Chiến dịch “Báo đốm Maya”: Cõng ma túy về hang ổ buôn lậu

Thứ Ba, 25/03/2014, 21:10

Những chuyến bay chở hàng tấn ma túy cocaine từ Nam Mỹ sang châu Phi, rồi từ đó chuyển tiếp đến thị trường châu Âu, và cả Mỹ, được thực hiện bằng những chiếc máy bay do các cơ quan tình báo và an ninh Mỹ cung cấp cho các tổ chức buôn lậu ma túy ở Nam Mỹ thông qua một chiến dịch "mật" mang tên Mayan Jaguar (Báo đốm Maya). Điều đáng nói là, mục tiêu ban đầu của chiến dịch đã bị sai lệch quá xa, thậm chí Mayan Jaguar đã trở thành công cụ Mỹ dùng để chống phá cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez.

Lần theo lai lịch chiếc Gulfstream II

Vào ngày 24/9/2007, một chiếc máy bay phản lực có tên gọi là Gulfstream II, số hiệu đuôi N987SA, gặp tai nạn ở bán đảo Yucatan của Mexico. Khi xử lý vụ tai nạn, cơ quan chức năng Mexico ngỡ ngàng phát hiện chiếc máy bay đang chuyên chở một lượng ma túy khổng lồ: đến 3,7 tấn cocaine. Từ thông tin về vụ tai nạn hy hữu (nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra) này, các cơ quan chức năng Mexico đã phối hợp với các đồng nghiệp Mỹ mở cuộc điều tra về nguồn gốc số cocaine khổng lồ đó, lai lịch chiếc máy bay, chủ nhân hiện tại của nó và thương vụ ma túy đang diễn ra.

Những thông tin điều tra ban đầu được tòa án cho phép công bố cho thấy, chiếc máy bay Gulfstream II là tài sản trong một chiến dịch dài hơi của Mỹ mang mật danh Mayan Jaguar (Báo đốm Maya). Thông qua chiến dịch Mayan Jaguar, có thể có đến hàng chục chiếc máy bay phản lực đã được bán cho các tổ chức buôn lậu ma túy ở Nam Mỹ. Những chiếc máy bay này sau đó được sử dụng để vận chuyển hàng tấn ma túy cocaine vào châu Âu thông qua địa bàn trung chuyển khổng lồ là châu Phi.

Hồ sơ tòa án cho biết, hai công ty ở Florida có dính líu đến các thương vụ bán máy bay cho các tổ chức ma túy Nam Mỹ đã bị triệu tập ra tòa án liên bang và đã cung cấp thông tin rằng chiếc Gulfstream II được sử dụng trong một chiến dịch bí mật "kỳ lạ" của Cơ quan Hải quan và Di trú Mỹ (ICE) tiến hành ở Nam Mỹ (tức chiến dịch Mayan Jaguar). Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, chiến dịch không thu được kết quả nào cụ thể. Và bí mật đã bị phanh phui sau khi chiếc Gulfstream II bị tai nạn ở bán đảo Yacatan, Mexico.

Hiện tại, Văn phòng Tổng thanh tra Bộ An ninh nội địa Mỹ đang điều tra 2 nhân viên của ICE được cho là đã tham gia chiến dịch Mayan Jaguar. Từ đây, những bí mật về chiến dịch Mayan Jaguar dần lộ ra.

Chiếc Gulfstream II mang số hiệu N987SA.

Vấn đề  nhận được nhiều quan tâm là chiến dịch Mayan Jaguar này liệu có phải là một chiến dịch bí mật của CIA, giống như những chiến dịch bí mật khác từng được triển khai ở Nam Mỹ cũng như nhiều nơi khác trên thế giới?

Tờ Narco News trích dẫn nhiều nguồn tin của các cơ quan công quyền Mỹ cho biết, chiến dịch Mayan Jaguar là một chiến dịch đặc biệt đòi hỏi sự chấp thuận từ các quan chức cấp cao trong các cơ quan liên quan, không chỉ ICE mà còn cả Bộ An ninh nội địa, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Mỹ, kể cả các đại sứ Mỹ tại các quốc gia liên quan. Tuy nhiên, việc Mayan Jaguar sau 4 năm triển khai đã không mang lại kết quả cụ thể nào đã khiến cho dư luận đặt câu hỏi liệu có phải mục đích thực sự của chiến dịch Mayan Jaguar là để theo dõi các tổ chức buôn lậu ma túy hay còn mục đích gì khác?

Hiện trường vụ tai nạn của chiếc Gulfstream II ở Bán đảo Yucatan, Mexico, tháng 9/2007.

