Chiến dịch phượng hoàng, mẻ lưới của Mossad

Thứ Năm, 08/02/2007, 10:15

Cách đây 1/4 thế kỷ, Israel và Mỹ đã thực hiện thành công "Chiến dịch Phượng Hoàng" phá tan trung tâm nguyên tử của Iraq. Chiến dịch này đã được Victor Ostrovsky, cựu điệp viên cơ quan tình báo Israel Mossad thuật lại chi tiết trong cuốn "Một nhân viên tình báo Israel tố cáo", xuất bản tại Pháp tháng 8/1990.

Gần cuối thập niên 1970, cơ quan tình báo Mossad được thông báo chính xác: Sarcelles, một thị trấn nhỏ nằm phía Bắc Paris, thủ đô nước Pháp được chọn làm nơi gấp rút nghiên cứu làm giàu uranium nhằm chế tạo bom nguyên tử cho Iraq trước khi bước sang thập kỷ 80. Đối với chính quyền Tel Aviv, đây là một mối điên đầu. Tướng Tsy Zamir, người chỉ huy cao nhất của Mossad lập tức ra lệnh giăng lưới.

"Chiến dịch Phượng Hoàng" bắt đầu, nhắm vào con mồi là Butrus Eben Halim, một nhà bác học vật lý nguyên tử lớn của Iraq. 42 tuổi mà vẫn chưa có con, nghĩa là cuộc sống vợ chồng của anh chẳng lấy gì làm hạnh phúc. Đó là một điểm yếu. Với Halim, cuộc sống gia đình đơn điệu, tẻ nhạt luôn làm anh chán nản. Anh phụ trách việc xây dựng lò phản ứng nguyên tử cho IraqSarcelles. Một công việc không lối thoát và luôn luôn phải đề phòng. Theo lệnh của cơ quan tình báo Iraq, anh phải thường xuyên thay đổi lộ trình từ nhà đến nơi làm việc và tuyệt đối không được tiếp xúc với người lạ.

Một lần đón xe ở trạm xe buýt Ville Juif, Halim "tình cờ" bắt gặp một cô gái đúng mốt, rất khêu gợi. Khi anh đến cô ta đã đứng đó. Ít phút sau, một chiếc Ferrari trắng đỗ xịch bên lề và đón cô ta đi mất, mặc kệ cho Halim tiếc ngẩn ngơ. Hình ảnh cô bé tóc vàng cứ bám riết khiến Halim bất chấp lời dặn của cơ quan an ninh, cả tuần liền cứ lặp lại lộ trình cũ và đến trạm xe buýt rất đúng giờ. Riêng bữa nay thì hơi trễ vì chuyến xe buýt trước mà Halim đi bị một chiếc Peugeot hỏng cản đường. Dù vậy, lúc đến trạm đợi chuyến sau, anh vẫn thấy cô bé tóc vàng còn đứng đợi, nôn nóng xem đồng hồ rồi mới khẽ nhún vai bực bội và bỏ đi. Một lát, chiếc xe Ferrari trờ tới. Thấy anh lái xe trắng trẻo bối rối vì không tìm được cô gái, Halim bèn thông báo bằng tiếng Pháp: "Cô ta đi rồi!". Anh lái xe lễ phép hỏi bằng tiếng Anh: "Thưa, ông có biết cô ấy đi về hướng nào không ạ?". "Không, tôi không biết. Xin lỗi nhé, tôi phải đến trạm Madeleine". "Ông cho phép - người lái xe nói bằng giọng biết ơn - Tôi cũng đi về hướng đó. Tôi có thể đưa ông một đoạn".

