Hồ sơ WikiLeaks:

Chính quyền Mỹ đã giúp Boeing bán máy bay như thế nào?

Thứ Ba, 18/01/2011, 12:35
Từ nhiều năm nay, thị trường máy bay trên thế giới đã chứng kiến cuộc đấu gay cấn giữa 2 gã khổng lồ Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu, trong đó Boeing thường giành được những hợp đồng "tỉ đô" một cách ngoạn mục vào phút chót khiến đối thủ Airbus tức tối. Những bức điện do WikiLeaks tiết lộ đã vén bức màn bí mật về việc các nhà ngoại giao Mỹ kiêm luôn công việc "bán hàng" giúp cho Hãng Boeing giành nhiều hợp đồng béo bở.

Các bức điện do WikiLeaks tiết lộ đã mô tả những bức thư của Tổng thống Mỹ gửi cho nguyên thủ các nước và các chuyến thăm cấp cao chỉ nhằm mục đích vận động hậu trường và những cuộc mặc cả mua bán. Các bức điện còn chứa đựng những màn vòi vĩnh hối lộ hoặc yêu cầu chi hoa hồng môi giới cho những tay "cò ngoại giao" đáng ngờ.

Trong các cuộc trả lời báo chí mới đây, các nhà ngoại giao Mỹ cũng như quan chức Hãng Boeing đều thừa nhận việc vận động hậu trường để giành hợp đồng bán máy bay là có thật, bất chấp điều này đã vi phạm nguyên tắc trong một thỏa thuận về thương mại song phương đã được ký giữa lãnh đạo Mỹ và EU cách nay 30 năm.

Việc chính quyền Mỹ cử các nhà ngoại giao làm công việc "tiếp thị bán hàng" giúp Boeing không phải là điều gì mới mẻ mà đã tồn tại từ nhiều thập niên qua. Ông Robert Hormats, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về kinh tế cho biết, nền kinh tế Mỹ đang ngày càng thiên về lấy xuất khẩu để làm đòn bẩy phục hồi đà tăng trưởng, đặc biệt là việc bán hàng sang các quốc gia đang phát triển mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ Latinh và Trung Đông, cho nên việc vận động ngoại giao để bán hàng kiểu đó cũng đang là xu hướng mạnh. Hàng hóa cần bán bây giờ cũng đa dạng hơn, ngoài máy bay chở khách còn có cả các loại máy móc cơ giới, nhà máy điện... Nhiều khi ngay cả Tổng thống Mỹ cũng "ra tay" nếu thấy cần thiết.

Máy bay Boeing đã được bán phần lớn nhờ các nhà ngoại giao Mỹ.

Mặt khác, việc vận động "ngoại giao bán hàng" không chỉ giúp gia tăng lợi nhuận cho các hãng sản xuất mà quan trọng hơn còn giúp tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn công nhân Mỹ, tức là cũng có ý nghĩa nhất định về mặt chính trị. Đối với Hãng Boeing, cứ 1 tỉ USD doanh thu sẽ tạo ra 11.000 công việc làm, và mỗi hợp đồng được Bộ Ngoại giao vận động giúp thường có giá trị lên đến 10 tỉ USD, có nghĩa là hàng trăm ngàn công việc được tạo ra.

Nhưng "ngoại giao bán hàng" cũng có cái giá, lãnh đạo các nước cũng đưa ra điều kiện này nọ trước khi quyết định mua.

Theo các bức điện được WikiLeaks tiết lộ, vụ trao đổi mua bán máy bay Boeing với Vua Abdullah của Arập Xêút được xem là điển hình nhất. Tháng 11/2010, Arập Xêút đã thông báo thỏa thuận mua 12 chiếc máy bay Boeing loại 777-300ER, đồng thời có thể mua thêm 10 chiếc nữa, tổng trị giá hơn 3,3 tỉ USD.

Theo các bức điện được tiết lộ, thỏa thuận mua bán này là kết quả của nhiều năm vận động hậu trường của các nhà ngoại giao Mỹ. Chẳng hạn, vào khoảng cuối năm 2006, Israel Hernandez, một quan chức cao cấp của Bộ Thương mại Mỹ đã trao tận tay cho Vua Abdullah một bức thư riêng của Tổng thống George W. Bush, với nội dung thúc giục Vua Abdullah mua 43 chiếc máy bay để hiện đại hóa đội bay của Hãng Hàng không Saudi Arabian Airlines, kèm theo đó là 13 chiếc chuyên cơ dùng riêng cho Hoàng gia.

