Chiếc lò sưởi ba ngăn trong Nhà nguyện Sistine

Thứ Ba, 26/03/2013, 23:15

Sẩm tối ngày 13/3 vừa qua, Mật nghị Hồng y của Tòa thánh Vatican đã bầu chọn ra vị Giáo chủ thứ 266 cai quản Giáo hội Công giáo thế giới sau 5 vòng bỏ phiếu. Làn khói trắng thuần khiết bay lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistine là thành quả của công nghệ mới làm nức lòng hàng tỉ giáo dân.

Siết chặt an ninh trong thời gian bầu chọn Giáo hoàng 

Đây là kỳ Mật nghị Hồng y lần thứ 2 diễn ra trong vòng 2 thập niên đầu tiên của thế kỷ này, cũng là hiện tượng hy hữu trong bề dày lịch sử 1.705  năm tồn tại Nhà nước Công giáo La Mã. Tổng cộng có 115 vị hồng y đến từ 60 quốc gia khác nhau đã quy tụ về Rome tham gia bầu chọn giáo hoàng, trong đó có 69 vị lần đầu tham gia vì mới được phong tước Hồng y trong 8 năm qua, tương ứng với giai đoạn trị vì của Giáo hoàng Benedict XVI. Quá nửa số linh mục tham dự kỳ họp quan trọng lần này đến từ các nước thuộc châu Âu.

Do tính chất đặc biệt của Mật nghị Hồng y được cả thế giới chăm chú theo dõi, Cơ quan Mật vụ Vatican (Pro Deo) đã lên kế hoạch bảo vệ chi tiết, trong khuôn khổ phối hợp với các lực lượng chức năng thuộc Bộ Nội vụ Italia nhiều ngày trước đó.

Ngoài 134 thành viên thuộc Đội vệ binh Thụy Sĩ chuyên canh gác tòa thánh ra, là đội ngũ nhân viên an ninh hỗn hợp bao gồm cả sắc phục lẫn thường phục lên tới gần 1.000 người túc trực suốt ngày đêm tại Vatican. Họ hiện diện ở các chốt kiểm soát cố định, cũng như thường xuyên đi tuần tra quanh các khuôn viên và tòa nhà trong khu lãnh địa.

Một trong những nhiệm vụ an ninh hàng đầu là ngăn chặn mọi sự tiếp cận không được phép vào khu vực bao quanh nhà nguyện Sistine, tòa nhà cổ kính nằm chếch bên phải phía sau Đại Thánh đường St. Peter, cũng là địa điểm tổ chức mật nghị và công bố kết quả bầu tân giáo hoàng kể từ năm 1878 đến nay.

"Điểm nóng" Sistine được bảo vệ thành 3 vòng theo phương thức "xoáy trôn ốc". Vòng trong cùng là Đội vệ binh Thụy Sĩ ngoài các binh khí giáo mác thời cổ mang tính tượng trưng ra, họ còn được trang bị súng lục liên thanh hiệu Beretta-9 có gắn kính ngắm hồng ngoại nhìn xuyên màn đêm do Italia sản xuất.

Vòng giữa là các nhân viên chìm mặc thường phục thoắt ẩn thoắt hiện phòng ngừa các vụ đột nhập phi pháp. Phía ngoài cùng là cảnh sát vận sắc phục trang bị tận răng phong tỏa các lối ra vào. Mục đích của việc siết chặt an ninh quanh khu nhà nguyện này nhằm ngăn chặn mọi sự rò rỉ thông tin, cũng như các âm mưu phá hoại tiến trình bầu chọn giáo hoàng.

Thánh lễ tại Đại Giáo đường St. Peter trước khi khai cuộc Mật nghị Hồng y.

Sau khi dự buổi đại thánh lễ ở giáo đường St. Peter vào lúc 9h ngày 12/3, do đức Hồng y người Italia Angelo Sodano, cựu Bí thư Nhà nước Vatican kiêm Chủ tịch Hồng y đoàn chủ trì, 115 hồng y ở độ tuổi dưới 80 theo quy định đã quy tụ về nhà nguyện Sistine tham dự mật nghị vào buổi chiều cùng ngày.

Kế đến viên quan thị vệ nổi tiếng người Italia Tarcisio Bertone, cũng là vị Hồng y tạm quyền đứng đầu Tòa thánh Vatican hiện nay, sau khi cùng những người có mặt tuyên thệ tuyệt đối giữ bí mật, đã khóa trái cửa nhà nguyện lại rồi tuyên bố mật nghị chính thức bắt đầu.

Kể từ thời điểm này, quy trình "nội bất xuất ngoại bất nhập" được áp dụng triệt để, tất cả 115 hồng y cùng 90 nhân viên phục vụ đều ăn nghỉ tại chỗ cho đến khi bầu ra tân giáo hoàng. Hồng y đoàn sẽ tiến hành bỏ phiếu 4 lần mỗi ngày với 2 lần trong buổi sáng và 2 lần vào lúc xế chiều, cũng như không được tự ứng cử ghi tên mình trong lá phiếu bầu. Lần lượt như vậy ngày này sang ngày khác cho tới khi chọn ra được vị hồng y nào hội tụ đủ 2/3 số phiếu ủng hộ, tương đương 77 phiếu bầu thì người đó sẽ trở thành vị giáo hoàng mới.

