Chiến dịch RYAN và điệp viên ngăn chặn chiến tranh hạt nhân

Chủ Nhật, 16/06/2019, 10:05
Trong suốt phần lớn thời Chiến tranh Lạnh, Cơ quan Mật vụ Anh MI-6 đã có được thông tin vô giá từ Oleg Gordievsky, một sĩ quan KGB có vị trí cao trở thành một điệp viên hai mang hoàn hảo.

Mặc dù người Anh không bao giờ tiết lộ về điệp viên hai mang của họ với Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), nhưng cuối cùng danh tính của Oleg Gordievsky cũng bị lộ.

Vào tháng 5-1981, Yuri Andropov, Chủ tịch Cơ quan tình báo Xôviết KGB, tập hợp các sĩ quan cao cấp trong một cuộc họp bí mật để đưa ra một thông báo gây sửng sốt: Mỹ đang lên kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên và xóa sổ Liên Xô.

Sự hoang tưởng dẫn đến Chiến dịch RYAN

Trong hơn 20 năm, một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Đông và Tây được ngăn chặn bởi mối đe dọa hủy diệt lẫn nhau. Nhưng vào cuối những năm 1970, phương Tây đã bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân dẫn đến một cuộc đối đầu tâm lý, trong đó Kremlin sợ rằng Moscow có thể bị phá hủy và đánh bại bởi một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu.

Oleg Gordievsky ở London, năm 1997.

Đầu năm 1981, KGB tiến hành phân tích tình hình địa chính trị, sử dụng một chương trình máy tính mới được phát triển và kết luận rằng mối tương quan của các thế lực thế giới đã chuyển sang ủng hộ phương Tây.

Sự can thiệp của Liên Xô vào Afghanistan đã được chứng minh là tốn kém, Cuba đã làm cạn kiệt các quỹ của Liên Xô, CIA đang phát động một loạt chiến dịch bí mật chống lại Liên Xô và Mỹ đang tăng cường quân đội. Liên Xô dường như đang thua cuộc Chiến tranh Lạnh, và, giống như một võ sĩ kiệt sức vì những năm dài chiến đấu, Kremlin sợ rằng một cú đấm duy nhất và tàn bạo có thể kết thúc cuộc đối đầu.

Tuy nhiên, các quan chức cao cấp KGB tin chắc rằng Liên Xô dễ bị tấn công hạt nhân bất ngờ có lẽ liên quan nhiều đến kinh nghiệm cá nhân của Andropov hơn là phân tích địa chính trị hợp lý.

Quan điểm tự tin và lạc quan của tổng thống Ronald Reagan mới nhậm chức dường như nhấn mạnh mối đe dọa sắp xảy ra. Và vì vậy, giống như một sự hoang tưởng, Andropov bắt đầu tìm ra bằng chứng để xác nhận nỗi sợ hãi của mình. Chiến dịch RYAN (từ tiếng Nga có nghĩa là “cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân”) là hoạt động tình báo thời bình lớn nhất của Liên Xô từng được triển khai.

Trước sự sững sờ của giới lãnh đạo Liên Xô, Andropov tuyên bố Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tích cực chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân. Nhiệm vụ của KGB là tìm ra dấu hiệu cho thấy cuộc tấn công này có thể sắp xảy ra để cung cấp cảnh báo sớm giúp Liên Xô không bị bất ngờ. Điều đó có nghĩa là nếu có thể tìm thấy bằng chứng về một cuộc tấn công sắp xảy ra, thì Liên Xô có thể tự mình tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu.

Andropov cho rằng Liên Xô phòng thủ tốt hơn là tấn công do lo sợ một cuộc tấn công đầu tiên đe dọa sẽ kích động một cuộc tấn công khác. Chiến dịch RYAN sinh ra do sự tưởng tượng của Andropov. Nó tăng trưởng đều đặn, di căn thành nỗi ám ảnh về tình báo trong KGB và GRU (tình báo quân đội Liên Xô), tiêu tốn hàng ngàn giờ làm việc và đẩy mức căng thẳng giữa hai siêu cường đến mức kinh hoàng.

Tháng 11-1981, các chỉ thị đầu tiên của RYAN đã được gửi đến các trạm KGB ở Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và các nước thuộc Thế giới thứ ba. Đầu năm 1982, tất cả các điệp viên Liên Xô đều được hướng dẫn làm cho RYAN trở thành ưu tiên hàng đầu.

