (vụ này làm chấn động thế giới ngầm cũng như xã hội Mỹ đến mức sau đó được Hollywood dựng thành phim).

Theo nhân viên FBI Joseph D.Pistone, Massino là "bố già" kiểu cũ, luôn tỏ ra mẫu mực trước đàn em và lúc nào cũng ý thức về sự tự che giấu bản thân. Gia đình Bonanno của Massino và gia đình DeCavalcantes (tại New Jersey) là hai tổ chức mafia Mỹ duy nhất áp dụng trật tự theo kiểu mafia truyền thống Italia. Massino thậm chí còn “nguyên tắc” đến mức buộc đàn em không được gọi tên tục mình khi chúng nói chuyện với nhau và thay vào đó chạm vào một bên tai để ám chỉ đến "bố già".

Ngày 7/3/2006, Cuốn sách "The Last Godfather: The Rise and Fall of Joey Massino" (Bố già cuối cùng - Thăng trầm của Joey Massino) của tác giả Simon Crittle sẽ được phát hành.

FBI biết rõ Bonanno vẫn hoạt động cũng như ảnh hưởng ngày càng rộng của Massino. 5 năm qua, FBI đã xây dựng bộ hồ sơ RICO (Racketeer Influenced and Corrupt Organizations - Các tổ chức tham nhũng và tội phạm có ảnh hưởng) nhằm thu thập chứng cứ để mang Bonanno lẫn ông trùm Massino ra tòa. Trong căn phòng chi nhánh FBI tại Hạ Manhattan, hồ sơ Massino đã ngập đến trần, với hàng lô ảnh chụp, băng ghi âm và chứng từ ngân hàng..., ghi lại 3 thập niên tội ác của Massino. Và trong phiên xử tới, công tố viên Greg Andres sẽ “đóng đinh” ông trùm với loạt tội danh giết người, trong đó có vụ giết 7 "bố già" trong 18 năm.

Nạn nhân gồm: Alphonse (Sonny Red) Indelicato, Philip (Philly Lucky) Giaccone và Dominick (Big Trin) Trinchera - bị Massino giết vào tháng 5/1981 theo lệnh Philip Rastelli (người sau này trao ghế "bố già" lại cho Massino). Nạn nhân thứ tư là Dominick (Sonny Black) Napolitano, mất tích vào tháng 8/1981. Nhà chức trách cho rằng Napolitano bị khử bởi tội để nhân viên FBI Joseph D. Pistone lọt vào tổ chức. Một năm sau, người ta mới tìm thấy thi thể Napolitano với vết đạn ở đầu, bị vùi trong cánh đồng lầy tại đảo Staten (New York). Nạn nhân nữa là Gelando Sciascia (thi thể được tìm thấy tại khu Bronx vào tháng 3/1999 với 5 vết đạn)...

Chương cuối cùng lịch sử mafia Mỹ?

Vụ Massino cũng là phiên xử cuối cùng - FBI hy vọng - nhằm có thể khép lại chương cuối trong lịch sử mafia Mỹ từng hình thành từ thập niên 30. Sinh năm 1943 và trưởng thành tại Brooklyn, Massino thời niên thiếu đã lăn lộn vỉa hè bằng nghề bán rong cà phê cho công nhân tại Hãng xe tải Long Island. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, Massino bắt đầu buôn lậu các sản phẩm ăn cắp được tuồn ra từ công nhân Long Island, từ chiếc máy ảnh Kodak đến thiết bị điện tử.

Tiệm cà phê Casablanca của trùm Massino.

Thập niên 70, Massino chuyên nghiệp hóa nghề buôn hàng lậu bằng xe tải với mạng hoạt động mở rộng đến các sân bay và hải cảng. Đó là lúc Massino thiết lập quan hệ với John Gotti, lúc đó là tay anh chị đang lên trong gia đình Gambino. Năm 1981, khi scandal “Donnie Brasco” (tức vụ nhân viên FBI Joseph D. Pistone trà trộn vào thế giới ngầm) bùng nổ và hàng loạt gương mặt trong gia đình Bonanno lọt lưới, Massino lánh nạn trên núi Pocono.

Vài năm sau, Massino tự thú, có mặt trong hai phiên tòa. Cùng ông trùm (gia đình Bonanno) Philip Rastelli, Massino ngồi tù 5 năm. Trước khi chết trong tù năm 1991, Philip Rastelli đã phong Massino làm trùm gia đình Bonanno. Năm 1992, Massino ra tù và cùng John Gotti tái tổ chức mạng lưới tội phạm.

Lần này, Massino tỏ ra cẩn thận. Tất cả hội quán Bonanno đều bị đóng cửa và Massino không còn lộ mặt công khai ở những quan hệ với thế giới ngầm, chẳng hạn dự đám tang hay tiệc cưới của giới tội phạm. Các cuộc họp bàn về thương vụ làm ăn đều được thực hiện tại những nơi ngoài nước Mỹ, trong đó có Mexico, Pháp và Italia.

Tuy nhiên, Massino có một sai lầm: đó là sự tin cậy tuyệt đối ở đàn em. Tin rằng mọi người đều tuân thủ luật truyền thống omerta (im lặng), Massino đã không ngờ là mình bị bán đứng. Ngày 9/1/2003, ông trùm bị bắt, một ngày trước sinh nhật lần thứ 60. Cần nhắc lại, ông trùm mafia đầu tiên bị xử tử tại New York là Louis (Lepke) Buchalter của nhóm Murder Inc (Buchalter bị xử ngồi ghế điện năm 1944). Với vụ xử ông trùm Massino, về lý thuyết, nước Mỹ đã xóa sạch các nhóm tội phạm lớn, hoạt động có tổ chức chặt chẽ, hệ thống và quy mô, như mô hình ngũ đại gia mafia từng tung hoành hơn nửa thế kỷ tại nước này

Anh Vũ (tổng hợp)
.
.