Châu Phi: Gian nan bảo vệ loài tê giác

Thứ Ba, 26/02/2019, 09:07
Theo Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) - trong năm 2008, số lượng tê giác bị giết chết để lấy sừng đột ngột tăng lên với tốc độ chóng mặt. Sừng tê giác hiện nay có giá trị hơn cocaine, ma tuý và vàng.

Tùy vào nơi được bán, sừng có giá dao động từ 25.000 USD đến 60.000 USD/kg. Được chạm khắc trên những con dao khổng lồ truyền thống gọi là jambiyas, sừng tê giác có nhu cầu cao ở Yemen trong những năm 1970 và 1980. Lợi nhuận trong kinh doanh là khổng lồ.

Truy lùng những kẻ săn bắt bất hợp pháp

Mạng lưới rộng lớn của những người châu Phi nghèo khổ, các quan chức tham nhũng cùng với tổ chức tội phạm đặt ra vấn đề lớn với việc thực thi luật pháp truyền thống và đòi hỏi một lượng lớn nguồn lực để đối phó mà hầu hết các quốc gia ở châu Phi không có. “Big Joe” Nyalunga - cùng với một nhóm những bị cáo khác – vốn là một cựu thanh tra cảnh sát Nam Phi vì thế hắn hiểu rất rõ hệ thống luật pháp nơi đây.

Sừng tê giác thường được sử dụng như tay cầm của dao găm truyền thống ở Yemen gọi là jambiya.

Big Joe bị bắt hồi tháng 12-2012 vì liên quan đến hoạt động săn bắt tê giác nhưng luôn phủ nhận mọi cáo buộc hướng về bản thân. Big Joe bị cáo buộc như là “một tay chủ chốt”. Những nhân vật chủ chốt thường tổ chức săn bắt tê giác tại các khu vực nông thôn, nơi người dân địa phương thường nghèo khổ và bọn chúng biết được cách theo dõi, săn bắn động vật hoang dã. Bọn chúng bán sừng tê giác cho những người trung gian để xuất khẩu đến các quốc gia khác, đặc biệt là khu vực Đông Á.

Ở đây, chúng được sử dụng để tạo thành những bộ trang phục may mắn hoặc được sử dụng trong y học cổ truyền để chữa mọi thứ bệnh từ ung thư đến liệt dương. Các công tố viên cáo buộc Big Joe thu về lợi nhuận khổng lồ từ hình thức kinh doanh sừng tê giác trong suốt nhiều năm qua. Ansie Venter là một trong những công tố viên đấu tranh kiên cường nhất đối với tội phạm về săn bắt động vật hoang dã ở Nam Phi và cố gắng đưa Big Joe vào ghế bị cáo trong nhiều năm.

Nữ công tố viên phát biểu: “Tôi không thích nổi tiếng qua công việc này nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận điều đó để bảo vệ loài tê giác tội nghiệp”. Ansie Venter mô tả sự “bẩn thỉu” của loại tội ác này. Những con tê giác khổng lồ bất lực và bị cố định trước họng súng săn trước khi sừng của chúng bị cưa ra trong khi vẫn còn sống và có nhận thức. Sau đó chúng bị chảy máu đến chết.

Những kẻ săn bắt không muốn xuống tay giết chết ngay vì khi một con tê giác chết sẽ kéo theo sự thu hút của loài sói và có thể đánh động đến các lực lượng kiểm lâm. Nhưng những nhân vật chủ chốt săn bắt này lại được coi như là “Robin Hood” đối với những công nhân làm việc cho bọn chúng tại Nam Phi, hay những vùng lân cận Zimbabwe và Mozambique. Những người nông thôn nghèo khó được coi là nguồn lực lớn để bảo vệ động vật hoang dã nhưng lại phục vụ cho lợi ích của những nhóm khách du lịch da trắng. Những nhân vật chủ chốt thường không gặp trở ngại trong việc tuyển dụng tại những ngôi làng xung quanh Vườn quốc gia Kruger, nơi mà hầu hết những trò chơi săn bắt lớn diễn ra và các khách du lịch thường chi hàng ngàn bảng Anh để thử thách.