Vào thời điểm Oleg Gordievsky đến London, chiến dịch RYAN đã hoạt động đến cực điểm. Nhưng nó dựa trên một sự hiểu lầm sâu sắc. Nước Mỹ thực sự không hề chuẩn bị một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên. KGB tích cực săn tìm mọi bằng chứng về cuộc tấn công đã được lên kế hoạch, nhưng theo tài liệu lịch sử của tình báo Anh MI-5, thì không có kế hoạch nào như thế tồn tại.

Tháng 11-1982, Andropov kế nhiệm Leonid Brezhnev làm lãnh đạo Liên Xô, trở thành người đứng đầu KGB đầu tiên được bầu làm tổng bí thư của Đảng Cộng sản. Ngay sau đó, các điệp viên Liên Xô hoạt động ở nước ngoài (được gọi theo tiếng Nga là các “rezidentura”) được thông báo RYAN hiện nay “có tầm quan trọng đặc biệt nghiêm trọng” và “đạt đến một mức độ khẩn cấp đặc biệt”.

Điệp viên hai mang giúp ngăn chặn chiến tranh hạt nhân

Khi nội dung Chiến dịch RYAN của KGB được Oleg Gordievsky tiết lộ cho MI-6, các chuyên gia về Liên Xô của tình báo Anh lúc đầu có vẻ hoài nghi. Tuy nhiên, chiến dịch RYAN là bằng chứng cho thấy nỗi sợ hãi của Liên Xô về một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên là có thực. 

Điệp viên hai mang Oleg Gordievsky (bên phải) gặp Tổng thống Mỹ Ronald Reagan năm 1987.

Giới lãnh đạo KGB ra mật lệnh cho đội ngũ “rezidentura” cố gắng khám phá bất kỳ kế hoạch nào được chuẩn bị bởi nước Mỹ, và tổ chức theo dõi liên tục các quyết định được đưa ra sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Liên Xô.

Trong khi đó, Oleg Gordievsky và các đồng nghiệp ngay từ đầu đã coi Chiến dịch RYAN là sự thiếu hiểu biết của tình báo Xôviết. Các sĩ quan KGB nhạy bén và giàu kinh nghiệm hơn biết rằng thực ra không hề có sự “khao khát” chiến tranh hạt nhân ở phương Tây, chứ đừng nói đến một cuộc tấn công bất ngờ do NATO và Mỹ phát động. Tuy nhiên, sự vâng lời mạnh mẽ là lẽ thường trong thế giới tình báo Liên Xô, và các “rezidentura” của KGB trên khắp thế giới bắt đầu… tìm kiếm “bằng chứng” về các kế hoạch thù địch. Và, dĩ nhiên chắc chắn sẽ tìm thấy chúng!.

Hầu như bất kỳ hành vi nào của con người, nếu được xem xét kỹ lưỡng, có thể bắt đầu có vẻ đáng ngờ: một ánh sáng còn sót lại trong Bộ Ngoại giao, sự thiếu hụt bãi đậu xe tại Bộ Quốc phòng. Khi các bằng chứng về kế hoạch (không tồn tại) tấn công Liên Xô đã tích lũy đầy đủ, nó dường như xác nhận những gì Kremlin đã lo sợ và càng làm tăng sự hoang tưởng trong nội bộ KGB, đồng thời thúc đẩy các yêu cầu mới về… “bằng chứng”.

Oleg Gordievsky gọi đó là một vòng xoáy thu thập và đánh giá tình báo luẩn quẩn, với các “rezidentura” ở nước ngoài cảm thấy bắt buộc phải báo cáo thông tin đáng báo động ngay cả khi họ không tin điều đó.

Trong những tháng tiếp theo, Chiến dịch RYAN đã trở thành mối bận tâm chi phối duy nhất của KGB. Trong khi đó, những lời lẽ khoa trương của chính quyền Reagan đã củng cố niềm tin của Kremlin, rằng nước Mỹ đang trên con đường xâm lược để tiến hành…  chiến tranh hạt nhân.

Cuộc diễu hành ngày 1-5-1970 ở Moscow. Đó là năm Gordievsky được MI-6 lựa chọn làm điệp viên hai mang.

Thêm vào đó, sự chuẩn bị triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung Pers Breath II ở Tây Đức làm tăng thêm nỗi sợ của Liên Xô. Những vũ khí này có khả năng tấn công hạt nhân chớp nhoáng và bất ngờ nhắm vào các mục tiêu nhạy cảm của Liên Xô - bao gồm hầm chứa tên lửa - mà không cần cảnh báo, chỉ trong vòng 4 phút.

Trong khi đó, thời gian bay đến Moscow ước tính là khoảng 6 phút. Nếu KGB đưa ra cảnh báo đầy đủ về một cuộc tấn công, điều này sẽ cho phép Moscow có một khoảng thời gian dự đoán cần thiết... thực hiện các biện pháp trả đũa. Hay nói cách khác là… tấn công trước. 