Trước đó Samira, vợ của Halim được đón tiếp cô Jacqueline, người chào hàng bán một loại nước hoa vừa tốt, vừa rẻ, được đem đến tận nhà, khi mua còn được tặng một món quà. Xiêu lòng, Samira mời cô gái vào nhà nhỏ to tâm sự. Jacqueline thực ra là một nữ điệp viên Mossad tên là Dina. Qua buổi nói chuyện, Dina đã nắm được: Sắp tới, Halim chỉ ở lại Paris làm việc có một mình vì Samira phải bay về Iraq để thăm mẹ bị bệnh nặng đang chờ giải phẫu. Mượn cớ giới thiệu với Samira một cửa hàng làm đầu quen biết, Dina đã hai lần kéo được bà ra khỏi nhà để một nhóm công tác đặt micro nghe lén. Nhờ đó, ngày giờ Samira về Iraq được Mossad xác định. Cô bé tóc vàng với anh chàng Donovan kịp thời xuất hiện ở trạm xe buýt để đưa Halim vào lưới. Trên xe họ trao đổi với nhau vài ba câu xã giao. Halim chỉ biết rằng người lái xe Jack Donovan là người Anh, làm bên xuất nhập cảng, lương khá, thỉnh thoảng cũng vớ được vài món hời.

Những ngày sau, mọi việc lại diễn ra như cũ. Cô bé tóc vàng đứng đợi ở trạm xe buýt và leo lên chiếc xe Ferrari vừa trờ tới. Cả hai gật đầu với Halim và phóng đi. Ngày tiếp theo, Donovan lái xe đến nhưng không có cô gái. Còn sớm chán, Donovan rủ đi uống cà phê và Halim không từ chối. Samira đã về Iraq nên anh chẳng bận gì lắm. Hai người trở nên thân thiết. Một hôm, Donovan ghé tìm anh. Anh ta cương quyết giành quyền trả tiền bữa ăn tối: "Tôi vừa trúng mánh. Những chiếc container cũ, ở đây chỉ đáng vứt đi nhưng qua châu Phi thì có giá lắm. Chúng được tân trang lại thành những căn hộ nho nhỏ bán cho dân nghèo. Anh đi với tôi nhé? Chúng ta sẽ đến Toulon. Ở đó tôi có một nguồn hàng".

Đến Toulon, Donovan cố ý sắp đặt để cho Halim nhận thấy hầu hết các container đều gỉ sét phần đế. Halim liền rỉ tai cho Donovan điều vừa phát hiện và nhờ đó anh ta mua được hơn 1.200 chiếc container với giá hạ(?). Đến tối, 1.000 đôla từ tay Donovan được tuồn vào túi Halim kèm sự cảm ơn rối rít vì "không có anh, chút nữa là tôi bị hớ(!)". Halim nhận tiền và rất hài lòng khi nghĩ rằng Donovan muốn mình cộng tác trong việc làm ăn. Càng hài lòng hơn khi Donovan mời anh về khách sạn Sofitel - Bourbon ở Paris rồi viện cớ bận việc bỏ đi, để anh lại trong phòng với cô Marie Claude Magal duyên dáng…

Hai ngày sau, Donovan trở lại, tiếc rẻ cho biết có một công ty Đức vừa đồng ý bán các ống khí dùng để vận chuyển nguyên liệu phóng xạ trong nghiên cứu y học. Cả một núi tiền, vậy mà khoản này gã lại mù tịt. "Giá mà có một nhà chuyên môn ở đây thì thật là đúng của trời cho". Halim sốt sắng: "Tôi đúng là chuyên môn mà anh đang cần đấy! Xin lỗi vì đã nói dối anh…". Không chút ngần ngại, Halim đã huỵch toẹt hết thân phận của mình. Công ty Amsterdam - nơi bán những ống khí - thực chất là của một nhà thầu Do Thái giàu sụ. Còn chiếc máy bay Learjet đón Halim thì được điều từ Israel tới. Donovan không đi cùng với Halim. Thay vào đó, một chiếc Limousine bóng lộn rước Halim về Amsterdam. "Hai nhà kinh doanh" đang chờ anh ở “công ty” thì một là nhân viên của Mossad, còn người kia là nhà bác học vật lý nguyên tử người Israel Benjamin Goldstein. Ông ta sử dụng hộ chiếu Đức và đem một mẫu ống khí cho Halim xem xét.

