Tây Ban Nha:

Chiến dịch “Hoàng đế” truy quét mạng lưới mafia Trung Quốc

Thứ Hai, 19/11/2012, 15:40

Chiến dịch mang mật danh “Hoàng đế” (Operacion Cheqian-Emperador, theo tiếng Tây Ban Nha) được tiến hành từ giữa tháng 10/2012, huy động gần 500 cảnh sát phối hợp với nhiều nhân viên hải quan và chính quyền. Cú đột kích vào khu trung tâm thương mại ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, Barcelona và vùng ngoại ô, bắt giữ tổng cộng 83 người, trong đó có 58 người Trung Quốc và tịch thu 10 triệu euro (khoảng 13 triệu USD) tiền mặt cùng với hàng trăm chiếc ôtô đắt tiền, nữ trang, tác phẩm nghệ thuật và súng ống.

Tại cuộc họp báo sau vụ bắt giữ quy mô, sĩ quan Cục cảnh sát Tây Ban Nha Iganacio Cosido tuyên bố: "Hoàng đế" là chiến dịch lịch sử chống tội phạm kinh tế liên quan đến mạng lưới mafia Trung Quốc và cho thấy sức mạnh của thế giới ngầm cũng như sự cấu kết giữa các nhóm tội phạm quốc tế. Chỉ huy chiến dịch là Văn phòng Công tố chống tham nhũng và Thẩm phán Fernando Andreu của Tòa án quốc gia Tây Ban Nha. Trong chiến dịch "Hoàng đế", chính quyền Tây Ban Nha cũng ra lệnh đóng băng 200 tài khoản ở 50 ngân hàng khác nhau của hơn 120 người.

Cuộc điều tra bắt đầu từ năm 2009, chủ yếu tập trung vào khu thương mại Cobo Calleja (nổi tiếng là "Chinatown" ở Tây Ban Nha) ở quận Fuenlabrada phía nam thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, nơi được coi là trung tâm buôn bán sỉ lớn nhất của người Trung Quốc ở châu Âu. Cobo Calleja nổi tiếng là nguồn cung cấp đủ loại hàng hóa  như giày dép, quần áo, đồ trang sức… với giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc vào Tây Ban Nha rồi sau đó phân phối đi khắp châu Âu. Iganacio Cosido giải thích: "Hoàng đế" là chiến dịch quy mô, kéo dài, hao tốn nhiều công sức và tiền bạc của chính quyền.

Các công tố viên Tây Ban Nha cho biết thủ đoạn của bọn tội phạm là bán hàng hóa buôn lậu vào Tây Ban Nha, sau đó rửa tiền thông qua các cơ sở bình phong như các quán bar, karaoke và hệ thống nhà hàng; cuối cùng chuyển tiền về Trung Quốc bằng phương tiện ôtô hay tàu hỏa. Không chỉ trốn thuế và buôn hàng lậu, mạng lưới mafia người gốc Trung Quốc còn kiếm tiền từ hoạt động mại dâm và tống tiền với sự giúp sức của những người Tây Ban Nha và Israel trung gian.

Theo báo cáo của công tố viên chống tham nhũng hàng đầu của Tây Ban Nha - Antonio Salinas, mafia Trung Quốc rửa khoảng 200 đến 300 triệu euro mỗi năm, trốn thuế, hối lộ quan chức chính quyền sở tại, làm giấy tờ giả và cả buôn lậu ma túy. Trong số những người bị bắt giữ có ngôi sao khiêu dâm nổi tiếng Nacho Vidal, ủy viên hội đồng thành phố Madrid là Jose Borras và trùm mafia Trung Quốc Gao Ping - doanh nhân tội phạm sở hữu nhiều nhà kho hàng hóa khổng lồ ở khu thương mại Cobo Calleja cùng với một gallery nghệ thuật ở Madrid, gần Nhà bảo tàng Nữ hoàng Sofia.