Vào tháng 3-1983, Ronald Reagan đã phát đi một thông báo công khai đe dọa sẽ vô hiệu hóa bất kỳ cuộc tấn công phủ đầu nào như vậy. Sáng kiến phòng thủ chiến lược của Mỹ, ngay lập tức được gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao” – tức là sử dụng vệ tinh và vũ khí trên không gian để tạo ra một lá chắn có thể bắn hạ tên lửa hạt nhân nào của Liên Xô bay đến. Lá chắn tên lửa Mỹ có thể giúp phương Tây trở nên bất khả xâm phạm, và cho phép Mỹ tiến hành một cuộc tấn công mà không sợ bị trả đũa.

Andropov giận dữ chỉ trích dữ dội rằng các hành động của Washington đang khiến cả thế giới lâm nguy. Chiến dịch RYAN ngay lập tức được mở rộng thêm: đối với Andropov và KGB thì đây là vấn đề sống còn của Liên Xô. Lúc đầu, MI-6 giải thích RYAN là bằng chứng về sự bất tài của KGB.

Nhưng khi thời gian trôi qua, và những lời lẽ khoa trương pha lẫn giận dữ leo thang ở cả hai phía, rõ ràng là nỗi sợ hãi của Kremlin không thể chỉ coi là sự tưởng tượng lãng phí thời gian. Nói cách khác, mối lo xung đột hạt nhân ngày càng có khả năng xảy ra nếu hai phía không có sự kiềm chế cần thiết.

Điều đó cho thấy rõ Chiến dịch RYAN của KGB đã chứng minh cuộc đối đầu trong Chiến tranh Lạnh đã trở nên bất ổn như thế nào. Lập trường diều hâu của Washington càng khiến cho Liên Xô lo sợ đất nước bị diệt vong bằng chiến tranh hạt nhân.

Tuy nhiên, các nhà phân tích chính sách đối ngoại của Mỹ có xu hướng bác bỏ ý kiến cho rằng các biểu hiện báo động của Liên Xô là sự phóng đại có chủ ý vì mục đích tuyên truyền. Bởi vì, Andropov tỏ ra hết sức nghiêm túc khi khẳng định Mỹ đang lên kế hoạch phát động chiến tranh hạt nhân - và nhờ có điệp viên hai mang Oleg Gordievsky mà người Anh biết điều đó. Từ đó, chính quyền Mỹ được người Anh cảnh báo rằng nỗi sợ hãi của Kremlin - mặc dù được thành lập dựa trên sự thiếu hiểu biết và hoang tưởng - là có thực.

Mối quan hệ giữa các cơ quan tình báo Anh và Mỹ giống như mối quan hệ giữa hai anh em chênh lệch tuổi tác: gần gũi nhưng cạnh tranh, thân thiện nhưng ghen tuông, hỗ trợ lẫn nhau nhưng dễ… ẩu đả nhau bất cứ lúc nào. Cả Anh và Mỹ đều chịu đựng sự xâm nhập cấp cao của các điệp viên Liên Xô trong quá khứ cho nên cả hai đều luôn ngấm ngầm nghi ngờ rằng đối tác của mình có thể không đáng tin cậy.

Đại sứ quán Anh ở Moscow, năm 1980.

Theo các thỏa thuận được thiết lập, thông tin tình báo tín hiệu của Anh và Mỹ được gộp chung lại, nhưng thông tin thu thập được từ các nguồn con người được chia sẻ ít hơn. Nói cách khác, Mỹ có những gián điệp mà người Anh không hề biết và ngược lại. Những tiết lộ của Gordievsky về Chiến dịch RYAN được chuyển đến CIA nhưng MI-6 không tiết lộ tài liệu mật đến từ đâu, hoặc ai đã cung cấp nó.

MI-6 đã không nói với CIA rằng nguồn thông tin tình báo đến từ bên trong KGB. Người Mỹ không biết rằng trong số các điệp viên KGB được cử sang phương Tây để thực hiện chiến dịch RYAN có một số người đã quay sang làm điệp viên hai mang cho phía đối phương, trong đó có Oleg Gordievsky. Gordievsky là điệp viên KGB đóng tại Copenhagen, Đan Mạch, từ năm 1963 và trở thành điệp viên hai mang của MI-6 từ năm 1968.

Dần dần, một cách cẩn thận pha lẫn niềm kiêu hãnh thầm lặng và sự phô trương, MI-6 bắt đầu cung cấp cho nước Mỹ những bí mật có được từ điệp viên hai mang Oleg Gordievsky.

Diên San (tổng hợp)
.
.