Chân dung “siêu hacker” làm chỉ điểm cho FBI

Chủ Nhật, 18/03/2012, 22:45

Từ một kẻ học hành chẳng tới đâu, sống lây lất trong vũng lầy tội lỗi, Sabu - nick của Hecktor Xavier Monsegur - đã trở thành một hacker thuộc hàng siêu sao của nước Mỹ. Để rồi, từ một tên tội phạm trong thế giới ảo, Sabu bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt và quay sang làm chỉ điểm cho FBI bắt tiếp những “đồng nghiệp” cũ của mình.

Nhỏ không học, lớn làm… "siêu hacker"!

Hecktor Xavier Monsegur đúng là một "dân prồ" thứ thiệt, với tuổi đời còn rất trẻ. Anh ta sinh năm 1983 tại Washington DC, theo học Trường Washington Irving High School nhưng chưa tốt nghiệp lớp 9 thì bỏ học vào năm 2001. Trong bản khai nhận tội với FBI, Monsegur nói mình từng theo học tại một trường cao đẳng, nhưng không ai xác nhận điều này. Theo hồ sơ FBI, Monsegur sinh ra trong một gia đình hạ lưu có nhiều người "vào tù ra khám" thường xuyên. Hồ sơ không nêu rõ mẹ của Monsegur là ai, chỉ nhắc đến người bố nghiện ngập và buôn bán ma túy. Bố Monsegur cũng tên là Heckto Monsegur.

Năm 1997, Monsegur-bố bị bắt cùng người em gái là Iris vì tội buôn bán ma túy. Cả 2 đều bị tù 7 năm. Sau khi bố và cô vào tù, Monsegur về sống chung với bà nội là Irma trong căn hộ Jacob Riis Houses trong dự án dân cư cao 6 tầng ở khu Lower East Side, New York. Đó là nơi dành cho những người có thu nhập thấp. Monsegur lớn lên trong sự đùm bọc của bà.

Sau khi ra tù vào năm 2003, bố Monsegur tìm được việc làm tại một công ty vệ sinh, còn cô Iris thì làm nghề sửa chữa thẻ tín dụng tại nhà riêng ở Staten Island. Tuy nhiên, cô Iris vẫn tiếp tục dính vào ma túy và lại vào tù năm 2010. Lần này, cô Iris đã để lại 2 đứa con gái nhỏ và gửi nhờ Monsegur nuôi nấng chúng. Monsegur được tòa xác nhận quyền nuôi 2 em họ của mình.

Ngay cả sau khi cô Iris ra tù lần thứ 2 vào tháng 8/2011, cô ta cũng không rước con mình về nuôi mà vẫn để cho Monsegur nuôi. Thế là Monsegur đã phải làm nhiều nghề, chẳng nghề nào ra nghề nào, bằng mọi cách để kiếm tiền nuôi 2 em. Theo nhà chức trách địa phương, Monsegur đã thất nghiệp trong vài năm trở lại đây. Anh ta chủ yếu sống dựa vào nguồn thu nhập không rõ ràng, không ai biết anh ta kiếm tiền từ đâu. Hồ sơ cáo trạng cho biết, Monsegur đã nhiều lần ăn cắp tiền trong các tài khoản cá nhân nhờ bẻ khóa thẻ tín dụng.

Mặc dù học hành không đến nơi đến chốn, nhưng Monsegur lại có khiếu tự học rất khá. Toàn bộ kỹ năng và kiến thức công nghệ thông tin mà Monsegur có được hiện nay đều bằng con đường tự học chứ trên thực tế anh ta chưa bao giờ qua trường lớp nào về ngành này. Theo các nhà điều tra, Monsegur làm quen với máy tính sau khi bố và cô Iris vào tù.

Và một năm sau khi bỏ học (lớp 9), năm 2002, Monsegur đã tập hợp được một nhóm lập trình viên tại địa phương. Nick "Sabu" cũng ra đời từ đó. Sabu đã biết cách kết hợp kiến thức công nghệ thông tin lỗ chỗ của tất cả thành một khối "búa xua". Quá trình hoạt động với nhóm "vô tổ chức" ấy đã dần hình thành trong Monsegur một thiên hướng chống chính phủ và lý tưởng chống tư bản chủ nghĩa rất mạnh mẽ, mà từ đó anh ta lang thang vào thế giới của hacker, trở thành một "nhà hoạt động hacker" (hacktivist). Trong một bài phỏng vấn với tạp chí New Scientist vào tháng 7/2011, Sabu tiết lộ mình đã trở thành một hacktivist từ năm 16 tuổi, tức năm 1999.

Sabu hoạt động rất rộng, trên các trang mạng xã hội Twitter, Facebook, trên các trang blog cá nhân,… và nhất là trong mạng lưới hacker toàn cầu. Giới hacker gọi Sabu là một “siêu hacker” bởi vì anh ta không thuộc về một nhóm hacker cố định nào mà hoạt động trong nhiều nhóm khác nhau, với vai trò thủ lĩnh, hacker đầu tàu các hoạt động phá hoại trên mạng.

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn cho tạp chí New Scientist, Sabu cho biết, mình cảm thấy bực bội vì việc Hải quân Mỹ sử dụng hòn đảo Viesques của Puerto Rico để làm bãi tập ném bom, từ đó dẫn đến việc anh ta tham gia xâm nhập làm gián đoạn hoạt động của hệ thống máy tính Bộ Quốc phòng Mỹ. Sabu cũng cho biết điều khiến anh ta tức giận nhất chính là việc bắt giữ và xét xử Julia Assange - nhà sáng lập trang WikiLeaks.

