Chiến dịch săn lùng tài liệu tuyệt mật "Package" của KGB

Chủ Nhật, 13/09/2009, 22:50
Trong Chiến tranh lạnh, cuộc đối đầu của các cơ quan mật vụ Khối hiệp ước Warsaw và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) luôn được đánh giá là một trong những mặt trận "nóng bỏng" nhất. Không phải ngẫu nhiên, phần lớn các điệp vụ táo bạo và đặc biệt nhất lại diễn ra trong thời gian này. Chiến dịch truy lùng thông tin về bộ tài liệu siêu mật "Package" của KGB là một trong những ví dụ như vậy…

Mục tiêu phải đạt được bằng mọi giá!

Vào thời kỳ cao điểm của Chiến tranh lạnh, tình báo Xôviết có được một số thông tin cho biết, trên những chiếc tàu thương mại của nhiều quốc gia thành viên trong NATO được trang bị một bộ tài liệu tuyệt mật có tên "Package". Bộ tài liệu trên chỉ được cấp cho những con tàu đáp ứng một số tiêu chuẩn đặc biệt như: chuyên vận chuyển các nguyên liệu có ý nghĩa chiến lược như dầu mỏ, than v.v....; tàu phải có hệ thống dẫn đường hiện đại và có tải trọng không dưới 60 ngàn tấn; kinh nghiệm hàng hải của thuyền trưởng và thuyền phó trên tàu không dưới 10 năm.

Ngoài ra, tài liệu "Package" còn quy định không được giao cho những con tàu mà thuyền trưởng hay thuyền phó là người Hy Lạp. Theo giới lãnh đạo NATO, do người Hy Lạp thường theo Chính thống giáo, nên người Nga dễ dàng tiếp cận và tuyển mộ những thành phần có cùng tín ngưỡng hơn.

Theo những nguồn tin ban đầu, trong bộ tài liệu "Package" có những mệnh lệnh hướng dẫn hoạt động của tàu và thủy thủ đoàn trong trường hợp nảy sinh nguy cơ xung đột hạt nhân - trong có liệt kê danh sách những cảng biển, ngân hàng, cơ quan tài chính thuộc về các thành viên hay đồng minh bí mật của NATO có thể tận dụng được sự giúp đỡ khi có tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, "Package" còn chứa nhiều tài liệu hướng dẫn quan trọng khác như: cách tránh nguy cơ bị cầm giữ tại các bến cảng của Liên Xô và các nước đồng minh của họ; những biện pháp cần áp dụng khi gặp phải tàu ngầm Xôviết tại những vùng biển trung lập; những lộ trình có khả năng tới những bến cảng an toàn. Nhưng điều quan trọng nhất là trong "Package" có một cuốn sổ tay ghi lại toàn bộ mật mã hiện hành của NATO trong vòng 2 năm.

Việc đánh mất "Package" hay tiết lộ tài liệu trong đó mà không được phép của giới lãnh đạo NATO được xếp vào loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm đối với quốc gia, cần phải trừng phạt theo những đạo luật thời chiến. Phạm nhân nhẹ nhất cũng phải chịu một án tù lâu dài. Những quan chức có khả năng tiếp cận "Package" để tránh nguy cơ tiếp xúc với tình báo Xôviết luôn phải nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của phản gián các nước trong NATO, thường xuyên phải trải qua các thủ tục kiểm tra, trong đó có cả qua máy phát hiện nói dối.

"Package" có thể coi là một thành quả nghiên cứu lâu dài của bộ máy quân sự tại NATO, cũng như nhiều cơ quan khác tại phương Tây. Nếu có được nó, Moskva không chỉ đánh giá chính xác được khả năng đối thủ chính của mình trên trường quốc tế, mà còn xác định được mức độ hiểu biết của mật vụ NATO về những bước chuẩn bị của phương Đông cho một cuốn chiến tranh giả thuyết trong tương lai. Hơn nữa, thông tin trên còn giúp hoàn thiện phương pháp mã hóa các chương trình quân sự của Liên Xô và các nước trong Khối hiệp ước Warsaw, đồng thời giúp làm rõ những kênh rò rỉ thông tin trong nội bộ.

