Chiến dịch thông tin giả xuất sắc của KGB trong chiến tranh lạnh

Thứ Ba, 27/03/2012, 14:25
Tháng 3/1981, theo sáng kiến của chỉ huy bộ phận của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại Nga là Gardner Hathaway, một sĩ quan tình báo trẻ đầu tiên của Mỹ đã đặt chân tới Moskva trong khuôn khổ một dự án thử nghiệm mới có tên "Lỗ hổng sạch". Về sau, các nhân viên phản gián Xôviết đã gọi những nhân vật thuộc loại này là "điệp viên có vỏ bọc sâu" hay "hoa tuyết".

Có một câu chuyện dài về nguyên nhân dẫn tới việc CIA quyết định triển khai những điệp viên loại này trong chiến dịch "Lỗ hổng sạch". Nhưng người Mỹ không thể ngờ rằng, đó cũng là cơ sở ban đầu để giúp cho KGB đạo diễn thành công một trong những chiến dịch thông tin giả thành công nhất trong lịch sử Chiến tranh lạnh.

Mọi chuyện bắt đầu từ khi Hathaway, sau một thời gian lãnh đạo bộ phận tình báo Mỹ tại Moskva, đã nhận ra rằng, các điệp viên của ông ta trên thực tế gần như đã đánh mất khả năng rời khỏi tòa nhà đại sứ quán mà không bị phát hiện. Mỗi lần ra ngoài, các nhân viên CIA bằng các biện pháp nghiệp vụ của mình không quá khó khăn để nhận ra rằng, bản thân đang bị theo dõi chặt chẽ. Trong khi đó, các nhân viên ngoại giao thuần túy đảm nhiệm những cương vị nhỏ tại đại sứ quán lại có thể tự do đi lại mà không hề bị giám sát.

Một trong những nguyên nhân khiến cho KGB luôn biết được những ai cần phải theo dõi là do các điệp viên luôn làm việc tại những căn phòng dành riêng cho CIA. Ngoài ra, phần lớn các điệp viên CIA khi tới Moskva đều đã ở cái tuổi 40-45, đã kịp đảm nhiệm sứ mạng của mình tại một số quốc gia khác nên về cơ bản đều đã "lộ sáng". Thông thường, phản gián Xôviết không lâu trước khi một điệp viên CIA đặt chân tới Moskva đều đã có được thông tin khá chi tiết về nhân vật này. 

Lỗ hổng nguy hiểm

Ý tưởng làm nảy sinh dự án thử nghiệm mới của Hathaway là ở nhận định cho rằng, một điệp viên mới toanh của CIA (trước đó chưa bao giờ làm việc tại nước ngoài) chắc chắn sẽ khó bị phát hiện hơn nhiều - đặc biệt nếu như anh ta trẻ hơn (chỉ từ 30 đến 35), không thường xuyên tham gia vào "trò chơi" hàng ngày của các đồng nghiệp, không tới các gian phòng dành cho CIA mà suốt ngày chỉ đảm nhiệm những công việc đơn thuần của đại sứ quán.

Tất nhiên, một điệp viên đặc biệt thuộc loại "Hoa tuyết" như vậy chỉ được sử dụng trong những thời khắc quyết định, giúp đảm bảo chắc chắn anh ta sẽ không bị theo dõi. Các "Hoa tuyết" theo như yêu cầu cần phải xuất hiện nhanh chóng tại địa điểm cần thiết vào đúng thời gian cần thiết, hành động xuất quỷ nhập thần. Sự dính dáng của họ đến hoạt động tình báo chỉ được thông báo tại trụ sở CIA, bộ phận điều hành trực tiếp và cho đại sứ Mỹ tại Moskva.

