Chiến dịch Galant – Bẫy mỹ nhân dành cho viên Đại sứ Pháp

Thứ Năm, 19/09/2019, 22:34
Vào thời điểm cuối những năm 1950, Cơ quan phản gián của KGB dưới sự chỉ huy trực tiếp của trung tướng Oleg Gribanov đã tuyển mộ thành công viên đại sứ Maurice Dejean của Pháp tại Moscow.

Dù không nhận tiền công hay khai thác trực tiếp nhiều thông tin quan trọng cho KGB, nhưng Dejean lại là một điệp viên ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đối với Moscow. Nhờ tác động của cá nhân ông, nhiều chính sách của Paris đã được triển khai theo hướng có lợi cho phía Liên Xô.

Điều đáng chú ý là KGB đã có được thành quả tuyệt vời này nhờ bẫy mỹ nhân kế với sự tham gia của nữ diễn viên nổi tiếng xinh đẹp Larisa Kronberg…

Ứng cử viên… thích hợp

Thực tế cho thấy, việc tình báo đối ngoại Xôviết không gặp bất cứ thất bại đáng kể nào trên đất Pháp không thể giải thích bằng yếu kém của cơ quan phản gián nước này, cũng như sự không quan tâm của mật vụ Liên Xô. Thành công này có được chính là nhờ chiến dịch tuyển mộ thành công viên đại sứ Maurice Dejean tại Moscow.

Khi lập kế hoạch tuyển mộ Dejean, Cơ quan phản gián Xôviết đã tính toán tới không chỉ về khả năng làm việc của nhà ngoại giao này, mà còn cả về tình bạn lâu năm từ thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai với Charles de Gaulle, khi cả hai cùng tham gia phong trào kháng chiến chống phát xít.

Đại sứ Maurice Dejean.

Cần biết rằng, Dejean là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp kỳ cựu từ hồi đầu những năm 1930, khi ông đứng đầu bộ phận báo chí của đại sứ quán Pháp tại Đức. Sau đó, ông tiếp tục sự nghiệp ngoại giao của mình tại nước Đức phát xít cho đến khi chiến tranh nổ ra vào năm 1939.

Tổng thống Pháp luôn chú ý lắng nghe những quan điểm của bạn mình, cũng như tôn trọng ý kiến của ông về các vấn đề chính trị quốc tế khác nhau. Trước đó, đã có không ít các nhà ngoại giao cao cấp Pháp lọt vào tầm ngắm của KGB, nhưng về tầm ảnh hưởng của họ tới các chính sách của Paris đối với Liên Xô và NATO thì không ai có thể so sánh được với Dejean.

Những cuộc hẹn hò lãng mạn

Để lôi kéo được vị đại sứ vào quỹ đạo của mình, KGB đã áp dụng một cách tuyển mộ đơn giản nhất, thường được tất cả các cơ quan mật vụ trên thế giới sử dụng – cho ông ta tiếp cận với một “chim én”, cách gọi lóng về một điệp viên nữ xinh đẹp đóng vai trò mồi chài.

Tuy nhiên, với đối tượng là một người đàn ông lịch thiệp ở độ tuổi 50, mọi việc phải được tiến hành hết sức tự nhiên và chính xác, ngay cả chọn “chim én” cũng không chỉ đơn giản là một cô gái trẻ đẹp.

Larisa Kronberg.

Tính chung, quá trình tuyển một nhà ngoại giao Pháp đã kéo dài trong suốt 3 năm, với sự tham gia của hàng chục nhân viên cả công khai và mật – đóng vai trò tổng đạo diễn là tướng Gribanov, Sergey Mikhailkov cùng bà vợ Natalia Konchalovskaya và Larisa Kronberg, một nữ diễn viên - người đẹp nổi tiếng, đồng thời là cộng tác viên bí mật của KGB.

Về sự nghiệp của một diễn viên như Kronberg thì có lẽ ai cũng phải mơ ước. Cô sinh ra trong một gia đình quân nhân tại Penze. Năm 19 tuổi, Kronberg đã thi vào Viện Điện ảnh Quốc gia mang tên S.A.Gerasimov. Tốt nghiệp vào năm 1954, nữ diễn viên trẻ được nhận vào biên chế của xưởng phim nổi tiếng Mosfilm.