Nói tóm lại, "Package" là một trong những mục tiêu hàng đầu của mật vụ các nước trong khối Warsaw, đặc biệt những quốc gia có bến cảng những con tàu được trang bị tài liệu trên của phương Tây thường xuyên ra vào. Một yêu cầu đặc biệt quan trọng nữa là phải bí mật khai thác được tài liệu trên mà NATO không thể biết. Đơn giản là các chiến lược gia của tổ chức này sẽ nhanh chóng thay đổi các chỉ thị, hướng dẫn và mật mã một khi biết được tài liệu bí mật này đã rơi vào tay đối phương. Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô đã đi đến kết luận, cách tốt nhất để đạt được tất cả những mục đích trên là thiết lập được mối quan hệ cộng tác tình báo dài hạn với những đối tượng về sau có khả năng tiếp cận với "Package".

Cơ hội đầu tiên

Vào một đêm mùa đông trên vùng biển Barents, nằm không xa bờ biển Liên Xô, có một chiếc tàu của Anh gặp nạn. Con tàu xấu số giữa đêm giông bão đã va vào một tảng băng, bị thủng và đắm ngay sau đó. Gần nơi xảy ra thảm kịch có một khu trục hạm và một tàu ngầm của Hạm đội Biển Bắc Xôviết vừa quay trở về sau một ca trực chiến. Cả hai tàu đều vội vã tới nơi phát tín hiệu SOS của tàu Anh, nhưng tất cả đều quá muộn. Các thủy thủ Xôviết chỉ cứu được hai thành viên từ con tàu bị đắm, nhưng họ cũng tắt thở ngay sau đó do cơ thể bị lạnh cóng trong nước biển mùa đông. Một trong hai người này là viên thuyền phó trong cơn mê sảng trước khi chết còn thường xuyên lặp lại từ "Package".

Khi quay trở về căn cứ, thuyền trưởng tàu khu trục ngay lập tức báo cáo lên cấp trên về vụ cứu hai thủy thủ người Anh. Chỉ hai giờ sau, Moskva đã nắm được hết mọi chi tiết về con tàu bị đắm, cả những lời nói trước khi chết của viên thuyền phó. Con tàu đắm trên biển Barents là chiếc tàu chở quặng, được xếp vào loại có trang bị bộ tài liệu "Package".

Thế là một nhóm sĩ quan cao cấp của KGB lập tức bay từ Moskva tới Murmansk, tổ chức ra một phân đội thợ lặn chuyên nghiệp. Ngay sớm hôm sau, tất cả đã có mặt ở vị trí con tàu đắm, bất chấp biển vẫn đang động. May mắn là con tàu chìm ở độ sâu không quá lớn. Kết quả lặn tìm nhiều giờ liên tục đã có kết quả: chiếc két sắt của viên thuyền trưởng đã được đưa lên khỏi mặt nước. Trong đó ngoài các tài liệu của riêng con tàu, còn có cả "Package" được bọc bằng lớp vỏ policlovinyl và có dấu niêm phong bằng sáp. Tuy nhiên vì quá hấp tấp và thiếu thận trọng, các quan chức có mặt sau đó đã dùng dao rạch vỏ bọc của tài liệu mà không ngờ rằng trong đó đã có một cơ chế bảo vệ bí mật. Hậu quả là một ngọn lửa trắng bùng lên rất mạnh, thiêu rụi toàn bộ tài liệu chỉ sau vài giây.

Chiến thuật tuyển mộ thành công

Nhiều năm tiếp tục trôi qua, phần lớn các tướng lĩnh lập kế hoạch săn lùng "Package" đều đã về hưu, nhưng bộ tài liệu này vẫn là một thách thức với cộng đồng tình báo Xôviết. Ủy ban An ninh quốc gia cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi chiến thuật, cụ thể là phải tuyển mộ được một nhân vật lãnh đạo trên các tàu của NATO.