Bóc mẽ chiến dịch Mayan Jaguar

Chiến dịch Mayan Jaguar hoạt động như thế nào? Theo Narco News, chiến dịch Mayan Jaguar lợi dụng việc cung cấp máy bay phản lực cho các tổ chức buôn lậu ma túy ở Nam Mỹ để theo dõi đường đi nước bước của bọn buôn lậu và đường vận chuyển ma túy của chúng.

Như trên đã nói, thông qua chiến dịch Mayan Jaguar, ICE và các cơ quan công quyền Mỹ chỉ đạo cho các công ty bình phong cung cấp hàng chục chiếc máy bay phản lực cho các tổ chức buôn lậu ma túy để chúng mặc nhiên sử dụng vào việc vận chuyển ma túy. Cách thức mà các cơ quan tình báo Mỹ sử dụng để theo dõi buôn lậu ma túy là, theo tờ Narco News, những chiếc máy bay như Gulfstream II trước khi được chuyển giao cho các tổ chức buôn lậu ma túy Nam Mỹ đã được cài đặt sẵn thiết bị truyền tín hiệu phản hồi - một loại bọ điện tử chuyên dùng để theo dõi các đối tượng cần quản lý, giám sát từ xa.

Như vậy, hầu như các cơ quan chức năng Mỹ đã nắm trong tay khả năng giám sát từ xa những chiếc máy bay chở ma túy như Gulfstream II. Mục đích của các cơ quan này là muốn biết ma túy sẽ được vận chuyển đến đâu, bán cho ai và sau đó được phân phối đến những đâu. Tuy nhiên, họ chỉ "biết" vậy thôi, hoàn toàn không có hành động gì để gọi là chống lại các hoạt động mua bán ma túy đó.

Tờ Narco News dẫn các nguồn trong làng tình báo Mỹ cho biết, các cơ quan tình báo và bài trừ ma túy Mỹ đã sử dụng hình thức "dùng tin tức tình báo để moi thêm tin tình báo" từ các tổ chức buôn lậu ma túy. Hồ sơ tòa án cho biết, đôi khi người của các cơ quan tình báo tiếp cận các cá nhân, tổ chức buôn lậu ma túy để "nhắc nhở" chúng rằng, cơ hội "làm ăn" được tạo ra để chúng kiếm được nhiều tiền, cho nên đổi lại chúng phải biết điều trả ơn bằng cách cung cấp thông tin tình báo theo ý muốn của các cơ quan tình báo.--PageBreak--

"Nên nhớ rằng, tất cả chỉ nhằm mục đích tình báo. Đạo đức, pháp luật và thậm chí cả lương tri cũng phải chịu nhường chỗ cho việc thu thập thông tin tình báo" - một chuyên gia chống ma túy lâu năm thuộc Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ phát biểu trên tờ Narco News.

Điều này giải thích nguyên do vì sao sau 4 năm triển khai mà chiến dịch Mayan Jaguar không thu được kết quả nào về mặt phòng chống ma túy. Rất nhiều nhân viên công lực trong hệ thống an ninh Mỹ đều cho rằng mục đích thực sự của chiến dịch Mayan Jaguar không phải là để tìm kiếm bằng chứng buộc tội bọn buôn lậu ma túy, mà đích thực là để thu thập tin tình báo chống lại các quốc gia đối nghịch với Mỹ hoặc đe dọa các lợi ích của Mỹ ở khu vực Nam Mỹ.

Chiếc Beech 200 do công ty Skyway Aircraft môi giới bán cho một người Venezuela.

CIA bị các tổ chức buôn lậu ma túy lợi dụng?

Có nhiều bằng chứng để kết luận rằng Mayan Jaguar là một chiến dịch bí mật của CIA. Các dữ liệu điều tra của châu Âu đã xác định được chiếc Gulfstream II số hiệu N987SA đã từng được CIA sử dụng trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2005 để thực hiện nhiều chuyến bay bí mật giữa Mỹ và châu Âu, đến khu vực nhà tù đầy tai tiếng trong Vịnh Guantanamo (Cuba).

Vào ngày 31/8/2007, thông qua môi giới là Công ty World Jet Inc (trụ sở ở Fort Lauderdale) chiếc máy bay Guilfstream II đã được bán cho Công ty bình phong của ICE là Donna Blue thuộc quyền sở hữu của Joao Malago, một người chỉ điểm cho ICE. Malago là bạn làm ăn lâu năm của Larry Peters, chủ của Công ty Skyway Aircraft Inc. Vài tuần sau, Donna Blue đã bán chiếc Gulfstream II cho một người tên là Gregory Smith, một phi công lái máy bay theo hợp đồng.