10 năm sau, Kronberg đã nhận được giải thưởng tại liên hoan phim Cannes. Có điều nhiều người không rõ nguyên nhân vì sao Kronberg lại nhận lời hợp tác với KGB. “Chim én” Kronberg đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, dần dần khiến cho vị đại sứ Pháp say như điếu đổ.

Vào một ngày đẹp trời, tướng Gribanov quyết định, cuộc tình lãng mạn đã nảy sinh từ vài tháng giữa Dejean và Kronberg đã đến lúc phải có được thành quả. Thời điểm chọn lựa này đặc biệt phù hợp, khi bà vợ của Dejean đã rời khỏi Moscow, đi nghỉ mát tại vùng núi Alps của Thụy Sĩ. Moscow triệu tập gấp 2 nhân viên quan trọng đóng vai người chồng vừa bất ngờ trở về sau chuyến công tác của Kronberg và bạn của anh ta.

Từ trước đó, Kronberg theo chỉ thị của Gribanov thường phàn nàn với người tình về sự thô bạo và tính cách ghen tuông bệnh hoạn của chồng mình. “Tôi muốn các anh phải đánh ông ta thật đau, nhưng không được nhằm vào mặt. Làm cho ông ta thực sự hồn vía lên mây” – tướng Gribanov đã chỉ thị như vậy trong cuộc họp cuối cùng với nhóm hành động.

Màn kịch được bố trí tại tầng ba ngôi nhà số 2 trên phố Ananevskaya. Tại đây đã được bí mật lắp đặt tất cả những trang thiết bị đặc biệt, từ ghi âm cho tới ghi hình. Còn xung quanh ngôi nhà, tại những điểm quan sát đặc biệt, đều có các nhân viên KGB ăn mặc giả dạng cảnh sát và các công chức nhà nước.

Tất cả đều diễn ra đúng theo kịch bản. Ông chồng giả cùng anh bạn của mình đã lôi đôi tình nhân từ trên giường xuống, thi nhau đấm đá vị đại sứ.

Còn Kronberg thì tỏ vẻ hoảng sợ, van xin và la hét: “Xin các anh thôi ngay! Các anh sẽ giết ông ấy mất! Đó là vị đại sứ Pháp! Các anh làm gì vậy?!” Còn người chồng tiếp tục la lên, dọa sẽ kiện vị đại sứ và cả cô vợ lăng loàn ra tòa. Dejean, theo như được dàn dựng từ trước, cuối cùng cũng chạy thoát được khỏi căn hộ, nhảy lên xe riêng cùng tay tài xế quay về đại sứ quán.

“Mối tình” 6 năm với KGB

Cũng ngay chiều hôm đó, Maurice Dejean có cuộc gặp với Gribanov, người có lịch làm việc với tay đại sứ trong vai trò cố vấn của Chủ tịch hội đồng bộ trưởng Liên Xô để bàn bạc về một loạt các vấn đề song phương giữa hai nước.

Thế nhưng cả chiều hôm đó, mọi chuyện đã không diễn tiến theo kế hoạch, do cả hai chủ yếu bàn bạc về những vấn đề riêng tư của tay đại sứ, người đã không che giấu mọi chuyện ngay từ đầu: “Tôi đang có những rắc rối nghiêm trọng. Tôi cần sự giúp đỡ của anh”.

Khu vực tòa nhà đã bố trí đặt bẫy Maurice Dejean.

Sau khi kể hết về trò chơi tình ái của mình, Dejean đã nhờ Gribanov can thiệp để “chồng” Kronberg không nộp đơn kiện lên cảnh sát. Với việc nắm được thóp của Dejean, viên tướng KGB đã thiết lập được mối quan hệ đặc biệt với tay đại sứ Pháp.

Dejean còn cảm thấy người bạn mới của mình từ Hội đồng bộ trưởng Liên Xô là một người chân thành và có trách nhiệm. Với tác động của anh ta, người chồng của Kronberg đã đồng ý rút đơn kiện, trong khi Gribanov không còn mảy may nhắc tới vụ rắc rối đầy tế nhị của vị đại sứ.

Giờ đây, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Pháp tại Moscow đều tư vấn với Gribanov về mọi vấn đề. Dejean cảm thấy không e ngại và hoàn toàn thoải mái khi bàn bạc với người bạn Nga của mình về các lĩnh vực khác nhau trong chính sách đối ngoại của Pháp, đặc biệt về mối quan hệ của nước này với Liên Xô và các nước thành viên NATO.