Tướng Karpov, người chuyên trách phối hợp các hoạt động săn lùng "Package", đã ra lệnh lập danh sách tất cả những tàu NATO thuộc loại có sở hữu "Package" thường xuyên ra vào các cảng biển của Liên Xô. Tổng cục I (Bộ phận tình báo đối ngoại của KGB) được giao nhiệm vụ khai thác thông tin chi tiết về tình hình tài chính của các thuyền trưởng, thuyền phó của những tàu có "Package", thành phần gia đình các thủy thủ, thói quen và tính nết của họ - nói tóm lại là tất cả những gì có khả năng giúp cho việc tuyển dụng.

Tàu chở dầu Genova.

Một ngày nọ, trên bàn của tướng Karpov xuất hiện một bức điện cho biết, ngày 12/10 sẽ có một tàu chở dầu cực lớn của Italia có tên Genova sẽ ghé vào cảng Novorossisk để vận chuyển 150 tấn dầu thô - đây là loại tàu chắc chắn có trang bị tài liệu "Package". Một kế hoạch rất chi tiết đã được tướng Karpov và các đồng nghiệp xây dựng ngay sau đó có tính tới một loạt những yếu tố cả khách quan và chủ quan. Đầu tiên là vào thời điểm tháng 10, tại vùng vịnh Novorossisk thường xuyên có bão gió lớn - các con sóng nhiều khi cao bằng cả ngôi nhà ba tầng.

Trong hoàn cảnh này, mỗi một con tàu tới đây dù đã thả neo cũng không tránh được khả năng dịch chuyển theo hướng vuông góc với cảng. Bản thân hoa tiêu cũng khó có thể theo dõi và nhớ được tất cả những lần dịch chuyển như vậy. Thứ hai là các cơ quan mật vụ NATO, cũng như thuyền trưởng các tàu có "Package" đều biết rõ dọc theo bờ Biển Đen (trong đó có cả phần đáy của vịnh Novorossisk) có một đường cáp thông tin chiến lược nối liền Bộ Tham mưu hạm đội Biển Đen tại Sevastopol tới căn cứ hải quân Poti. Thứ ba theo các điều khoản của Hiệp ước La Haye, việc làm hư hỏng các phương tiện liên lạc có ý nghĩa quốc gia sẽ phải chịu khoản tiền phạt rất lớn - 100.000 USD cho mỗi ngày đường cáp không thể hoạt động. Thuyền trưởng những con tàu phạm phải điều này sẽ bị tạm giữ, còn tài sản sẽ bị tịch thu để đền bù cho phí tổn của Hãng Bảo hiểm Lloyd, do hãng này sẽ phải chi trả những khoản tiền rất lớn cho bên bị hại. 

Nói tóm lại, KGB sẽ tận dụng tất cả những điều kiện trên để buộc tội Domeniko Giappa, thuyền trưởng tàu Genova, vì tội khi thả neo đã làm hư hại đường cáp chiến lược của Liên Xô. 

Ngày 11/10, tướng Karpov cùng với một nhóm sĩ quan KGB (trong đó có một người rành tiếng Italia) đã có mặt tại cảng Novorossisk. Điều kiện thời tiết "không thể tồi tệ hơn" theo dự báo sẽ còn diễn ra tại đây cả tuần càng giúp cho chủ nhà có cơ sở thuyết phục viên thuyền trưởng Italia rằng, neo tàu của ông ta đã làm hỏng cáp, trước khi có thể khuyên đánh đổi những rắc rối lớn sau đó bằng những gì có trong "Package".

Không bao lâu sau khi cập cảng, thuyền trưởng Domeniko Giappa đã được gọi lên văn phòng điều hành của cảng. Tuy nhiên, viên thuyền trưởng đã tỏ ra rất cứng rắn trước những lời buộc tội. Ông ta bác bỏ mọi cáo buộc về việc con tàu làm hỏng cáp, đồng thời đòi hỏi phải có giám định của một ủy ban độc lập, với thành phần có cả đại diện của Tòa án La Haye, Hãng Bảo hiểm Lloyd và cả các chuyên gia quân sự của NATO. Trước tình hình này, KGB quyết định chuyển hướng sang viên thuyền phó thứ nhất - công dân Ali Mohammed Samantar của Somali. Để sử dụng cho mục tiêu này, KGB phải triệu đến một điệp viên của mình là Benjamin, một sinh viên châu Phi tại Trường đại học Tình hữu nghị các dân tộc. Benjamin sẽ đóng vai một thương gia tới Novorossisk để thuê tàu biển. Thế là một màn kịch mới đã được dàn dựng sẵn để chờ viên thuyền phó chiếc tàu Genova.