Theo thông lệ, kết quả bầu tân giáo hoàng thường không đến ngay sau lần bỏ phiếu đầu tiên. Ví như cố Giáo hoàng người Ba Lan John Paul II (1920-2005) trúng cử sau vòng bỏ phiếu thứ 3 của kỳ mật nghị vào giữa tháng 10/1978, hay cựu Giáo hoàng Benedict XVI người Đức được bầu sau vòng thứ 4 kỳ mật nghị cuối tháng 4/2005…

Giáo hoàng Francis I (giữa) ra mắt công chúng.

Lá phiếu bầu được làm bằng giấy cứng hình chữ nhật có in dòng chữ Latinh "Eligio in Sumum Pontificem…" (Tôi bầu chọn Giáo hoàng tối cao…), khiến người bầu dễ bề điền tên vị hồng y do mình chọn vào chỗ trống để sẵn. Cứ sau mỗi ngày diễn ra mật nghị, lực lượng an ninh lại tiến hành rà soát mọi ngóc ngách bên trong nhà nguyện Sistine nhằm phát hiện các thiết bị do thám, bảo đảm tuyệt đối thông tin nội bộ không bị tiết lộ ra bên ngoài.

Lò sưởi ba ngăn và bảng điều khiển điện tử

Trong quá trình diễn ra Mật nghị Hồng y, hàng nghìn tín đồ từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về quảng trường St. Peter để mục thị kết quả bầu chọn. Giống như mọi tòa nhà khác trong lãnh địa Vatican đều được trang bị nội thất hết sức tân kỳ, hệ thống sưởi ấm liên hoàn nơi đây đã sử dụng khí gas do Tòa đô chính Rome cung cấp từ lâu. Do vậy, cột ống khói duy nhất trên nóc nhà nguyện Sistine có từ thời Trung cổ chỉ nhằm đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng giáo dân đang nóng lòng chờ đợi.

Các phiếu bầu sau mỗi buổi bình chọn đều được đem đốt trong lò sưởi cổ thông với ống khói xây từ cuối thế kỷ XV, nếu khói tỏa ra có màu đen đồng nghĩa với việc mật nghị chưa chọn được giáo hoàng; riêng với những làn khói màu trắng hàm ý thông báo giáo hoàng chính thức đã được chọn, đồng thời các tháp chuông tại vương cung thánh đường St. Peter sẽ đồng loạt ngân vang loan báo tin vui.

Theo tập tục lâu nay, phiếu bầu kết hợp với dầu hắc sẽ cho ra khói đen, còn với rơm ướt sẽ cho ra khói trắng. Nhưng để tránh hiện tượng từng xảy ra khi giấy trộn dầu hắc lại tạo thành khói xám dễ gây hiểu lầm cho công chúng, kể từ sau năm 2005 Tòa thánh Vatican đã quyết định áp dụng thứ công nghệ mới giúp xác định kết quả rạch ròi hơn.

Vệ binh Thụy Sĩ canh gác cửa Nhà nguyện Sistine suốt quá trình bầu chọn.

Theo kỹ sư Paolo Sagretti người Italia chuyên phụ trách vấn đề kỹ thuật ở nhà nguyện Sistine, thì công thức mới cụ thể là hỗn hợp muối kali (KClO4), lưu huỳnh và thuốc nhuộm anthracene (chiết xuất từ than đá) sẽ cấu thành khói đen; còn hỗn hợp muối kali, bột lactoza (thường có trong sữa) và nhựa cây sẽ cho ra khói trắng thuần khiết.

Chiếc lò sưởi cổ gắn trong tường được chia thành 3 ngăn, với ngăn chính để đốt phiếu bầu và 2 ngăn còn lại là các hỗn hợp hóa chất nói trên. Tại một góc nhà nguyện có thiết kế bảng điều khiển điện tử, thông báo kết quả bình chọn để nhân viên vận hành lò sưởi kịp đốt 2 trong 3 lò cho ra màu khói tương ứng.

Sau 5 vòng bỏ phiếu, vào sẩm tối ngày 13/3 GS.TS thần học 76 tuổi người Argentina Jorge Mario Bergoglio, đương kim Chủ tịch Hội đồng Giám mục Cộng hòa Argentina đã được chọn là Giáo hoàng thứ 266, cùng tên hiệu mới là Francis I nhằm tôn vinh tu sĩ Francis (1181-1226), nổi danh qua tước hiệu vị thánh Francis của thành phố Assisi (Italia) cũng là một trong những nhân vật tôn giáo được sùng bái nhất trong lịch sử đạo Cơ Đốc.

Tân Giáo hoàng Francis I là tu sĩ dòng Tên đầu tiên được bầu làm người đứng đầu Giáo hội La Mã, cũng là vị giáo hoàng không phải là người gốc châu Âu đầu tiên trong toàn bộ lịch sử tồn tại đạo Cơ Đốc.

Được biết, lực lượng an ninh hùng hậu nói trên vẫn tiếp tục hiện diện tại Vatican, nhằm bảo vệ lễ đăng quang của vị tân giáo hoàng, đề phòng các thế lực khủng bố quốc tế nhân cơ hội này ra tay hành động…

Theo thông báo từ Ban tổ chức lễ tấn phong giáo hoàng, có khoảng 160 đoàn đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới trong đó có cả những vị nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ sẽ quy tụ về Rome, chứng kiến lễ trao vương miện cho Giáo hoàng Francis I

T.Q.Long (tổng hợp)
.
.