Chiến lược của Nga qua hợp đồng vũ khí với Iran và Syria

Chủ Nhật, 03/10/2010, 22:50
Nga đã xác nhận rằng, họ sẽ không giao tên lửa phòng thủ cho Iran do sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và Israel. Tướng Nikolai Makarov, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của Nga cho báo giới Nga biết rằng hệ thống tên lửa S-300 có độ chính xác cao vi phạm các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc (LHQ) với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký sắc lệnh cấm bán S-300 cho Iran. Sắc lệnh ghi rõ: "Cấm xuất khẩu các loại vũ khí sau đây sang Iran: xe tăng chiến đấu, xe bọc thép, các hệ thống pháo và súng nòng lớn, máy bay chiến đấu, tên lửa và hệ thống tên lửa theo định nghĩa của LHQ về các loại vũ khí quy ước và hệ thống tên lửa phòng thủ S-300".

Với sắc lệnh này, Nga cho thấy họ cam kết tuân thủ chặt chẽ lệnh cấm vận lần thứ tư của LHQ đối với Iran được thông qua hồi tháng 6. Thực tế, ngay sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua lệnh cấm vận chống Iran, các quan chức Pháp cho biết Thủ tướng Nga Vladimir Putin nói với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy rằng, Moskva sẽ ngừng hợp đồng bán S-300 cho Iran bất chấp trước đó Nga cho rằng hệ thống tên lửa này không nằm trong danh mục vũ khí cấm của LHQ.

Nhà Trắng đã hoan nghênh quyết định của Nga ngừng bán S-300 cho Iran với tuyên bố: "Quyết định của Nga tiếp tục cho thấy Nga và Mỹ vẫn tiếp tục hợp tác chặt chẽ vì lợi ích chung của chúng ta và an ninh toàn cầu".

Iran tỏ ra ngạc nhiên vì quyết định vào phút chót của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Ahmad Vahidi cho rằng không có "những diễn biến mới" nào liên quan đến hợp đồng này. S-300 là hệ thống tên lửa phòng thủ tầm xa di động có khả năng bảo vệ cùng một lúc nhiều mục tiêu và phá hủy tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình cũng như trực thăng và máy bay. Iran công bố một hợp đồng 800 triệu USD vào năm 2007 với Nga về hệ thống tên lửa này. Nga từng xem hợp đồng này là biện pháp cân bằng quan hệ giữa phương Tây với Iran.

Giờ đây, Iran cho biết sẽ tự sản xuất hệ thống tên lửa tương tự như S-300 của Nga. Tuy nhiên, thách thức với họ là hệ thống định hướng tên lửa và thiếu chuyên môn trong lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh Iran bị cấm vận hầu hết các sản phẩm công nghệ cao.  Mỹ và Israel biện hộ rằng Iran dùng hệ thống tên lửa này để bảo vệ các cơ sở hạt nhân của mình. Israel còn cho rằng Iran có thể để loại vũ khí này lọt vào tay của nhóm Hezbollah ở Liban vốn được Iran ủng hộ.

Với Iran thì như thế, nhưng với Syria, Nga đã bác bỏ mọi áp lực của Mỹ và Israel về việc bán tên lửa chống tàu chiến cho Damascus. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov nói: "Tất cả vũ khí trong các hợp đồng đã ký giữa Nga với Syria sẽ được giao vào cuối năm nay".

Theo hợp đồng ký năm 2007, Nga sẽ bán nhiều tên lửa mang tên P-800 Yakhont trị giá hơn 300 triệu USD cho Syria. Tên lửa này có tầm bắn 300km, mang đầu đạn 200kg có thể phá hủy mục tiêu cao vài mét trên mặt nước nên cực kỳ khó bị phát hiện và đánh chặn. Mỹ và Israel cho rằng việc Nga bán các loại vũ khí hiện đại cho Syria, đồng minh của Iran, có thể làm mất ổn định tình hình Trung Đông khi các loại vũ khí này rơi vào tay của các nhóm khủng bố.

Israel cho biết một loại tên lửa tương tự do Iran bán cho Hezbollah đã được Hezbollah bắn vào tàu chiến Israel trong cuộc chiến tại Liban năm 2006 làm 4 binh sĩ Israel thiệt mạng.

Theo các chuyên gia Israel, tên lửa Yakhont có thể được các chiến binh Hồi giáo sử dụng chống các tàu Israel đang tuần tra ở Địa Trung Hải, đồng thời đe dọa nghiêm trọng các tàu hải quân Israel đóng tại Haifa và Ashdod.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lưu ý là các tên lửa chống tăng của Nga bán trước đó cho Syria đã nhiều lần lọt vào tay Hezbollah và được sử dụng chống lại quân đội Israel trong chiến dịch tấn công của Israel vào Liban năm 2006.

Tên lửa P-800 Yakhont.

Phía Nga đã bác bỏ lo ngại này khi cho rằng trong hợp đồng có điều khoản cấm chuyển giao vũ khí cho bên thứ ba. Ngoài ra, theo một chuyên gia về buôn bán vũ khí của Nga, những hệ thống tên lửa chống hạm di động mà Nga bán cho Syria có thể được sử dụng để bảo vệ một cơ sở hải quân của Nga gần cảng Tartus thuộc khu vực biển Địa Trung Hải của Syria.

Đây là cơ sở để Nga bảo dưỡng và cung cấp hậu cần cho các con tàu của mình. Căn cứ gần Tartus là cơ sở quân sự duy nhất của Nga ở khu vực biển Địa Trung Hải. Nga có kế hoạch hiện đại hóa cơ sở này để có thể tiếp đón những chiếc tàu chiến lớn hơn, trong đó có tuần dương hạm mang tên lửa và thậm chí là cả tàu sân bay sau năm 2012.

Israel đã cử một phái đoàn do Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak tới Nga thuyết phục nước này ngừng bán vũ khí cho IranSyria. Ông Barak thúc giục Nga không cung cấp cho Syria những loại vũ khí có thể thách thức sức mạnh quân sự của Israel.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Geoff Morrell cho biết, khi gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serdyukov tại Washington mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Gates nêu vấn đề bán vũ khí một cách rộng rãi.

Ông Gates nói, Mỹ hiểu rằng phía Nga có quyền bán vũ khí nhưng Washington mong Moskva tính đến việc phân loại vũ khí theo các nhánh chiến lược.

Syria luôn bác bỏ tin tức nói rằng, nước này cung cấp vũ khí cho Hezbollah ở Liban vốn được Iran ủng hộ. SyriaIsrael đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn khác biệt xa về lập trường trong việc Syria đòi Israel trả lại cao nguyên Golan trong khi Tel-Aviv muốn Damascus chấm dứt liên minh với Tehran.

Lãnh đạo Syria bác bỏ những khẳng định của Israel và nói rằng, Israel mưu toan bôi xấu Syria nhằm phá vỡ quá trình khôi phục hợp tác của Damascus với Mỹ và các nước phương Tây khác, cũng như làm giảm ảnh hưởng của Syria trong khu vực.

Ngoài tên lửa P-800 Yakhont, Moskva đồng ý bán cho Syria các máy bay chiến đấu MiG-29, tổ hợp tên lửa phòng không chống máy bay mới nhất với tầm hoạt động trong bán kính nhỏ "Pantsir-S1", cũng như các trực thăng chiến đấu và tổ hợp tên lửa chống tăng

Trương Minh (tổng hợp)
.
.