Hồ sơ giải mật của MI-6:

Chính phủ Anh đủ tỉnh táo để không làm trò bẩn

Thứ Năm, 20/06/2013, 13:20

Một loạt các hồ sơ mới giải mật được báo chí Anh đăng tải cho thấy, Cơ quan Tình báo đối ngoại Anh (MI-6) đã xây dựng một loạt kế hoạch phá hoại nhằm chống lại Liên Xô. Những kế hoạch trên được đánh giá là không từ bất cứ thủ đoạn nào - từ tung tin bôi nhọ, ám sát các lãnh tụ Đảng Cộng sản cho tới việc quẳng “bom thối” tại các phiên đại hội của Đảng Cộng sản v.v… Có điều là chính quyền Anh cuối cùng cũng đủ tỉnh táo để bác bỏ phần lớn những kế hoạch phá hoại trên.

Thông thường, thời hạn giải mật các tài liệu được cất giữ tại Cơ quan Lưu trữ quốc gia là 30 năm. Nhưng trong vụ này, mọi chuyện diễn ra theo một cách khác. Các tài liệu vừa được giải mật mới đây nằm trong một két sắt riêng biệt của chính phủ, sự tồn tại của nó chỉ được một vài người biết đến. Năm 2001, chúng được nghị sĩ Richard Wilson, người trước đây từng nắm giữ một loạt chức vụ quan trọng trong chính quyền, tình cờ phát hiện ra.  

Theo lời mô tả của Wilson, ngay sau khi tìm hiểu qua nội dung những tài liệu lưu trữ trên, mắt ông ta đã "trợn ngược lên" vì sửng sốt. "Trong suốt nhiều năm qua, người ta đã cất giữ những tài liệu trên mà không biết cần phải xử lý chúng như thế nào - Wilson chia sẻ với phóng viên tờ The Times - Đó là những thông tin thuộc loại giá trị nhất, khiến mọi chính phủ về sau này đều chỉ bằng lòng với một kết luận duy nhất: Nội dung của chúng quá phức tạp và tế nhị. Cần phải cất giữ nghiêm ngặt”. 

Cũng trong năm 2001, Wilson chính là người khởi xướng tiến trình lập danh mục và giải mật những tài liệu trên. Quá trình này trên thực tế đã phải mất tới hơn 10 năm, trước khi công chúng có thể biết được chỉ một phần tài liệu được tìm thấy, phần lớn có liên quan đến giai đoạn từ năm 1939 đến năm 1951. Bất chấp việc hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, một vài thông tin trong những tài liệu trên vẫn được xếp vào loại bí mật do tính chất nhạy cảm đặc biệt của chúng.

Đáng chú ý có một số tài liệu trong giai đoạn 1947-1948 có ghi lại các cuộc đàm phán về việc chuẩn bị kế hoạch cho cuộc chiến bí mật chống lại Liên Xô. Tất cả cho thấy ngay từ thời điểm tháng 12/1947, kế hoạch trên đã được ráo riết soạn thảo. Dù không biết rõ ai là người khởi xướng, nhưng có thể thấy vai trò rất lớn từ phía giới quân sự và Cơ quan tình báo MI-6.

Việc bàn bạc chi tiết về kế hoạch chống Liên Xô trên thực tế được bắt đầu từ hai bức thư của Hội đồng tham mưu quân đội gửi cho Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Orme Sargent vào tháng 12/1947. Tất cả cho thấy vào thời điểm đó, giới quân sự đã sẵn sàng cho các giải pháp mạo hiểm nhằm chống lại "sự bành trướng về chính trị của Liên Xô".

Ngay sau khi nhận được yêu cầu chính thức từ giới chỉ huy quân sự về việc soạn thảo một kế hoạch chi tiết chống Liên Xô, Sargent giao nhiệm vụ này cho nhà lãnh đạo MI-6 khi đó là Stewart Menzies, người trong phần lớn các thư từ, công văn qua lại chỉ được nhắc tới với mật danh "C". Sargent cũng nhấn mạnh, Chính phủ Anh cũng đang nghiên cứu khả năng xây dựng một cơ quan đặc biệt nhằm tuyên truyền chống lại các quốc gia thuộc phe XHCN.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Orme Sargent.