Trên mạng xã hội Twitter, Sabu còn cho biết mình quan tâm đến nhiều vấn đề chính trị trên thế giới, từ cuộc khủng hoảng Syria cho đến việc chính phủ các nước ban hành luật giám sát hoạt động trên Internet.

Năm 2010, khi đang là thành viên mạng xã hội LinkIn, Sabu lại gia nhập nhóm hacker khét tiếng Anonymous. Anonymous là nhóm hacktivist chống sự chuyên quyền của các chính phủ và có thiên hướng chính trị nhất định. Nhóm không có thủ lĩnh, mỗi thành viên đều chủ động phối hợp hoạt động với đồng bọn. Sau đó, Sabu tiếp tục gia nhập và làm thủ lĩnh nhóm tin tặc Lulz Security (LulzSec).

Sabu từng là thành viên nhiệt tình của nhóm tin tặc Anonymous.

Trong nhóm LulzSec, Sabu phụ trách việc tìm ra điểm yếu của "con mồi" và vạch chiến lược tấn công cho cả nhóm. Tuy nhiên, hoạt động của nhóm LulzSec chỉ là "bình phong" cho Sabu, vì phương châm hoạt động công khai của nhóm là phá các trang web "chỉ để mua vui", nhưng theo tờ khai nhận tội trước cơ quan điều tra thì thực chất bên trong hoạt động của anh ta không hề "mua vui" chút nào mà là để kiếm tiền, và tiền kiếm được không chỉ để nuôi 2 đứa em họ mà chủ yếu là đốt vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng có cả khói cần sa.

Trở thành chỉ điểm cho FBI để thoát 122 năm tù

Sabu chủ yếu thực hiện các hoạt động hacker của mình từ căn hộ Jacob Riis Houses. Trước khi bị FBI bắt, Sabu từng sử dụng kỹ năng của một hacker máy tính để "lấy lòng" hàng xóm. Sabu là nick được chọn theo tên một cựu ngôi sao đô vật Mỹ.

Theo hồ sơ từ cơ quan điều tra, năm 2010-2011 là khoảng thời gian đỉnh cao "làm mưa làm gió" của Sabu trong chốn "giang hồ ảo", khuấy động mạng Internet toàn cầu bằng những đợt tấn công gây chấn động. Anh ta đã tham gia tấn công hàng loạt hệ thống máy tính của chính phủ nhiều nước, như Tunisia, Yemen, Algeria, Zimbabwe, trang web Thượng viện Mỹ,… và các tập đoàn, công ty lớn hàng đầu thế giới như Visa, MasterCard, PayPal, Sony, và nhiều công ty khác không thể kể hết.

Trong các đoạn thoại trên mạng của nhóm LulzSec, Sabu đã từng nói đến khả năng mình có thể bị bắt. Và việc tiết lộ tên gọi của một trang web mà nhóm tham gia chat và trao đổi thông tin là điều mà Sabu xem là tối kị vì nó có thể giúp các nhà điều tra lần ra địa chỉ máy tính cá nhân của anh ta. Tuy nhiên, chính Sabu lại phạm phải sai lầm sơ đẳng ấy trong một lần đăng nhập vào phòng chat mà không sử dụng phần mềm vô danh như thường lệ, đồng thời đã tiết lộ tên của trang web mà anh ta kiểm soát. Chính sai lầm đó đã dẫn đường cho FBI lần ra manh mối xác định Sabu chính là Monsegur.

Ngày 7/6/2011, Monsegur bị bắt vì các tội liên quan đến tin tặc. Hai đặc vụ của FBI đã đến tận nơi ở của Monsegur và thuyết phục anh ta nhận tội. Tháng 8/2011, Monsegur khai nhận 12 tội danh liên quan đến tin tặc. Theo hồ sơ FBI, các tội danh này đủ để tòa tuyên Monsegur 122 năm tù. Vì thế, Monsegur đã chấp nhận thỏa thuận sẽ làm chỉ điểm cho FBI bắt các hacker còn lại trong mạng lưới, để đổi lấy việc hoãn tuyên án cho anh ta.

Theo thỏa thuận, nếu những thông tin chỉ điểm không chính xác, án sẽ được tuyên và Monsegur sẽ phải ngồi tù mọt gông. Ngược lại, nếu Monsegur cảm thấy mình bị đe dọa tính mạng, lập tức FBI sẽ cho người bảo vệ anh ta. Monsegur được tại ngoại có đóng tiền thế chân.

Kể từ khi làm chỉ điểm cho FBI, Sabu đã tạo thêm nhiều nick mới bên cạnh nick Sabu và tiếp tục tham gia các hoạt động phi pháp của các nhóm hacker. Theo hồ sơ tòa án, chỉ trong chưa đầy nửa năm, Monsegur đã giúp FBI triệt phá một mạng lưới hacker toàn cầu, bắt hàng loạt "đồng nghiệp" cũ của anh ta ở Mỹ và châu Âu, trong đó có nhiều tay hacker thuộc nhóm LulzSec, thành viên mạng LinkIn.

Monsegur đang chờ được tòa án ân xá vì đã "đoái công chuộc tội". Nhưng, một điều chắc chắn anh ta sẽ không thể tiếp tục hoạt động nữa vì cộng đồng hacker đều đã biết rõ danh tính của anh ta sau khi tòa án công khai tại phiên xét xử các hacker vào hôm 6/3 vừa qua, đồng thời báo chí Mỹ đã đăng bài viết về anh ta, có cả hình ảnh thật

An Tôn (tổng hợp)
.
.