Sau khi đọc xong bức thư, Vua Abdullah bỗng tuyên bố chọn máy bay Boeing 747 loại đã qua sử dụng, hủy hợp đồng mua máy bay của Hãng Airbus vào phút chót. Tuy nhiên, Vua Abdullah còn thòng một điều kiện là ông muốn chiếc máy bay riêng của ông cũng được trang bị đầy đủ tiện nghi lẫn phương tiện kỹ thuật cao cấp như chiếc Air Force One của Tổng thống Bush. Tháng 12/2010, Chính phủ Mỹ đã phê chuẩn việc đáp ứng yêu cầu của Vua Abdullah.

Trường hợp mua máy bay của Thủ tướng Bangladesh Sheik Hasina Wazed thì lại có kiểu yêu cầu khác. Một bức điện tháng 11/2009 trích lời bà Hasina đặt vấn đề với các nhà ngoại giao ở Đại sứ quán Mỹ như sau: "Nếu không có đường bay tới New York thì đặt mua máy bay Boeing để làm gì?". Và bà Hasina yêu cầu phía Mỹ phải cho quyền máy bay của Hãng Biman Bangladesh Airlines đáp xuống Sân bay Quốc tế Kennedy để đổi lại hợp đồng mua máy bay.

Nhưng yêu cầu mặc cả của Thổ Nhĩ Kỳ mới "ghê" hơn. Tháng 1/2010, trong lúc các nhà ngoại giao Đại sứ quán Mỹ vận động Hãng Hàng không Turkish Airlines (50% vốn nhà nước) mua 20 chiếc máy bay Boeing, Bộ trưởng Giao thông Binali Yildirim đã gặp Đại sứ Mỹ ở Ankara và yêu cầu Mỹ hỗ trợ phát triển chương trình không gian bằng cách dành cho người Thổ Nhĩ Kỳ một "vé" trên một chuyến bay vào vũ trụ của NASA thì mới đồng ý mua máy bay.

James Jeffrey, Đại sứ Mỹ tại Ankara lúc đó, đã phải vận động quyết liệt để Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý tiếp nhận chương trình hỗ trợ của Cơ quan Quản lý hàng không quốc gia (FAA) nhằm cải thiện mức độ an toàn cho các chuyến bay và thám hiểm không gian. Tháng 2/2010, hợp đồng mua 20 máy bay đã được phê duyệt.

Tổng thống Mỹ Bush và Vua Abdullah của Arập Xêút.

Các bức điện cũng cho thấy Chính phủ Mỹ luôn sẵn sàng ra tay cứu giúp mỗi khi Boeing lâm vào thế khó khăn. Như trong vụ mua bán máy bay với Hãng Hàng không Gulf Air của Bahrain vào cuối năm 2007 chẳng hạn. Năm đó, Hội đồng quản trị của Gulf Air đã quyết định chọn máy bay Airbus vì giá cả rẻ hơn Boeing đến 400 triệu USD. Đây là một hợp đồng có giá trị rất lớn. Boeing lên tiếng "cầu cứu" và Chính phủ Mỹ tuyên bố "còn nước còn tát", vì quyết định chọn mua máy bay của Gulf Air còn phải được Chính phủ Bahrain phê chuẩn mới tiến hành được.

Thế là Đại sứ Adam Ereli cùng với tùy viên thương mại Mỹ tại Bahrain bắt tay vào hành động, vận động không chỉ ban lãnh đạo Hãng Gulf Air mà cả Chính phủ lẫn Quốc hội Bahrain, thỉnh cầu lên cả Hoàng thái tử để ông này tác động lên Quốc vương Bahrain. Mục tiêu của Đại sứ Ereli là hoàn tất hợp đồng mua bán máy bay Boeing trước khi Tổng thống Bush thực hiện chuyến thăm chính thức vương quốc Vùng Vịnh này. Và kết quả là tháng 1/2008, Quốc vương và Hoàng thái tử Bahrain từ chối hợp đồng mua máy bay của Airbus để mua máy bay Boeing

An Châu (tổng hợp)
.
.