Chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Ai Cập

Thứ Bảy, 27/10/2007, 16:35
Sự kiện các quốc gia phương Tây lên án Iran phát triển chương trình hạt nhân vào mục đích quân sự hiện đang được dư luận quốc tế quan tâm. Thế nhưng tại Trung Đông, không chỉ Israel và Iran phát triển chương trình hạt nhân. Những tiết lộ mới đây trên tạp chí Le Nouvel Observateur của Pháp cho biết, Ai Cập đã từng thực hiện chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước.

Nằm cách thủ đô Cairo của Ai Cập 50km về hướng đông là Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Inshas (INRC) được xây dựng vào năm 1962 theo lệnh của Tổng thống Gamal Abdel Nasser với sự giúp đỡ của các chuyên gia hạt nhân Liên Xô, nhằm đối phó với Israel. Tại đây được lắp đặt hai lò phản ứng nhỏ có công suất 2MW để làm giàu uranium, nguyên liệu chính chế tạo bom hạt nhân.

Được xây dựng trên diện tích 20 ha ở lưu vực sông Nil, INRC là nơi làm việc của 800 chuyên gia hạt nhân Ai Cập được đào tạo tại Liên Xô. INRC được bảo vệ cẩn mật bởi hai tiểu đoàn lính thiện chiến của Lực lượng Vệ binh quốc gia đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của đích thân Tổng thống Nasser.

Ngoài ra, một hệ thống  phòng không bao gồm đại bác và tên lửa hiện đại do Liên Xô cung cấp cũng được thiết lập trong bán kính 20km chung quanh INRC nhằm giáng trả kịp thời mọi cuộc tấn công phá hoại từ trên không và trên bộ bởi không quân và đặc nhiệm Israel.

Thế nhưng, vào năm 1965, chỉ cho đến khi Ai Cập bí mật triển khai xây dựng một căn cứ thử nghiệm tại hoang mạc Gabal Gattar cách thủ đô Cairo 700km về phía bắc thì nhiều cơ quan tình báo nước ngoài mới tin rằng Ai Cập có thể đã chế tạo được một quả bom hạt nhân loại nhỏ (bom A) có sức công phá tương đương quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật vào tháng 9/1945.

Các tấm ảnh được vệ tinh tình báo Mỹ ghi được cho thấy tại căn cứ Gabal Gattar, Ai Cập đã cho xây dựng hai bãi thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Trước nghi vấn của các quốc gia phương Tây, Tổng thống Nasser lên tiếng trấn an là Gabal Gattar chỉ là một căn cứ quân sự thử nghiệm vũ khí thông thường, chủ yếu là các tên lửa phòng không mua từ Liên Xô cũ và phía Ai Cập thực hiện các công việc cải tiến và thử nghiệm tại đây.

Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Inshas của Ai Cập.

Nhiều người cho rằng Israel nghi ngờ Ai Cập sẽ liên kết với các quốc gia Arập khác tấn công tiêu diệt Israel bằng vũ khí hạt nhân. Vì vậy, Israel với sự hỗ trợ của Mỹ và Pháp đã nhiều lần lên kế hoạch tấn công triệt phá cả INRC và căn cứ thử nghiệm Gabal Gattar nhưng bất thành.

Năm 1967, vài tháng trước khi xảy ra sự kiện các quốc gia Arập, trong đó có Ai Cập, xua quân tấn công Israel vào tháng 6/1967, một vệ tinh tình báo thế hệ Vela của Mỹ đã ghi nhận được dữ liệu liên quan đến một vụ nổ ngầm dưới lòng hoang mạc ở miền Bắc Ai Cập, là nơi có căn cứ thử nghiệm Gabal Gattar.

Sau khi phối kiểm dữ liệu, tình báo Mỹ cho rằng chắc chắn đó là một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Ai Cập nên liền cảnh báo cho Israel. Khi các quốc gia Arập xua quân tấn công Israel vào tháng 6/1967, do lo ngại Ai Cập sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nên Israel phải cầu cứu Mỹ tác động đến Liên Xô để ngăn chặn khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Israel của Ai Cập.

Tuy nhiên điều lo ngại của Israel đã không xảy ra. Nhiều người cho rằng, có thể Ai Cập còn chưa hoàn tất việc chế tạo một quả bom hạt nhân hoặc Liên Xô cho rằng một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào Israel sẽ khơi mào cho một cuộc đối đầu hạt nhân tại Trung Đông nên đã gây áp lực buộc Tổng thống Nasser không sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Israel vào tháng 6/1967.

Tuy nhiên, dư luận thế giới vẫn đánh giá rằng nguy cơ đối đầu hạt nhân giữa Israel và các quốc gia Arập tại Trung Đông là rất cao.

Đến tháng 10/1973, cuộc đối đầu hạt nhân tại Trung Đông lại nóng khi các quốc gia Arập bất ngờ đưa quân tấn công Israel để giành lại những phần lãnh thổ mà Israel đã chiếm giữ của các quốc gia này sau thất bại của cuộc chiến 6 ngày vào tháng 6/1967.

Trước nguy cơ Israel, sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để giáng trả, Tổng thống Sadate ra lệnh triển khai các tên lửa Scud-B tại căn cứ Gabal Gattar. Các nguồn tin tình báo phương Tây đã cảnh báo với Israel là những tên lửa Scud-B này có thể được gắn đầu đạn hạt nhân để bắn vào các thành phố lớn của Israel.

Thất bại trong cuộc chiến lần thứ hai với Israel đã khiến Tổng thống Sadate quyết định đình chỉ hẳn chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Ai Cập, nhất là sau khi ông và Tổng thống Mỹ Richard Nixon đạt được thỏa thuận là Ai Cập sẽ tháo dỡ chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của mình để đổi lại việc Mỹ sẽ giúp Ai Cập phát triển chương trình nghiên cứu hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Đến tháng 7/1975, Ai Cập tiến hành tháo dỡ toàn bộ cơ sở thử nghiệm vũ khí hạt nhân tại căn cứ Gabal Gattar nhưng không cho Cơ quan Nguyên tử quốc tế (IAEA) hay Mỹ giám sát việc tháo dỡ này.

Nhiều người cho rằng sở dĩ Ai Cập hành động như vậy là muốn xóa sạch dấu vết liên quan đến chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của họ. Đến năm 1977, việc tháo dỡ căn cứ Gabal Gattar mới hoàn tất.

Tháng 10/1979, với việc ký kết Hiệp định hòa bình với Israel tại Trại David, Ai Cập mới quyết định cho phép IAEA thanh sát chương trình hạt nhân của họ tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Inshas và căn cứ thử nghiệm Gabal Gattar. Từ đó cho đến nay, Ai Cập luôn công khai chương trình hạt nhân của họ dưới sự giám sát của IAEA

Văn Hòa (theo Le Nouvel Observateur)
.
.