Là chuyên gia trong cùng một lĩnh vực, hai nhà bác học nói chuyện rất tương đắc. Goldstein thăm dò: "Thật không ngờ? Có cảm tưởng anh không phải là một nhà buôn mà là… một nhà bác học lừng danh mới đúng". Halim bất ngờ tháo bỏ lớp áo ngụy trang: "Cũng gần như vậy. Tôi là một chuyên gia hạt nhân nguyên tử". Cá đã vào rọ, Donovan tìm cớ thoái thác, để cho các "nhà buôn" mời Halim đi ăn tối.

Tay nhân viên Mossad đặt vấn đề: "Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng các trung tâm nguyên tử sử dụng vào mục đích hòa bình cho các nước thuộc thế giới thứ ba. Trung tâm mà anh đang nghiên cứu xây dựng đúng là một mô hình lý tưởng. Nếu anh đồng ý cung cấp cho chúng tôi một bản đồ án thì mỗi chúng ta sẽ có một gia tài đồ sộ". Halim giãy nảy: "Không được! Việc này rất nguy hiểm". Goldstein trấn an: "Anh chỉ chép lại các bản vẽ thôi mà. Chẳng có gì là nghiêm trọng cả, nhưng lợi nhuận thì kếch sù".

Tối hôm đó, Donovan đưa cho anh 8.000 USD, nói là "phần giúp đỡ kỹ thuật của anh". Ngay sau đó, Halim lại có ngay "nhất dạ đế vương" trong khách sạn cực sang ở Amsterdam.--PageBreak--

Hai ngày sau, Goldstein và tay nhân viên Mossad gặp Halim tại Paris, bày tỏ muốn có ngay những bản vẽ chi tiết. Halim không hề nghi ngờ, sốt sắng cung cấp theo yêu cầu của họ. Nhưng Israel đã quá nôn nóng nên ngày càng đòi hỏi lộ liễu. Halim bắt đầu hoảng hốt, cầu cứu Donovan. Tay này lập lờ: "Chắc là họ nôn nóng vì lợi nhuận đấy. Mà… không chừng CIA cũng nên…!". Halim toát mồ hôi: "Rồi Iraq sẽ treo cổ tôi mất!". Donovan lật bài ngửa: "Đừng quá lo, Halim ạ. CIA họ kín đáo lắm, không như tình báo Israel đâu(!). Tôi cũng có một vài quan hệ với CIA nên tôi biết chắc, họ chỉ muốn biết phản ứng của Iraq khi Pháp đề nghị cung cấp caramel thay quặng uranium đã được làm giàu. Chỉ vậy thôi, và anh có thể yên tâm vì không còn ai quấy rầy".

Vậy là rõ, Halim điếng người, caramel cũng là nguyên liệu cho các lò hạt nhân nguyên tử nhưng không thể dùng chế tạo bom nguyên tử như quặng uranium đã được làm giàu. Chỉ có các cơ quan tình báo mới cần biết đến phản ứng của Iraq trong việc Pháp đề nghị thay đổi loại nguyên liệu này. Thòng lọng đã thắt chặt, Halim biết mình đã không còn đường thoát.

"Thôi được, Iraq chấp nhận uranium chứ không chịu caramel. Ngày kia, nhà vật lý Ai Cập, ông Yahia-el-Meshad sẽ đến đây để kiểm tra dự án và quyết định thay cho Iraq". Vì quá bấn loạn, Halim không hỏi được chuyện có thay được caramel cho uranium hay không. Donovan ra lệnh gác chuyện đó lại và yêu cầu anh tìm hiểu ngày chuyên chở thiết bị nguyên tử từ Sercelles đi Iraq.

Được tin, Mossad phái một toán phá hoại lên đường đến LaSeyne-Sur-mer - nơi thiết bị của các lò phản ứng nguyên tử được chở đi. Toán phá hoại tổ chức một chuyến xe tải giả dạng ôtô chuyên chở động cơ máy bay. Nhóm phá hoại và một nhà bác học (để xác định cụ thể các vị trí để chất nổ ở những thiết bị sắp đưa sang Iraq) núp kín trong một container bằng thép.