Gao Ping kiểm soát 90% lượng hàng hóa phân phối cho khoảng 17.000 cửa hàng tạp hóa của người Trung Quốc ở Tây Ban Nha. Còn Nacho Vidal điều hành một công ty bị nghi ngờ tham gia hoạt động rửa tiền. Trong số 800 doanh nghiệp hoạt động ở khu Cobo Calleja có đến 377 cơ sở nằm dưới sự điều hành của người Trung Quốc.

Số tiền mặt 10 triệu euro và vũ khí được cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ trong chiến dịch “Hoàng đế”.

Chiến dịch "Hoàng đế" đã bóc trần cả một mạng lưới rửa liền và trốn thuế với quy mô khổng lồ ở Tây Ban Nha. Hai yếu tố nổi bật trong các chiến dịch tấn công tội phạm của cảnh sát Tây Ban Nha trong những năm gần đây là chống buôn người để khai thác nhân công và gian lận thuế. Nạn buôn người để khai thác sức lao động đặc biệt lan rộng trong mạng lưới tội phạm có tổ chức người Trung Quốc ở Tây Ban Nha.

Các doanh nhân Trung Quốc "nhập khẩu" người lao động bất hợp pháp thông qua bọn buôn người và khai thác nhân công trong các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, cửa hàng và xưởng máy trong suốt nhiều năm dài cho đến khi họ trả hết nợ. Trong khi đó, điều kiện sống và làm việc của những người lao động hết sức tồi tệ. Ở châu Âu, phần đông dân nhập cư người Hoa xuất phát từ tỉnh Chiết Giang.

Năm 2011, cảnh sát thành phố Barcelona, thủ phủ khu tự trị Catalonia, cũng đã bắt giữ 39 thành viên mạng lưới mafia người Trung Quốc buôn 30 phụ nữ nước này sang Tây Ban Nha để làm gái mại dâm. Những vụ bắt giữ được tiến hành vào khoảng đầu tháng 10/2011 sau một cuộc điều tra kéo dài. Tổng cộng 17 nhà thổ bị đóng cửa và 30 phụ nữ được giải thoát, chuyển đến các trung tâm hỗ trợ nạn nhân của nạn buôn người do một tổ chức phi chính phủ điều hành để được giúp đỡ.

Chiến dịch cũng được coi là lớn nhất từ trước đó đến thời điểm năm 2011 chống các tổ chức mafia Trung Quốc hoạt động ở Tây Ban Nha - theo báo cáo của sĩ quan cao cấp Xavier Cortes, lãnh đạo đơn vị cảnh sát Catalonia chống buôn người

Cảnh sát Tây Ban Nha trong chiến dịch "Hoàng đế".

Trong những năm sau này, mafia Trung Quốc vượt mặt cả các tổ chức tội phạm khác vốn chiếm lĩnh ngành kinh doanh mại dâm ở khu thượng lưu Eixample của Barcelona. Phụ nữ bị buộc làm việc trong điều kiện mất vệ sinh và phải tiếp khách liên tục đến kiệt sức. Joaquim Frances, lãnh đạo đơn vị chống tội phạm có tổ chức của Catalonia, cho biết những tên mafia Trung Quốc bị bắt giữ cũng liên quan đến hoạt động làm giấy tờ giả.

Trong nhiều cuộc đột kích, cảnh sát đã tịch thu được rất nhiều hộ chiếu giả của nhiều quốc gia cũng như các thiết bị in ấn làm giả giấy tờ. Lĩnh vực phạm pháp thứ 3 có sự dính líu của mafia Trung Quốc là buôn lậu ma túy. Ngoài ra, cảnh sát Catalonia cũng phát hiện nhiều xưởng may quần áo khai thác lao động bất hợp pháp, đã giải thoát cho vài trăm nạn nhân và bắt giữ hơn 100 nghi can.

Theo các báo cáo từ cảnh sát và các tổ chức phi chính phủ, bọn tội phạm không chỉ khai thác phụ nữ Trung Quốc mà cả những người ở Mỹ Latinh, Bắc Phi và Đông Âu. Năm 2010, Cảnh sát Tây Ban Nha triệt phá được một ổ tội phạm buôn đàn ông Brazil sang Tây Ban Nha để ép buộc làm mại dâm nam

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.