Ansie Venter kể chuyện một tay săn bắt động vật hoang dã mà bà truy tố tên là Elliot Mzimba – người đàn ông xảo quyệt 43 tuổi và là cha của 6 người con, đến từ vùng nông thôn hẻo lánh ở Mozambique, giáp Vườn quốc gia Kruger. Hắn bị kết án 7 năm tù. Ansie Venter cho biết Mzimba là trường hợp bị cáo điển hình: “Những đối tượng như thế này thường không có học thức, nghèo đói, thiếu ăn và thường xuyên tuyệt vọng trong việc tìm kiếm thu nhập”.

Vườn quốc gia Kruger - có diện tích gần bằng xứ Wales, giáp biên giới Zimbabwe - là ngôi nhà tập trung các loài tê giác lớn nhất trên thế giới. Từng là vùng đất nông nghiệp màu mỡ của châu Phi, Zimbabwe phải đối mặt với thách thức gấp đôi sau hàng thiên niên kỷ. Thứ nhất, chương trình cải cách ruộng đất của Tổng thống Robert Mugabe dẫn đến việc đóng cửa nhiều trang trại, sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp tại nông thôn. Việc này xảy ra vào năm 2008 do khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự sụp đổ về giá cả hàng hoá do Zimbabwe phụ thuộc quá nhiều vào ngoại tệ.

Tình hình kinh tế hỗn loạn thúc đẩy một số người dân Zimbabwe chuyển sang săn bắt tê giác để kiếm thu nhập. Nhưng Zimbabwe lại là nơi ít có sự tập trung của tê giác. Khi cơn khủng hoảng tài chính xảy đến, những kẻ săn bắt trộm của Zimbabwe bắt đầu hướng sang những quốc gia khác. Một trong những kẻ săn bắt trộm giải thích: “Ở Nam Phi, tình hình an ninh khá lỏng lẻo. Do đó, chúng tôi quyết định hướng sang Nam Phi. Ở Zimbabwe, số lượng tê giác ít hơn nhiều so với quốc gia này”.

Vị trí Vườn Quốc gia Kruger, Nam Phi trên bản đồ.

Đối với tầng lớp giàu có, họ có thể tham gia hợp pháp vào những trò chơi săn bắn và giết chết một số loài động vật tại Nam Phi như tê giác, voi và sư tử - những trò chơi có tên gọi “săn bắt nhận giải thưởng”. Những khách hàng truyền thống thường đến từ tầng lớp người châu Âu giàu sang, hay những người Mỹ trung niên đã từng được đưa tin như nha sĩ Walter Palmer đến từ Minnesota đã giết chết chú sư tử Cecil tại Zimbabwe.

Vào năm 2006, những nhà tổ chức cho loại hình trò chơi tàn bạo này tại Nam Phi phát hiện ra một đối tượng khách hàng tiềm năng mới – phụ nữ trẻ đến từ Thái Lan thuê những tay súng địa phương hạ gục những con thú tội nghiệp này. Những người phụ nữ trẻ trong bộ trang phục săn bắn sau đó sẽ chụp hình với những con vật bị giết hại. Những phụ nữ Thái Lan này thường hành nghề vũ công hoặc hoạt động mại dâm trong những quán rượu ở Johannesburg.

Nhà nghiên cứu về tội phạm Annette Hubschle giải thích mạng lưới buôn bán động vật hoang dã còn sử dụng các công ty để làm bình phong. Đó là một biện pháp tiết kiệm chi phí rất thông minh. Hubschle giải thích: “Những người đại diện Thái Lan ở Nam Phi tuyển dụng những cô gái mại dâm người Thái... để cùng anh ta và những người Nam Phi trung gian tới các khu bảo tồn săn bắt tư nhân và các trang trại vào vai những người săn bắn kiếm giải thưởng. Những kẻ buôn bán động vật hoang dã tiết kiệm được chi phí di chuyển từ Đông Nam Á đến Nam Phi”. Sự giao thoa của hai loại tội phạm là một đặc điểm chung nữa của các tập đoàn mafia thời hiện đại.

