Chính sách dẫn độ gây bất hòa giữa các cơ quan tình báo Anh

Thứ Bảy, 11/06/2016, 07:35
Sự dính líu của chính quyền cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trong những chiến dịch dẫn độ bí mật gây tranh cãi đã gây ra sự bất hòa chưa từng có giữa 2 cơ quan tình báo Anh MI-5 và MI-6, vào lúc cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ phát động đang vào cao điểm.

Eliza Manningham-Buller (gọi tắt là EMB), nữ lãnh đạo MI-5 từ năm 2002 đến 2007, nổi giận khi bất ngờ phát hiện vai trò của MI-6 trong những vụ bắt cóc dẫn đến việc các nghi can khủng bố bị tra tấn nên từ đó bà ra lệnh tống khứ nhiều nhân viên MI-6 ra khỏi cơ quan này tại Thames House  ở London.

Eliza Manningham-Buller (trái) và Tony Blair.

Bà cũng viết thư gửi đến Thủ tướng Anh lúc đó là Tony Blair để than phiền về tư cách đạo đức của nhân viên MI-6, bà nói rằng những hành động của họ đe dọa hoạt động thu thập thông tin tình báo của Anh cũng như gây nguy hiểm cho sự an toàn của sĩ quan MI-5 cùng với đội ngũ người chỉ điểm của họ. Bức thư gây sự mất lòng tin nghiêm trọng và kéo dài giữa 2 cơ quan trình báo trong nước và đối ngoại.

Bức thư được các nhà điều tra phát hiện cũng có thể khiến cho nhân viên tình báo Anh bị truy tố do liên quan đến việc dẫn độ Abdul Hakim Belhaj, lãnh đạo phe đối lập chống Đại tá Muammar Gadhafi của Libya. Belhaj bị bắt giữ tại thủ đô Bangkok của Thái Lan hồi tháng 3-2004 trong chiến dịch phối hợp Anh-Mỹ và sau đó chuyển giao cho Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Sir Mark Allen, lãnh đạo MI-6.

Belhaj được cho là đã bị CIA tra tấn và tiêm "truth serum" (thuốc khai sự thật) trước khi được đưa đến thủ đô Tripoli của Libya để tiếp tục tra khảo. Theo số tài liệu được tìm thấy tại Tripoli, 5 ngày trước khi Balhaj được bí mật đưa đến Tripoli, MI-6 trao cho cơ quan tình báo của Gadhafi mọi thông tin về người này. Belhaj cũng tố cáo tình báo Anh thẩm vấn ông lần đầu tiên tại Tripoli: "Tôi không được phép tắm rửa trong suốt 3 năm và không nhìn thấy mặt trời trong 1 năm. Họ treo tôi trên tường và nhốt tôi trong phòng biệt giam, rồi thường xuyên tra tấn tôi".

Vai trò bí mật của MI-6 bị phơi bày sau khi chế độ của nhà độc tài Gadhafi sụp đổ và nhiều tài liệu mật được tìm thấy khi binh sĩ Mỹ lục soát những văn phòng của lãnh đạo tình báo Libya Moussa Koussa. Một bản ghi chép đề ngày 18-3-2004 của Sir Mark Allen - lúc đó lãnh đạo đơn vị phản gián của MI-6 gửi đến cho Moussa, trong đó đề cập đến sự hợp tác tình báo giữa Libya và Anh trong chiến dịch dẫn độ Belhaj.

Bức thư của EMB gửi đến Thủ tướng Tony Blair phản ánh sự bất đồng sâu sắc giữa 2 cơ quan tình báo Anh về những phương pháp thu thập thông tin được sử dụng sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ. EMB nhấn mạnh với tờ The Guardian rằng, bà cảm thấy "sốc và kinh sợ" trước hành động tra tấn Belhaj của MI-6 - lúc đó do Sir Richard Dearlove lãnh đạo (từ năm 1999 đến ngày 6-5-2004).

Các tài liệu mật của cảnh sát chính quyền Gadhafi cũng mô tả chiến dịch bắt cóc Fatima Bouchar (vợ của Belhaj) và những đứa con của họ cùng với nghi can Sami al-Saadi và gia đình người này để giam giữ trong những nhà tù tra tấn ở Tripoli năm 2004. Chính quyền Anh đã bồi thường 2,2 triệu bảng Anh cho al-Saadi và gia đình người này. Song Belhaj từ chối sự hòa giải trừ phi nhận được lời xin lỗi từ chính phủ Anh.

Vụ án của Belhaj sau đó được chuyển đến tòa án tối cao Anh để điều tra xét xử. Sở cảnh sát London cũng tiến hành điều tra về sự dính líu của nhân viên tình báo Anh trong các chiến dịch dẫn độ nghi can khủng bố ở Libya. Một nguồn tin từ chính quyền Anh cho biết: "Đây là lĩnh vực cực kỳ khó khăn cho cảnh sát và công tố viên. Vấn đề là Viện công tố không thể đưa ra lời buộc tội chống lại chính sách của chính phủ".

Abdul Hakim Belhaj (giữa) phát biểu trong cuộc họp báo tại Tripoli, năm 2012.

EMB cho rằng mục đích dính líu đến chính quyền Gadhafi nhằm thuyết phục nhà lãnh đạo Libya từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và hóa học là "không sai về nguyên tắc" nhưng bà nhận định: "Có nhiều câu hỏi phải được trả lời về những mối quan hệ phát triển sau đó".

Khi chương trình dẫn độ của Libya phơi bày ra ánh sáng, Ngoại trưởng Anh Jack Straw, người chịu trách nhiệm về MI-6, lên tiếng: "Không ngoại trưởng nào có thể biết được mọi chi tiết về những gì mà các cơ quan tình báo làm vào bất cứ thời điểm nào". Bản thân Jack Straw cũng từng chịu thẩm vấn của cảnh sát Anh với tư cách là nhân chứng.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.