Chìa khóa ngục Bastille được lưu giữ ở Mỹ

Thứ Ba, 11/07/2006, 08:01
Cho đến nay, ngục Bastille, tượng trưng của nền thống trị chuyên chế phong kiến Pháp không còn chút dấu tích gì, nhưng chiếc chìa khóa dài 30cm có ý nghĩa kỷ niệm của nhà tù Bastille thì lại được bảo tồn hoàn hảo. Điều đặc biệt là hiện nay chiếc chìa khoá không ở trong nước Pháp mà đang ở Mỹ.

Ngục Bastille do Charles Đệ ngũ, Quốc vương Pháp xây dựng năm 1370 ở thủ đô Paris, nằm trên phố Saint Dauan. Ngục Bastille nguyên là một thành lũy - cứ điểm quân sự quan trọng của Pháp.

Thực ra, từ “bastille” vốn có ý nghĩa là “kiến tạo”, “kiến trúc”, phàm chỉ tất cả các cứ điểm quân sự quan trọng ở Pháp lúc bấy giờ; nhưng sau đó, hầu hết các cứ điểm quân sự khác đã dần bị dỡ bỏ, nên Bastille liền trở thành danh từ để chỉ cứ điểm quân sự to lớn nhất, nổi tiếng nhất còn lại trên phố Saint Dauan. Lúc đầu, ngục Bastille chủ yếu dùng cho mục đích quân sự, đến giữa thế kỷ XVII, biến thành nhà tù quốc gia lớn nhất nước Pháp, chủ yếu giam giữ tù phạm chính trị.

Ngục Bastille được tổ hợp từ 8 tòa tháp, mỗi tòa tháp cao 28m, trên các tòa tháp đều xây pháo đài. Liên kết các pháo đài với nhau và tường bao quanh dày 3m, xung quanh tường bao có giao thông hào, rộng 26m, sâu 8m; trên toàn bộ hệ thống giao thông hào chỉ có 2 chiếc cầu treo, đây là con đường duy nhất để ra, vào ngục Bastille. Trong ý nghĩ của người dân Pháp, ngục Bastille là tượng trưng của chế độ phong kiến chuyên chế.

Ngày 14/7/1789, nhân dân Paris khởi nghĩa, tấn công ngục Bastille. Nhưng, ngục Bastille với tường cao thành dày, bố trí trọng pháo, lại có giao thông hào ngăn cách, khống chế chặt chẽ hai đường cầu treo, nên các cuộc tấn công đều không thành.

Nhưng sau đó, những người cách mạng đã bắn đứt xích sắt cầu treo, phá sập cầu, vượt qua giao thông hào, với khí thế ồ ạt xông vào bên trong ngục Bastille, giết viên Tư lệnh phòng thủ nhà tù, chiếm ngục Bastille, giải phóng toàn bộ tù nhân.

Khi tin này truyền đến Vua Louise XVI, ông kinh hoàng và lúng túng hỏi cận thần: “Đây là phản loạn à?”. Một tiểu công tước liền cung kính trả lời: “Không, thưa bệ hạ, đây là một cuộc cách mạng”.

Đánh chiếm ngục Bastille là thắng lợi to lớn và quan trọng của nhân dân Pháp chống lại chế độ chuyên chế phong kiến, là khởi đầu cuộc đại cách mạng tư sản Pháp, có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử Pháp. Để kỷ niệm ngày vĩ đại này; nhân dân Pháp đã lấy ngày 14/7 là “ngày Bastille”. Năm 1880, Chính phủ Pháp chính thức quyết định lấy ngày 14/7 hàng năm là ngày Quốc khánh Pháp.

Sau ngày đánh chiếm ngục Bastille, tướng quân Rafaye, Tư lệnh Quân tự vệ quốc dân Paris, từng tham gia chiến tranh giành độc lập của nước Mỹ đã ra lệnh phá bỏ ngục Bastille. Sau đó vài tháng, nơi đây được xây dựng thành Quảng trường Bastille nay tu bổ thành Quảng trường Paris. Những tảng đá dỡ ra từ ngục Bastille được dùng để xây dựng chiếc cầu Alexandr đệ tam trên sông Sein.

Sau này, trên mặt tấm bia kỷ niệm bằng đá cẩm thạch mà nhân dân Pháp xây dựng trên Quảng trường Paris đã khắc dòng chữ: “Hãy để cho chúng tôi nhảy múa ở đây”.

Năm 1989, nhân kỷ niệm 200 năm đại cách mạng Pháp, nhân dân Pháp lại xây dựng trên Quảng trường Paris một Viện Ca kịch hiện đại với tên “Viện Ca kịch Bastille”. Kiến trúc mặt trước của Viện Ca kịch Bastille có hình tròn, dáng vẻ rất giống lôcốt thành lũy. Sự tạo hình độc đáo này có ý nhắc nhở mọi người hãy đừng quên lịch sử ở đây.

Cho đến nay, ngục Bastille, tượng trưng của nền thống trị chuyên chế phong kiến Pháp không còn chút dấu tích gì, nhưng chiếc chìa khóa dài 30cm có ý nghĩa kỷ niệm của nhà tù Bastille thì lại được bảo tồn hoàn hảo. Điều đặc biệt về chiếc chìa khóa nhà tù Bastille mà ít người biết đến còn ở chỗ: hiện nay nó không ở trong nước Pháp mà đang ở Mỹ?

Đó là vì, sau khi ngục Bastille bị tấn công và phá hủy, tướng Rafaye, người chỉ huy cuộc chiến đấu công chiếm ngục Bastille có chuyến đi thăm Mỹ, đã lấy chiếc chìa khóa ngục Bastille làm tượng trưng của đại cách mạng tư sản Pháp, đem tặng nó cho Mỹ, khiến người Mỹ bất ngờ, đã đón nhận và lưu giữ vật này một cách trân trọng.

Năm 1989, nhân kỷ niệm 200 năm cuộc đại cách mạng tư sản Pháp, Chính phủ Pháp cử hành ngày Quốc khánh với nghi lễ rất long trọng và đã đề nghị Mỹ được tạm đón chiếc chìa khóa ngục Bastille về Pháp ít ngày, để nhân dân Pháp tham quan, sau đó đem nó trở lại Mỹ.

Cho đến nay, chiếc chìa khóa ngục Bastille vẫn được lưu giữ ở làng Vernon, nơi sinh ra George Washington, Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ (1789-1797), đồng thời là bạn cũ của tướng Rafaye. Chiếc chìa khóa được để trong chụp thủy tinh hình bán cầu và đặt trong tủ kính. Mỗi khi mọi người đến tham quan quê hương Washington đều có thể được xem chiếc chìa khóa của nhà tù Bastille

Nguyễn Mau (Theo Quân sự văn trích)
.
.