Một cuộc chiến mới bảo vệ loài tê giác

Một đặc điểm khác của những tổ chức mafia toàn cầu mới đó là những tổ chức này đều là những doanh nghiệp nhiều triệu USD, có nguồn lực tốt hơn các cơ quan thực thi pháp luật có trách nhiệm truy bắt họ. Bọn săn trộm sử dụng vũ khí quân sự, phương tiện đi lại, trực thăng để truy bắt voi và tê giác, làm nản lòng những nỗ lực của các lực lượng bảo vệ động vật hoang dã.

Khristopher Carlson, nhà nghiên cứu về bạo lực vũ trang tại Viện “Small Arms Survey”.

Khristopher Carlson, nhà nghiên cứu về bạo lực vũ trang tại Viện “Small Arms Survey”, cho biết việc tìm thấy những kho đạn dược tại các địa điểm săn bắt trộm ở châu Phi cùng việc thu giữ các vũ khí đó, có thể giúp theo dõi và ngăn chặn các hành vi sử dụng vũ khí bất hợp pháp. Vườn quốc gia Kruger của Nam Phi và những trò chơi săn bắn xung quanh khu rừng quân phiệt hoá thêm cho những đơn vị chống săn bắt trộm – chúng được trang bị thêm máy bay, drone (máy bay không người lái) và vũ khí tinh vi. Sau đó có tổ chức như Vetpaw (Các cựu chiến binh bảo vệ động vật hoang dã châu Phi), một tổ chức từ thiện Mỹ gửi các cựu chiến binh ở Iraq và Afghanistan đến châu Phi để huấn luyện các nhân viên kiểm lâm chống săn bắt trộm.

Những người đàn ông này được trang bị vũ trang cùng với mũ bóng chày, kính mắt và quân đội đăng bức ảnh của những người bị bắt giữ với dòng chú thích như “Gotcha!”". Một số chuyên gia lo ngại rằng một cuộc chạy đua vũ trang sẽ diễn ra giữa bọn tội phạm săn bắt trộm và nhân viên kiểm lâm. Việc gia tăng phản ứng đối với những nhóm tội phạm có tổ chức không giới hạn với nhóm buôn bán sừng tê giác.

Cuộc chiến tranh chống lại ma tuý do Mỹ dẫn đầu kéo theo hàng ngàn cái chết tại những quốc gia như Mexico, Colombia và Brazil. Gần đây, Liên minh châu Âu (EU) phải gửi các tàu hải quân để chống lại những kẻ buôn lậu người ở Libya. Những băng nhóm này kiếm được lợi nhuận khổng lồ bằng cách vận chuyển người di cư châu Phi qua vùng Địa Trung Hải trong những chiếc thuyền nhỏ và chúng thường xuyên bị chìm. Tất cả những việc này phản ánh mối lo ngại của thế giới về việc các tập đoàn mafia đang ngày càng nở rộ.

Tuesday Reitano - nữ chuyên gia về tội phạm toàn cầu.

Tuesday Reitano - nữ chuyên gia về tội phạm toàn cầu và là Phó giám đốc Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm xuyên quốc gia (www.globalinitiative.net) lập luận rằng điều này “có thể cản trở các lực lượng quân sự trong vai trò chiến đấu tội phạm lâu dài chống lại những vai trò mà họ không được chuẩn bị”. Và có một mối bận tâm khác – đó là bọn tội phạm có tổ chức có thể hối lộ quan chức của các lực lượng chống lại chúng. Reitano làm việc cho tổ chức “Toàn cầu Tiên phong chống lại các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”, có nhiệm vụ ngăn chặn ảnh hưởng của các băng nhóm tội phạm trên toàn thế giới. Nhưng bà vẫn lo ngại rằng việc quân sự hoá phong trào bảo vệ tê giác có thể sẽ trở nên trầm trọng.

Tuesday Reitano bình luận: “Vũ khí quân sự lan rộng khắp Đông Phi như là kết quả trực tiếp của nỗ lực quân sự chống lại sự săn bắt trộm voi và tê giác. Chúng ta cần phải hiểu và đánh giá đúng những hậu quả không đáng có của chiến lược này trước khi áp dụng chúng”. Hiện nay, có sự đồng thuận ngày càng tăng giữa các chuyên gia về an ninh và các quan chức thực thi pháp luật trên khắp thế giới rằng các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là một trong những đe doạ hàng đầu đối với chúng ta – cùng với biến đổi khí hậu, các đại dịch toàn cầu và vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.