Một nhân viên của Mossad được bố trí vào làm lính gác kho thiết bị. Anh ta đã tìm cách đánh cắp được chìa khóa để cho nhà bác học và toán phá hoại đặt chất nổ dẻo vào tâm lò phản ứng nguyên tử ở năm vị trí khác nhau. Lò phản ứng nổ tan tành. Vừa đón vợ từ Iraq trở lại, Halim đã nhận được tin vụ nổ qua radio. Bấn loạn, anh lập tức cùng vợ bay về Iraq. Mossad cũng không tìm cách giữ chân anh lại.

Mục tiêu mới của Mossad là nhà bác học Yahia-el-Meshad. Nhất định phải bắt ông ta đồng ý với đề nghị của Pháp: Thay quặng uranium đã làm giàu bằng caramel để cung cấp cho Iraq. Đầu tháng 6/1980, Meshad đến Paris. Đó là một người cực kỳ nguyên tắc, đừng hòng lừa nổi… Nhưng Meshad lại mắc chứng ác thông dâm. Nhờ nghe lén điện thoại, ngày giờ, số phòng khách sạn mà Meshad đến ở được tình báo Israel ghi lại cẩn thận. Họ quyết định đưa Marie Express, tên thật là Marie Claude Magal - người đã được Donovan thuê tiếp Halim. Cô đã phục vụ theo yêu cầu của Mossad nhiều lần, dù không hề biết mình đang phục vụ ai. Magal đến gặp ông vào ngày 13/6. Một chỉ thị được đưa ra: Hoặc dụ dỗ bằng được sự hợp tác của Meshad, hoặc coi như ông ta đã chết… Nhưng Meshad là một ông già cứng cựa. Những "nhà thương thuyết" vừa gõ cửa đã bị ông ta mắng xa xả và đuổi đi ngay tức khắc, "nếu không tao sẽ gọi cảnh sát".

Sáng hôm sau, người ta phát hiện ra ông già Meshad đã chết cứng trong phòng với một lát cắt rất ngọt đứt lìa cổ. Trong phòng tắm, cảnh sát tìm thấy một chiếc khăn tắm có dính son môi của phụ nữ. Đọc được tin này, Magal hoảng hồn. Cô đi ngay đến cảnh sát, báo cáo tất cả những gì mình biết. Gần một tháng sau, ngày 12/7/1980, cảnh sát được báo tin Magal bị một chiếc Mercedes cán chết khi đang đứng bên vệ đường đón khách!

Bất thành trong việc ngăn cản Iraq chế tạo bom nguyên tử, Mossad quyết định hủy diệt nó. Ngày 7/6/1981, vào lúc 16h, 12 chiếc F15 và F16 từ căn cứ Beersheba (Israel) vượt gần 1.000km, bay đến Tammouz, gần thủ đô Baghdad. Một chiếc Boeing 707 tiếp nhiên liệu cho đội bay ở giữa chặng đường. Những chiếc F15, F16 đều mang theo tên lửa không đối đất Sidwinder, bom phân đoạn và bom điều khiển bằng tia laser. Đội bay bay rà sát mặt đất nên radar của Iraq không phát hiện được. Cách mục tiêu khoảng 600m, họ bất ngờ vọt lên. Nhờ những tài liệu Halim cung cấp, đội bay đã đánh rất trúng đích. Một điệp viên Mossad khác ở dưới đất dùng máy phát cực mạnh hướng dẫn phi hành đoàn. Toàn bộ trung tâm nguyên tử của Iraq bị phá tan tành. Oái oăm thay, tay điệp viên người Pháp không hiểu sao còn kẹt lại trong nhà máy và trở thành nạn nhân duy nhất chết trong vụ ném bom này!

Thiên Lương
.
.