Chiến công đầu tiên của Cảnh sát Pháp: Bao vây và triệt phá "Lâu đài tuyệt diệu"

Thứ Ba, 29/12/2015, 21:00
Ngày 15-3-1667, ông Gabriel-Nicolas de La Reynie (1625-1709) được bổ nhiệm làm Tư lệnh lực lượng Cảnh sát Pháp, theo đề nghị của Jean-Baptiste Colbert (1619-1683), Bộ trưởng lừng danh trong triều đình dưới thời Vua Louis XIV (1638-1715), người đã tạo ra chức vụ mới này dành riêng cho G. Reynie.

Như vậy là lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, cảnh sát đã tách khỏi ngành tư pháp. Bộ trưởng J. Colbert hy vọng là ông sẽ xoay chuyển được tình hình, bởi hồi đó kinh thành Paris rặt bọn trộm cướp, phố xá không một ánh đèn, khiến thủ đô của Pháp "giống như trong địa ngục". 

G. Reynie ngay sau khi nhậm chức đã quyết giáng một đòn cực mạnh vào bọn du đãng và đánh thẳng vào "Lâu đài tuyệt diệu" - sào huyệt "bất khả xâm phạm" lâu nay của giới du thủ du thực Paris. Văn sĩ Victor Hugo đã từng mô tả về cái căn cứ địa của đủ loại tệ nạn này trong cuốn "Notre-Dame de Paris" (Nhà thờ Đức bà Paris), rằng "đó là một thế giới của đủ thứ cặn bã trong xã hội".

Bộ trưởng Jean Colbert cùng sắc lệnh bổ nhiệm người đứng đầu ngành trị an Paris (tranh trưng bày trong Bảo tàng viện Versailles).

Công việc của Cảnh sát kinh đô Paris là theo dõi bọn ăn cắp; lập lại trật tự; chấm dứt những cuộc chạm súng; xua đuổi lũ hành khất; làm sạch thủ đô; theo dõi những người ngoại quốc có các hoạt động mờ ám. Tư lệnh lực lượng Cảnh sát Pháp còn phải thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ánh sáng cùng sự cung cấp nước đầy đủ cho kinh đô, áp dụng các quy chế vệ sinh đô thị; làm lại đường sá; phá các tụ điểm cờ bạc; chống lại lũ ma cô và quân lừa đảo; bọn lên đồng gieo quẻ và cầu hồn luôn thu hút những người mê tín dị đoan; chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi; tổ chức các bệnh viện và nhà tù; đảm bảo cung cấp thực phẩm cho Paris - ngay cả lúc mùa màng thất bát; chống lại bọn đầu cơ tăng giá hàng hóa v.v… như đã ghi trong văn bản "Những quy ước ban đầu", do đích thân Vua Louis XIV chấp bút ký về việc ra mắt cơ quan cảnh sát riêng biệt.

Xem ra nhiệm vụ mà G. Reynie được giao thật nặng nề. Nhưng bất chấp mọi khó khăn, G.Reynie - viên tướng đầu tiên của Cảnh sát Pháp - làm việc không mệt mỏi trong tất cả các lĩnh vực được giao và thường "hoàn thành nhiệm vụ rất tốt" - như đánh giá của đích thân Bộ trưởng J. Colbert với Đức Vua Louis XIV.

"Lâu đài tuyệt diệu" là tên do những người hành khất đặt cho nơi họ có thể trở về nghỉ ngơi sau một ngày lang thang ăn xin. Vào thế kỷ XIV - XV ở châu Âu, nạn hành khất hoành hành khắp nơi. "Lâu đài tuyệt diệu" đầu tiên được thành lập vào năm 1350 bởi một nhà từ thiện người Paris, nhằm làm chỗ trú chân cho những người nghèo lương thiện. Nhưng trong số này có cả bọn du đãng giả danh hành khất.

Tướng cảnh sát Gabriel Reynie.

Có rất nhiều "Lâu đài tuyệt diệu" rải rác quanh Paris nhưng sào huyệt thực sự là khu vực nằm giữa 2 con phố Saint Denis và Nouy Saint Coeur. Saint Denis là một trong những đường phố chính thuộc khu phố Latinh, sau đổi tên thành phố Saint Jacques, trở thành "con đường hành hương về mộ Chúa" của giới tu sĩ dòng Đa Minh, bởi vậy rất nhiều nhà thờ và tu viện được xây dựng ở đây. Năm 1226, Đức Tổng giám mục Paris lập ra tòa tu viện mang tên "Những cô con gái của Chúa", với mục đích cho những thiếu nữ lầm lỡ có chốn nương thân. Tu viện này sau đó nổi danh đến nỗi cô gái con nhà lành cũng muốn được nhận vào đó. Nhưng dân chúng xung quanh lại không hoàn toàn coi trọng sự cải tà quy chính của các cô gái sống trong đó, nhất là từ khi bên cạnh tu viện mọc lên "Lâu đài tuyệt diệu".