Từ cuối thập niên 90 thế kỷ XX, công ty của Smith khi đó là Aero Group Jets Inc trụ sở tại Fort Lauderdale đã cho Baruch Vega, một điệp viên ngầm của CIA, thuê một chiếc máy bay phản lực Hawker. Chiếc máy bay đó được sử dụng trong một chiến dịch bài trừ ma túy chung của DEA, FBI và CIA ở Colombia. Về sau, chiếc Hawker đó đã được bán lại cho Clyde O'Connor, một bạn làm ăn của Smith trong thương vụ  Gulfstream II.

Các hồ sơ tại tòa án và hồ sơ lưu trữ của Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cho thấy hầu hết máy bay bán cho các tổ chức, cá nhân buôn bán ma túy ở Nam Mỹ, trong đó một số khá lớn bán cho người Venezuela, từ đó máy bay được phân phối đi những nơi khác ở Mỹ Latinh, trong đó có chiếc Gulfstream II. Tháng 10/2004, một chiếc Beech 200 được Công ty Skyway Aircraft của Peters môi giới bán cho một người Venezuela.

Một tháng sau, nó được tìm thấy nằm trên một cánh đồng bông ở Nicaragua, mang số hiệu N168D, theo hồ sơ lưu trữ của FAA, số hiệu này do một công ty ở Bắc Carolina tên là Devon Holding and Leasing Inc đăng ký. Điều tra của Nghị viện châu Âu về các hoạt động chống khủng bố của CIA cho thấy Devon Holding là một công ty bình phong của CIA và N168D chính là số hiệu một chiếc máy bay của CIA.

Một trường hợp khác, hồ sơ tòa án ở Colorado tiết lộ Công ty World Jet dính líu trong vụ môi giới bán một chiếc phản lực Hawker 700 vào năm 2013 cho các tay buôn lậu ma túy ở Colombia để sử dụng vào việc vận chuyển hàng tấn cocaine từ Venezuela đi Honduras. Chuyến hàng đã bị Chính phủ Venezuela bắt giữ trước khi kịp cất cánh.

Các vụ việc bị phát hiện tạo ấn tượng rằng Venezuela đang trở thành điểm nóng về các hoạt động buôn bán máy bay cho các đối tượng buôn lậu ma túy ở Nam Mỹ thông qua 3 công ty bình phong ở Florida là Donna Blue, World Jet và Skyway Aircraft, và chương trình Mayan Jaguar. Đơn cử, chỉ trong khoảng thời gian 5 năm, từ 2003 đến 2008, có ít nhất 9 chiếc máy bay do Công ty Skyway Aircraft đăng ký (trong chương trình Mayan Jaguar) đã được bán cho người mua ở Venezuela.

Cựu điệp viên CIA Vega lý giải rằng, việc bán máy bay cho người Venezuela là một chiến thuật nhằm che mắt thiên hạ về vai trò chủ mưu của các cơ quan tình báo Mỹ, đặc biệt là CIA, trong chiến dịch Mayan Jaguar. Việc này có hai mục đích: để giúp tài trợ phe đối lập ở Venezuela, và đánh lạc hướng dư luận đối với các hoạt động của CIA chống phá chính quyền của cố Tổng thống Hugo Chavez.

Ngoài Venezuela, châu Phi được xem là địa bàn trung chuyển lớn nhất. Ít nhất 6 chiếc máy bay đã được các công ty bình phong ở Florida bán cho các tổ chức buôn lậu ma túy ở châu Phi. Trong 2 năm 2006-2007, Skyway Aircraft đã môi giới bán 2 chiếc và một chiếc phối hợp với Công ty Donna Blue vào năm 2007. Hai trong số đó đã bị bắt khi chuẩn bị rời Venezuela đi châu Phi, với 3 tấn hàng cocaine.

Một chuyên gia trong ngành tình báo chống ma túy là Mike Levine cho rằng, CIA đang cố che đậy một sự thật là những kẻ chỉ điểm hay "tài sản" ngầm của họ thực chất là bọn buôn bán ma túy quốc tế, lợi dụng CIA làm lá chắn an toàn cho hoạt động của chúng. Bọn chúng đã lợi dụng sự ngây thơ của các cá nhân lãnh đạo CIA và các cơ quan khác của Mỹ như DEA, ICE để tự do hoạt động buôn lậu ma túy, đổi lại chỉ là những mớ thông tin tình báo rẻ tiền, không có giá trị thực tế

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.