Kế hoạch hành động đã được soạn thảo theo những thời hạn cực kỳ ngắn, giúp cho Sargent đến ngày 20/1/1948 đã có được nó trong tay. Theo âm mưu của nhà lãnh đạo tình báo, có tới một nửa những hành động chống lại Liên Xô và khối Đông Âu được xếp vào loại "tuyên truyền công khai", trong khi những biện pháp bất hợp pháp khác chỉ được áp dụng dưới dạng "công cụ hỗ trợ".

Cho dù phần bí mật của kế hoạch được người đứng đầu MI-6 xếp vào vai trò thứ yếu, nhưng chính ông ta lại đánh giá nó có hiệu quả hơn. Cụ thể khi nói về kế hoạch "tuyên truyền đen" của mình, Menzies viết: "Nhờ đó có thể tác động đến những người vốn không thể tiếp cận bằng hành động tấn công công khai. Khi sử dụng nó để làm mất uy tín các chính quyền cộng sản, hoàn toàn có thể viện tới những phương pháp và tài liệu vốn bị ngăn cấm tuyệt đối trong tuyên truyền mở".

Menzies đề xuất nên cho phổ biến những bức ảnh, bài báo giả mạo để nói xấu Liên Xô, bôi nhọ các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản. Ngoài ra, người đứng đầu MI-6 cũng đề nghị cho phổ biến tại các nước phương Đông cái gọi là "những tác phẩm văn học bị cấm đoán". Điển hình là hai cuốn sách của những kẻ đào tẩu tới Mỹ là Victor Kravchenko và Valter Krivishky, cũng như báo cáo vạch trần mạng lưới tình báo Xôviết tại Canada của điệp viên phản bội Igor Guzenko, tất nhiên trong đó tô vẽ nhiều tình tiết với hy vọng khuyến khích làm gia tăng những kẻ muốn đào tẩu sang phương Tây. 

Phần thứ hai của bản kế hoạch có tính chất táo bạo hơn với khả năng về các chiến dịch đặc biệt - xây dựng các nhóm phá hoại đặc biệt với nhiệm vụ kiểu như phá hoại các đại hội đảng, phá hủy tài liệu của Cơ quan Tình báo Xôviết khi đó là NKVD, kích động bãi công, phá hoại sản xuất v.v… Trong đó còn liệt kê một loạt thủ đoạn được đánh giá là có thể có hiệu quả như bắt cóc các nhân vật cao cấp sau đó giả mạo việc họ chạy trốn sang phương Tây hay thậm chí ám sát họ; ném bom thối vào các đại hội của Đảng Cộng sản, đánh bom hay đốt cháy các đoàn tàu nhằm gây ra những thiệt hại lớn về nhân mạng.

Kế hoạch do nhà lãnh đạo MI-6 vạch ra đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong Bộ Ngoại giao. Nhưng chủ yếu là thái độ nghi ngờ về khả năng hiện thực hóa, kết quả khó có thể dự đoán cũng như hậu quả khó lường. Chẳng hạn liên quan đến các chiến dịch đặc biệt, giới ngoại giao vẫn lo ngại về một sắc lệnh đặc biệt của chính phủ cấm bất kỳ những hành động phá hoại nào trên lãnh thổ Liên Xô hay các nước đồng minh của họ.

Cũng theo Sargent thừa nhận, chính phủ khi đó cũng mới thành lập một cơ quan đặc biệt chuyên về tuyên truyền hợp pháp được gọi là Cục Nghiên cứu thông tin (IRS).

Về sau, quan điểm của Bộ Ngoại giao Anh cũng đã có một chút mềm hóa, và kế hoạch đã được thông qua ở mức cao nhất. Tuy nhiên, các hoạt động bất hợp pháp chỉ được qui định triển khai tại Đức, Áo và Trung Đông; còn việc thực thi nhiệm vụ được chuyển giao cho IRS. Đến năm 1948, Chính phủ Anh đưa ra quyết định trì hoãn chương trình, ít nhất là tại khu vực châu Âu.

Liên quan đến các chiến dịch đặc biệt, đích thân Bộ trưởng Ngoại giao Ernest Bevin ra lệnh nghiêm cấm triển khai. Tuy nhiên cũng trong năm 1948, người Anh mới biết các đồng nghiệp tại Washington cũng có những âm mưu tương tự, khi Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) có kế hoạch tập hợp các nhóm lưu vong từ những quốc gia Đông Âu để chuẩn bị cho các chiến dịch phá hoại. London đã tìm cách đàm phán với đồng minh bên kia đại dương về kế hoạch trên, cho dù các tài liệu không nói rõ về kết quả cụ thể như thế nào

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.