Thành công vượt cả mong đợi

Trong nhà hàng của khách sạn "Sovetskaya" có hai người đàn ông da đen đang ngồi uống rượu. Ban đầu câu chuyện giữa hai người chủ yếu là thì thầm to nhỏ. Nhưng một người sau đó - chính là thuyền phó Samantar - đã quá chén bắt đầu to tiếng chỉ trích Liên Xô, tiếp đó cả Hiệp ước La Haye đã đưa ra những quy định quá khắt khe khiến tàu của anh ta "gặp hạn". Còn người kia, không ai khác chính là Benjamin, vẫn thỉnh thoảng chêm vào vài câu rồi lặng lẽ chuốc rượu cho bạn nhậu. 

Khi Samanta đã gần như không biết gì nữa, thì một nhóm cảnh sát địa phương đi vào. Mọi chuyện sau đó được dàn dựng tương tự như vụ cãi vã của những vị khách nước ngoài gây mất trật tự với cảnh sát, và sau cùng là một vụ ẩu đả. Khi Samantar tỉnh dậy trong nhà tạm giam, anh bạn mới quen Benjamin đã có mặt và thông báo một chuyện động trời: viên thuyền phó trong lúc ẩu đả đã đánh chết một sĩ quan cảnh sát. Benjamin cho biết, mình đã được trả tự do sau khi nộp khoản tiền thế chân 100.000 USD.

Samantar chỉ biết lắc đầu tuyệt vọng, khi lương của anh ta trong cả năm cũng không đủ được số tiền đó. Suy nghĩ một hồi, viên thuyền phó chợt thổ lộ: "Ben, tôi rất tin tưởng anh... Bây giờ anh có thể biết một điều mà tôi thật ra không có quyền nói ngay cả với người thân thiết nhất. Trong bộ tài liệu "Package" trên tàu có nhiều bí mật của NATO...". Benjamin làm như không quan tâm tới câu chuyện trên, nhưng trên quan điểm thực dụng của một thương gia, anh ta khuyên bạn mình đem bí mật trên trao đổi với người Nga để được trả tự do.

Tuy nhiên theo Samantar, nếu đưa luôn cho người Nga toàn bộ "Package", anh ta cũng không thể thoát khỏi án tù nghiêm khắc khi trở về Italia. Thế là Benjamin được nhờ thuyết phục các quan chức chủ nhà chỉ "mượn tạm" vài tiếng. Để đổi lại, Samantar tiết lộ thêm một bí mật rất quan trọng: "Package" chỉ có thể mở được trong một buồng chân không đặc biệt không có oxy, nếu không nó sẽ tự động cháy thành tro ngay.

Với những hướng dẫn tỉ mỉ trên, các chuyên gia từ Cục Kỹ thuật tác chiến của KGB cũng phải mất tới gần 6 tiếng để khám phá, mở được "Pakage" và sao chép toàn bộ thông tin. Chưa kể họ còn mất gần một giờ nữa để phục hồi gói tài liệu trở nên nguyên trạng như chưa từng được mở. Tướng Karpov sau đó đã trực tiếp mang ngay những thông tin sao chép được về Moskva. Nhờ chiến dịch trên, KGB không chỉ nắm được tất cả những bí mật của "Package", mà còn tuyển mộ được một điệp viên mới trong giới lãnh đạo ngành hàng hải của NATO - Ali Mohammed Samantar về sau tiếp tục hoạt động trong nhiều năm cho Moskva với mật danh "Nhà tiên tri"

Thái Quân (tổng hợp)
.
.