Hoàn toàn tương phản với tên gọi "Lâu đài tuyệt diệu", trong tòa nhà này chen chúc hơn 100 gia đình, trung bình mỗi gia đình có 6 người sống trong không gian chật hẹp. "Người ta sống chồng chất lên nhau - nhà sử học gạo cội của cung đình Pháp De Sauvan từng tới đó đầu năm 1667, ghi lại - Mùi xú uế từ đây lan ra khắp Paris, khiến người nước ngoài khi có dịp đi ngang qua thành phố không khỏi "ấn tượng mạnh".

"Lâu đài tuyệt diệu" ban ngày vắng lặng như giữa sa mạc, còn tối đến lại giống như cái tổ kiến. Bọn "mù" mắt sáng, bọn "cụt" còn cả tứ chi, những kẻ "câm" ưa ba hoa, bọn móc túi trơ tráo, bọn giết người chuyên nghiệp… tụ tập về đây ngả lưng sau một ngày mưu sinh. Đông nhất là những kẻ hành nghề ăn xin, hồi đó ở Paris có tới 40 vạn người hành khất chiếm gần 1/7 số dân. Thực ra hành khất là những người bất hạnh thực sự, nhưng đáng tiếc rất nhiều kẻ trong số họ lại là bọn lừa đảo xuất phát từ "Lâu đài tuyệt diệu"…

Phố xá Paris thế kỷ XVII.

Mỗi khi cảnh sát xuất hiện là chúng lại chạy tứ tán như những nhà vô địch việt dã thực thụ. Còn phụ nữ trong "Lâu đài tuyệt diệu" chủ yếu là làm điếm, con cái mới đẻ ra là bẻ tay chân chúng đi, thành người tàn tật để "sau này dễ kiếm sống hơn là kẻ khỏe mạnh lành lặn" - theo như họ nói. Không có thứ đạo đức nào hết tồn tại nơi đây cả. Ngay nhiều phụ nữ cũng không rõ cha của đám con mình là những ai nữa…".

Cho tới khi tướng Gabriel Reynie nhậm chức, không có ai trong giới hữu trách Paris dám động đến chỗ này.  Reynie không nhụt chí, ông quyết giáng một đòn chí mạng vào cái hang ổ của mọi loại tội phạm ấy. Tướng  Reynie huy động một lực lượng đông đảo gồm nhân viên cảnh sát và binh sĩ quân đội, bao vây chặt khu vực "nội bất xuất ngoại bất nhập" không cho ai vào cũng không cho ai ra khỏi đó.

Trước khi ban lệnh tổng tấn công, Reynie thực hiện một phương cách cuối cùng tránh cảnh đầu rơi máu chảy, do bọn du đãng có thể điên cuồng chống trả trước cơn tuyệt vọng như con thú bị tử thương. Ông một mình đích thân đi vào "Lâu đài tuyệt diệu" qua một ngõ phố tăm tối ẩm ướt.

Ông trèo lên một gò đất giữa "Lâu đài tuyệt diệu" và cao giọng: "Ta thừa sức phá tan chỗ này của các ngươi, để trừng trị nghiêm khắc và không thương tiếc những kẻ chống đối pháp luật lâu nay. Ta định ném các ngươi vào các trại cưỡng bức lao động, tống bọn đầu sỏ đi tù… Nhưng ta lại muốn tha thứ cho các ngươi nhiều hơn, bởi đa phần trong các ngươi chỉ là nạn nhân từ những kẻ chủ mưu hơn là những người có tội… Hãy nghe đây! Ta cho các ngươi một dịp may cuối cùng: trong vòng một giờ các ngươi phải biến khỏi chốn này và rời khỏi Paris ngay! Những tên ngoan cố kháng cự và gây thương vong cho lực lượng hiến binh, nếu bị bắt sẽ bị treo cổ ngay tức khắc, những kẻ đồng đảng còn lại sẽ tha hồ bóc lịch trong tù hoặc phải chịu án khổ sai!". Sau đó ông quay lui.

Đến lúc Tư lệnh Reynie thông báo sắp hết thời hạn quy định, bọn người trong "Lâu đài tuyệt diệu" bắt đầu hè nhau chạy tán loạn. Chúng chen lấn, xô đẩy, bò lết… ra khỏi căn cứ địa ngạo nghễ một thời. Chừng 20 phút sau, "Lâu đài tuyệt diệu" thực sự vắng bóng người. Chiến dịch bài trừ tội phạm có quy mô lớn đầu tiên của Cảnh sát Pháp đã thành công mỹ mãn, đi vào lịch sử như một chiến công hiển hách nhờ công lao của tướng chỉ huy Gabriel-Nicolas de La Reynie. Từ đó trở đi, kinh đô ánh sáng Paris trở lại vẻ yên ổn vốn có như  mọi người mong đợi từ ngàn xưa.

Thu Hường (theo L'Histoire)
.
.