Trong mọi vấn đề cần bàn bạc, vị đại sứ đều nêu rất cặn kẽ mọi đặc điểm tình hình, bổ sung thêm ý kiến của cá nhân và cả những dự báo. Đôi khi, ông ta còn cảnh báo phía Liên Xô về những bước đi không chính xác theo quan điểm của mình.

Ngoài ra, trong những cuộc chuyện trò tự nhiên với Gribanov, Dejean cũng thường xuyên chia sẻ nhận định của mình về những hành động, tính cách và phẩm chất của các nhà ngoại giao phương Tây khác, nội dung những cuộc làm việc với họ, ngay cả những kế hoạch của họ liên quan tới Liên Xô.

Về phần mình, Gribanov thông qua Dejean đã chuyển tới Charles de Gaulle những gợi ý và đề xuất về chính sách đối ngoại của Pháp có lợi cho Moscow. Vào những dịp lễ quốc khánh Pháp, Gribanov thay mặt chính phủ đã tặng nhiều món quà quý giá cho viên đại sứ.

Cũng qua Dejean và mạng lưới điệp viên của mình xung quanh Charles de Gaulle, KGB đã thuyết phục Tổng thống Pháp tin rằng, người Anh đang chơi trò tiểu xảo đằng sau lưng ông, khi tìm mọi cách để đưa Pháp quay trở lại với quĩ đạo của NATO.

Nỗ lực của giới lãnh đạo Ủy ban an ninh quốc gia Xôviết cuối cùng đã thành công, khi Charles de Gaulle quyết định không quay trở lại với NATO, chỉ hợp tác với tổ chức này với tư cách quan sát viên.

Có thể nói, sự thay đổi chính sách của nước Pháp dưới thời Charles de Gaulle trong quan hệ với các đối tác tại NATO là một chiến thắng lớn của Liên Xô, trong đó Dejean đã đóng một vai trò rất quan trọng.

Đoạn kết

“Mối tình” của Dejean với KGB đã kéo dài trong suốt 6 năm cho tới tháng 9 năm 1963, khi xuất hiện một kẻ đào tẩu nguy hiểm – Yuri Korotkov, một điệp viên cao cấp của KGB, một trong những nhân vật chính đã tham gia tổ chức chiến dịch tuyển mộ Dejean.

Ngay cả khi đã bị lộ tẩy, tình bạn giữa Charles de Gaulle với Dejean vẫn không hề ảnh hưởng. Minh chứng là nhà ngoại giao này không phải chịu bất cứ một hình thức trừng phạt nào, ngoài việc được cho về nghỉ.

Dejean thậm chí còn trở thành một trong những nhà lãnh đạo của Hiệp hội hữu nghị Pháp-Nga, là nơi ông đã luôn thể hiện là một người ủng hộ tích cực cho việc cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Về sau được bổ nhiệm làm tổng giám đốc một nhà máy nhỏ sản xuất đồng hồ “Slava” của Nga tại thành phố Besancon, ông cũng tuyên bố ủng hộ cho việc phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế với Liên Xô.

Maurice Dejean qua đời tại Paris vào ngày 14-1-1982 ở tuổi 82. Trong một bài cáo phó đăng trên tờ Le Monde, một đồng nghiệp của Dejean – đại sứ Herve Alphand – còn đặc biệt khen ngợi sự sáng suốt về chính trị của ông. Bài cáo phó kết thúc bằng những lời tán dương như sau: “Sau đó ông đã có suốt 8 năm làm đại sứ tại Moscow, theo nhận xét của tướng De Gaulle, “đã đại diện một cách xứng đáng cho quyền lợi và danh dự của nước Pháp”. Với sự trang trọng đặc biệt trên, có thể nói Maurice Dejean cho đến cuối đời đã hoàn toàn được phục hồi về danh dự trong mắt của công chúng nước Pháp.

Còn “chim én” Larisa Kronberg dù có một sự nghiệp điện ảnh lẫy lừng, nhưng vẫn sống cô đơn vào cuối đời, dù bà đã trải qua một vài mối tình. Ngôi sao một thời của điện ảnh Xôviết lặng lẽ qua đời khi vẫn đang ngồi trên ghế tại nhà riêng vào ngày 22-4-2017, sau một thời gian dài lâm bệnh nặng.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.