Dự án "Lỗ hổng sạch" của Hathaway nhanh chóng được chuẩn y với đối tượng đầu tiên được lựa chọn là một sĩ quan trẻ có tên Edward Lee Howard, người đã đáp ứng được tất cả những yêu cầu khắt khe được đặt ra đối với một ứng cử viên ở vị trí này. Do khó có thể dự đoán được những tình huống phức tạp mà Howard có thể sẽ phải đương đầu tại Moskva, anh ta đã được thông báo không chỉ về tất cả những chiến dịch quan trọng nhất của CIA tại Moskva, mà còn về những nguồn tin được bảo vệ kỹ càng nhất, trong đó có cả Adolf Tolkachev, một công trình sư hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học Phazotron thuộc Bộ Công nghiệp vô tuyến điện Liên Xô.

Tuy nhiên, Howard đã không có cơ hội được tung sang Moskva, sau khi thủ tục kiểm tra qua máy phát hiện nói dối vào tháng 5/1983 đã cho thấy, anh ta đã gian lận khi trả lời câu hỏi về chuyện sử dụng ma túy trong thời gian còn phục vụ trong quân đội. Không những không được tới Liên Xô, Howard còn bị sa thải khỏi CIA mà không cần giải thích nguyên nhân.

Lệnh truy nã Edward Lee Howard của FBI.

Cùng với cô vợ Mary, Horward chuyển tới sống tại thị trấn El-Dorado gần Santa Fee (thủ đô bang New Mexico), tìm kiếm được một công việc thích hợp là chuyên viên kinh tế tại Hội đồng lập pháp bang. Tuy nhiên, Howard đã không thể nuốt trôi mối hận đối với giới lãnh đạo CIA. Anh ta bắt đầu sa vào chuyện rượu chè, hàng đêm gọi điện cho các đồng nghiệp cũ, bày tỏ sự bất bình cũng như chỉ trích các quan chức CIA. Có thể nói, "mối thâm thù" trên đã khiến cho Howard rơi vào trạng thái trầm cảm nặng.

Tháng 2/1984, trong một lần cãi lộn tại quán bar, Howard rút súng lục và bắn lên trần nhà. Anh ta phải ra tòa, nhận bản án 5 năm tù treo cùng với việc bị bắt chữa bệnh quản thúc tại một bệnh viện tâm thần. Tất cả những rủi ro trên cùng với chứng bệnh trầm cảm đều được Howard đổ lỗi cho CIA. Sau 3 tháng chữa trị, Howard đã vi phạm lệnh cấm đi lại, bay tới châu Âu tham gia một khóa điều trị phục hồi.

Ngày 21/9/1984, Howard tới Vienna, bước chân vào Lãnh sự quán Liên Xô, bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng chia sẻ thông tin mật về hoạt động của CIA dưới vỏ bọc của Đại sứ quán Mỹ tại Moskva. Howard đề nghị vỏn vẹn có 150.000 USD cho "dịch vụ đặc biệt" của mình. Thỏa thuận nhanh chóng được thực thi. Howard có được khoản tiền theo yêu cầu, còn phần của KGB là những thông tin đặc biệt quan trọng - trong đó đáng chú ý có dữ liệu về Tolkachev, về dự án "Lỗ hổng sạch", lúc này đã trở thành một thủ đoạn được CIA thường xuyên áp dụng tại Moskva. Howard gửi số tiền trên vào một tài khoản bí mật tại một ngân hàng Thụy Sĩ.

Chiến dịch “múa vòng tròn”

Có được những bằng chứng đầu tiên từ Howard, Cơ quan Phản gián Xôviết đã thận trọng rà soát lại tất cả các chương trình và dự án khoa học mà công trình sư Tolkachev đã được tiếp cận tại trung tâm Phazotron, những thông tin liên quan đến các bí mật quân sự và quốc gia khác mà hắn đã quan tâm. Ước tính trong vòng 5 năm, đã có một số lượng rất lớn các tài liệu có dấu "Tuyệt mật" hay "Đặc biệt quan trọng" đã qua tay Tolkachev. Điều này cũng có nghĩa là, rất nhiều những thành quả nỗ lực của các nhà khoa học Xôviết đã bị Tolkachev bán rẻ cho người Mỹ.

Nhưng rồi tâm trạng kinh hoàng từ hậu quả vụ án gián điệp này cũng đến lúc phải được thay thế bằng sự tính toán tỉnh táo. Trung tâm ra lệnh phải soạn thảo một loạt các biện pháp đối phó nhằm làm vô hiệu hóa Tolkachev hay ít nhất làm giảm tối thiểu những thiệt hại mà hắn đã gây ra. Mục tiêu này đã khiến cho các quan chức KGB quyết định sử dụng những kịch bản của chiến dịch "Múa vòng tròn" rất thành công trong quá khứ.

Còn nhớ, chiến dịch giả tuyên truyền đầu tiên có tên gọi "Múa vòng tròn" của tình báo Xôviết đã được triển khai hết sức thành công vào năm 1955. Không hề nói quá khi khẳng định, thành công của chiến dịch đã giúp cho Liên Xô đi trước Mỹ cả một thập kỷ trong lĩnh vực chế tạo tên lửa và chinh phục vũ trụ.

Trong thời gian một cuộc diễu hành của lực lượng không quân vào tháng 8/1955 (có sự tham gia chứng kiến của hàng loạt các nhà ngoại giao và tùy viên quân sự phương Tây), trong khoảng 20 phút liên tục có các phi đội máy bay ném bom hạng nặng kiểu mới diễu qua trên bầu trời Quảng trường Đỏ. Điều này khiến cho giới chức phương Tây tưởng rằng, Liên Xô đang sở hữu hàng chục, thậm chí hàng trăm chiếc máy bay ném bom siêu nặng hiện đại này. 

Trên thực tế, Liên Xô chỉ triển khai duy nhất một phi đội các máy bay "khủng" trên, lượn vòng tròn để cứ khoảng 3 phút lại xuất hiện trên đầu những quan chức phương Tây đang hết sức kinh ngạc. Mục tiêu chính của hành động nghi binh trên là để khiến cho phương Tây có cảm tưởng rằng, Liên Xô đang tập trung xây dựng lực lượng tiến công chiến lược của mình bằng cách tập trung chế tạo một số lượng lớn các máy bay ném bom hạng nặng. Trong khi, Moskva thực ra lại đang ráo riết nghiên cứu chế tạo các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. 

Trò lừa trên đã thành công mỹ mãn. Người Mỹ - mặc dù lúc đó đã có trong tay gần như toàn bộ công nghệ sản xuất tên lửa của Đức và cả công trình sư nổi tiếng Wernher Von Braun - đã quyết định chuyển trọng tâm đầu tư từ tên lửa sang chế tạo máy bay và các phương tiện phòng không. Mục tiêu là để có thể chống lại lực lượng máy bay ném bom siêu nặng hùng hậu của Liên Xô một khi chiến tranh bùng nổ.

Chính vì vậy, việc Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào tháng 10/1957 đã làm cho chính quyền và Cơ quan Mật vụ Mỹ bị sốc thực sự. Họ không thể tin được, làm sao Liên Xô có thể hồi phục nhanh như thế sau chiến tranh, có thể chế tạo được một loại tên lửa đẩy mạnh đến như vậy. Nhưng đỉnh cao thành công của chiến dịch giả tuyên truyền trên là ngày 12/4/1961, khi người đầu tiên bay lên vũ trụ là người Nga, chứ không phải Mỹ. 

Một tuần sau sự kiện này, ông chủ CIA Allan Dulles đã bị cách chức. Nguyên nhân chính thức được đưa ra là nỗ lực bất thành của ông ta trong việc lật đổ chế độ Cộng sản tại Cuba. Nhưng các quan chức cao cấp Mỹ đều hiểu rõ rằng, Tổng thống Kennedy không thể tha thứ cho Dulles vì những tính toán sai lầm của ông ta 6 năm về trước và sự lạc hậu trong lĩnh vực chế tạo các hệ thống vũ trụ. Chiến dịch "Múa vòng tròn" được đánh giá là một ví dụ kinh điển của hoạt động phản gián và giả tuyên truyền của tình báo Xôviết.

Trò chơi "Gậy ông đập lưng ông"

Để triển khai một phiên bản mới của chiến dịch "Múa vòng tròn", việc đầu tiên là phải biến Tolkachev thành một kênh cung cấp thông tin giả, hoặc thậm chí những thông tin được xây dựng có chủ ý nhằm đưa tiến trình nghiên cứu của đối phương vào bế tắc, làm tổn phí thời gian, tiền bạc của họ. Dự tính này không phải là quá khó, nếu tính tới việc Tolkachev đã giành được lòng tin gần như tuyệt đối của người Mỹ sau hàng loạt những thông tin đặc biệt quý giá mà hắn đã cung cấp.

Nói một cách ví von, Tolkachev đã trở thành một "trái bóng" trong một trận đấu giữa hai đội kình địch - một bên là KGB, còn bên kia là CIA và cả tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Nước cờ cao của KGB là ở chỗ, họ không bắt giữ ngay Tolkachev, mà tiếp tục sử dụng hắn để chơi trò "gậy ông đập lưng ông" với CIA. 

Trước khi chính thức bị bắt giữ, CIA đã "tích lũy" hơn 5 triệu USD vào các tài khoản của Tolkachev tại những ngân hàng Mỹ. Số tiền tưởng  lớn như trên vẫn được coi là quá rẻ nếu so với những lợi ích mà Tolkachev đã đem lại cho người Mỹ trong việc tiết kiệm được tiền bạc và thời gian nghiên cứu khoa học. Trong lịch sử của mình, CIA chưa bao giờ có được một điệp viên có "giá trị kinh tế cao" đến như thế - ước tính người này đã đem lại cho Washington khoản tiền lời hơn 100 tỉ USD. Chưa kể người Mỹ còn chia sẻ những thông tin quý báu từ Tolkachev cho đồng minh chủ chốt của họ tại Trung Đông là Israel.

Adolf Tolkachev khi bị bắt giữ.

Đối thủ chính của quốc gia Do Thái này là các nước Arập, nơi có 99% số máy bay quân sự có nguồn gốc từ Liên Xô. Các nước Arập nhanh chóng nhận ra sự thua kém nhanh đến bất ngờ của các máy bay Xôviết trước hệ thống phòng không của Israel. Nhiều hợp đồng trị giá tiền tỉ mua máy bay và phương tiện phòng không của Liên Xô đã bị các nước Arập hủy bỏ.

Qua nghiên cứu hệ thống các thẻ mượn sách thư viện của Tolkachev, cơ quan phản gián xác định được rằng, tên gián điệp này từ năm 1981 đã có sự quan tâm đặc biệt tới công nghệ chế tạo máy bay tàng hình của Liên Xô. Cũng chính vào thời điểm này, Mỹ bắt đầu đẩy mạnh dự án "Stealth" nhằm chế tạo máy bay tàng hình. Liên Xô khi đó lại đang vượt trước Mỹ một khoảng cách đáng kể trong lĩnh vực này.

Thế là trong suốt 9 tháng (từ 10/1984 đến 6/1985), Tolkachev đã vô tình cung cấp cho các ông chủ bên kia đại dương một loạt thông tin đã được chế biến sẵn theo "thực đơn" KGB đã đặt hàng từ các phòng thí nghiệm khoa học của Liên Xô. Kết quả là Washington phải mất nhiều năm cùng số lượng lớn các phí tổn mới biết mình bị ăn quả lừa. Phải mất đến 8 năm, những chiếc máy bay tàng hình theo công nghệ "Stealth" mới được triển khai ứng dụng lần đầu tiên trong chiến dịch "Bão táp sa mạc" chống lại Iraq vào năm 1991. Còn tên phản bội Tolkachev bị bắt giữ vào tháng 6/1985 và phải nhận bản án tử hình một năm sau đó

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.